Gần đây cộng đồng người Việt ở nước ngoài đặc biệt là ở Châu Âu bàn tán xôn xao và thậm chí VTV1 cũng đưa tin về về vụ việc của chị Mai Phạm bắt nguồn từ series bài viết ‘Mắc kẹt ở Paris’ được đăng trên Facebook của nhân vật này. Mình biết tới vụ việc khá sớm và kịp đọc hết các phần của series bài viết này. Câu chuyện đã gợi tới chuyện xảy ra với mình vào năm 2017. Mình đã thu âm nháp câu chuyện của mình và cũng suy đi tính lại liệu có nên kể ra hay không? lúc nào thì phù hợp để chia sẻ trên podcast? Nhưng khi theo dõi diễn biến xung quanh những ý kiến về sự việc của chị Mai mình nhận thấy việc nhầm lẫn ID không đến nỗi hy hữu như mình nghĩ và đây là lúc nên thuật lại câu chuyện của mình.
Mùa hè năm 2017, vào buổi sáng cuối cùng ở Slovenia trong chuyến roadtrip của tụi mình và đang chuẩn bị di chuyển sang Ý, khi mình đang ăn sáng ở chỗ mình cắm trại thì có chiếc xe thùng cảnh sát tiến vào, lúc đó mình đã quay ra nói với anh chồng ‘Oh, police’. Không ngờ rằng chỉ 1 phút sau đó 2 cảnh sát viên 1 nam, 1 nữ tiến lại phía chúng mình và hỏi cô có phải là cô Nguyễn không và yêu cầu mình cho xem giấy tờ tuỳ thân. Dĩ nhiên lúc đó mình chỉ yên lặng làm theo thôi, trong đầu vẫn chưa kịp nảy ra suy nghĩ gì vì mới ngủ dậy. Sau khi xem xong giấy tờ của mình thì họ nói nhận được lệnh gấp phải đưa mình về đồn cảnh sát. Chồng mình cũng nói chuyện với họ và cho xem giấy tờ tuỳ thân của anh ấy, họ chỉ nói rằng anh có thể đi theo cùng về đồn bằng xe của anh nhưng vợ anh phải ngồi xe của chúng tôi. Mình vội đưa mắt ngó chiếc xe thùng giải phạm nhân màu trắng có một lỗ lưới nhỏ. Quá may và cũng hơi buồn cười rằng tay mình vẫn cầm bát ngũ cốc quà sáng, anh cảnh sát nhận ra và nhân nhượng nói ‘cô có thể ăn xong bữa sáng của mình rồi đi cũng được, chúng tôi sẽ đợi’. Hẳn nhiên đứng xúc ngũ cốc giữa bãi cỏ cắm trại với 2 nhân viên cảnh sát đứng trước mặt và xung quanh là những con mắt tò mò của những người tại khu cắm trại lúc đó thì cũng chả vui chút nào. May mà vì trước giờ đã quen gặp xui xẻo nên mình có khả năng giữ bình tĩnh đến mức lạ lùng. Và chắc vì quá bình tĩnh nên hình như mình cũng ăn chậm rề rề để đầu óc tỉnh lại và bắt đầu nghĩ các tình huống (hay là mình đã muốn câu giờ một chút 😛 ).
Chị cảnh sát tay cầm bộ đàm liên tục gọi đi đâu đó mình không hiểu vì họ nói tiếng của họ. Trong lúc đó họ vẫn tiếp tục xem xét giấy tờ của mình, bàn bạc với nhau, chụp ảnh hộ chiếu của mình và gửi về người ở trụ sở để kiểm tra lần nữa. Họ nói thêm cho mình rằng yêu cầu giữ mình lại là từ Interpol. (?!)
Mình tiếp tục ăn, 2 anh chị cảnh sát tiếp tục liên lạc rồi nói chuyện với nhau, sau đó còn quay ra hỏi mình rằng có biết vì sao Interpol lại muốn giữ mình lại không? Trời ạ mình chỉ biết những chuyện liên quan đến Interpol qua phim thôi và mình chỉ trả lời là không biết.
Câu chuyện diễn ra trên sân cỏ khu cắm trại chỉ vài phút nhưng nếu có ai quay phim lại thì sẽ thấy 2 hình ảnh trái ngược cùng đứng trong 1 khung hình. Một bên là mình đang trong một thước phim quay chậm bên cạnh 2 viên cảnh sát trong cuốn phim tua nhanh, anh chồng mình thì là diễn viên quần chúng với khuôn mặt hoang mang lo lắng. Chuyện diễn ra như vậy trong 1 thời gian ngắn thì phía bộ đàm có báo lại cho 2 cảnh sát điều gì đó và họ quay ra trả lại mình giấy tờ và nói xin lỗi vì trụ sở báo rằng họ đang tìm kiếm người với tên giống mình nhưng là nam. Anh chồng mình cố nín cười và bắt tay 2 vị cảnh sát, nói đôi ba câu gì đó hài hước với họ rồi mình nhìn 2 cảnh sát đi ra khỏi khu cắm trại với chiếc xe thùng mà suýt nữa mình đã được nếm mùi ngồi trong đó. Họ vừa đi thì bác khu cắm trại nhà vừa kịp về, tức tưởi chạy lại chỗ mình nói xin lỗi vì nếu ông í ở nhà thì sẽ không để cảnh sát tới hỏi trực tiếp như vậy mà phải qua ông í để kiểm chứng trước. Ông còn nói may cho mình bởi về đồn có thể sẽ gặp những cảnh sát không nói tiếng Anh và họ sẽ làm mất nhiều thì giờ của mình.
Bạn có thể thắc mắc sao cảnh sát biết mình ở chỗ cắm trại đó mà đến tìm. Khi đến một chỗ nghỉ nào đó kể là khách sạn hay cắm trại, thậm chí nhiều nhà trên Airbnb ở 1 số nước trong châu Âu bạn cũng phải đưa họ giấy tờ tuỳ thân để họ báo cáo chính quyền. Việc làm này không phải chỉ để kiểm soát thông tin du khách mà còn là để đóng thuế nữa. Mình đã từng đóng thuế du lịch khi ở nhà trên Airbnb ở Ý, Áo và Đức, thuế này tầm 2 tới 3 EUR mỗi du khách tùy thành phố.
Câu chuyện này luôn là 1 kỷ niệm khó quên với mình nhưng mình chưa từng nghĩ nó có gì đáng để kể cho tới khi câu chuyện của chị Mai Phạm được đưa lên và qua các bình luận của cộng đồng người Việt trên các trang Facebook mình mới biết hoá ra có nhiều người, thậm chí người quen của mình cũng từng gặp cảnh bị giữ lại ở sân bay để kiểm chứng ID do có ảnh hay tên trùng với người đang bị truy nã thì mình nghĩ đây không phải là việc hy hữu và cần được kể ra. Qua thời gian sống ngắn ngủi ở nước ngoài mình cũng được nếm đủ chuyện từ may đến xui rất thú vị. Mình từng nghĩ chắc mình nhạt nên cuộc đời rắc cho nhiều gia vị để thêm đậm đà 😀 Những vụ việc lạ kỳ xảy ra xung quanh khiến mình biết mình quá may mắn để được trải qua nhiều chuyện không phải ai cũng sẽ gặp phải mà không bị sao cả để mà kể lại, chia sẻ với người khác, để những ai chưa biết có thể hiểu rằng sống ở nước ngoài có những chuyện như thế và từ đó lập ra The Blue Expat và dần dần tìm dịp để kể những chuyện của mình.
Quay lại với câu chuyện của chị Mai Phạm, bản thân mình sẽ không bình luận về vụ việc bởi chúng ta còn chưa biết thực hư ra sao nhưng có điều câu chuyện của chị Mai Phạm và lý do mà chị ấy dùng để bào chữa sự vô tội là ‘identity thief’: bị đánh cắp thông tin cá nhân và tội phạm thực sự đã làm giả giấy tờ với nội dung của chị để thực hiện hành vi phạm pháp. Có nhiều người vội vàng kết ra bài học rằng phải giữ bảo mật thông tin cá nhân của mình, không đăng lên mạng xã hội, v.v…, thật ra mình không nghĩ bài học này rút ra trong trường hợp này là hợp lí nhưng lại là lời nhắc nhở đúng đắn. Trên Facebook feed của mình cũng từng xuất hiện nhiều ảnh chụp visa hay thẻ cư trú của nhiều người vui vẻ vì nhận được loại giấy tờ phức tạp này mà đăng lên. Những lúc như thế mình cũng cảm thấy khá lo vì hành động đăng thông tin cá nhân và giấy tờ tuỳ thân lên những trang như vậy là khá nguy hiểm, có thể trong cả 100,000 người thì chỉ có 1 người gặp vấn đề với việc này nhưng một khi bị xui xẻo thì hậu quả chẳng vui chút nào.
Để lưu giữ file mềm của giấy tờ tuỳ thân để dùng trong một số trường hợp mình dùng Dropbox nên có thể truy cập bất cứ lúc nào cần nhưng vẫn đủ độ riêng tư. Tuy nhiên nếu có cách nào an toàn hơn, mong bạn góp ý cho mình với nhé!
Khi nghe câu chuyện của chị Mai Phạm có rất nhiều người hoang mang, nghĩ rằng xui xẻo là bị bắt bỏ vô ngục với cái toilet hôi hám như chị đã viết như chơi, vì nếu có tội thì sao lại được cấp visa? Nhưng thực ra công tác an ninh ở châu Âu không bắt người dễ dàng như vậy nên nếu có ai chót hoảng sợ thì mong các bạn đừng quá lo lắng, chưa kể chúng ta còn chưa ngã ngũ được câu chuyện này như thế nào. Mong rằng chị ấy sẽ được giải quyết thật nhanh chóng và câu chuyện sẽ sớm được sáng tỏ.
Đó là một trong số những chuyện kỳ lạ mà mình đã trải qua, nếu mọi người muốn nghe thêm nhiều những chuyện xảy tới với mình khi sống ở nước ngoài thì hãy comment cho mình biết với nhé! Chúc bạn sẽ có những chuyến du lịch thú vị trong thời gian tới!