The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Người hướng nội có thực sự thiếu tự tin?

Bạn có bao giờ nghĩ mình không tự tin vì là người hướng nội?

Vì hướng dẫn các bạn tham gia vào podcast mà gần đây Po nghe nhiều chia sẻ rằng bạn thấy không đủ tự tin nên nghĩ làm podcast là một nơi vừa vặn với mình. Việc các bạn chọn làm podcast vì thấy không gian này khiến bạn thoải mái để chia sẻ hơn làm mình vui, nhưng bên cạnh đó mình thấy các bạn đang tạo một hàng rào cho mình để phát triển bản thân do khái niệm hướng nội ảnh hưởng.

Khi thực hiện bài kiểm tra 16 Personalities type của Briggs khi còn đang học đại học, mình mới biết tới khái niệm hướng ngoại và hướng nội. Trước đó những khái niệm được biết tới đa phần là năng động, ít nói, hòa đồng, khó gần, thêm cả “tự kỷ” với nghĩa sai lè nhưng đám 8x một đợt rất hay dùng để chỉ những người thích ở một mình và sự yên tĩnh. Lúc đó mình chưa nghĩ được nhiều rằng hướng nội, hướng ngoại nghĩa là sao, chắc bận đó chỉ quan tâm tới mục “nghề nghiệp phù hợp”. Sau này hiểu rõ hơn về hướng nội và hướng ngoại nhờ có cơ hội tiếp xúc nhiều người với cá tính đa dạng hơn. Mình có thể nhận rõ những biểu hiện khác biệt của hướng nội và hướng ngoại. Nhưng mình nó “biểu hiện” thay vì “người hướng ngoại” và “người hướng nội” bởi vì có những người mang song hành 2 biểu hiện này bất kể họ đánh giá bản thân là hướng ngoại hay hướng nội đi chăng nữa.

Cách đây 5 năm mình cũng làm lại bài test và nhận ra con người mình đã thay đổi sang một nhóm hướng nội khác (từ INTJ thành INFJ). Trải nghiệm sống sau 10 năm kể từ lần đầu tiên làm bài test này đã cho mình sự đánh giá phức tạp hơn với một bài test tính cách. Với mình những loại hình trắc nghiệm này giúp chúng ta gọi tên được, giải thích được vì sao mình lại có những suy nghĩ, hành động, sự yêu, ghét như thế này. Nhưng gọi tên không có nghĩa rằng bạn chính là người đó và bạn sẽ hành xử theo đúng những định nghĩa được nêu ra. Bởi vì con người có thể thay đổi, các bài test cũng thường được điều chỉnh theo thống kê lấy từ thực tế cuộc sống.

Cũng là một người hướng nội đã từng cố gắng để làm việc trong môi trường ngoại giao, kết nối văn hóa đa phương và tổ chức sự kiện. Làm việc ở những nơi đông người, cần cười nói tươi tắn và quảng giao cho dù bên trong mình có đang đau buồn vì người thân vừa ra đi, Po đồng ý đúng là hướng nội sẽ có những cản trở nhất định. Mình cũng đồng ý rằng để cố trở thành một người hướng ngoại chẳng khác nào một cuộc đua marathon không hồi kết, nếu không dừng lại thì sẽ gục ngã vì kiệt sức. Khi biết tới khái niệm hướng nội, mình đi từ chỗ chấp nhận tính cách này, tới cho phép mình nuông chiều bản thân hơn, nghĩ rằng nếu hướng nội thì không nên làm thế này thế kia, dần dà tự cho phép mình tạo một vòng thoải mái tới mức hơi lười biếng. Những trải nghiệm sống đã dạy cho mình biết khái niệm chỉ là khái niệm, con người chúng ta phức tạp hơn như vậy rất nhiều.

Sắp bước sang tuổi 33, mình nhận thấy càng đi lâu trên cuộc đời thì ai cũng có khuynh hướng hướng nội hơn. Nhưng với một nghĩa đen là hướng vào bên trong, chứ không phải hướng nội theo nghĩa là đối lập với hướng ngoại. Vì càng lớn chúng ta càng nhận ra phần tâm của mình cần được lắng nghe và ta đủ tri thức lẫn trải nghiệm để nghe thấy tiếng nói đó. Khi chúng ta thu nhỏ quan sát của mình, tắt đi những âm thanh không cần thiết, bạn sẽ tối giản cuộc sống của mình tới mức chẳng quan tâm tôi là tuýp người hướng nội hay hướng ngoại nữa. Bạn chỉ là bạn, một cái tôi có chính kiến và cũng rất linh hoạt. Bạn có thể giữ cho mình thăng bằng dù xung quanh có biến động như thế nào. Bạn sẽ thấy mình hướng nội nhưng sẵn sàng làm những điều thường thấy ở người hướng ngoại. Hoặc bạn là người hướng ngoại nhưng lại có cho mình những thói quen bị phủ đầu là chỉ người hướng nội mới hay làm.

Cho nên cuối cùng thì hướng ngoại hay hướng nội là những công cụ để nhận diện những tín hiệu. Biết rằng mình là người hướng nội hay hướng ngoại sẽ giúp bạn có những đánh giá đúng đắn hơn khi chọn cho mình môi trường phù hợp để phát triển tối ưu. Trong lời khuyên dành cho một mentee podcast, Po có lấy ví dụ về hình ảnh những cái cây. Có những cây cần nhiều ánh sáng nhưng lại có cây tươi tốt trong một bóng râm. Có cây thích được lớn lên bên cạnh những cây khác để phát huy tối đa bản năng tiến hóa của nó, nhưng lại có những cây thích hợp để đứng một mình và chỉ có nó mới biết tốc độ phát triển của mình là bao nhiêu.

Việc nhiều bạn cảm thấy an toàn với môi trường podcast khiến mình rất vui. Vì tính chất riêng biệt của nền tảng này so với những hình thức khác là cảm giác …thân mật mà nó tạo ra. Một nơi để những người sáng tạo thể hiện mình với người nghe khi họ đã tắt đi rất nhiều sự xao lãng khác.

Có nhiều nhà sáng tạo nói chung và nhà sáng tạo nội dung nói riêng mà mình theo dõi đều nói rằng họ là người hướng nội. Nhưng họ vẫn rất tự tin, vẫn xuất hiện làm speaker ở những khán phòng cả ngàn người và họ vẫn tỏa sáng. Tạm đoán rằng vì họ để cho cái cây của mình được phát triển trong một môi trường phù hợp rồi khỏe mạnh tới độ nếu thi thoảng được đặt ra một nơi khác không quen để vẻ đẹp trọn vẹn của họ được lan tỏa cũng không sao. Giống như những cuộc thi cây bonsai, người chơi cây mang chúng tới một buổi trưng bày rồi lại đưa chúng về với khu vườn quen thuộc nơi nó được nuôi lớn. Thực sự người hướng nội có rất nhiều điểu mạnh để phát triển trong lĩnh vực sáng tạo để kết nối. Bởi họ là người hiểu rõ cái tâm bên trong của mình và có khả năng nhìn vào phần lõi của vấn đề, từ đó việc chạm tới phần sâu thẳm của một người hay một đám đông hiện rõ ở họ như thể đó là bản năng.

Thông điệp của mình trong bài viết này chỉ là dù tính cách của bạn được xếp vào khái niệm nào thì đó chỉ là những đánh giá chủ quan phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về mình, sắp xếp cuộc sống một cách vừa vặn, nhưng không có nghĩa bạn chính là những đặc tính của khái niệm đó! Những khái niệm này được sinh ra để hỗ trợ bạn trong cuộc sống và mình hy vọng bạn sẽ dùng nó một cách hiệu quả nhất trong cuộc sống của mình nhé!

Bình luận

error: Content is protected !!