The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Lần đầu làm Đại sứ về Sức khoẻ tinh thần

Đợt tháng 4 và 5 vừa rồi mình có tham gia quảng bá hình ảnh cho sự kiện Let’s On Air 2022 của các bạn Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu mình đã từ chối vì nghĩ rằng mình đâu có phải … KOL, influencer gì đâu, ảnh hưởng của mình chỉ trong ngành podcast thôi, cũng chẳng có lượng follower trên fanpage hay Instagram khủng. Nhưng các bạn thuyết phục mình rằng chương trình có sử dụng yếu tố audio với một series podcast dành cho sự kiện nhằm chia sẻ những thông điệp về Sức khoẻ tinh thần tới các bạn trẻ. Mình có chút … chột dạ, không hiểu tình cờ hay dấu hiệu nào mà các bạn nghĩ rằng mình là nhân vật thích hợp để nói về sức khoẻ tinh thần? Liệu mình có làm gì lộ rõ không nhỉ?

Nghĩ một hồi thì mình cũng chấp nhận tham gia, không né tránh nói về những trải nghiệm quá khứ nữa, cũng không e ngại bị đánh giá nói dùng từ khoá “trầm cảm” để lôi kéo thiện cảm nữa. Chúng ta bắt gặp trầm cảm nhiều hơn ở người trẻ, mà nếu không bình thường hoá điều đó, liệu chính những người đang bị bệnh lý này dằn vặt có dám mở lòng.

Hiện tại sự kiện đã khép lại, những câu trả lời của mình trên series podcast này của Let’s On Air 2022 cũng nhận được những phản hồi tích cực nên mình sẽ chia sẻ lại ở đây với những ai không theo dõi chương trình này.

1. Chị định nghĩa sức khỏe tinh thần là gì? Với chị, Sức khỏe tinh thần là vô hình hay hữu hình?

Sức khỏe tinh thần là một đề tài chúng ta nhắc tới nhiều nhưng hay bị gán với những cảm xúc tiêu cực hay những bệnh lý về tinh thần. Chị tâm đắc nhất với định nghĩa về sức khỏe tinh thần được đưa ra bởi WHO, định nghĩa của chị sẽ như thế này, “Sức khỏe tinh thần là sức mạnh nội tại của mỗi người để thấu hiểu bản thân, biết được tiềm năng của mình cũng như những điểm yếu để có thể đương đầu với những biến động trong cuộc sống và phát huy khả năng của mình. Nó là nền tảng ảnh hưởng tới những suy nghĩ, cảm xúc, cách chúng ta tương tác với người khác, cách chúng ta đưa ra những lựa chọn, quyết định và cả cách chúng ta tận hưởng cuộc sống nữa.”

Tất nhiên, sức khỏe tinh thần hữu hình chứ. Bởi vì một người khỏe mạnh hay yếu về tinh thần sẽ thể hiện ra rất rõ trong thái độ, ánh mắt, cử chỉ dù người đó có cố gắng che đậy thế nào. Không những vậy, sức khỏe tinh thần có khả năng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất mà chúng ta có thể thấy trong làn da, tiêu hóa, khả năng vận động tới những thói quen về sức khỏe như giấc ngủ hay ăn uống.

2. Những bất ổn mà chị đã từng trải qua có biểu hiện thế nào và có khi nào chị cố gắng phớt lờ hoặc không nhận ra chúng không?

Giai đoạn chị biết rằng mình có thể đã gặp bệnh lý về tinh/tâm thần là lúc chị Google để tìm giải đáp cho những triệu chứng gặp phải lúc ấy. Lúc đó chị mới biết thế nào là trầm cảm. Lúc trước chị nghe tới trầm cảm nhưng không nghĩ rằng nó là bệnh lý phổ biến. Chị cũng bị ảnh hưởng bởi định kiến rằng người gặp trầm cảm là người có nhiều cảm xúc tiêu cực, bị tư duy hạn hẹp rằng cứ buồn rầu ủ rũ là trầm cảm. Thật ra người bị trầm cảm là người khao khát có cảm giác vui vẻ trở lại, nói chính xác hơn là họ chỉ muốn ít nhất là kiểm soát được cuộc sống của bản thân. Biểu hiện đầu tiên khiến chị tìm hiểu về sức khỏe tinh thần là bị ảo giác. Sau 5 năm rồi mà khi nghĩ lại lần chị thức dậy giữa đêm, những hình ảnh thấy lúc đó vẫn khiến chị sợ hãi. Chị là người có huyết áp thấp từ nhỏ nên việc tụt huyết áp cũng … khá quen. Có những lần chị tưởng rằng mình bị tụt huyết áp nhưng cố gắng mãi không đỡ, thì chị mới tìm hiểu ra đó là những cơn anxiety attack – rối loạn lo âu.

3. Thời điểm nào và điều gì đã khiến chị mạnh dạn đối mặt với những bất ổn về tinh thần của mình?

Những triệu chứng mà chị gặp phải thực sự ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe thể chất: mất ngủ, căng thẳng, giảm khả năng vận động. Chính vì vậy mong muốn thay đổi của chị càng lớn. Chị luôn là người sống tích cực, rất thích vận động. Nhiều người nói chị rất mạnh mẽ và quyết đoán khi có thể trải qua những sự kiện đau buồn khi mới bước vào những năm đầu tuổi 20. Chị chứng kiến người thân ra đi khi còn nhỏ và phải là điểm tựa cho gia đình từ khi đó. Khi thấy mình không thể kiểm soát được tinh thần của mình mỗi lúc bị cơn lốc tiêu cực nhấn chìm, chị muốn lấy lại được bản thân trước đó! Những việc như tập yoga, đi du lịch, đi dạo hay kể cả gặp bác sĩ tâm lý không làm chị thấy tốt hơn. Lúc đó chị biết chỉ có mình mới giúp được mình. Phải tập quan sát và đối diện với những “điểm kích hoạt”, điều khơi lên sự tiêu cực trong mình để xử lý chúng. Nếu không thì không ai cứu nổi mình hết. 

Có những lúc chị thấy trong mình có những mong muốn làm những hành động thiếu suy nghĩ, nhưng không phải vì không biết cái gì đúng, sai mà là khi bị trầm cảm kiểm soát thì sẽ chẳng còn đúng hay sai, chỉ có người không bị trầm cảm và người không may gặp phải nó. Có những người chọn những cách tự hoại mà chị hiểu không phải vì họ muốn làm đau họ, ở một thời điểm khác, có thể họ sẽ không làm vậy khi họ có sự kiểm soát tốt hơn, nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội thứ 2? Thêm nữa, tình yêu với gia đình cũng là một điều quan trọng cho chị sức mạnh để sống tốt. Chị chứng kiến và cảm nhận nỗi đau khi mất người thân rồi nên không muốn thấy người thân đau lòng, vì thế mà chị muốn chiến đấu với bệnh lý tinh thần mình gặp phải.

4. Hành trình chữa lành của chị diễn ra như thế nào và theo chị điều gì là quan trọng nhất trong quá trình đó?

Thực sự chị cũng không biết mình đã được “chữa lành” chưa!  😀 Chị nghĩ mình vẫn đang ở trên hành trình đó. Điều đầu tiên và cũng rất quan trọng đó là phải nắm được, chỉ mặt đặt tên được rằng sức khỏe tinh thần của mình đang ở tình trạng như thế nào. Nếu là bệnh lý thì cụ thể là gì? triệu chứng của mình là gì? Bản thân mình phải chấp nhận mình không khỏe. Sau khi ý thức được rằng mình có bệnh, mình không khỏe, cần phải tư duy như thể đây là những bệnh thể chất cần được chăm sóc, điều trị. Không ai trách mình khi bị bệnh như ung thư hay viêm ruột thừa nhưng rất nhiều người tự đổ lỗi hoặc coi thường chính mình khi có bệnh về tinh – tâm thần. Nếu người thân cận không hiểu, họ có thể cho rằng bệnh của mình là … bịa đặt, là tưởng tượng, làm quá, thì hãy tìm sự giúp đỡ từ những người có kiến thức và hiểu biết. Bởi vì như chị chia sẻ ở trên, người có bệnh về sức khỏe tinh thần thường dễ bị mất kiểm soát chính bản thân và cuộc sống của họ, nên họ rất cần sự hỗ trợ bên ngoài của những người tỉnh táo và tận tâm. Người trầm cảm rất cô đơn vì ngay chính bản thân họ còn quay lưng lại với họ, nên mỗi sự hỗ trợ từ bên ngoài đều rất quý giá, nó có thể cứu sống cả mạng người. 

Chị không chia sẻ về điều mình gặp phải về sức khỏe tinh thần cho nhiều người, nhưng người gần nhất thì chị phải thuyết phục họ. Không thuyết phục để họ tin rằng mình có bệnh mà để họ hiểu rằng sẽ có những lúc mình mất kiểm soát. Ví dụ như khi mình nói như thế này, mình có biểu hiện này, có thể đó là lúc mình gặp một cơn panic attack (cơn hoảng loạn, sợ hãi), tả lại cho họ triệu chứng của mình. Với chị sẽ là mọi thứ tối sầm lại, không thể nhìn thấy gì, nếu vậy thì không nên để chị lái xe hơi hay những gì có thể xảy ra nguy hiểm. Dần dần chính người thân cũng ý thức được về sức khỏe tinh thần hơn, họ tự thay đổi định kiến về đề tài này. Rồi họ cũng quan tâm hơn tới chính sức khỏe của họ nữa. Từ đó mới nghĩ tới việc giúp nhau cân đối những căng thẳng trong cuộc sống.

Cuối cùng, chị hãy gửi đến các bạn trẻ yêu một số lời nhắn nhủ, lời khuyên để các bạn tự tin hơn trên hành trình chữa lành những tổn thương của chính mình nha!

Với những bạn mà mức sức khỏe về tinh thần còn cao, ở mức tốt, các bạn hãy cố gắng quan tâm, tìm hiểu và học những cách để giữ mức năng lượng đó nhé, nếu được, hãy quan tâm chia sẻ với những người xung quanh, sự san sẻ, trao đi chỉ khiến tình yêu với cuộc đời của bạn lớn hơn mà thôi. Cũng giống như những chương trình như thế này, chị nghĩ rất quý giá khi chúng ta quan tâm, sẻ chia với nhau.

Với những bạn đang gặp phải những điều không mong muốn trong cuộc sống, nếu bạn ý thức được rằng mức năng lượng tinh thần của mình đang bị tụt giảm hoặc ở mức báo động, hãy tin rằng một khi mình nhận ra điều đó nghĩa là mình có thể thay đổi nó, đừng tách biệt bản thân khỏi đám đông và tự tìm cách giải quyết, hãy tìm sự giúp đỡ. Cuộc đời sau trầm cảm không hoàn hảo nhưng chính bạn khi chiến thắng được nó là một phiên bản hoàn hảo, đừng bỏ mất cơ hội để gặp con người đó, đừng lỡ cơ hội để mang sức mạnh đó của mình đóng góp cho cộng đồng vì cuộc sống này cần những người như thế! 

Hình bài viết được chụp ở Hà Nội thời điểm mình chạy về Việt Nam sau một đợt căng thẳng kéo dài khi ở Đức.

Bình luận

error: Content is protected !!