The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

The Blue Expat bước sang năm thứ 6

Vậy là mình đã gắn bó với podcast được 5 năm!

(đúng hơn là bước sang năm thứ 6 rồi)

Được Facebook nhắc lại kỷ niệm mình vượt ngại và khoe về kênh podcast mới được lên iTunes cho bạn bè và người thân, nhờ đó mình mới nhớ để ý để chúc mừng bản thân và chúc mừng sinh nhật The Blue Expat.

Nếu được hỏi rằng “bạn cảm thấy 5 năm là dài hay ngắn?” thì thực sự mình không biết trả lời ra sao. Với mình có những lúc nó rất dài vì thấy mình làm mãi mà không có gì thay đổi, làm đến bao nhiêu là đủ để thấy việc mình làm có sức ảnh hưởng? Nhưng tới bây giờ mình vẫn luôn thấy bản thân là người mới, có quá nhiều thứ còn phải học, mỗi khi một tập mới được xuất bản, mình lại có cảm giác phấn khích và hào hứng như thể đó là tập đầu tiên.

Mình từng ngẫu hứng mà ví podcast như một tình yêu mãi mà mình chưa dứt nổi. Nếu trong tình yêu ta có những lúc quen với sự có mặt của nhau, chán nhau, rồi lại học cách yêu lại từ đầu và hâm nóng cảm xúc của chính mình, thì mối quan hệ giữa mình và podcast nói chung và The Blue Expat nói riêng không khác gì một chuyện tình rất nhiều drama.

Và mình cám ơn bạn, dù bạn là ai, là người đi trước số đông và biết tới podcast của mình từ 5 năm trước, hay là người đã lâu rồi không theo dõi, hoặc là người mới biết tới mình gần đây, v.v… thì cũng cám ơn bạn!

Vì bạn biết không, có những lúc mình như con tàu đi trật khỏi đường ray và một tin nhắn, email hay đơn giản là 1 lượt nghe đã biến thành lực kéo đưa mình trở về với chuyến đi này.

Lộ trình 5 năm đã đi qua những đâu?

Giống như Harry Porter, bước lên chuyến tàu tới Hogwarts và mở ra một số phận mới cho chính mình, mình bước vào hành trình với một mục đích và zero kỳ vọng. Vì thế mà mình khai phá được nhiều điều về chính bản thân và cuộc sống, để đến giờ vẫn được bất ngờ và hồi hộp với mỗi điểm đến của lộ trình.

Những bài học không đoán trước

1. Không quan trọng đích đến mà là con đường

Một câu nói rất sến nhưng chưa bao giờ sai.

Không hẳn là mình chẳng đặt mục tiêu gì trong quá trình làm podcast, bởi vì nếu không có mục tiêu, mình chẳng thuyết phục được bản thân để bắt tay vào làm. Nhưng thay vì đặt những mục tiêu to tát, thiếu thực tế thì mình đặt những mục tiêu nhỏ! Ví dụ như: tìm được khách mời mới, ra được 1 series mới.

Và trong khi hoàn thành những mục tiêu nhỏ đó, con đường ngày một rõ ra. Những bước đi chẳng giống nhau khiến mình tò mò hơn liệu con đường này rồi sẽ tới đâu.

Thú thực là thời điểm hiện tại mình cũng làm việc có chiến lược hơn, có vẽ mục tiêu lâu dài, cũng nhờ đi đủ lâu để có đà, có thể soi rõ hơn đoạn đường phía trước, để hiểu mình muốn và cần làm gì.

Gần đây mình có đạt được những phản hồi tích cực, khẳng định được mình đang đi đúng. Bạn có thể thấy đó là những sự kiện lớn mình tham gia, hay được công nhận như một ‘chuyên gia’ để xuất hiện và trao đổi kinh nghiệm. Có lẽ nhìn từ bên ngoài mọi người nghĩ mình đã tính toán để tới được đó, nhưng nó thực sự chỉ là kết qủa của cả một quá trình cố gắng.

2. Make it till you make it

Trong con đường với podcast, bạn không thể giả vờ (fake it) để đạt được vị trí mình muốn, thay vào đó, bạn phải thả mình vào trải nghiệm, rơi vào vòng xoay của mắc lỗi và sửa sai tới khi thoát được nó và tới vòng tròn lớn hơn với những lỗi đáng sợ hơn cần chinh phục. Cứ thế tới khi nhìn lại thì nhận ra bạn đã trở thành một phiên bản khác.

Trong con đường với podcast, bạn không thể giả vờ (fake it) để đạt được vị trí mình muốn, thay vào đó, bạn phải thả mình vào trải nghiệm, tới khi nhìn lại thì nhận ra bạn đã trở thành một phiên bản khác.

Mình từng gọi bản thân là podcaster vì muốn dùng nó làm sức ép cho bản thân, nhưng chính vì tiếp tục làm mà giờ mình tự hào rằng mình đã đủ chín chắn để vừa vặn với danh xưng đó.

Ví dụ rõ nhất là việc phỏng vấn khách mời. Hiện tại mình tự tin vì khả năng giao tiếp và đặt câu hỏi. Sự tự tin này lớn dần nhờ những tập podcast đi đúng nội dung và thông điệp cần truyền tải, đi kèm những lời khen từ chính khách mời và người nghe.

Nhưng để có thể tự tin như bây giờ, mình đã bắt đầu!

Khi nghe lại nhiều tập phỏng vấn, mình thấy thương cái sự non nớt của cô gái ấy.

Mình vẫn nhớ trong buổi nói chuyện với idol của mình là chị Thùy Minh trong Have a Sip, đoạn chị nói “Không, ngay từ đầu bạn đã rất tự tin rồi” khi mình kể hồi đầu làm podcast mình rất ngô nghê. Mình đã đứng hình 3s. Hóa ra non nớt hay không là suy nghĩ của riêng mình. Hóa ra mình đã làm được từ mấy năm trước mà mình không biết!

Quyết định làm podcast dạng phỏng vấn khi không có một trải nghiệm hay sự đào tạo nào trước đó, khi bật ghi âm lên và nói lời chào khách mời, mình nghiễm nhiên ngồi ở vị trí của một người host chứ không thể giả vờ được nữa rồi. Đó là ‘make it’, không phải ‘fake it’.

3. Mình không giỏi/kém như mình nghĩ

The Blue Expat không chỉ là podcast, đó là bên kia của vùng an toàn. Khi đứng ở rìa của sự thoải mái, mình nhận ra thứ mình không biết, nhận ra điểm yếu và mạnh của bản thân.

Mình nhận ra rõ hơn về 4 Cấp độ hiểu biết của bản thân (4 stages of learning) trong mỗi giai đoạn. Hơn tất thảy là học cách chấp nhận mình khi bị choáng ngợp bởi những điều không biết, cũng như bình thường hóa nỗi sợ khi càng học càng thấy mình thiếu hiểu biết.

4. Cần dựa vào người khác

Việc mình làm kênh podcast thứ 2 để hướng dẫn các bạn mới làm podcast là cách để mình có thêm đồng đội. Mình tin là chỉ khi có thêm nhiều người đi cùng con tàu này thì mình mới tới được mục đích lớn nhất khi bắt đầu.

Hiện tại mình có những người bạn mới mà mình luôn coi họ như những đồng nghiệp, à không, phải là đồng minh mới đúng và thật sự biết ơn sự có mặt của họ. Phải kể tới những cái tên Du và học podcast và UnlockFM.

Những điều mình tự hào

1. Không bao giờ nghĩ tới từ “bỏ cuộc”

Nhưng thay vào đó mình nghĩ tới chuyện “nghỉ hưu” hahaha

Có nhiều người hỏi sao mình kiên trì được lâu vậy? Mình cũng không hiểu những động lực nào, những nguyên nhân nào đã đưa đẩy mình đi được 5 năm, bao nhiêu lần nghỉ chân vì điều gì mà lại đi tiếp?

Mình không phải một mũi tên cứ thế lao về trước, cũng chẳng thể hiện như một con ong chăm chỉ làm việc miệt mài dù có được người khác ca ngợi hay không. Mỗi lần được hỏi mình đều cố tìm ra những nguyên nhân giải thích cho sự cứng đầu này. Nhưng lời giải thích ngắn gọn nhất chắc là vì mình chưa bao giờ nghĩ tới từ ‘bỏ’.

Không hẳn là mình định làm podcast tới cuối đời 😀 Mình luôn nghĩ tới lúc … về hưu với podcast. Mà về hưu là khi mình tới được mục đích ban đầu, đã cống hiến đủ, để rồi có thể mỉm cười và không tiếc nuối gì khi đóng lại dự án.

Rồi sẽ có người dạy làm podcast hay hơn mình, đầy đủ và sáng tạo hơn mình. Các kênh podcast hay cũng ngày một nhiều và mình chẳng cạnh tranh nổi. Thì lúc đó nếu mình thấy mình làm đủ với tất cả những gì có thể, như con chim phượng hoàng làm hết nhiệm vụ thì tự đốt chính mình (như cái tên Linh Phượng của tui nè), thì mình sẽ dừng lại.

Ơ, nhưng nếu vẫn còn nhiệt thì mình sẽ làm một kênh podcast mới về chủ đề mình quan tâm lúc đó, ví dụ như về tập luyện thân – tâm chẳng hạn. Lúc đó làm podcast là làm cho mình!

2. Chiến thắng Chủ nghĩa hoàn hảo

Đây là điều mình tự hào nhất!

Hành trình với podcast là một sàn đấu sôi động giữa mình và chủ nghĩa hoàn hảo bên trong. Mỗi một tập podcast ra đời là cả sự đấu tranh về chất lượng âm thanh, về khả năng viết nội dung, về làm hình ảnh cho các bài đăng trên mạng xã hội, v.v…

Cứ thế từ từ mỗi lần lại hạ nhiều đối thủ và chấp nhận chính mình, cho mình cơ hội cầu tiến và rút ngắn lại khoảng thời gian trì hoãn.

3. Trao đi hơn cả những gì mình có

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có cơ hội học hỏi được nhiều hơn, do là nhiều người sẵn sàng chia sẻ lại quá trình của họ trên các trang mạng xã hội.

Một người podcaster sẽ chia sẻ lại những điều họ biết và trải nghiệm, trả lời những câu hỏi mà họ có câu trả lời. Còn một người đặt trách nhiệm chia sẻ về podcast là người lắng nghe câu hỏi của bạn, đi tìm lời giải đáp thật đầy đủ (kể cả khi họ đã biết về nó) và diễn đạt lại theo cách bạn có thể hiểu được.

Cũng có lúc mình sợ bị đóng mác lý thuyết khi chia sẻ hơn những gì mình đang làm, ví như “vì sao podcast mình không ở Top chart của Spotify mà vẫn hướng dẫn người khác làm podcast?”. Nhưng mình biết nếu chia sẻ những gì mình đang làm thì bạn có thể hiểu được cái sai của mình và bạn sẽ làm tốt hơn. Mình không sợ ai đó vượt mặt mình, vì trò giỏi nghĩa là mình đã lèo lái đúng.

Nhưng mà, những người lái đò thời nay như mình cũng có những cái tự ái. Nên là nếu bạn học được điều gì đó từ mình, có thể quên không ủng hộ mình bằng hiện kim hay cách nào đó, thì một lời nhắc hay cám ơn tới mình ở đâu đó trên thế giới ảo cũng đủ làm cho mình vui mà tiếp tục cống hiến rồi.

Sau 5 năm sẽ là gì?

Thật sự mình không có sự chuẩn bị trước cho ngày sinh nhật này. Nhưng như có nói ở trên, mình đã có những định hướng cho thời gian sắp tới. Mình có đạt được những mục tiêu đó không? Có đi được 5 năm nữa không? Câu trả lời không nằm trong tay mình, nó còn nằm ở bạn!

Bạn sẽ tiếp tục đồng hành với mình chứ?

Bạn có muốn tham gia vào kế hoạch của mình không?

Kế hoạch tương lai của mình là những gì ư, đây nhé:

  1. Phát triển ngành podcast
    Podcast vẫn đang trong giai đoạn nhen nhóm, chúng ta chưa có đủ nhiều số liệu để đánh giá xu hướng. Vì thế nên việc làm podcast với mình vẫn còn nhiều thứ để trải nghiệm và nhiều vùng đất để khám phá. Như là mình muốn tìm đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn và trực tiếp nhúng tay vào giúp họ với việc sản xuất podcast.
    Mình muốn thấy podcast phát triển hơn về diện rộng và có nhiều những tổ chức vững chắc để đẩy podcast lên thành một ngành.
    Nếu bạn là một doanh nghiệp, một start-up đang cần nâng nhận thức về thương hiệu, mình khuyên nên thử với podcast và mình sẵn sàng hỗ trợ ngay khi bạn liên hệ với mình.
    Nếu bạn là giáo viên và muốn mang podcast vào một phần trong hoạt động giảng dạy, mình sẽ giúp được bạn.
  2. Podcast và Po không phải là MỘT
    Mình muốn thử sức thêm nhiều nội dung, muốn bộc lộ con người mình nhiều hơn. Có một điều là mình mải nói về podcast nên thương hiệu của mình bị gắn với việc làm podcast rồi. Cứ nói chuyện với Po là nói về podcast, có lẽ vì mình từng sợ thể hiện mà giấu đi nhiều cá tính của bản thân.
    Nhưng mình hiểu người nghe The Blue Expat không tới vì việc mình làm podcast, họ tới vì những chia sẻ của mình về cuộc sống. Và vì thế mình sẽ làm một series về góc nhìn của bản thân. Mình từng sợ chia sẻ nhiều điều vì sợ nó sẽ dẫn đến tranh luận, thậm chí sẽ có nhiều người rời mình vì không ủng hộ tư duy suy nghĩ của mình. Nhưng mình sẽ chấp nhận rủi ro! Và mình mong bạn sẽ đón nhận, trao đổi hay thậm chí tranh luận trước khi quyết định unfollow mình.
  3. “Stop Playing Small”.
    • Ai theo dõi mình cũng thấy mình rất lười đăng bài trên
    • mạng xã hội.
    • Mình từng làm Email Marketing trong quá trình làm việc ở bộ phận Sponsorship của Trại Cứu hộ động vật nhưng chưa bao giờ mình hạ quyết tâm làm nó cho The Blue Expat, vì sợ thư của mình sẽ bị xóa trước khi đọc.
    • Có người cũng hỏi mình sao không làm Video-podcast hay Youtube.
    • Có nhiều người đang volunteer cho các dự án podcast mà sao mình không tuyển thêm người?

      Trên ván bài với New media (không chỉ một mình podcast), vì lo khối lượng công việc quá lớn, vì sợ không đủ khả năng quản lý mà với mỗi gạch đầu dòng trên, mình FOLD (bỏ bài) liên tục. Mình ngưỡng mộ những ai dám chơi lớn All-in với nó. Nhưng để thoát khỏi cái bẫy an toàn này, mình sẽ cố gắng theo cuộc chơi.
      Nhưng người giỏi không phải là người làm tất cả, nên nếu bạn có khả năng thiết kế cho Instagram và quan tâm tới podcast cũng như có thêm trải nghiệm thì có thể email mình để làm cộng tác viên nhé!

Một lần nữa cám ơn bạn vì đã theo dõi, ủng hộ và là một người bạn của mình trong hành trình tưởng như rất đơn độc này. Hy vọng sẽ được thấy bạn ở nhiều cột mốc đáng nhớ sắp tới của The Blue Expat.

Bình luận

error: Content is protected !!