Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.
KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT
Những câu chuyện của những người bạn xung quanh mình gần đây đã tác động tới mình để chia sẻ nội dung tập podcast này. Nỗi buồn khi người thân ra đi thậm chí còn không được ‘chẩn đoán’ tâm lý như những vấn đề sức khỏe tâm thần khác như lo âu và trầm cảm. Vì thế nó chẳng có một phác đồ điều trị cũng không có con đường tắt nào để bước qua thật nhanh.
Elizabeth Kübler-Ross nhắc tới 5 giai đoạn của sự đau buồn trong cuốn On Death and Dying (1969). Nỗi buồn khổ có thể được chia thành 5 giai đoạn, mô phỏng về trải nghiệm của những người trải qua mất mát: Denial (Phủ nhận); Anger (Tức giận); Bargaining (Giá như, đáng ra tôi nên…); Depression (Trầm cảm); Acceptance (Chấp nhận)
Với những trải nghiệm của bản thân mình đối diện với sự ra đi của người thân từ năm 18 tuổi, mình muốn tâm sự với những ai cần để bạn không thấy mình đơn độc và trở nên thấu hiểu và yêu thương chính mình hơn khi gặp trải nghiệm buồn này của cuộc sống.
Đọc bài viết tại: https://theblueexpat.com/vuot-qua-noi-buon-mat-mat-nguoi-than/
Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com
Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com
Tập podcast từng được đăng trên The Blue Expat 8/7/2021
Một tác phẩm gây ám ảnh cho mình đó là cuốn tự truyện Wild của Cheryl Strayed khi Cheryl gần như buông xuôi cuộc sống của mình và mang sự uất hận vì mẹ cô ấy mất. ‘Tại sao lại phải chết?’ đó là câu hỏi khiến cô ấy đau buồn suốt một quảng thời gian dài. Chúng ta có những cách đối diện với nỗi buồn này khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng nó chưa bao giờ là cảm giác dễ chịu.
Mình có tư cách gì để nói? Đây là điều khiến mình loay hoay mãi mà chưa dám đăng tập podcast này, dù đã chuẩn bị một bài script dài tới cả 5000 từ. Chẳng hay ho gì để khoe ra khi mà từ khi bước sang tuổi 18 mình bắt đầu được cuộc đời vã cho những trải nghiệm về sự ra đi của những người ngay gần kề. Nhưng chỉ tới gần đây, khi có những người quanh mình sắp phải bước tới bài học này của cuộc sống, mình mới thấy, chẳng phải ở độ tuổi nào, chẳng phải mình sẵn sàng tới đâu thì chuyện này mới tới. Nên mình mong tập podcast này có cuộc sống của nó, không chỉ là bản nháp nữa, và nó sẽ tìm tới được với những người thật sự cần.
Vào thời điểm 10 năm trước mình không được ai bảo cho cách và cũng không nghĩ là có thể google để tìm cách giúp mình xoa dịu đi. Vì thế mình khi tìm hiểu thông tin cho tập hôm nay mình mới thấy nỗi đau này đã được cả khoa học quan tâm, hẳn nhiên vì nó là chuyện không phải ai cũng tránh được và muôn đời nay vẫn mang lại đau khổ cho con người. Và mình tìm ra thông tin về 5 giai đoạn của sự đau buồn. 5 stages of grief.
Vào năm 1969, một nhà tâm thần học người Thụy Sĩ – Mỹ có tên Elizabeth Kübler-Ross nói trong cuốn sách “On Death and Dying” về cái chết và đối mặt với ra đi, rằng nỗi buồn khổ có thể được chia thành 5 giai đoạn, kết luận từ nhiều năm quan sát người cận tử. Dẫu rằng nó được kết luận từ những người bệnh nhưng 5 giai đoạn này cũng được dùng để mô phỏng về trải nghiệm của những người trải qua mất mát.
- denial – Phủ nhận
- anger – Tức giận
- bargaining – có thể tạm gọi là ‘Giá như’, nghĩ về những điều đáng ra mình nên làm cho người đã mất
- depression – trầm cảm
- acceptance – chấp nhận
Đây là một hành trình khó khăn mà mình tin là ai đi qua nó cũng cần đối xử tử tế với bản thân để tránh có thêm những tổn thương.
Những gợi ý của mình để bạn cảm thấy tốt hơn
Đừng tìm lí do cho những điều đang xảy ra
Thay vì nói rằng, tại sao ông trời lại làm vậy với người tốt? hãy nghĩ, vậy chuyện này xảy ra để tôi phải trở thành người như thế nào? Chính điều đang xảy ra là lí do để chúng ta không còn là con người của mình trước đó nữa, vậy con người mới sẽ như thế nào để bước tiếp?
Nói ra cảm xúc và suy nghĩ của mình
Đừng giữ khư khư nỗi buồn của mình. Hãy chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với người khác cũng như không cố để né những lời hỏi thăm chân thành.
Bạn có thể chia sẻ với người thân thiết xung quanh hoặc liên hệ những tổng đài hỗ trợ, ví dụ: Đường dây nóng ‘Ngày mai’ của TS. Đặng Hoàng Giang; hoặc tìm tới Các nhóm cộng đồng; cuối cùng là tới bác sĩ tâm lý.
Chia sẻ nhưng đừng đặt hy vọng gì hơn ngoài việc bạn cho bản thân được nói ra những nỗi buồn trong lòng. Đừng trông chờ rằng người nghe sẽ phải hiểu mình. Hãy cám ơn họ vì đã ở đó! Khả năng lắng nghe là một kỹ năng phức tạp mà chúng ta phải học mỗi ngày mời có được và không phải ai cũng có mức năng lượng đủ cao để nghe những chuyện buồn hay tiêu cực.
Viết Nhật ký. Hãy dùng một cuốn sổ riêng cho nỗi buồn của bạn. Nếu bạn thấy mình có những dòng suy nghĩ luẩn quẩn, lặp đi lặp lại, thì có thể đó là lúc bạn cần tìm tới tham vấn tâm lý.
Không phán xét cảm xúc của mình và cũng không ép bản thân phải làm khác những gì trực giác dẫn dắt
Thông thường, nỗi đau mất mát có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, một phản ứng mạnh mẽ về cả cảm xúc và thể chất. Bạn có thể trải qua tất cả các loại cảm xúc từ sốc hoặc tức giận như là giận và trách người thân đã ra đi và bỏ lại bạn. đến cảm giác của sự mất niềm tin và cảm giác tội lỗi. Như là bạn đang nỗi buồn nhấn chìm và bạn lo lắng không biết làm sao bạn có thể vượt qua được nỗi đau này.
Chuyện buồn cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn, khiến bạn khó ngủ, khó ăn, đau bao tử hoặc thậm chí là suy nghĩ không thông, không có khả năng đưa ra quyết định.
Cũng có những người không thể khóc vì họ quá đau, trạng thái tê liệt này cũng là một biểu hiện của nỗi đau mất mát. Nên nếu bạn không khóc thì cũng là một trạng thái bình thường. Những người này có thể có cách thể hiện nỗi đau khác ngoài việc khóc.
Cảm giác đau buồn và mất mát mạnh mẽ là điều bình thường và tự nhiên đến mức chúng thường không được đưa ra ‘chẩn đoán’ giống như các tình trạng khác như lo lắng hoặc trầm cảm. Không có cách nào đúng để đau buồn và rất tiếc, không có cách khắc phục nhanh chóng.
Chính vì thế mà chúng mình có xu hướng lảng tránh, không dám đối mặt với nó hoặc đánh giá cảm xúc của mình, làm những điều bạn nghĩ rằng bạn nên làm.
Bỏ qua quãng thời gian chữa lành vết thương không có nghĩa là nó sẽ biến mất. Thay vào đó nó sẽ đeo bám bạn tới khi bạn mất cảnh giác thì một tác động rất nhỏ từ bên ngoài thôi cũng sẵn sàng kéo bạn vào quá trình đau buồn lại một lần nữa.
Vượt qua nỗi đau mất mát người thân, The Blue expat podcast
Đừng trốn tránh nghĩ về chuyện bạn vừa trải qua, đừng ép bản thân bận rộn, đừng tin là thời gian sẽ giúp bạn quên đi
Trên Ted có một số diễn giả nói về điều này. Mình tâm đắc với câu nói là
We don’t move on from grief. We move forward with it
Nora Mclnerny
Chúng ta không bước qua nỗi đau, chúng ta mang nó và tiến về phía trước.
Để đối lại với lực kéo từ nỗi đau đang kéo chúng ta xuống hố sâu của đau buồn, bạn cần một lực đối trọi đủ mạnh để bước ra khỏi nó, đó là sức mạnh của Sự Biết Ơn.
Thay vì nghĩ tới những điều Giá như tôi đã … với người đã khuất, hãy nhớ lại những kỷ niệm đẹp và biết ơn vì đã có được chúng.
Cho phép và đón nhận với hòa khí thậm chí một cách nồng nhiệt nhất khi 1 nụ cười, 1 khoảnh khắc vui vẻ tới ngay cả khi bạn vẫn đang ở giữa nỗi buồn của mình.
Có lúc mình nghĩ là “mình không có quyền được vui”, cũng không dám cười khi đang mang chuyện buồn. Thậm chí sau này mình hình thành một thói quen kể cả khi đang vui cũng không biết nó có kéo dài được không? Liệu mình có xứng đáng với hạnh phúc này?
Mình nghĩ nguyên nhân là do mình không cho phép bản thân đón nhận sự vui vẻ. Kỷ niệm khi mình dự đám tang ông ngoại chồng mình khi ở Đức. Sau lễ tang, cả gia đình họp mặt trong một quán bánh, cafe đã đặt trước. Toàn gia đình rất nhẹ nhõm, không có không khí nặng nề như sau lễ tang ở Việt Nam. Ai cũng thoải mái và thậm chí cười nói vì chẳng có mấy dịp cả gia đình từ nhiều thành phố khác nhau, thậm chí đang ở nước khác cũng tề tựu lại.
Lắng nghe, mở rộng góc nhìn của mình, đừng chỉ nhìn vào nỗi đau của bản thân. Chuyển biến nỗi đau thành một cảm xúc khác
Một việc làm khá khó và thường là của những vị thánh nhưng mình không nghĩ không phải là chúng ta không làm được. Và mình vẫn muốn nói ra vì nó sẽ bổ sung một góc nhìn cho chúng mình, thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào nỗi đau của mình, chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn và thấy xung quanh ta còn nhiều nỗi đau, còn nhiều người đang đau buồn.
Lời khuyên này được lấy từ cuốn sách The Book of Joy mà mình may mắn tìm thấy và nghe audiobook nhiều năm trước. Cuốn sách ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng Giám Mục Desmond Tutu.
Câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc ông có giận người Trung Quốc vì khiến ông trở thành người tị nạn, không biết bao giờ sẽ được trở về lại quên hương. Thay vì nói về nỗi đau của mình, ông thậm chí thấy thương cho chính những người dân Trung Quốc cũng đang đau khổ. Thậm chí còn nói rằng, ông thấy mình có chút may mắn vì cuộc đời tị nạn cho ông học và trải nghiệm được nhiều thứ.
“Nhiều người trong chúng tôi đã trở thành người tị nạn,” Đức Đạt Lai Lạt Ma cố gắng giải thích, “và có rất nhiều khó khăn ở đất nước của tôi. “Nhưng khi tôi nhìn ra thế giới, có rất nhiều vấn đề, ngay cả trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ví dụ, cộng đồng người Hồi giáo Hui ở Trung Quốc có rất nhiều vấn đề và đau khổ. Và sau đó bên ngoài Trung Quốc, có nhiều vấn đề hơn và đau khổ hơn. Khi chúng ta nhìn thấy những điều này, chúng ta nhận ra rằng không chỉ chúng ta đau khổ mà rất nhiều anh chị em nhân loại của chúng ta cũng vậy. Vì vậy, khi chúng ta nhìn cùng một sự kiện từ một góc độ rộng hơn, chúng ta sẽ giảm bớt lo lắng và đau khổ của chính mình ”.
Dalai Latma, The Book of Joy
Vậy phải chuyển biến cản xúc như thế nào?
Nó có thể là sự trao tặng, ban ơn, nên thường khi có chuyện nhiều người muốn tìm đến việc làm từ thiện để thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Hoặc làm điều gì đó có ích, hay trở thành một phần của một sứ mệnh cao cả.
Ví dụ như câu chuyện của chị Hà, một nhân vật trong cuốn Điểm Đến cuộc đời của TS. Đặng Hoàng Giang. Nơi mà chị đặt tình yêu thương to lớn của mình là cậu con trai còn quá nhỏ đã bị căn bệnh Ung thư tước đi. Giờ đây, chị chuyển hóa tình yêu đó, đặt sự yêu thương vào một nhóm nhỏ từ thiện, nấu những khẩu phần ăn và phát miễn phí cho những bệnh nhân ung thư.
Tham khảo thêm bài viết về Cách vực bản thân dậy trong khó khăn
Hy vọng tập podcast này sẽ giúp bạn vơi bớt nỗi buồn của mình.
Nếu bạn muốn mình làm thêm những chia sẻ cá nhân về những trải nghiệm trong cuộc sống, đừng quên comment ở dưới để mình có thêm động lực thực hiện chúng nhé!