Hiện tại tôi đang sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ chính, bên cạnh đó tôi đang học tiếng Đức và có thể giao tiếp bằng tiếng Ý nếu cần. Để duy trì việc học những ngôn ngữ ít dùng, tôi chỉ sử dụng phương pháp học đơn giản với 25 phút mỗi ngày.
Việc sử dụng ngoại ngữ như là ngôn ngữ chính với những expat là một chuyện rất bình thường nhưng nếu là tôi cách đây 20 năm, khi mới biết thế nào là ngoại ngữ thì là điều không tưởng. Mỗi khi được nghe người khác khen khả năng tiếng của mình, nói rằng tôi có khiếu, v.v… tôi biết mọi người chỉ nhìn tôi ngày hôm nay, chẳng ai biết tôi đã từng sợ và ghét học môn tiếng Anh và từng đứng top… từ dưới lên trong lớp khi học tiếng Anh trong trường hồi xưa.
Lần đầu biết đến môn Tiếng Anh
Tôi bắt đầu biết đến tiếng Anh khi chuyển trường vào năm học lớp 3. Khi đó nhìn cuốn sách tiếng Anh tôi hoang mang vô cùng, trong lớp tôi khi đó có một bạn học rất giỏi. Lớp ai cũng kết thân với bạn để được trợ giúp trong giờ kiểm tra tiếng Anh, tôi cũng không nằm ngoại lệ. Kết thúc những năm cấp 1, tiếng Anh của tôi dừng lại ở Hello, Hi, How are you, I’m fine Thank you.
Cơn ác mộng đứng Top từ dưới lên
Nhưng đến năm học cấp 2 thì cơn ác mộng của tôi với tiếng Anh mới là nỗi ám ảnh quá lớn ảnh hưởng tới cả quyết định cuộc đời của tôi sau này. Tôi được xếp vào lớp chuyên Anh!!! Tôi rất tự hào vì được học loại sách tiếng Anh thí điểm chỉ có duy nhất 3 trường cấp 2 ở Hà Nội bấy giờ sử dụng là Trưng Vương, Ngô Sỹ Liên và Nguyễn Trường Tộ. Đó là thông tin hồi đi học được nghe như vậy. Mỗi trường cũng chỉ có 2 lớp được học cuốn sách đó. Thay vì tự hào và sung sướng vì được học thí điểm, tôi lại hoang mang và sợ học giờ tiếng Anh luôn!
Sách dày và to, nội dung phức tạp hơn nhiều so với giáo trình 7 năm. Cô giáo lại nói 100% tiếng Anh trên lớp. Cô cũng khiến các phụ huynh hiểu tiếng Anh vô cùng quan trọng, chẳng kém gì những môn chính Toán, Văn, Lý, Hoá. Một người chưa từng bao giờ nghĩ đến sự tồn tại của môn tiếng Anh trong trường là mẹ tôi thay đổi 180 độ và lần nào đi họp phụ huynh về cũng mắng tôi vì điểm số môn này.
Chưa kể các bạn trong lớp cũng toàn người giỏi, các bạn được bố mẹ định hướng từ nhỏ. Sau này tôi biết gần hết những bạn trong lớp tôi hồi đó đều đi du học, có bạn đi từ cấp 3, đại học, có người còn định cư ở nước ngoài.
Những năm tháng học trong lớp siêu sao đó tôi bị ám ảnh khả năng học ngoại ngữ của mình. Chưa bao giờ tôi thoát khỏi suy nghĩ là mình học dốt môn tiếng Anh cả. Đây chính là thời điểm tôi luôn nằm trong top từ …dưới lên ở lớp.
Quyết định thi vào Đại học ngoại ngữ dù chỉ tự tin vào điểm Toán
Môn tiếng Anh khi vào cấp 3 của tôi lại trở thành một môn rất phụ, tôi không nhớ nổi mình đã học được gì trên lớp nhưng đây lại là thời gian tôi được thở phào với môn ngoại ngữ này. Lí do là tôi được học giáo trình 7 năm, rất nhàm chán. Các bạn siêu sao cũng đi đâu hết nên tôi không có cảm giác phải cố, phải đua ở lớp.
Thong dong như thế mà thành tích của tôi lại ngược lại so với cấp 2. Tôi đã đổi từ top từ dưới lên thành top từ trên xuống. Nhưng đây lại không phải điều khiến tôi vui hơn, đúng hơn là nó làm tôi lo sợ hơn. Lo sợ do tôi hiểu là không phải mình đang học giỏi lên mà là mình thụt lùi. Tôi nhớ những người bạn siêu sao, những người tôi luôn phải ganh tị với tài năng của các bạn. Tôi thấy kỳ lạ có bạn trong lớp khen tiếng Anh của tôi tốt trong khi tôi chỉ làm được vài kiến thức đơn giản.
Chính vì thế tôi vẫn nghĩ mình dốt tiếng Anh.
Tôi luôn quan niệm cái gì mình dốt thì mình học, rõ là tôi yêu thích và giỏi học toán nhưng lại không theo khối tự nhiên. Tôi vẫn theo khối D dù chỉ tự tin với môn toán.
Tôi đâm đầu vào bằng được trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, trường đổi tên thành Đại học Hà Nội vào đúng năm tôi thi vào. Các bạn đều biết những người thi vào trường có môn nhân đôi điểm là tiếng Anh là người tự tin nhất vào môn đó nhưng với tôi đó lại là môn tôi kém nhất! Tôi thi đại học 2 năm và cả 2 năm tôi chỉ được 6 điểm đầu vào tiếng Anh.
Từ 6 điểm đầu vào Đại học tới 6.5 IELTS và nhận ra năng khiếu nằm ở đâu
Nhưng hành trình học tiếng Anh một cách nghiêm túc của tôi thực sự bắt đầu khi tôi vào đại học. Tôi thích thú vì không còn lựa chọn nào khác ngoài cách sống với nó và ép mình học. Trường có yêu cầu để lên được năm 2 chuyên ngành, sinh viên phải qua được các môn của năm nhất là dành được ít nhất 6.0 IELTS trong đó không môn nào dưới 5.0, nếu không thì phải học lại năm đầu. Con số này có vẻ khiêm tốn với các bạn ôn thi tiếng Anh để đi du học nhưng với tôi thời điểm đó là cả một vấn đề lớn.
Tôi chưa học tiếng Anh giao tiếp bao giờ, không có khả năng nghe, nói, chưa biết viết văn bằng tiếng Việt sao cho hay huống chi là tiếng Anh. Nhưng may quá vì lúc nào cũng nghĩ mình kém, vì bạn bè có sửa phát âm tôi cũng không buồn. May là có những người bạn trình độ hơn tôi trong lớp mà tôi được dịp cố gắng hơn rất nhiều.
Tôi chẳng thể ngờ mình không bị rơi vào cảnh học lại năm đầu, không ngờ mình tự tin với tiếng Anh đến thế sau 1 năm và càng chẳng ngờ mình được 6.5 IELTS trong đó có điểm 7. Lúc đó tôi rất sung sướng, tôi không nghĩ mình dốt tiếng Anh nữa, tôi nghĩ mình có khả năng tiến bộ chứ không phải là không thể học được hay không có khiếu.
Cái ‘khiếu’ của tôi lúc này có lẽ là khả năng nghĩ logic để áp dụng vào quá trình ôn thi IELTS. Tôi mới thấm thía điều nhiều người đi trước vẫn nói học ngoại ngữ cần nhất là chăm chỉ.
Áp dụng vào các ngoại ngữ khác
Gần đây khi đi học tiếng Đức, dù trước khi đi học tôi vẫn nghĩ mình không có khả năng học ngôn ngữ này. Bản thân tôi cũng không thích tiếng Đức và đó chính là vấn đề. Nhưng rồi khi không có sự lựa chọn nào khác, như khi tôi ép mình vào trường ngoại ngữ khi xưa, tôi thấy ngôn ngữ này cũng có … thú vị.
Mặc dù tôi học thiếu 1 trình độ, thua các bạn trong lớp 2 tháng học, nhưng tôi chỉ thua những kiến thức họ đã học, chỉ cần học bù là theo được, còn khả năng tiếp thu lại có phần nhỉnh hơn. Vậy có phải tôi có năng khiếu? Câu trả lời là CÓ.
Nhưng khiếu của tôi là hội tụ của nhiều yếu tố: 1, tuổi trẻ: tôi không bị chi phối bởi thời gian cho con cái như các bác trong lớp và 2, kinh nghiệm học tiếng.
Vậy nghĩa là tôi đã hoá cái không có khiếu với ngoại ngữ đầu tiên thành có khiếu với ngoại ngữ thứ 2. Trong khi có nhiều người bạn từng có khiếu học tiếng Anh hơn tôi, sau này đi làm lại bỏ quên thứ các bạn ấy đã học để rồi từ có hoá không, thật lãng phí đúng không?
Vậy nên nếu bấy lâu bạn vẫn dùng lí do “Không có khiếu” để ‘trốn’ học ngoại ngữ thì có thể nghĩ lại một lí do khác hợp lý hơn nha!
Chúc các bạn thành công với việc học của mình.