Kỷ luật và Ý chí
Một trong những câu hỏi mình thường nhận được trong quá trình làm sáng tạo nội dung:
“Làm sao để giữ kỷ luật?”
Song hành với kỷ luật, chúng ta thường nói tới ý chí, có thể hiểu là sức mạnh nội tại để vượt lên những rào cản để làm những việc không dễ.
Thực sự Po không phải một tấm gương cho cả hai điều này. Nhưng chính nhờ việc tự loay hoay để đưa bản thân vào một quỹ đạo làm việc hiệu suất cao, mình hiểu được bản chất sự khó khăn để giữ kỷ luật là vì chúng ta KHÔNG BIẾT CÁCH NÓ VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO.
Nguyên nhân chúng ta không có động lực hay Ý chí đủ lớn
Não bộ sẽ chọn những việc có kết quả tức thì thay vì những nhiệm vụ mà thành quả của nó dù có lớn đến đâu thì phải rất lâu mới nhận được. Giữa những việc có kết quả ngay, lại không mất nhiều nỗ lực và thời gian và những việc đòi hỏi bước khỏi vòng an toàn lại không có kết quả tức thì, thì sự lựa chọn phương án dễ dường như là hiển nhiên.
Vậy chúng ta nên kiểm soát những quyết định của bộ não như thế nào đây?
Chắc chắn, không phải là ép bản thân bằng một ý chí mơ hồ nào đó!
Nếu bạn cố gắng đi tìm bên trong mình để moi bằng được ý chí này ra khi mà não bộ vẫn đi theo lối vận hành lập trình sẵn, kết quả là bạn sẽ rơi vào cảnh tự trách mình, bạn mất tự tin, nghĩ rằng mình không làm được. Mình đã trải qua trạng thái tự huỷ, nói với bản thân những lời không yêu thương, thay vì khích lệ bản thân thì càng nghĩ thêm rằng “mình không làm được”.
Một danh sách hành động để xử lý vấn đề
Cách giải quyết của mình là hãy LÀM NHỮNG GÌ BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC TRƯỚC rồi sau đó khi hành động của mình thay đổi, não bộ sẽ đọc được những thông tin mới, và ý chí bên trong sẽ được hoà nhịp.
Giải pháp này dựa trên một công cụ mang tên “Dumb action”, nghe kỳ cục nhưng kết quả thì không tệ chút nào được đưa ra bởi Stephen Guise trong cuốn sách How to be an imperfectionist (Cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thói quen tí hon):
Chia nhiệm vụ thành rất nhiều những hành động nhỏ tới nỗi quá dễ để không phải nghĩ vẫn làm được.
Một khi chúng ta đã lừa não bộ để làm những hành động này rồi, để đi những bước tiếp là hoàn toàn dễ dàng.
Ví dụ về một cú lừa bắt mình tập thể dục vào buổi sáng là:
- Để sẵn đồ tập ở ghế vào tối trước khi đi ngủ
- Sáng ngủ dậy sẽ mặc đồ tập thay vì đồ mặc nhà thoải mái
- Cứ trải sẵn thảm tập ra rồi tập hay không thì tuỳ
Nhưng rồi sợ mèo nó cào thảm, rồi mặc sport bra không thoải mái, nếu mà thay ra thì thấy tệ, nên là cứ tập cho xong dù mấy phút cũng được. Để đồng hồ tập 10′ thôi. Xong rồi thấy 10′ ngắn quá nên tập thành 30′.
Khi làm những hành động đơn giản này, bạn không cần nghĩ tới hoàn thành được nhiệm vụ lớn, bạn chỉ cần nghĩ là mình ĐÃ hành động thay vì ngồi yên hay trì hoãn. Và với tâm lý bình thường cũng như hoạt động của não bộ, một khi đã trong không gian và thời gian của một công việc, trong một dòng chảy suy nghĩ về một điều cần làm, thì những cú lừa này sẽ dẫn bạn tới thực hiện nhiệm vụ bạn vẫn né tránh. Bản chất của nó là để bạn hành động, kể cả cuối cùng bạn có hoàn thành nhiệm vụ lớn hay không và sẽ mất bao lâu để thực hiện nó.
Stephen Guise cũng nói rằng “Đừng quan tâm vào kết quả, hãy quan tâm tới hành động”; “Chú tâm vào thực tế là mình đang thực hiện nó thay vì nghĩ tới mình có đang làm đúng hay không”.
Một ví dụ khác với Nhiệm vụ lớn là THU PODCAST:
Danh sách Dumb action của mình:
- lấy cái mic ra
- lấy dây cắm mic
- đặt cái mic lên bàn
- cắm mic vào máy tính
- …
Hoặc nếu nhiệm vụ lớn là VIẾT SCRIPT
Dumb action list:
- Mở Notion lên
- Mở vào trang để đánh script
- để mở trên máy và không tắt đi khi tắt máy tính, để khi nào bật máy lên nó cũng mở sẵn
- Viết câu “xin chào thính giả của abc podcast”
- Đánh máy câu đã viết trong nháp từ bao giờ
- …
Trong hình này là Chiếc bàn bất ổn của mình, một hiện trạng thường kéo dài trong vài ngày.
- Webcam đặt sẵn vì mình đang thu khoá học (nhưng không phải ngày nào mình cũng quay)
- Wireless Mic phải để trong tầm mắt để lúc nào thu video thì có ngay
- Micro dựng đấy để thu podcast
- Cái nệm thừa dựng sẵn ở tường để thu podcast không bị vang
Mình thích có không gian, bình thường mình sẽ làm việc tốt hơn nếu bàn trống. Nhưng mình bày sẵn tất cả những thứ cần thiết để KHÔNG TRÁNH nổi nhiệm vụ thu podcast, phải làm cho xong để còn dọn dẹp bàn theo ý muốn. Tóm lại là: Đặt mình vào một không gian để không thể trì hoãn được công việc cần làm.
Vậy nên, nếu bạn muốn rèn kỷ luật để thay đổi điều gì đó, hãy thử lập danh sách những cú lừa cho não bộ bằng những “dumb action” đã nhé!
Chúc bạn thành công!