The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tôi làm gì khi không dùng Facebook

Hiện tại tôi đang muốn dùng Facebook chứ không để nó ‘sử dụng’ mình, tôi làm blog, tôi xây nhà Facebook cho Podcast để phục vụ cuộc sống. Nhưng trước đó tôi đã từng chán ngán vì nhận ra nó dùng tôi như thế nào, nó lôi kéo tôi và thời gian của tôi ra sao nên hôm nay tôi muốn chia sẻ một chút về những phương thức ‘Facebook rehab’ của tôi.

Trước tiên tôi muốn nói qua một số nguyên nhân khiến tôi muốn ‘cai’ Facebook

Tôi ghét bị ‘nghiện’ hay quá phụ thuộc vào một điều gì đó vậy mà với Facebook tôi phải mở nó ra kiểm tra hàng ngày. Dù là tôi không buôn bán online, cũng không nhắn tin qua fb thường xuyên, bạn bè thân cũng không mấy ai chịu update hay đăng status mặc dù họ cũng lướt Facebook đều đều đến cả chục lần mỗi ngày.

Lí do thứ 2 là hậu quả của nguyên nhân thứ nhất: tôi nhận ra mình bỏ quá nhiều thời gian vào những việc lãng xẹt: đọc bài đăng, bình luận, thi thoảng cảm thấy tự ti khi nhìn cuộc sống của người khác. 

Sống ảo: đây là thứ mà cả tôi lẫn con người xung quanh tôi bị ảnh hưởng. Tôi thì tin vào những gì mình thấy trên Facebook rồi suy nghĩ tùm lum, còn ‘bạn trên Mạng’ thì cũng chỉ phô ra những thứ họ muốn người khác thấy. Sau rồi không ai biết giá trị thật của nhau.

Có lần tôi nghe một người nhận xét về một số người khác và dùng thước đo giá trị mức tình cảm của họ bằng số likes mà những người kia bỏ trên Facebook của người đó. Tôi sốc quá! Với một độ tuổi sống đến gần nửa cuộc đời rồi mà vẫn dùng những thứ đó để đo giá trị tình cảm của những mối quan hệ thì hơi có phần thiển cận. 

Sống vội: Bạn có nhận ra từ việc hàng ngày lướt mạng, dần dà bạn sẽ ngán ngẩm không muốn đọc những bài viết trên 100 từ? Tôi nhận ra có nhiều ảnh được like ầm ầm mà những người like chắc chỉ xem cái ảnh và chỗ check-in là hết dù người đó viết vỏn vẹn chưa đến 10 chữ. Ủa chúng ta bận thế sao? Chúng ta dễ thích một thứ mà không cần hiểu nó là gì à? Bản thân tôi là đứa sống chậm nhưng việc những người xung quanh sống vội hơn làm ảnh hưởng đến tôi, kiểu như tự nhiên thấy bạn bè tôn trọng nhau ít đi hẳn ấy. 

Vậy khi không Facebook thì tôi làm gì? hay những thứ hay ho khác tôi đã dùng để thay thế thời gian phí phạm vào Facebook.

  1. Luyện lại thói quen đọc:

Hai năm trước khi sang Ý tôi đọc ít hơn hẳn vì hai năm đó quá bận rộn với tôi nên thời gian tôi dành cho sách truyện gần như không còn nữa. Trước đó cứ tầm hai tháng tôi lại vác vài quyển sách mời về và có thể đọc ngấu nghiến, thậm chí đọc rất nhanh. Nhưng sau này sự tập trung không còn tốt nữa, đọc được một đoạn là ngán, không muốn đọc tiếp. Khi sang Ý thì lại càng lười đọc đi. Dần dà đến cả những bài báo, article tầm trên 1500 từ dù là tiếng Anh hay Việt tôi cũng chỉ skimming, scanning thôi. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến tôi. Nhất là khi làm thesis, vì đọc sau quên trước nên những sách vở, nghiên cứu kinh tế vốn đã khó ngốn khá nhiều thời gian của tôi vì cứ phải đọc đi đọc lại. Khi ở thời điểm nước rút tôi cũng chỉ còn cách thúc mình đọc nhanh lên, chuyển sang scanning, skimming mức độ nhanh hơn, sau đó nó tạo cho tôi thói quen cũng đọc lướt như vậy với bất cứ thứ gì khác ngoài giấy tờ quan trọng, hoá đơn blah blah. Thậm chí sau đợt làm thesis, với số lượng lý thuyết đã đọc làm tôi bị bội thực, tôi đã ngừng đọc 1 thời gian để cho mình bớt… ngộ chữ. Hậu quả là đến khi dở 1 quyển sách ra đọc 1 chút là buồn ngủ, là ngán, là khó tập trung, là đọc sau quên trước. 

Chính vì thế mà tôi cố sửa ‘tính xấu’ mang tên  ‘lười đọc’ này. Tôi bắt đầu ngồi kiên nhẫn đọc từng chữ và dành 1 ít thời gian ngắn thôi, không dồn bản thân quá đà cho những thứ từ nhỏ đến lớn, và cả động vào những thứ văn học đời sống: từ tôi dành cho những cuốn truyện việt nam không có nội dung xây dựng cho bản thân tôi, như kiểu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, tản văn/blog của những người buồn muôn thuở. 

Đọc blog tiếng Anh, đọc ti tỉ thứ từ những bài viết nhỏ đến bài viết dài, rồi cả tìm xem những ý tưởng DIY hay trang trí nhà cửa, du lịch v.v… tất cả tôi đều cố gắng đọc hết không bỏ sót, không nhảy cóc các bài viết và đọc mỗi title, headings. 

Vì mong muốn làm podcast nữa nên tôi tìm đến việc làm audiobook. Thực ra việc này giúp tôi nhiều lắm, vừa tập trung được, vừa đọc kỹ được, lại còn học được cách điều chỉnh âm thanh và luyện giọng nói. 

Giờ thì tôi có phần tự tin hơn vào khả năng đọc của bản thân. Có thể tự nói là mình hết sợ đọc rồi, dù vẫn còn hơi lười. 

  1. Học. 

Vâng, tôi phải thú thực là càng lớn tôi càng hợp với việc học. Nhưng đừng vội khép tôi vào dạng chăm học nhé, tôi vẫn lười lắm, tôi vẫn chỉ thích học những thứ tôi thích học, học được một lúc chán thì bỏ, mỗi lần như thế tôi chỉ nghĩ ‘tốt rồi, giờ biết không hợp học cái này thì khỏi phải động đến nó bao giờ nữa’. Thời gian học ở Ý tôi có nhiều thời gian rảnh, đời sinh viên thuần tuý mà, chỉ lo chơi và học, thêm mỗi cái lo ăn uống cho bản thân không thôi (Ôi, cả đời tôi từ trước đó chưa hề đơn giản như vậy). Chẳng phải bàn cãi, một kỳ ôm đồm học tầm 6-7 môn, có 1 buổi trong tuần học từ 8h sáng đến tận 5h chiều, tôi chỉ được cái đi học chăm chỉ để khỏi phải học ở nhà. Vậy đấy nên thời gian còn lại ngoài việc lên lớp, những lúc chưa thi thì tôi tha hồ học những thứ khác. Vậy tôi đã học cái gì? 

  • Coursera là nơi giải phóng cho tôi khỏi cuộc khủng hoảng du học giai đoạn đầu. Nói sơ qua là lúc đầu có hơi bị stress do mọi thứ không như kỳ vọng, vì khó khăn kinh tế rồi cả nhớ nhà nữa. Tôi đã sợ rằng khi du học về mình sẽ chẳng bằng người khác, rồi lo là những gì mình học được ở trường không giúp hoàn thiện bản thân mình. Nên để giảm ức chế của tôi với việc học ở trường tôi đành phải ‘kèm’ chính mình với những thứ mới. 

Tôi biết đến Coursera vào năm đầu tiên khi ở Ý, qua một thầy giáo ở trường. Tôi vẫn còn nhớ khoá đầu tiên tôi học thử là ‘Social Psychology’ tạm dịch là tâm lý xã hội. Khoá học khá chung chung, không phải là học xong có mấy tuần, theo vài cái video mà tôi hiểu tâm lý xã hội ngay được. Nhưng khoá học này hay ở cái là cách tiếp cận thông tin và truyền đạt khá thực tiễn, có những ví dụ và bài tập rất thú vị. Giờ tôi không tìm thấy khoá này nữa, sau khi thay máy tính cũng không còn giữ lại những dữ liệu để đem ví dụ vào đây. Khoá gần nhất tôi mò đến là Public Speaking vì tôi cần trau truốt lại khả năng nói của mình. Không phải khoá nào cũng sẽ phù hợp với bạn, có thể sau khi enroll, học thử 1,2 tuần thì không còn phù hợp nữa, bạn có thể drop. Nói chung bạn sẽ học được 2 việc: 1. chọn thứ gì thực sự phù hợp để học, 2. Học cách tự đốc thúc bản thân không được nản và theo đến cùng. Nói chung là hãy thử học cái gì mới, không học được kiến thức gì thì cũng biết là à, những thứ đó hiện đang tồn tại, con người đang đổ xô đi học cái gì (hãy luôn nhớ kiểm tra reviews và rating và số lượng người theo học, khoá học mở và duy trì được bao lâu rồi). Sẽ có những chương trình học trực tiếp hỗ trợ bạn trong cuộc sống và có những chương trình học sẽ dạy bạn cách …. học. 

  • Codecademy là ‘ngôi trường’ thứ 2 tôi theo sau Coursera. Nội dung tôi học là html và CSS. Tôi subcribe một tháng để access được cả quiz và exercises với giá 19.99$. Có thể nói 1 tháng không đủ biến 1 đứa mù công nghệ, không biết html với css, jquery, java script,… là gì, bắt đầu từ 1 con số 0 quá tròn thành một web designer được. Cũng như học nhảy ấy, nhiều người đi học nhảy chỉ đủ để biết chân tay mình vung vẩy làm sao chứ chưa chắc đã làm chủ được nó trong vòng 1 khoá basic. Nhưng ít nhất khoá học đó đủ giúp ‘xoá mù’ cho tôi. 

Tôi học về web ban đầu với ý định là để xem mình có thể self-employed được không, để tăng skills và tự tin đi tìm việc trên các web tìm kiếm freelancer. Khi học rồi mới biết là không hợp. Bạn có thể nói tôi rằng ban đầu học cái gì cũng khó, tảng đá cản trở cho kẻ mới bắt đầu bao giờ cũng to hơn, phải cố gắng ủn nó từ từ rồi thì sẽ vượt qua được nó. Tôi đã rất hứng thú với khoá học, và có thể thực hiện ngon nghẻ, nhưng đi vào thực tế thì khác hơn lắm. Nhưng trên hết, tôi đã học đủ để nhận ra, nó không dành cho mình. Tôi không thích làm một kẻ suốt ngày ngồi cắm đầu vào máy tính. Tôi sợ cảm giác cô độc mà công việc đấy mang lại cho mình, sợ cảm giác mọi thức thay đổi trong tích tắc và mình cố mãi thì bước tiến của mình cũng quá nhỏ so với bước tiến của công nghệ. Sau là làm một kẻ ngồi thiết kế web cũng không tạo cho tôi suy nghĩ mình làm được gì cho cuộc đời mình. Thế nên tôi chỉ học đến CSS là dừng thôi (đây cũng là bước hợp lý cho người mới bắt đầu, các bạn đừng vội thấy theo các khoá học này dễ mà chạy quá lên học java, cứ master html và css được hẵng nhé). 

  • À quên, chưa kể đến học làm app :)) tôi chỉ lướt qua thôi, nên sẽ gộp việc học swifty qua các app với việc học tiếng Đức qua Duolingo là một. 
  • Ngoài ra tôi cũng tự học và tìm kiếm một số công cụ khi sử dụng internet để việc dành thời gian ngồi online của mình không phí phạm nữa. Để rồi bây giờ tôi cũng đã trang bị được cho mình kha khá để vào làm website cho podcast và xây dựng podcast của mình. 
  • Tuy nhiên, trên hết những điều tôi muốn học khi rảnh rỗi là những thứ liên quan đến nghệ thuật. Tôi thèm học đàn mà thế thì phải mua đàn, muốn đi học nhảy nhưng người cứ cứng đờ và gần nhà cũng không có chỗ nào để đi… haiz, waiting waiting.

Nghe qua thì có vẻ nhạt nhẽo hơn và khó hơn là việc lướt Facebook. Nhưng thôi, đời ngắn lắm, hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai, nên hãy dùng thời gian ý nghĩa một chút để rồi ngày mai sẽ thấy tự hào về bản thân mình rằng mình đã làm được cái này, cái nọ, có ích cho mình hay ai đó.

Bình luận

error: Content is protected !!