The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tăng trải nghiệm học dùng các cấp độ tư duy

Trong tập podcast chỉ ra tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi sao cho thật hiệu quả mình có nhắc tới Bloom’s Taxonomy, một phương pháp thường được áp dụng trong môi trường sư phạm, nhằm giúp giáo viên tăng tương tác và củng cố kiến thức của học sinh. Thú vị là có tới 80% bạn nghe podcast đã bình chọn cho lựa chọn “Cần một bài blog để giải thích thêm”. Mặc dù phương pháp này nghe có vẻ phức tạp vì mang tính giáo dục cao và được ra đời từ rất lâu nhưng giờ đây vẫn được gợi ý cho người làm công việc đào tạo. Thêm vào đó framework này cũng có những sự thay đổi, biến hóa và cả được thay thế bởi một hình thức mới hơn nên bài viết này sẽ đi vào chi tiết và giới thiệu các phiên bản khác để bạn tham khảo ngoài những chia sẻ đã được nói trên tập podcast.

Nghe tập podcast tại đây hoặc Spotify: Cải thiện khả năng đặt câu hỏi với Bloom’s Taxonomy

Shownotes tập podcast trong series #gócnhìn về đặt câu hỏi tốt hơn – ask better questions

Bloom’s Taxonomy là gì?

Vào năm 1956, Benjamin Bloom đã làm việc với một nhóm các nhà giáo dục để phân loại các mức độ của những hành vi liên quan tới trí tuệ và lập thành một biểu đồ tháp gồm 6 tầng tương ứng với mỗi mức độ nhận thức, được biết tới với tên gọi Bloom’s Taxonomy.

Biểu đồ năm 1956 bao gồm 6 cấp độ:

nguồn Wikipedia

Knowledge

Mức độ ghi nhớ kiến thức.

Miền nhận thức này được thể hiện bởi khả năng nhận biết hoặc ghi nhớ các sự kiện, thuật ngữ, khái niệm cơ bản nhưng không nhất thiết phải hiểu ý nghĩa của chúng.

Nếu bạn vượt qua một bài kiểm tra chỉ bằng trí nhớ ngắn hạn khi vừa kịp nhìn vài trang sách 30 phút trước giờ thi, rồi sau đó các chữ nghĩa trôi đi hết thì có thể bạn mới đang sử dụng tới giới hạn này của trí tuệ. Một vài từ khóa hay động từ để xác định một câu hỏi ở mức độ này: Hãy kể tên, nêu định nghĩa, Nhắc lại, chỉ ra, viết lại theo thứ tự.

Comprehension

Mức độ hiểu, lĩnh hội, bao hàm.

Tới giai đoạn này, chúng ta có khả năng thể hiện sự hiểu biết về các sự kiện và ý tưởng bằng cách sắp xếp, tóm tắt, dịch, khái quát, đưa ra mô tả và nêu các ý chính.

Một liên hệ thực tế là khi bạn hiểu một công thức toán học, hoặc khi bạn hiểu một sự kiện lịch sử đã diễn ra và có thể tóm tắt lại bằng lời văn của mình. Hoặc khi mình xem các hướng dẫn về chỉnh video trên Youtube và sau đó có thể làm theo những gì được chỉ dẫn.

Một vài từ khóa hay động từ để xác định một câu hỏi ở mức độ này: Mô tả, Phân biệt, Giải thích, Diễn giải, Dự đoán, Nhận biết & Tóm tắt.

Application

Mức độ ứng dụng kiến thức.

Với miền nhận thức này, chúng ta có khả năng giải quyết vấn đề trong các tình huống mới bằng cách áp dụng kiến thức, sự kiện, kỹ thuật và quy tắc đã thu được. Người học phải có khả năng sử dụng kiến thức trước đây để giải quyết vấn đề, xác định các kết nối và mối quan hệ cũng như cách chúng áp dụng trong các tình huống mới.

Nếu ở mức độ trên chúng ta có thể ghi lại một công thức toán (knowledge) giải một phương trình mà công thức đã có sẵn (comprehension) thì ở đây bạn sẽ đọc một đề bài toán và đoán được sẽ sử dụng quy tắc toán học nào để lập một phương trình và đưa ra đáp án.

Hoặc quay lại với ví dụ về chỉnh sửa video, nếu sau một thời gian sử dụng quen, mình có thể áp dụng nhiều tính năng khác nhau trong phần mềm để dựng một video theo đúng ý của mình.

Một vài từ khóa hay động từ để xác định một câu hỏi ở mức độ này: Áp dụng, So sánh, tìm điều Tương phản, Chứng minh, Kiểm tra, Liên hệ

Analysis

Mức độ phân tích, kết nối.

Bao gồm việc kiểm tra và chia nhỏ thông tin đã tiếp nhận, tìm ra sự liên quan của các phần của thông tin, chỉ ra cách chúng được kết hợp với nhau, xác định động cơ hoặc nguyên nhân, đưa ra suy luận và tìm bằng chứng để hỗ trợ cho việc khái quát hóa.

Khi đọc định nghĩa về tầng nhận thức này, mình nhớ lại các lớp học của cô giáo dạy lịch sử của mình hai năm cuối cấp ba. Hồi đấy chúng mình phải thi tốt nghiệp cấp 3 gồm sáu môn, vì phải tới cuối năm mới biết sẽ thi những môn gì ngoài 3 môn chính là Toán, văn, ngoại ngữ, nên cô thực sự đã rất tâm huyết với chúng mình. Lần đầu tiên mình thấy các sự kiện lịch sử thật sự có một logic riêng. Cô dạy cách liên kết các dữ kiện (không kèm ngày tháng) để đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đồng thời cô cũng sắp xếp bài dạy để tìm ra một ‘mẫu’ sẵn, từ đó chúng mình có thể áp dụng vào việc ghi nhớ các sự kiện lịch sử khác. Đơn giản vì các bài học hồi đó thường đi cùng các cuộc chiến, chưa kể các đề thi cũng thường đưa ra câu hỏi về các mốc thời gian quan trọng, cho nên với sự phân tích này của cô đã giúp chúng mình có thể suy luận và kết nối các diễn biến trong lịch sử một cách logic hơn, từ đó mà dễ nhớ, dễ thuộc hơn.

Thật thú vị là thành kiến “các môn học thuộc lòng” khiến học sinh coi nhẹ những bộ môn đó sẽ lập tức bị thay đổi nếu chúng ta sử dụng tư duy phân tích của mình. Đặc biệt là khi chúng ta biết phân tích và tìm sự liên quan giữa các yếu tố trong dữ liệu kiến thức, chúng ta dễ dàng cảm thấy hứng thú hơn và đặt tâm trí ở một tầng cao mới, mở ra những dòng chảy suy nghĩ để sử dụng trí tuệ ở những giai đoạn phức tạp hơn. Các từ khóa: Phân tích, Phân biệt, Phân biệt, Giải thích, Suy luận, Liên hệ, Nghiên cứu & Riêng biệt

Synthesis

Mức độ tổng hợp, sáng tạo.

Liên quan đến việc xây dựng một cấu trúc hoặc khuôn mẫu từ các yếu tố đa dạng; hoặc tạo ra một cái gì đó mới bằng cách kết hợp các ý tưởng từ các nguồn khác nhau để tạo thành một tổng thể mới.

Nói đến sáng tạo mình muốn kể tới sự ngưỡng mộ của mình dành cho những nhà lập trình viên, các coder. Nếu mình học một ngôn ngữ đủ tốt để có thể sử dụng, thậm chí viết nên các nghiên cứu khoa học, bài luận bằng ngoại ngữ được thì những người học ngôn ngữ lập trình có thể biến thiên nó thành các sản phẩm công nghệ, trông có vẻ rất đơn giản và gọn gàng ở front-end (nơi người dùng thấy) thì có thể là rất nhiều dòng code phức tạp, nhiều giải pháp tinh tường mà nhà lập trình đã thực hiện.

Nhắc lại ví dụ khiêm tốn về việc dựng video mình đã nêu ở trên, thì đây có thể là mức độ mà một người sản xuất phim có thể kết hợp nhiều kỹ năng và sản phẩm từ các chương trình khác nhau, các cảnh quay với kiến thức quay phim khác nhau để tạo thành một sản phẩm phim cuối cùng vô cùng đa dạng và chuyên nghiệp. Đây là hình dung mà mình đang mơ tưởng giá như mình có thể đạt được tới trình độ này một ngày không xa. Nhưng cũng biết rằng sẽ cần nhiều cố gắng trau dồi nữa mới tới được đó!

Từ khóa ở mức độ này: Sắp xếp, Kết hợp, Tạo, Thiết kế, Phát triển Công thức, Tích hợp & Tổ chức.

Evaluation

Mức độ đánh giá.

Ở cấp độ cao nhất này, chúng ta có khả năng làm luật sư cho niềm tin vào kiến thức của mình. Ngoài khả năng trình bày, chúng ta còn có thể bảo vệ ý kiến của mình bằng cách đưa ra các đánh giá về thông tin, tính hợp lệ và chất lượng của các bằng chứng hoặc công việc dựa trên những tiêu chí cụ thể.

Khi nhắc tới sự đánh giá mình nghĩ ngay tới các ý kiến trái chiều gần đây mình bắt gặp về một phương pháp quản lý hiệu suất: pomodoro.

Thật sự hiện nay chúng ta có cơ hội tiếp cận nhiều phương pháp quản lý thời gian và tăng hiệu suất. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta nghi ngờ tính hiệu quả của những phương pháp này khi không đạt hiệu quả như ý sau khi thử áp dụng một thời gian. Phương pháp pomodoro trở thành một hiện tượng có sức nóng nhất định khi nó được nhắc tới nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, thêm vào đó rất nhiều những video của trào lưu Study with me có lồng ghép kỹ thuật hiệu suất này.

Nhắc tới từ khóa ‘kỹ thuật’ – Technique thì pomodoro được định nghĩa là ‘kỹ thuật Pomodoro’, một phương pháp trong lĩnh vực quản lý thời gian. Vậy là chúng ta có thể sử dụng nó một cách linh hoạt để quản lý thời gian của mình. Linh hoạt ở đây có nghĩa là sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để cuối cùng đạt được hiệu suất mong muốn.

Chính xác thì Francesco Cirillo, cha đẻ của kỹ thuật này muốn bạn sử dụng nó để giảm những sự phân tán lại và đạt được mức độ tập trung mong muốn. Thay vì nghĩ tới đống email cần phải trả lời khi làm một nhiệm vụ, bạn cho phép mình chọn “Chỉ 25 phút này thôi rồi tôi sẽ xử lý đống email đó!” Thêm vào đó nó cũng được dùng để tạo giới hạn thời gian cho các nhiệm vụ, ép bạn làm nhanh hơn. Cuối cùng là để đo lường thời gian bạn sử dụng cho một công việc.

Như vậy nếu bạn đã có sự tập trung và muốn dành thời gian để đạt được trạng thái chìm đắm trong công việc, một điều bạn không cần phải giới hạn mình theo mức độ phút, thay vào đó là cả 1 tháng hay vài tháng, thì bạn đâu cần chiếc đồng hồ bấm giờ Pomodoro đâu? Đó là lí do có nhiều người dùng phương pháp này nhưng lại thấy phiền vì vừa đạt tới mức độ tập trung thì lại phải đứng dậy nghỉ 5′ hay 10′.

Vừa rồi là một ví dụ ngắn của việc mình đánh giá một kỹ thuật, sau đó là xác định nguyên nhân vì sao nó lại không hiệu quả với một vài người, sau đó là một chút phê bình nhẹ việc sử dụng sai khiến các bạn đổ oan cho kỹ thuật này như thế nào.

Các động từ thể hiện hành vi ở mức độ này: Đánh giá, Phê bình, Xác định, Đánh giá, Đánh giá, Biện minh, Đo lường & Đề xuất.

Phiên bản cập nhật Bloom’s Taxonomy 2001

Nguyên tắc phân loại nhận thức của Bloom đã được cập nhật vào năm 2001 bởi Lorin Anderson và David Krathwohl. Phiên bản mới vẫn có 6 cấp độ, sự khác biệt thể hiện rõ nhất ở sự thay đổi từ các danh từ sang các động từ. Như vậy người học sẽ dễ dàng hình dung hơn phải làm gì để thể hiện các mức độ tư duy đó.

Ngoài ra, phiên bản mới có sự đổi chỗ giữa 2 cấp độ cao nhất, từ đó CREATE đứng ở đỉnh của kim tự tháp tư duy, còn đánh giá đứng ở vị trí thứ hai.

nguồn teachersupport.info

Nếu nguyên tắc của khung đo lường nhận thức này yêu cầu chúng ta phải nắm vững và đi theo thứ tự từ những cấp độ thấp, chúng ta có thể thấy ở thế kỷ 21 chúng ta đề cao và ưu tiên tính sáng tạo, khả năng đưa ra những sáng kiến và sự đổi mới hơn là việc đưa ra nhận định và đánh giá.

Nếu phân tích bản chất ở mỗi mức độ thì không có nhiều khác biệt với các định nghĩa ở phiên bản cũ. 6 cấp độ:

  • Remember: Nhắc lại thông tin và định nghĩa cơ bản
  • Understand: Giải thích thông tin và các định nghĩa
  • Apply: Sử dụng thông tin ở tình huống khác
  • Analyze: Chỉ ra các mối tương quan giữa các phần của kiến thức
  • Evaluate: Đánh giá, ủng hộ hoặc phản biện, đưa ra kết luận
  • Create: Phát triển kiến thức, đổi mới và chuyển hóa thành một thông tin mới

Phiên bản thay thế: Webb’s Depth of Knowledge

Độ sâu của kiến thức của Webb là một khung đánh giá khác được phát triển vào năm 1997 bởi Tiến sĩ Norman Webb. Mục đích khi phát triển nguyên tắc này là để phân loại các hoạt động theo mức độ phức tạp của tư duy. Từ đó phương pháp này được dùng để đo lường mức độ mà học sinh cần hiểu sâu về một bài học, nhằm tạo khả năng giải thích được những câu trả lời, các cách giải bài họ đã làm, cũng như ứng dụng những gì đã học vào các bối cảnh thực tiễn.

Nói một cách đơn giản thì mục tiêu của framework này là thiết lập bối cảnh, kịch bản hoặc tình huống trong đó người học thể hiện mức độ học của mình ở cả bề rộng và chiều sâu kiến thức.

Framework này bao gồm 4 cấp độ như sau:

nguồn Blog Edmentum

Mức độ 1: RECALL & REPRODUCTION – Gợi lại & mô phỏng

Cấp độ thể hiện sự thu nhận kiến thức, liên quan tới việc ghi nhớ các sự kiện và khả năng mô phỏng, thực hiện theo hướng dẫn.

Ví dụ: Nấu ăn theo công thức có sẵn hoặc theo hướng dẫn trên các video.

Mức độ 2: SKILL & CONCEPT – Kỹ năng & khái niệm

Ở cấp độ này, người học sử dụng các khái niệm hoặc kỹ năng được học để trả lời câu hỏi và đưa ra giải pháp.

Mức độ 3: STRATEGIC THINKING – Tư duy chiến lược

Có thể thấy rằng sự phức tạp của tư duy và hoạt động của não bộ được thể hiện rõ rệt hơn so với hai cấp độ trước. Nó liên quan tới khả năng lên kế hoạch, biện minh, lập luận và đưa ra kết luận.

Mức độ 4: EXTENDED THINKING – Tư duy mở rộng

Đây là giai đoạn tăng cường mức độ hoạt động của tư duy, đòi hỏi người học vượt ra ngoài cả những kiến thức được truyền đạt trong môi trường giảng dạy và mang chúng vào bối cảnh thế giới thực.

Quay trở lại với ví dụ của những lập trình viên ở trên, ở cấp độ này, các sinh viên công nghệ thông tin cần phải tìm ra những yêu cầu thực tiễn của thị trường và người dùng, từ đó áp dụng các kiến thức và kỹ năng đã trau dồi để triển khai thành một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Vậy với hai phiên bản này thì cái nào tốt hơn và nên áp dụng điều gì vào học tập và giảng dạy?

Có thể nói rằng trong sư phạm, hai khung đánh giá này có thể cùng được sử dụng linh hoạt tùy vào hoàn cảnh và kỳ vọng của người dạy với học viên của mình. Nếu Bloom’s Taxonomy tập trung vào đo lường mức độ nhận thức để diễn tả một trải nghiệm học tập, đi từ biết, tới hiểu, tới phân tích, tổng hợp, đánh giá, v.v… thì trong Webb’s DOK, tập trung vào bối cảnh, tình huống mà người học thể hiện mong đợi về tiếp thu kiến thức. Một nguyên tắc dùng để đo lường, đặt mục tiêu của các hướng dẫn, còn DOK thì phân tích thực tế các bài tập.

Sự khác biệt chính giữa hai khung khái niệm này là những gì đang được đo lường.

Ngoài ra, Bloom’s Taxonomy yêu cầu người học phải leo thang từ những bậc đầu tiên của kim tự tháp tư duy. Họ phải nắm vững các cấp độ nhận thức thấp hơn trước khi chuyển sang phần tiếp theo.

Trong khi đó, với Webb’s DoK, khi đo các bài đánh giá, học sinh sẽ di chuyển linh hoạt qua tất cả các cấp độ, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vấn đề cần giải quyết.

Bài viết này rất thuần về chia sẻ kiến thức, nhưng mình nghĩ sẽ có lợi trong thời kỳ mà chúng ta ai cũng có thể trở thành một người dạy và khát khao học cái mới thể hiện càng rõ hơn trong giới trẻ. Chúng ta học nhiều hơn qua các chương trình online, các khóa học được thiết kế và chuẩn bị sẵn. Người học có thể đánh giá, so sánh giữa các sản phẩm là các khóa học, và thậm chí yêu cầu hoàn tiền nếu không phù hợp với hướng đi mà họ mong muốn. Nhưng trên hết bất kỳ chương trình học thời số 4.0 này hay là các lớp học chính thống thì cũng đều là sư phạm. Như vậy bạn có thể trở thành một chuyên gia, nhưng chuyên gia khi truyền đạt để người khác học theo cũng cần kỹ năng sư phạm, kỹ năng tăng trải nghiệm của người học.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ tạo cho bạn cảm hứng để nâng cao khả năng sư phạm và bạn có thể mang nó vào thực tiễn để chuẩn bị chương trình học của mình một cách hiệu quả với người học nhé! Mong là mình trở thành cô giáo hay mentor thì sẽ có kinh nghiệm thực tiễn và chia sẻ cách áp dụng cũng như trải nghiệm của mình khi liên hệ các phương pháp này trong giảng dạy. Còn giờ thì, peace out!

Các nguồn tham khảo:

https://blog.edmentum.com/webb%E2%80%99s-depth-knowledge-framework-basics
https://teachersupport.info/blooms-taxonomy/
https://www.teachthought.com/learning/what-is-blooms-taxonomy/
https://www.synergiseducation.com/blooms-taxonomy-and-webbs-depth-of-knowledge/

Bình luận

error: Content is protected !!