The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Đặt câu hỏi tốt hơn với Bloom’s Taxonomy

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Shownotes

Questions are the new Answers

Warren Berger- tác giả cuốn sách The Book of beautiful questions

Khi mà tìm ra câu hỏi tốt, câu trả lời cũng đến một cách tự nhiên. Oprah Winfrey nói

Hãy hỏi những câu hỏi phù hợp, và câu trả lời sẽ luôn tự tiết lộ.

Hay Albert Einstein, một thiên tài với những câu hỏi và giải pháp cho nhân loại cũng từng nói:

Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề… tôi sẽ dành 55 phút đầu tiên để xác định câu hỏi thích hợp để hỏi, vì một khi tôi biết câu hỏi thích hợp, tôi có thể giải quyết vấn đề trong vòng chưa đầy năm phút.

Bạn có từng nghe câu nói “lời nói của chúng ta có tác động ngược trở lại tới trí não” – our words have amazing power on our brain. Những câu hỏi có thể phản ứng ngược trở lại mang những ý tưởng đột phá và khuyến khích khả năng sáng tạo trong chúng ta để tìm ra những giải pháp chưa từng xuất hiện.

Có những câu hỏi trong lịch sử từng bị cho là ngốc nghếch rồi trở thành khởi nguồn của một phát minh hay sáng kiến quan trọng.

Sự ra đời của máy ảnh chụp lấy liền Polaroid bắt đầu từ câu hỏi của một cô bé 3 tuổi: “Vì sao luôn phải chờ để thấy những tấm hình?” Sau đó, cha của cô bé đã làm ra chiếc máy ảnh mà tới giờ vẫn đang rất hot này.

Trong cuốn sách “A more beautiful question” vẫn bởi Warren Berger đưa ra 3 câu hỏi tương ứng với 3 quá trình của những câu hỏi:

  • WHY? – Tại sao
  • WHAT IF…? – Giả dụ như, Nếu mà… ?
  • HOW? – Làm cách nào?

Một kết quả khác khi mình tìm về khả năng đặt câu hỏi: “Biết đặt câu hỏi chính là kỹ năng cần có của nhà lãnh đạo”. Một người có những câu hỏi tốt chưa chắc đã là một người leader nhưng một người lãnh đạo chắc chắn phải có kỹ năng đặt câu hỏi rất tốt.

Lợi ích khi rèn luyện khả năng đặt câu hỏi

Phát triển tư duy phản biện: critical thinking và tự vấn: self-reflection.

Tự tin hơn, tăng khả năng giao tiếp.

Mở rộng tư duy khi không ngừng tìm kiếm những câu hỏi tốt hơn, mở ra những giới hạn về tư duy và tìm tới những mảnh đất kiến thức mới.

Vậy làm sao để cải thiện khả năng đặt câu hỏi?

Mình sẽ dựa trên phương pháp sư phạm nhằm giúp các giáo viên khuyến khích phát triển tư duy của học sinh và tăng tương tác trong lớp học có tên là Bloom’s Taxonomy hay còn gọi là 7 level of thinking, mình tạm dịch là 7 giới hạn của tư duy.

Trong số podcast mình kể lại tật xấu hay đặt câu hỏi “Tại sao?”, “Vì sao lại thế?” trong giờ học… văn hồi lớp 9. Lúc đó mình chỉ thắc mắc vì sao thầy và các bạn lại chọn mấy câu văn đó để phân tích; sao mọi người lại nói về nó theo cách đó chứ không phải cách khác. Cái tật xấu này khiến mình thành học sinh cá biệt và bị quở mắng nhiều lần trên lớp. Sau này thì mình nhận ra lí do tại sao mình cứ hỏi liên mồm mà không ai trả lời, thậm chí làm họ khó chịu, còn chính mình thì không nhận được lời giải đáp, là vì mình đã hỏi sai. Rằng câu hỏi đúng có sức nặng và quyền năng lớn như thế nào. Trong phần này, các đoạn “ví dụ” là phân tích dựa trên trường hợp cụ thể của bản thân mình năm học lớp 9 để bạn dễ hình dung.

Nguồn Wikipedia

Knowledge: Kiến thức

Đây là mức mà chúng ta đơn giản là nhắc lại, thu lượm lại những thông tin như chính những gì được nghe và thấy. Những loại câu hỏi này kiểm tra khả năng ghi nhớ và nhớ lại các thuật ngữ, sự kiện và chi tiết của học sinh mà không nhất thiết phải hiểu khái niệm. Câu hỏi đặt ra ở mức này là: Ai…? Có bao nhiêu…? Viết lại danh sách…? Ví dụ: Câu thơ hay đoạn văn, trích dẫn nào trong bài mà mình cần nhắc tới trong dàn ý bài tập làm văn phân tích tác phẩm này?

Comprehension: Sự hiểu biết

Những câu hỏi này kiểm tra khả năng tóm tắt và mô tả mà không nhất thiết phải liên quan đến bất cứ điều gì. Câu hỏi trong trường hợp này có thể là “Mô tả lại…”, kể lại, tóm tắt lại bằng lời nói của chính mình. Ví dụ: Điều gì ở những đoạn văn đó đáng để phân tích chứ không phải là câu thơ hay đoạn văn khác? Liệu pháp văn chương nào đã được tác giả sử dụng để mà phải chú ý và nhắc tới trong bài tập làm văn.

Application: Áp dụng (Mức thứ 2 của suy nghĩ, ở đây chúng ta bắt đầu phải liên tưởng xa hơn)

Các câu hỏi ứng dụng, hoặc áp dụng vào cuộc sống hay một bối cảnh khác với bối cảnh được đưa ra ban đầu. Câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu như…” “Bạn sẽ chọn cách tiếp cận nào để giải quyết vấn đề tương tự?” Ví dụ: Làm sao để nhìn ra những thủ pháp nghệ thuật trong văn học này và có dấu hiệu nào để xác định được chúng hay không?

Analysis: Phân tích (Liên quan)

Những câu hỏi này khuyến khích học sinh chia tài liệu thành các phần, mô tả các mẫu và mối quan hệ giữa các phần, chia nhỏ thông tin và chỉ ra cách chúng được kết hợp với nhau. Các từ khóa: Phân tích, Phân biệt, Suy luận, Liên hệ, Nghiên cứu Ví dụ về các câu hỏi: “Bạn có thể suy luận gì …?” “Mối quan hệ giữa … là gì?” “Bạn có thể tìm thấy bằng chứng nào …?” Ví dụ: Khi gặp những thủ pháp văn học này hay cách hành văn này thì chúng ta nên phân tích như thế nào? Tổng hợp chung lại kiến thức để không chỉ áp dụng trong tác phẩm đang được học

Synthesis: Tổng hợp

Kết hợp những lập luận lại để thành một ý tưởng hay lập luận hoặc giả thiết mới. Những câu hỏi đặt ra sẽ hỗ trợ việc phỏng đoán và đưa ra kết luận Ví dụ: Có thể áp dụng cách phân tích này vào những bài văn khác, những trường hợp khác? Nhìn vào dấu hiệu nào trong bài thì chúng ta có thể nhận ra những thủ pháp văn học đó để sử dụng lối phân tích tương tự?

Evaluation: Đánh giá

Tư duy biện minh so sánh và phân biệt giữa các ý tưởng và đưa ra lựa chọn. Ví dụ: Giai đoạn này mình có thể đánh giá giữa các ý trong bài có thể dùng để phân tích trong bài văn để chọn ra những phần nào chúng ta có thể hoàn thành trong thời gian làm bài kiểm tra 60′ mà đạt điểm tốt hơn. Hoặc có thể viết bài tổng luận đánh giá cách sử dụng thủ pháp văn học giữa những tác giả khác nhau và chứng minh được vì sao mình thích người này hơn so với người kia.

Creativity: Sáng tạo

Học cách phát triển tư duy một cách tự do, đổi mới, thậm chí có những ý tưởng và phương pháp khác biệt Ví dụ: Nếu để thay đổi thì mình sẽ viết lại câu văn đó như thế nào? thay đổi điều gì trong tác phẩm đó? Hoặc đưa ra những phương án triển khai bài văn khác với những gì đã học và đã biết.

7 giới hạn này giống như những lớp lọc suy nghĩ để tạo một không gian cho chúng ta tư duy về một điều gì đó, rồi từ đó có thể tìm ra những lỗ hổng hoặc các khía cạnh chưa được chạm tới để đưa ra những câu hỏi hiệu quả hơn hoặc bất ngờ hơn.

Thực tế thì, sau khi phân tích trường hợp lớp 9 của mình qua 7 mức độ này thì mình nhận thấy 1 vài điểm chú ý để có thể áp dụng vào quá trình động não những câu hỏi.

  1. Biết mình muốn gì, mình cần biết điều gì và hỏi vào trọng tâm
  2. Lắng nghe thật kỹ rồi giữ một thời gian để suy nghĩ trước khi đặt câu hỏi.
  3. Liệu câu hỏi của mình có đang mang một suy nghĩ chủ quan hay không? Ví dụ như mình cứ nghĩ là mọi người hiển nhiên biết những điều đó nên mới hỏi tại sao? Thay vào đó mình có thể hỏi bạn mình là “Làm thế nào mà cậu biết cách phân tích bài văn hay vậy?” Cậu có tham khảo ở đâu hay tìm hiểu thêm để biết cách triển khai một bài văn hay không?
  4. Thêm nữa là vì câu hỏi của mình quá lớn và rất mơ hồ. Câu hỏi mơ hồ thì chỉ nhận được những câu trả lời mơ hồ, thậm chí người bị hỏi sẽ nghĩ bạn không hiểu mình muốn gì nên mới hỏi những câu như vậy.

Tất nhiên việc đặt câu hỏi là một kỹ năng rất khó, mình nghĩ đây là kỹ năng cần mài giũa thường xuyên và lớn lên cùng với sự trưởng thành, mà trưởng thành thì cũng đòi hỏi thời gian nên đừng nôn nóng, cho mình va vấp, sai rồi sửa sai nhiều lần để phát triển kỹ năng này nhé!

Sách nhắc tới trong bài:

Nguồn tham khảo:

Different Types of Questions based on Bloom’s Taxonomy
https://warrenberger.com/

Bình luận

error: Content is protected !!