Bạn đã từng bao giờ cố gắng thay đổi một thói quen rất lâu mà không biết tại sao vẫn chưa thành công? Bạn thức dậy mỗi sáng sau 5 lần bấm nút Snooze (hoãn báo thức), lập danh sách việc cần làm dài đằng đẵng đến nỗi không bao giờ có thể hoàn thành hết và cảm thấy không thỏa mãn với sự nghiệp? Nếu bất cứ một điều kể trên đúng với bạn, thì bạn chẳng bị làm sao hết, mà là bạn đang không giải quyết vấn đề thật sự. Thay vì tự hỏi “Mình đang làm cái quái gì thế này” hãy đặt câu hỏi khác và ngưng những hành vi tự hoại bản thân. Một khi bạn tìm được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, bạn sẽ thay đổi được bất cứ một hành vi nào.
Tôi hứa nếu bạn gặp khó khăn để thực hiện theo kế hoạch và thực sự thay đổi, bài viết này sẽ là sự cứu cánh cho bạn.
Đã tới lúc bạn nên ngưng xỉ vả bản thân do cứ mắc kẹt trong những lối mòn tư duy. Tôi sẽ chỉ cho bạn những cách dựa trên khoa học đã được chứng minh để tìm ra gốc rễ vấn đề đã khiến bạn căng thẳng và mở ra trang mới cho cuộc đời bạn.
Trì hoãn
Có những người thực sự thông minh đã dành cả cuộc đời của họ để nghiên cứu về bệnh trì hoãn. Kết quả là gì? Bệnh trì hoãn không hề liên quan tới sự lười biếng, thiếu đạo đức trong công việc, hay khả năng để làm việc hiệu quả. Nó liên quan trực tiếp tới những căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn mắc bệnh trì hoãn, những thứ như to-do list (danh sách việc cần làm), những cuốn sổ tay lập kế hoạch (planner) và cả những mẹo để quản lý thời gian sẽ chẳng bao giờ mang lại kết quả.
Cho đến khi bạn tìm ra nguyên nhân cốt lõi của lý do tại sao bạn trì hoãn – đó là căng thẳng trong một số lĩnh vực của cuộc sống – bạn sẽ lại thổi bay công việc ngập ngụa trước mắt và tiếp tục say sưa xem những video về lũ mèo thôi. Bởi vì xem tụi mèo giúp làm giảm căng thẳng não của bạn trong thời điểm này, làm cho bộ não của bạn cảm thấy như mọi căng thẳng trong cuộc sống của bạn đã biến mất.
Cho dù căng thẳng của bạn có liên quan đến một cái gì đó đơn giản hay nghiêm trọng, quy tắc này vẫn phù hợp. Hãy đối mặt với vấn đề gốc và loại bỏ sự căng thẳng. Và nếu bạn trải qua căng thẳng dựa trên những điều từng xảy ra trong quá khứ, có thể bạn đang chiến đấu với bệnh tâm lý PTSD (hậu chấn tâm lý – tbe).
Nghe thì có vẻ trái ngược với những gì ta có thể thấy rằng giải pháp tốt nhất cho bệnh trì hoãn của bạn lại là EMDR (Eye movement desensitization and reprocessing – tbe) hoặc các liệu pháp tâm lý khác.
Bạn không thể bỏ những thói quen xấu dù đã rất cố gắng
Thói quen là những hành vi đã được mã hóa vào bộ não của chúng ta. Chúng chỉ bắt đầu và thực hiện khi được ‘châm ngòi’. Khi bạn cảm thấy, nghe thấy, ngửi thấy hay thậm chí là nếm được cái tác nhân kích hoạt đó thì cơ thể bạn sẽ tự động phản ứng không cần phải suy nghĩ và bắt đầu cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “habit loop” (vòng lặp thói quen/Chu trình lặp lại của thói quen). Kết luận này sẽ khiến bạn nhẹ nhõm hơn: tất cả các thói quen đều có thể bị phá vỡ.
Bước đầu tiên: hiểu rằng gốc rễ của thói quen là một “tác nhân kích hoạt”
Nếu bạn đang cố bỏ thuốc, chỉ dùng miếng dán không thôi sẽ không bao giờ đủ. Ngay cả khi cơ thể bạn không còn sự phụ thuộc về tâm lý nữa thì vẫn còn cả triệu những tác nhân khác.
Với thuốc lá, bạn có thể bị kích hoạt bởi “chuông báo thức vừa hết, tôi cần một điếu thuốc”, hay “Tôi vừa đánh răng xong, tôi cần một điếu thuốc”, hay “Tôi vừa rót một ly cà phê” và mùi cà phê, thời gian trong ngày, tiếng cà phê đang rót vào ly, đó là tất cả những tác nhân kích hoạt mọi phần trong bộ não của bạn và khiến nó hoạt động thiếu kiểm soát.
Với cách hiểu này, bạn sẽ có chút vị tha hơn với chính mình và nhận ra rằng bạn đang ở trong hoàn cảnh mà mọi thứ trong căn nhà sẽ gợi nhớ bạn về điếu thuốc. Thay vì cố gắng loại bỏ mọi tác nhân – điều hoàn toàn không thể – bạn cần một hành động phù hợp mới để làm ngay khi một tác nhân nào đó được kích hoạt trong đầu. Ví dụ bạn có thể đổi vị cà phê hoặc thay thế châm một điếu thuốc với 3 phút đi dạo.
Nếu bạn không thể phá vỡ một thói quen, bạn không bị vấn đề gì hết, chỉ là bạn đang giải quyết nó sai cách mà thôi.
Bạn không tìm ra đam mê
Tôi muốn nói cho bạn một bí mật: bạn sẽ không bao giờ “tìm” ra được đam mê hết!
Chúng ta vẫn hay nói về đam mê như là một cái gì đó được mặc định rằng sẽ tìm tới chúng ta trong cuộc đời. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra thứ khiến bạn đam mê là điều hoàn toàn bình thường. Đam mê không phải là cái khiến bạn say mê làm. Đam mê chỉ đơn giản là Năng Lượng. Nếu làm việc đó tiếp thêm năng lượng cho bạn, hãy theo đuổi nó, nếu việc đó lấy đi sức lực của bạn, hãy tránh xa nó.
Nếu bạn muốn tìm ra thứ có thể tiếp năng lượng cho mình, bạn cần bước ra ngoài kia và thử mọi thứ. Thử và mắc lỗi. Nếu bạn đang cố tìm ra đam mê, hãy làm mọi việc trong ngày với câu hỏi này: Việc này đang tiếp thêm năng lượng cho tôi hay khiến tôi kiệt sức?
Bạn sẽ không phát hiện ra rằng bạn yêu thích nghề mộc nếu bạn chưa bao giờ thử làm một thứ gì đó từ gỗ. Bạn sẽ không biết nếu bạn là một diễn giả giỏi cho đến khi bạn đứng trên sân khấu. Bạn sẽ không biết rằng mình sẽ trở thành một chủ tiệm bánh tuyệt vời cho đến khi bạn tình nguyện hoặc làm việc tại một cửa hàng bánh. Bạn phải thử một loạt các thứ và tìm hiểu những gì bạn không thích trước khi bạn có thể chắc 100 phần trăm về những gì bạn sinh ra để làm.
Bạn không bao giờ có đủ thời gian
Thay vì nói rằng “Tôi không có thời gian”, hãy nói “Đây không phải là ưu tiên” và xem bạn sẽ cảm thấy ra sao. Chỉ bằng việc đổi một vài từ ngữ, bạn sẽ phân biệt được rõ ràng điều gì mới là quan trọng.
Hiểu rằng bạn cực kỳ bận rộn vì một lý do. Thông thường, chúng ta rất bận rộn nhưng là bận rộn trong những vòng xoay của cuộc sống. Một trong những lý do khiến mọi người tiếp tục bận rộn là vì nếu họ chậm lại, họ sẽ bị buộc phải đối phó với bất cứ điều gì họ thật sự cần giải quyết đã bị ngụy trang bởi sự “bận rộn”.
Chúng ta cần chậm lại và điều chỉnh cảm xúc của mình để nhìn ra vấn đề mà chúng ta sợ phải đối mặt
Thay vì căng thẳng về lịch trình của bạn, hãy xem tại sao bạn lại cam kết quá nhiều ngay từ đầu. Nếu bạn “không bao giờ có đủ thời gian”, tôi thách thức bạn chậm lại hôm nay và xem nơi nào có cơ hội nói “không” với những điều mới trong công việc hoặc trong cuộc sống cá nhân của bạn để bạn có thể bắt đầu dành thời gian cho những ưu tiên của mình.
Bạn không bắt tay vào làm cái bạn cần phải làm
Nếu bạn là một người thông minh, có thể xác định những việc bạn cần làm, nhưng bạn liên tục không thực hiện chúng thì hẳn có một câu chuyện tiềm ẩn mà bạn có về bản thân ở đây. Bạn cứ thể xỉ vả và chỉ trích chính mình.
Thay vì hỏi là tại sao bạn không có khả năng thực hiện điều bạn cần làm, tôi muốn bạn bắt đầu nhìn vào điều đã xảy ra với bạn. Mỗi khi nhớ lại thời gian bế tắc của mình, có một điều đã ghi dấu khoảng thời gian đó trong cuộc đời tôi đó là cả tấn xấu hổ, cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân.
Có thể bạn từng ở trong hoàn cảnh đó hoặc đó là hiện tại của bạn. Chúng ta có những lí do khác nhau để bị rơi vào hoàn cảnh này. Có thể bạn bị lạm dụng trong một mối quan hệ, hoặc bạn chưa hồi phục sau một thất bại lớn trong đời. Bất kể lý do là gì, đừng độc ác với chính mình nữa. Với việc tự chỉ trích, chúng ta đang dùng chính những điều tồi tệ mà người khác đã nói hay đã làm cho chúng ta để đối xử với chính bản thân ta. Lý do bạn không dành thời gian cho bản thân và thổi bay những điều có ý nghĩa nhất đối với bạn, là vì cảm giác tiềm ẩn rằng bạn không quan trọng hoặc không xứng đáng được hạnh phúc.
Cách duy nhất để dừng câu chuyện buồn này lại bắt tay vào hành động.
Từ hôm nay, hãy tử tế với chính mình và thay đổi con người bạn!
Hãy thực hiện những hành động nhỏ cho những điều thực sự quan trọng với bạn mỗi ngày trong vòng 1 tuần, tôi hứa rằng sự tự tin của bạn sẽ được củng cố.
Bạn hay bỏ cuộc
Nếu bạn là người bỏ cuộc gặp khó khăn trong việc hoàn thành mọi việc, tôi có thể đảm bảo rằng đây là mô hình đã bị mã hóa trong não của bạn từ khi còn nhỏ.
Điều đầu tiên cần làm là nhìn vào quá khứ của bạn. Lần đầu tiên bạn bỏ cuộc là khi nào? Khi bạn bỏ việc đó, tại sao bạn lại làm điều đó? Cảm xúc nào khiến bạn bỏ cuộc?
Nhiều khả năng, khi những cảm giác tương tự xuất hiện bạn sẽ lại bỏ cuộc, hết lần này đến lần khác. Đây là những cảm giác lén lút bởi vì chúng kích hoạt trong tiềm thức chúng ta để thực hiện phản ứng tương tự: bỏ cuộc. Thói quen này dần trở thành cách bạn sống. Thay vì tự hỏi tại sao bạn không thể tiếp tục làm điều gì, hãy vị tha với chính mình và nhận ra việc bỏ cuộc đã trở thành chiến lược đối phó của bạn khi mọi thứ trở nên khó khăn.
Một khi bạn đã quen với những cảm xúc dâng trào trước khi bạn từ bỏ, bạn có thể bắt đầu vượt qua chúng và trở thành người luôn hoàn thành công việc.
Suốt nhiều năm bạn vẫn phàn nàn về một vấn đề
Nếu có một thứ bạn muốn sửa từ lâu mà không tiến triển gì, dự đoán của tôi là bạn chả có động lực nào để khắc phục nó hết. Hãy chấp nhận là bạn không muốn thay đổi. Thực sự có thể bạn đang dùng vấn đề đó để trốn tránh trách nhiệm mà thôi.
Nếu bạn đã rên rỉ nhiều năm về công việc, cân nặng, các mối quan hệ mà bạn chưa thực sự làm điều gì để thay đổi chúng, tôi cá là phàn nàn thực sự là cách bạn thao túng người khác để họ cũng nghĩ như bạn. Ngưng phàn nàn và nhận ra thay đổi không thực sự quan trọng với bạn đến vậy.
Nếu bạn đã quyết định thay đổi, bạn cần ngừng việc phàn nàn và giải quyết nguyên nhân gốc rễ làm sao bạn vẫn còn phải chịu vấn đề này
Có thể bạn sẽ tìm sự ủng hộ từ những người xung quanh qua việc phàn nàn. Hãy tìm câu trả lời từ bên trong bạn thay vì các lời nói tác động bên ngoài. Điều này sẽ giúp bạn thực sự thay đổi, bắt đầu bằng việc chấm dứt thói quen phàn nàn.
Bạn không phải là bạn trong quá khứ
Nhiều người trong chúng ta bị cuốn vào những suy nghĩ về quá khứ. Ngay cả khi bạn đã thay đổi và không còn những thói quen và suy nghĩ không tốt, việc làm hòa với quá khứ của bạn là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, khi bạn nghĩ sai về quá khứ của mình, bạn sẽ không tự hào về những gì bạn đã làm được.
Nếu bạn muốn được hạnh phúc, bạn cần phải tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ và tự hào về bản thân trong hiện tại.
Bất kể là bạn đang ở đâu, tôi biết rằng bạn đã trải qua nhiều vấn đề trong cuộc sống. Làm sao bạn có thể vượt khỏi những lỗi lầm trong quá khứ nếu không tự hào và vui mừng vì bạn đã tiến xa như thế nào.
Ngay lúc này, tôi muốn bạn nhận ra bạn đã tiến xa tới đâu bởi vì giống như bạn tôi cũng đang trong quá trình cố gắng đưa cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Động lực chỉ là chuyện tưởng tượng thôi, hãy kiểm soát cuộc sống của bạn bằng hành động.
Tác giả Mel RobbinsBài gốc “8 Things to Stop Beating Yourself Up About: How Changing Your Story Will Improve Your Life” đăng trên tạp chí của Audible ngày 7/5/2018Ảnh được lấy từ bài gốc.
- Bài viết được dịch bởi trang The Blue Expat, vui lòng liên hệ nếu muốn sử dụng trên các trang thông tin khác.
Bảo Hân
blog hay quá ạ huhuhuhu <3 best lun í :* toàn những vấn đề em gặp phải ..:))))