The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Chạm đáy vs Lên nhầm đỉnh

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Sinh ra từ ngõ
Sinh ra từ ngõ

Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.

KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT

Chạm đáy – Hit Rock bottom vs Lên (nhầm) đỉnh
byNhững câu chuyện độc thoại của Link Po

Chạm đáy vẫn được nhắc đến như một giai đoạn đáng sợ mà chẳng mấy ai muốn trải qua. Cụm từ Hit Rock bottom (chạm đáy) trở thành một đề tài đắt khách cho những cuốn sách, những bài nói truyền cảm hứng. Những bài học về sự nỗ lực được đưa ra rất nhiều để giúp ai đang rơi vào hoàn cảnh này có thêm động lực để tiến lên. Nhưng số podcast mang tinh thần #gócnhìn này mình tiếp cận giai đoạn đáy ở một khía cạnh khác. Mình sẽ dùng một phép so sánh để thấy rằng cái chúng ta đang trải qua liệu nó có thực sự đáng sợ. Đó là sự so sánh giữa một người ở đáy và một người đang ở một đỉnh cao không dành cho họ. Cuộc đời sẽ công bằng ở một góc nhìn khác. Mong rằng bạn sẽ đồng cảm với số podcast này.

Đọc bài viết tại: https://theblueexpat.com/cham-day-vs-len-nham-dinh/

Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com

Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com

Tập podcast từng được đăng trên The Blue Expat 24/10/2021

Send in a voice message: https://podcasters.spotify.com/pod/show/po-link-nguyen/message

Thế nào là Chạm đáy?

Chạm đáy hay còn được gọi là Hit Rock bottom, là cụm từ để chỉ những hoàn cảnh chúng ta vừa gặp một con sóng lớn của cuộc đời, nó có thể là sự mất mát hết tất cả, tiền, tài, các mối quan hệ, danh tiếng và có thể là cả sức khỏe nữa.

Nhiều người gán cho giai đoạn này tên gọi cường điệu như ‘Vực thẳm cuộc đời’ hay ‘đáy sâu cuộc đời’. Nhưng mình chọn gọi là chạm đáy, vì bản chất những giai đoạn này cũng không hoàn toàn đáng sợ và tối tăm đến thế nếu chúng ta đưa góc nhìn của mình tới một vị trí khác.

Khi nào chúng ta thực sự Chạm đáy?

  • Có người nói giai đoạn chạm đáy của họ là khi đổ hết tiền vào một kế hoạch kinh doanh, một start-up rồi thất bại, mang theo nhiều món nợ và cả sự tủi hổ.
  • Có người rơi vào đáy khi kiệt nhận giấy từ bác sĩ rằng họ mang tế bào ung thư. Vậy là bao kế hoạch cày quốc ở tuổi trẻ để nghỉ hưu non ngay lập tức bị dập tắt. Sức sau thời gian làm việc không ngừng nghỉ, nhìn tài khoản ngân hàng nhiều con số nhưng vạch xăng sức khỏe lại ở mức báo động.
  • Có người chưa đầy 18 tuổi, chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm nhưng bị đẩy vào tình cảnh gia đình ly tán, bạn bè bỏ rơi, hoang mang về tương lai của mình.
  • Mình đọc được một số bài viết tâm sự của ai đó chạm đáy khi đã ngoài 50 tuổi, đứng ở giai đoạn bên kia của cuộc đời.

Những ví dụ này để thấy rằng không có một định nghĩa chung về một giai đoạn của cuộc đời gọi là chạm đáy.

Theo kinh nghiệm của bản thân mình sau 1/3 cuộc đời thì thật sự không có cái gì thực sự là đáy cả. Bạn tưởng rằng mọi việc không thể tồi tệ hơn được nữa, viên domino cuối cùng đã rơi rồi nhưng thực ra không phải thế. Chuyện xấu có thể tới một cách dồn dập như cách domino đổ và cũng có thể để cho bạn những khoảng thời gian ở giữa. Nếu chưa biết đâu mới là đáy thì chỉ có cách dùng lý trí để giải quyết vấn đề, tìm ra những nguyên nhân và giải pháp, lập những kế hoạch phòng ngự để luôn chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng đối diện với rủi ro. Cho nên đừng chờ để xem ông trời đang trừng phạt tôi ra sao, cái hạn của tôi sẽ kéo tôi tới đâu xong rồi mới tìm cách đi lên.

Lên (nhầm) đỉnh nghĩa là gì?

Khái niệm này mình nhận ra khi nghe một tập podcast giữa cô Nguyễn Phi Vân và Shark Thái Vân Linh. Khi mà shark Linh kể về lúc chị đứng ở văn phòng ở tầng 57 tại New York và nhận ra một điều mà dẫn tới quyết định về Việt Nam của chị, có một từ mình rất nhớ đó là “không đáng!”.

Và khi mà mình nhận ra cái khái niệm nhầm đỉnh, mình xâu chuỗi được rất nhiều câu chuyện, nhận ra trong xã hội ngày này có nhiều người đang trải qua điều này. Ví dụ như có nhiều người bỏ thành công để về quê, sống một cuộc đời an nhàn, sau đó họ chuyển sang kinh doanh một ngành nghề khiến họ thấy hạnh phúc vì được cống hiến. Hoặc có những người đang đi theo một lộ trình tới thành công được vạch ra bởi bố mẹ họ hoặc của xu hướng nghề nghiệp nóng mà họ đã mượn của một bài báo, một lời khuyên nào đó khi quyết định hướng đi cho mình ngày trước.

Nếu như so sánh cuộc đời mỗi người là những bậc thang khác nhau, có người đang ở mức số 0 khi họ vừa bị rơi xuống đáy. Nhưng có những người đang ở mức khá cao của một bậc thang rồi thì mới nhận ra rằng họ đang đứng ở nhầm cái thang mà họ muốn chinh phục. Vậy thì nếu bạn so sánh bản thân bạn – đang ở mức 0 với những người này, bạn nghĩ họ đang ở số bao nhiêu? Họ có còn vượt xa bạn trong cuộc đua nào đó trong cuộc đời mà chúng ta tự gán ghép lên nhau không?

So sánh người Chạm đáy với người Lên nhầm đỉnh

Chi phí cơ hội

Đây là một lý thuyết trong Kinh tế vi mô dành để phân tích các lựa chọn.

Chi phí cơ hội của một lựa chọn chính là những gì bạn có thể đạt được nếu bạn chọn làm một lựa chọn khác. Ví dụ bạn cầm 50k vào một khu ẩm thực tem phiếu, 50k sẽ bằng một phiếu mua đồ ăn. Bạn băn khoăn giữa hàng Phở bò và Bún ốc nằm ngay cạnh nhau, thì ở đây chi phí cơ hội của việc ăn bát bún ốc sẽ là cảm giác có được sau khi ăn bát Phở kia.

Một minh họa bớt gây sóng trong dạ dày hơn là nếu bạn chọn nghỉ làm 1 năm để đi học, nâng cao trình độ, thì chi phí cơ hội sẽ là 1 năm tiền lương bạn đáng ra sẽ nhận được khi đi làm. Nghĩa là đến cuối cùng thì chi phí 1 năm đi học của bạn sẽ = chi phí bỏ ra + chi phí cơ hội (tiền lương)

Vậy chi phí cơ hội của một người chạm đáy và một người đang ở sai đỉnh là bao nhiêu?

Khi ở ‘đáy’, bạn đang đứng sẵn ở vạch xuất phát, bạn có thể nghĩ rằng việc của mình bây giờ là đi lên thôi, còn gì để mất đâu. Bất cứ những gì bạn làm để cải thiện tình hình bây giờ đều là một bước đưa bạn tới gần hơn với đỉnh cao của mình. Chi phí cơ hội của bạn ở đây chỉ là việc chọn làm việc A thì sẽ không có thời gian đó cho việc B.

Chi phí khi chọn hướng A = 0 + chi phí cơ hội của A (chính là B)

Nhưng nếu là một người đang ở nhầm đỉnh, chi phí của họ chắc chắn cũng cao hơn bạn. Họ rõ ràng vẫn có nhiều lựa chọn, cụ thể là: hoặc đi tiếp cái đỉnh đang sai, hoặc rời nó để chinh phục đỉnh cao khác đúng với sứ mệnh họ đặt ra cho cuộc đời mình. Vậy là họ sẽ phải chọn giữa việc đi tiếp và không bao giờ tới được vạch xuất phát của con đường họ muốn và việc bỏ đi những cố gắng bao lâu nay để tới vạch 0 như chỗ bạn đang đứng

Chi phí khi chọn hướng A = công sức đã bỏ ra cho hướng B + chi phí cơ hội của A (là những điều họ có thể đạt được nếu tiếp tục đi theo B)

Vị trí tiến thoái lưỡng nan của người Lên nhầm đỉnh

Không chỉ rõ mồn một ở giá trị thời gian và tiền bạc mà người lên nhầm đỉnh phải hy sinh khi lựa chọn làm lại, mà họ sẽ phải từ bỏ cả những gì họ vẫn đang có trong hiện tại: bao gồm sự ổn định, địa vị xã hội, vị trí công việc mà họ đã mất nhiều công để đạt được.

Ngoài những phép tính và quy đổi như lý thuyết kinh tế kia thì họ còn phải đối mặt với nhiều thứ khác. Khi chưa thành công ở nấc thang mới, họ bị đánh giá và phải đối mặt với những nghi ngờ từ người thân. Họ cũng có thể mất thời gian ra quyết định khi bị giằng xé bởi trách nhiệm với người khác và với chính cuộc sống của mình.

Câu chuyện so sánh này chỉ để gợi mở suy nghĩ rằng nếu mình so sánh với người khác mà không thực sự đứng ở vị trí của họ, chúng ta không biết liệu mình có thực sự đứng ở một nơi tệ không chịu nổi? Những cái đáy mà chúng ta không may trải qua bây giờ, liệu nó có phải là tột cùng của bất công, nó có còn đáng sợ như ta từng nghĩ hay không?

Đáy hay đỉnh thì ai cũng phải đi lên! Cuộc sống của chúng ta là những chuỗi ngày của sự cố gắng và đáy hay đỉnh thì chỉ là một trong những giai đoạn mà chúng ta sẽ được nếm trải.

Và bao quát hơn, mình nghĩ rằng nếu bạn muốn so sánh mình với người ở vị trí cao hơn, hãy đưa tầm mắt mình lên gần bằng với họ để đánh giá một cách công bằng. Họ đã trải qua những gì để đứng ở đó, bao nhiêu lần họ chạm đáy, bạn có biết không hay chỉ nghiễm nhiên tin vào những điều bạn thấy? Mình tin là đỉnh cao nào cũng đầy chông gai, không chỉ để đạt tới nó mà ngay cả khi đứng trên nó.

Cuộc đời sẽ công bằng ở một góc nhìn khác.

Bình luận

error: Content is protected !!