The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Bài học sau những lần bị copy nội dung

Một sự việc trong quá trình mình làm content mà khi nó xảy ra đã ảnh hưởng tới động lực viết và chia sẻ của mình rất nhiều. Thậm chí dạo đấy mình còn ngưng đăng trên facebook page của The Blue Expat một thời gian. Cụ thể đó là lần người bạn thân của mình đã copy một câu mình đăng trên facebook page để đăng lên trang cá nhân của bạn. Cùng lúc đó mình cũng thấy bạn đã share bài viết của một người quen khác của hai đứa.

Tại sao lại thiên vị như vậy?

Trước đó mình đã gặp khó khăn trong việc kêu gọi người thân và bạn bè chia sẻ giúp mình podcast và blog/shownotes trên website. Shownotes mình từng viết rất kỹ để ai chưa quen với podcast thì có thể đọc. Khi câu chuyện này xảy ra, mình đã ngán tới độ không buồn chia sẻ với bạn bè về công việc làm content nữa, trừ phi đó là người làm nghề liên quan, từng đóng góp ý kiến và lời khuyên cho mình.

Nhưng may mắn là tư duy của mình trước giờ vẫn coi bất kỳ điều gì gây cảm giác khó chịu đều là một tín hiệu bài học cuộc sống. Nếu không rút ra được gì thì sẽ rất phí trải nghiệm ấy, có thể mình sẽ gặp phải nó nhiều lần nếu không rút ra hết những ý nghĩa của sự kiện đó. Vì vậy, mình kịp rút ra 3 kết luận – 3 bài học về cách bảo vệ bản quyền nội dung của mình.

  1. Cách trình bày nội dung đặc trưng
  2. Lồng ghép câu chuyện cá nhân
  3. Trở thành người …sang để ai cũng muốn bắt quàng làm họ

Bài học thứ 1: Cách trình bày đặc trưng

Có ba yếu tố về cách trình bày mà mình nói tới: độ dài; hình thức thể hiện; và cuối cùng là hình ảnh đính kèm.

Độ dài bài viết

Sự khác biệt giữa hai bài người bạn mình copy về và share là: nội dung của mình (nội dung bị copy) chỉ là 1 câu nói súc tích, ai lướt feed thấy là đọc được liền, thấy hay thì copy về dùng cũng nhanh chóng. Trong khi đó bài bạn share lại khá dài, chắc chắn không thể lướt qua thấy hay ngay được và người copy cũng sẽ bị những người bạn trong friendlist hay followers thắc mắc, vì chẳng phải ai cũng có khả năng viết dài, ít nhất là với người bạn mình trong tình huống này.

Hình thức thể hiện

Ngoài khả năng nhiều hay ít chữ ra thì việc một người nghĩ ra một câu nói sẽ dễ hơn nhiều so với nghĩ ra vài câu thơ. Cho nên họ không thể tranh cãi với bạn “tôi tự nghĩ ra đấy chứ!” nếu đó là một cách thể hiện nội dung mang cá tính riêng.

Hình ảnh đính kèm

Hình ảnh là thứ dễ share hơn, dễ tăng nhận diện hơn là chữ viết. Đừng bao giờ quên để tên mình hoặc/và tên website vào ảnh. Hình ảnh càng tốt họ càng muốn share.

Nếu không dùng ảnh cá nhân thì cần có 1 hình ảnh đặc trưng về màu sắc, hoặc phông chữ, hoặc nét vẽ sẽ khiến một người tải hình của bạn về đăng lại sẽ sớm bị phát hiện. Cho dù họ có thể tinh vi cắt dán để che tên bạn trong hình thì vẫn hãy cứ tuân thủ “bảng nhận dạng thương hiệu” một thời gian.

Mình cũng từng cẩn thận làm các hình trên facebook mặc dù với những thứ đó nhiều người chỉ kiếm đại cái stock image về đăng là được. Mình không giỏi về thiết kế, dẫu thao tác trên Canva rất nhanh nhưng để nghĩ ra hình rồi đặt để các hình khối sao cho hài hòa cũng mất nhiều thời gian. Thế mà cùng đợt với câu chuyện ở trên thì một ông bạn khác trong friendlist, không biết tiếng Việt nhưng có like page của mình đã copy tấm hình ‘Merry Christmas’ trên page của mình về đăng. Cay nỗi vừa đăng xong vài phút chưa kịp nguội thì đã thấy hai tấm hình y hệt cùng phát trên feed.

Biết rằng vẫn giống người bạn trước, chỉ hành động do vô tâm, vô tư thôi chứ không định gây tổn thương cho mình, chắc ông bạn cũng nghĩ mình lấy hình đâu đó trên mạng nên thấy đẹp thì tải về đăng lại cho đỡ mất công tìm hình mới. Từ vụ việc này thì mình phát hiện rằng bản thân đã không làm việc đáng nhẽ luôn phải làm: đề tên trên hình.

Bài học số 2: Lồng ghép trải nghiệm cá nhân

Đây là điều khiến chúng ta là phiên bản duy nhất! Bởi vì không ai có những trải nghiệm y hệt, người nào copy về thì sẽ bị lộ!

Để làm được điều này thì chúng ta cũng cần phải làm cho khéo, cho câu chuyện được hòa quện vào nội dung chính để không thể cắt bỏ, nếu người khác muốn dùng lại sẽ phải biên tập kỹ lưỡng.

Nội dung mà người bạn mình share chứa nhiều trải nghiệm của người viết, trong khi câu nói của mình là thứ những người trải qua tình huống tương tự cũng bằng cách nào đó có thể nghĩ ra được. Nói cách khác, một bên là câu chuyện người đọc có thể cảm nhận và thấy liên quan, một bên là loại nội dung mà chính họ cũng tự rút ra được.

Trừ phi câu nói được chép lại là của vĩ nhân, người nổi tiếng, những người đọc được có thể dùng Google trong 3 giây là biết bản gốc thuộc về ai, còn không phải nhóm này thì người nào muốn copy sẽ dễ dàng sao chép. Mà chuyện chép văn của người khác lâu nay vẫn là điều khó tránh.

Ví dụ nếu mình dẫn chứng về cuộc sống ở Síp thì không mấy người có hiểu biết tương tự, nhưng vẫn có thể bằng cách biên tập lại thành một đảo quốc hay nước châu Âu khác. Để tăng tấm lá chắn bảo vệ khỏi việc copy, mình sẽ mang cả trải nghiệm du học Ý rồi sang Síp, cái này thì đảm bảo khó lòng bắt chước vì đây không phải là một hành trình phổ biến, không có mấy người cùng trải qua để copy thành chia sẻ của họ. Nghĩa là dùng trải nghiệm cá nhân để minh chứng cho một ý nào đó mà người đọc liên hệ được với chính họ.

Ai cũng có những trải nghiệm độc nhất! Chẳng cần bạn phải ra nước ngoài, hãy nhìn vào quá khứ của bạn, những người xung quanh mà bạn tương tác mỗi ngày, những niềm vui và khó khăn bạn đang trải qua để tìm ra “bản nguyên” của mình.

Bài học số 3: Cần làm mình ‘sang’ lên để khuyến khích người share vì họ thấy sang lây

Đa phần người ta share một cách nhanh nhảu mà chẳng hề đọc!

Mình cá là số bài trong rất nhiều bài viết dài ngoằng mà cô bạn mình share về thì số bài cô ấy đọc kỹ chẳng là bao nhiêu. Và mình thấy may vì có trường hợp cụ thể này để phân tích hành vi của người đọc trên Mạng Xã Hội. May nữa là được …thức tỉnh nên mình cũng dùng giả thuyết này để làm đề tài đi quan sát những người khác và rút ra được bài học thứ 3 này.

Nhiều người chia sẻ bài viết hoặc nội dung của những người khác để tạo hình tượng cho bản thân họ trên Thế giới ảo.

Link Po Nguyen

Đúng vậy, bởi vì trang cá nhân trên vũ trụ ảo là thứ họ có thể dễ dàng xây dựng và làm giả, tạo một hình ảnh khác về bản thân trong mắt những người khác trong vũ trụ này. Những kết luận của mình là:

  • Họ thấy một nhân vật đang hot, một người đang được ủng hộ, hay một chuyên gia đăng bài, thì họ share để nhận nhiều like.
  • Share các bài viết sâu sắc, mang tính kỹ thuật hay nhiều thuật ngữ mà chẳng mấy người có thể hiểu hết sẽ khiến người đó thể hiện rằng họ cũng phải như thế nào mới đọc, mới theo dõi và share được nội dung xịn tới vậy.
  • Những quan điểm như “Bạn là trung bình của 5 người bạn”; “Tính cách của bạn thể hiện ở thể loại sách bạn hay đọc”, rồi tới hình ảnh về bản thân dựa trên bao nhiêu cuốn sách bạn đã đọc, những trang nào bạn follow cũng được áp dụng trong trường hợp xây dựng một bản dạng trên mạng xã hội. Khi mình đọc các thông tin xây dựng trang Instagram, họ cũng nhắc tới việc cần follow những người cùng ngành, chịu khó bình luận, tương tác, chia sẻ chéo để tăng nhận diện của chính mình ở nền tảng này trong nhóm người cùng mối quan tâm. Những nhận định kiểu này ép người ta phải thể hiện mình dù bản chất lại là người tiêu thụ nội dung rất vội. Âu cũng là mình không hot như người mà bạn mình share bài viết nên chẳng đủ sang để họ bắt quàng trên mạng xã hội (buồn nhẹ).

Nhưng với những ai mới bắt đầu và chưa tới đoạn ‘sang’ này thì phải làm sao?

Thì cứ là chính mình và làm tốt ở hai điều đầu tiên chứ sao!

Hãy tiếp tục làm vì những người thực sự quan tâm tới câu chuyện của bạn, những người trân trọng công sức của người làm nội dung. Rồi tới một ngày bạn chẳng còn nhớ nổi ấm ức này mãi tới khi được ai đó nhắc lại cho. Giống như mình mới được nhắc lại cho nên nhớ ra bài học cũ này.

Cần có hướng dẫn share bài một cách rõ ràng

Ngoài 3 bài học trên thì còn một kiến thức khác mình mới ngộ ra trong thế giới mạng xã hội, đó là: có yêu cầu rõ ràng và chỉ dẫn về cách người khác về cách tái sử dụng nội dung của mình.

Một bài đăng trên Instagram gần đây của mình được chuyển từ bài blog năm 2019 có tên là “10 điều đánh giá cuối tháng” rất may mắn được bạn Kira của The HanoiChamomile chia sẻ trên story và tag mình để người xem tìm bản gốc để đọc full. Cám ơn nhà sáng tạo nội dung chân chính và công bằng Kira mà bài đó của mình đã thu hút được nhiều lượt follow và like. Trong đó cũng có bạn nhắn direct hỏi mình để dùng lại 7/10 điều vào bài đăng và có nêu tên tác giả gốc. Vì chưa quen nên mình đồng ý liền chứ không dặn dò thêm về yêu cầu của mình. Và bạn ý làm đúng như đã hỏi, mình cũng thấy được tag tên nhưng là ở phần … comment.

Instagram của Kira @kiranguyen__

Có thể đó là cách làm chung của các kênh IG? Kênh của bạn này cũng lớn hơn mình nhiều. Chia sẻ của bạn lập tức đạt về rất nhiều likes, comment ca tụng. Nhưng nguồn cảm hứng ban đầu, chính là mình thì nằm khuất trong comment không ai đọc. Sau chia sẻ của bạn, dù với lượng followers nhiều chục ngàn người, mình không có thêm ai trong đó hết.

Chắc chắn hiểu biết của mình về những điều gọi là “luật rừng” trên mạng xã hội còn quá ít. Có thể nhận định của mình sẽ bị cho là vô lý nhưng tự bản thân mình rút ra kinh nghiệm này để thay đổi, vì mình muốn vào cuộc như một người chơi có chính kiến và mình tin nhiều người cũng đồng tình.

Sự thật là chuyện copy trong ngành sáng tạo là điều xảy ra vô cùng thường xuyên. Sản phẩm của bạn càng tốt, bạn càng được nhiều người tin tưởng và theo dõi, tỷ lệ những kẻ copy tìm tới bạn để … tham khảo ngày càng lớn. Tình yêu tăng lên tỉ lệ thuận với sự đố kị. Bạn hiểu rằng nội dung của mình phải tốt thế nào thì họ mới nhăm nhe nhiều tới vậy. Những nội dung hướng dẫn làm podcast của mình có thể nói là đầu tiên và đầy đủ so với những thông tin bằng tiếng Việt khác, vì thế mình cũng thấy nhiều nơi đăng lại bài của mình với một chút biên tập, thêm các kỹ thuật SEO, có khi họ để nguyên tít bài. Nhưng không thể mất công đi kiện khi kiến thức là thứ dễ tổng hợp. Những phiên bản copy thì không tìm được bản gốc của mình. Nói gì thì nói, chúng ta còn có webminar, livestream, các sân khấu dành cho diễn giả và không mấy ai đi tìm bản copy để tăng rủi ro cho sự kiện. Hơn thế, mình tin một khi bạn là nguyên bản thì nguồn sáng tạo còn tới tay bạn. Những sản phẩm mang hình hài ‘cái bóng’ sẽ luôn chỉ đi sau mà thôi.

Chúc bạn chân cứng đá mềm nếu cũng đang theo đuổi nghề sáng tạo nội dung này nhé!

Bình luận

error: Content is protected !!