Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.
KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT
Bạn có biết ông Hayao Miyazaki, giám đốc của Studio Ghibli là người có nhiều lần về hưu, chỉ vì điều ông ấy làm sau mỗi lần về hưu là… đi làm tiếp, tiếp tục sản xuất phim và rồi lại nghỉ hưu? Nếu đã chọn được một công việc để đam mê thì vì sao lại cần nghỉ hưu và xa rời nó!
Vậy còn bạn, nếu bạn có thể sống tới 100 tuổi, bạn nghĩ mình sẽ dành những năm tuổi già để làm gì?
Bạn đã từng hình dung mình sẽ làm gì khi về hưu chưa?
Vậy hãy thử vào căn ngõ nhỏ của mình hôm nay, lắng nghe dăm ba câu chuyện của những người đã về hưu mà mình có duyên gặp đã dạy cho mình về cách sống sao thật trọn vẹn nhé!
Đọc shownotes và các thông tin bổ sung: https://theblueexpat.com/ban-se-lam-gi-khi-ve-huu/
Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com
Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com
Bạn sẽ làm gì khi về hưu?
Bạn sẽ là ai sau 65 tuổi?
Đây là 2 câu hỏi có vẻ hiểm khi bắt gặp trong suy nghĩ của những người trẻ. Nhưng sự kiện cụ ông 82 tuổi thi đỗ đại học gần đây bắt đầu tạo nên sự xôn xao về những điều người già cũng có thể làm.
Những câu chuyện truyền cảm hứng
Trong cuốn sách Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life (Bí mật của người Nhật để sống vui khoẻ và trường thọ), hai tác giả: Hector Garcia và Francesc Miralles có nhắc tới Hayao Miyazaki – ông chủ của Studio Ghibli, một người đã từng về hưu rất nhiều lần. Bởi vì ngày sau khi về hưu, ông ấy vẫn quay trở lại nơi làm việc như bình thường, tiếp tục làm phim, rồi tiếp tục quay lại.
Câu chuyện này khiến mình nhớ mãi: nếu chúng ta đam mê công việc mình làm thì không cần thiết phải … về hưu với nó!
Tập podcast Review 5 cuốn sách về IKIGAI
Gần đây, khi xem series Midnight in Asia trên Netflix, ở ngay tập đầu tiên là câu chuyện của cô Sumiko Iwamuro đã 85 tuổi và vẫn đang làm công việc DJ! Mặc dù không được gia đình ủng hộ và vẫn làm công việc khác, cô vẫn nuôi dướng tình yêu với âm nhạc và cô mới chỉ bắt đầu với công việc này khi đã ngoài 75 tuổi! Nếu không làm người trẻ nhất hay đẹp nhất hay giỏi nhất thì có thể là người cao tuổi nhất! Bà Sumirock được kỷ lục Guiness Thế Giới là ‘Oldest Professional Club DJ’.
Không có một giới hạn tuổi tác để bắt đầu với đam mê và sống thật với nó cả!
Suy nghĩ về kế hoạch về hưu kể cả khi còn trẻ là hoàn toàn chính đáng
Cuốn sách IKIGAI kể trên cũng dẫn chứng nghiên cứu của tác giả về Okinawa, nơi có tuổi thọ cao nhất nhì Thế giới, với tuổi thọ trung bình của nữ giới lên tới 90 và 84 với đàn ông. Tác giả nhắc tới nhiều hoạt động cộng đồng mà rất nhiều người cao tuổi tham gia, một yếu tố góp phần cho họ vui vẻ và sống lâu. Sống ở một nơi mà tuổi thọ hứa hẹn lâu tới vậy thì việc nghĩ xem mình sẽ làm gì khi về hưu cũng là không thừa.
Ở Việt Nam, với sự tiến bộ của xã hội hiện giờ (y khoa, kiến thức sức khoẻ, chất lượng cuộc sống) tuổi thọ của chúng ta không ngừng tăng lên. Nếu cứ lấy tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại tuổi thọ của chúng ta là 73 tuổi, nếu bạn là nữ, tuổi thọ của bạn có thể hơn 76 tuổi, trong khi tuổi về hưu của bạn là 56, và 60 cho nam giới. Nếu vậy bạn có thể có tới 10 năm, vậy bạn muốn 10 năm đó trông như thế nào?
Mình bắt đầu cảm thấy việc về hưu không đáng sợ nữa từ khi mình gặp một người bạn đặc biệt trong lớp học tiếng Ý, vào năm 2012, khi mình sang học một khoá mùa hè ở Palermo trước khi bắt đầu chương trình Thạc sỹ. Khi ấy, người bạn này đã 72 tuổi và đó không phải lần đầu ông ấy tham gia khoá học này.
Sau đó, mình cũng ấp ủ rằng khi nào về hưu mình cũng muốn chọn một khoá tiếng Ý mùa hè, vì tình yêu của mình với nước Ý rất lớn, với mình Ý như quê hương thứ hai mà mình muốn mỗi năm có thể về thăm một lần.
Lần đầu mình đi thăm Paris, mình được ông bà của một người bạn cho ở nhờ. Hai ông bà đã về hưu khá lâu rồi, nhưng buổi tối bà vẫn sang nhà một gia đình người Đức để học tiếng. Mình hỏi ra thì biết trước đó bà đã thử học khá nhiều thứ hay ho như ảo thuật và vẫn nhớ một vài trick với bộ bài.
Kể từ ấy tư duy của mình thay đổi hẳn. Mình không nghĩ về già sẽ cô đơn, sẽ không làm được gì, bệnh tật, v.v.. mình nghĩ sẽ có rất nhiều thứ hay ho mình có thể làm chưa kể mình sẽ có tất cả thời gian trên đời dành cho những việc ấy, vì dù giới hạn thời gian nhưng mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời gian đi làm hay những thời gian bị sắp đặt do mục đích kiếm tiền hay trách nhiệm nào khác.
Và mình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về những gì mình muốn làm khi về hưu.
Bạn đang lên kế hoạch về hưu? hay là một cuộc đời muốn sống?
Khi nghĩ về những điều đó mình sẽ chợt bắt gặp câu hỏi:
“tại sao phải chờ tới lúc đó mình mới làm những việc này?”
Liệu việc mình lên kế hoạch cho “tuổi hưu” lại ẩn chứa một kế hoạch về “cuộc sống trong mơ” hay không? Dần dần nghĩ nhiều về những câu hỏi này cũng tác động không nhỏ tới cuộc sống của mình ở thời hiện tại.
Bài học lớn đầu tiên mà cuộc đời dạy mình là khi mình khoảng 10 tuổi, lúc đó ông mình mới về hưu, trước đó ông là Đảng viên, làm chính trị, có thể nói ông dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho đất nước, cho nên thời gian ông dành cho gia đình không nhiều. Mỗi khi mà bà mình kể về kế hoạch của ông mình sau khi nghỉ hưu là đưa bà đi chơi, có thời gian gặp bạn bè, được đi ăn ngon là khuôn mặt bà rạng rỡ lắm. Nhưng tất cả những hứa hẹn đó nó chẳng khác gì quả bóng pha lê treo trên cao vỡ tan khi mình mới đưa ngón tay chạm tới. Vì ông mình bị tai biến và nằm liệt giường 8 năm rồi ông mất. Chính vì thế mà những câu hỏi chất vấn khi mình vẽ ra kế hoạch nghỉ hưu kia cũng là điều hiển nhiên với mình.
Thế nên là nếu bạn hỏi mình vậy kế hoạch nghỉ hưu của mình như thế nào, mình sẽ làm gì, thì thực sự mình sẽ không làm gì khác nhiều so với những gì mình đang làm ở hiện tại. Chính xác thì những gì mình đang làm cũng chính là những thứ mình muốn làm khi về hưu :)) nhất là về khía cạnh công việc.
- Mình rất muốn tới ngoài 60 tuổi vẫn có thể dạy Pilates. Ông Joseph Pilates đã dạy cho tới những năm cuối của cuộc đời dài 84 năm của mình. Nguồn cảm hứng đầu tiên khiến mình quyết tâm theo đuổi công việc này cũng là một lần lạc vào một diễn đàn và bắt gặp câu hỏi “tôi năm nay 65 tuổi rồi thì có thể dạy Pilates được không?”. Cho nên việc có thể làm việc khi ở tuổi hưu là điều ước của mình!
- Mình sẽ nghỉ hưu với nghề podcast rất lâu trước khi sang 60 tuổi, nó là một phần trong kế hoạch của mình, nhưng thay vào đó, chắc mình sẽ chuyển sang làm điều gì đó chill hơn như viết sách chẳng hạn. Nếu những dự án mà mình ấp ủ trở thành hiện thực thì khi về hưu mình sẽ vẫn giữ vai trò là người cố vấn hoặc tiếp tục làm việc.
- Ngoài ra, có một điều duy nhất mình thích nhưng không thể làm bây giờ vì còn nhiều ưu tiên hơn, mình cần sự thảnh thơi của người già để thực hiện. Đó là mình muốn học về Khoa học con người (Human science). Kể cả lúc đó mình có già yếu hay quên, ngồi xe lăn trong Nhà Dưỡng lão, mình vẫn muốn học. Thậm chí mình còn tuyên bố với chồng mình để anh ấy có thể nhắc mình nữa. Mình đoán lúc đó giáo dục sẽ có bộ mặt rất khác, không chỉ ở E-learning nữa nên chắc một bà già Po vẫn học được thôi!
Hy vọng là tới đây các bạn đã hiểu ra dụng ý của mình khi đưa ra đề tài “về hưu” này. Dù số podcast được mở đầu bằng hai câu hỏi gợi mở về kế hoạch về già, nhưng cuối cùng, chắc hẳn bạn đã nhận ra câu hỏi mà số podcast này muốn nhắc tới là “liệu bạn có đang làm điều mà mình không cần phải về hưu với nó hay chưa?”
Bạn có bất ngờ với đề tài này? bạn có câu chuyện truyền cảm hứng từ một người cao tuổi nào đó giống như những người mình kể trong tập này thì chia sẻ với mình trong phần bình luận nhé!
Nghe audiobook cuốn sách về IKIGAI tại Scribd (miễn phí 30 ngày) tại link này