The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tối giản để thanh thản

Tôi tìm đến chủ nghĩa tối giản như một sự hiển nhiên

Một đứa sống lang thang trong mấy năm trước, 2 tháng là chuyển một căn nhà, chuyển một địa điểm sống, có 1 thời gian phải chạy giữa Đức và Ý và ngay sau đó là hoang mang giữa Pháp và Ý, cho nên tôi phát hiện ra đồ đạc thật là …của nợ, khi di chuyển thì mình chỉ có thể mang 1 cái vali nhỏ. Nếu ai cũng phải đi lại thường xuyên, ngủ sân bay thì sẽ nhận ra ước gì có thể đi người không. Rồi thì vài lần như thế tôi nhận ra mình cũng chỉ cần 1 ít quần áo, và chỉ cần những thứ versatile (đa năng và dễ kết hợp) mà thôi. Dần dà tôi bớt đắm đuối với những item cầu kỳ, việc mua sắm cũng giảm bớt, tôi tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.

Trước đó minimalism đã thở trong cuộc sống của tôi mà vì chưa đủ thông minh nên tôi không hiểu được tín hiệu

Tôi là một đứa không để ý đến vẻ bề ngoài. Nói chung là lười điệu và cuộc sống của tôi dạy tôi rằng mình có cố điệu cũng không hiệu quả nên không nên cố! Chắc bạn ex của tôi sẽ làm chứng là đến tận khi vào Đại học bạn í mới nhìn thấy tôi mặc váy, tôi nhớ là năm đầu đại học có mua 1 cái váy và mặc được 1 lần trong năm đó.
Những năm cấp 3 học Việt Đức tôi cũng khá ‘chơi trội’ bằng cách yêu mặc đồng phục và cứ mặc hoài đến khi phát hiện, thích quá, khỏi phải nghĩ mặc gì. Đến khi đi làm, công việc yêu cầu mình phải tươi tắn, sang trọng, lịch sự, lung linh những khi cần nên tôi mới bắt buộc sắm những bộ liền công sở, có nghĩa là không phải nghĩ kết hợp, phí đầu tư cho bộ liền cũng đỡ hơn mua từng phần rời! Tuy nhiên quần áo đi làm mặc đi chơi cũng bất tiện. Quần áo bó hẹp cả chuyện chơi.
Cuộc đời lại đẩy tôi đến việc du học đến xứ sở của thời trang, của cảnh đẹp, đi ra ngoài 1 buổi sáng là thu được cả album ảnh, và sống với những đứa con gái từ những nền văn hoá khác nhau. Tôi tưởng là mình bị đẩy vào sống với một đứa super điệu là để mình thay đổi thành một đứa điệu nhưng tôi gan quá, mãi không thay đổi được. Con bé cùng nhà ấy mỗi khi ra ngoài là lại chạy sang kiểm tra tôi có mặc đồ phù hợp với nó không, tại sao có váy áo đàng hoàng mà lại tuềnh toàng như thế, trong khi cô nàng bao giờ cũng make up đầy đủ, mỗi ngày đi học là như dự một buổi trình diễn thời trang. Đi du lịch với cổ mà cổ soạn quần áo cho mình, yêu cầu mỗi ngày 1 bộ để chụp ảnh không bị lặp.

Tủ quần áo không cân bằng + câu nói quen thuộc “không có gì để mặc”

Sau khi cô bạn điệu về nước, tôi không còn 1 stylist nữa. Nhìn lại tủ đồ của mình, tôi cũng không biết mình là cái thứ gì khi nhìn vào đống quần áo đấy, tuy nhiên thay đổi cả tủ là điều không thể, chưa kể lúc đó tôi vẫn hay tiếc rẻ nữa nên chỉ giải quyết bằng cách… mua thêm cho có những bộ ăn ý hơn. Tôi cũng chỉ là một đứa con gái bình thường, việc đi mua đồ cho tiệp với đồ đã có cũng dẫn đến mua những thứ chả liên quan gì tới những thứ còn lại. Cách này cuối cùng chỉ tốn thêm tiền và thời gian.

Everything happens for a reason – Cuộc gặp gỡ với minimalist đầu tiên

Tôi gặp nhân vật đầu tiên mang khái niệm ‘tối giản’ tới cho tôi khi anh ấy đang sống ‘tạm thời’ tại một văn phòng nơi anh í đang làm việc.
Một căn phòng đơn giản, 1 bàn làm việc gần cửa sổ, một cái ghế salon có sẵn trong căn phòng đó từ trước, không có tủ quần áo, chỉ có một vài chiếc áo phông xếp gọn gàng trên giá, đồ đạc to nhất chắc là cái cây cảnh đứng giữa căn phòng đấy.
Và khi bạn nói cái từ rất huyền diệu đấy ‘minimalist’: tôi như được mở cả một khung trời mới. Nó trả lời cho những tháng di chuyển chật vật lúc trước, của thời gian ăn mặc rất dở hơi vì chạy từ nhà nọ sang nhà kia khi ở nhờ, mỗi nơi vứt một vài bộ quần áo, và nhiều, nhiều hơn thế nữa mà sau này phải tự mình thực hiện tôi mới lĩnh hội được. Và cũng phải sau này tôi mới tìm kiếm để thực hiện một cách nghiêm túc và cả thế giới của minimalists (những người theo chủ nghĩa tối giản) mở ra trước mắt.

Những thay đổi đầu tiên 

Tôi chưa thực sự tìm hiểu sâu và thực hiện Tối giản sau cuộc hội ngộ kia. Tuy nhiên, tư duy của tôi lúc này với đồ đạc đã thoáng hơn nhiều.
Có những đồ không thực sự cần thì tôi bắt đầu bỏ sang một bên, nhất là lúc đó thời gian học của tôi không còn dài, cũng bắt đầu phải nghĩ xem mang cái gì về VN và cái gì phải giải tán.
Tôi tập làm quen bỏ đi những thời gian không cần thiết, đây là một số thời gian tôi cho là lãng phí, không hẳn nó tồi tệ với tất cả mọi người.
Thứ nhất, lược bỏ thời gian đứng trước tủ đồ và nghĩ ‘mặc cái gì đây’. Tôi cố gắng không dành hơn 5 phút để chọn và mặc quần áo trước khi đi ra ngoài. Nếu đi chơi với bạn bè mà cứ phải nghĩ xem thôi xong mặc gì nhỉ là hoặc khỏi đi hoặc mặc bất kỳ thứ gì tôi thấy ngay trước mắt. Hơi ê mặt khi mặc xấu nhưng để biết là, ok thứ này nếu đã mặc không tiện lại còn không đẹp thì bỏ đi luôn. Tuy rằng tôi có 1 chút khó chịu khi bị bạn bè soi và phê bình vì vẻ bề ngoài của mình, nhưng đó là bạn tôi, có gặp nhau với pyjama thì vẫn là bạn 😉
Thứ hai, chỉ đi mua sắm khi biết chính xác mình cần thứ gì và biết chính xác có thể tìm thấy nó ở đâu, NO Window shopping! Chuyện đi ra các cửa hàng xem đồ, kể cả có bỏ ví ở nhà đi nữa cũng không ngăn ta khỏi sự tơ tưởng tới những món đồ ta thích ở ngoài hàng. Có thể tôi sẽ không quay lại cửa hàng mua món đồ mà tôi đã thích, có thể việc đi dạo các cửa hàng chỉ là 1 khoảng thời gian đi chơi với bạn mà tôi không thấy phí, nhưng thời gian nghĩ ngợi tới món đồ nào đã chót thích chính là một sự lãng phí.

Đối diện với chính mình

Chủ nghĩa tối giản không phải là vứt bỏ, là phí của mà là biết cái gì mình CẦN và tạo không gian cho bản thân không bị chi phối bởi đồ đạc.

Tôi CÓ thích giữ những thứ không có tính sử dụng, chỉ mang tính Kỷ niệm,
Tôi CÓ nghĩ “À, thứ này giờ không dùng nhưng Nhỡ đâu có lúc lại cần đến”,
Tôi CÓ nghĩ tới việc cho bớt ai đó đồ đạc của mình vì nghĩ ‘Vẫn dùng tốt, chỉ là tôi Không dùng đến nữa’,
Tôi CÓ nói có khi được cho một món đồ đẹp dù chưa biết sẽ dùng nó làm gì, nhiều khi chỉ để làm vui lòng NGƯỜI CHO,
Tôi CÓ mua những món đồ mình thích ngoài kia vì nó đẹp, nó tốt khi CHƯA nghĩ tới mình sẽ làm gì với nó khi mang về nhà.
Nhưng nếu cứ để phần yếu hơn trong tư duy của mình chiến thắng thì kết thúc là:
Tôi giữ ti tỉ thứ KHÔNG cần thiết,
Tôi Lãng Phí tiền vào mua những thứ hoặc đã có rồi, hoặc chỉ để xếp xó,
Tôi sống trong không gian Chật hơn,
Tôi tốn thời gian Lau dọn hơn.
Cuộc cách mạng minimalism của tôi mạnh mẽ hơn khi trở về Việt Nam lần đầu tiên. Khi về đến Việt Nam sau 3 năm, tôi phát hiện ra nhà mình vẫn thế, đồ đạc của cả tỉ năm về trước vẫn ở đó, có những thứ tay mình xếp trước đó 3 năm vẫn ở nguyên đó, chắc chắn là không ai động vào. Tôi thẳng tay vứt bớt đồ của mình, chắc chắn mình sẽ chẳng động đến đồ cũ của cả mấy năm bỏ xó, những thứ chả ai nhớ là tồn tại thì bỏ luôn. Tôi cho đi cả 1 tủ sách, cái này là đồ cưng nhất nhưng vì khi tôi không ở nhà nếu có ai động vào đống sách đó thì là chuột và mối. Hỏi có tiếc không? tiếc chứ, nhưng tôi cũng không vác sách sang bên này được, chỉ 1,2 quyển thôi (cũng may là thời đại của ebooks và em kindle yêu quý tôi không phải đối diện cảnh này nữa).
Sau đó tôi trở lại Ý và có tư duy nhẹ nhàng hơn khi xử lý đồ đạc của mình. Nhẹ nhàng thôi chứ không phải là hoàn toàn tối giản, phải đến khi thực sự chuyển sang Đức cuối năm 2015 tôi mới thực sự áp dụng và lĩnh hội được phong cách sống này.
Tôi hiểu được có những cái khó trong tư duy về của cải và vật chất cố hữu không phải ngày 1 ngày 2 mà thay đổi hoàn toàn. Hồi xưa khi ở nước ngoài rồi nghe chuyện phòng riêng của tôi ở Việt Nam bị bể nước nhà bên cạnh vỡ làm ẩm cả, anh trai phải lên dọn đồ đạc, tôi lo lắm lo nhất là tủ sách và ít ỏi ảnh ngày bé của tôi. Khi quay về thì chả giữ được gì, cũng tiếc lắm, nhưng không thay đổi gì được ngoài suy nghĩ của bản thân cả. Quan trọng là nhận thức được đồ đạc có một ý nghĩa khác, không cần phải phụ thuộc vào nó.

Khi tư duy được sáng suốt, mọi sự vật hiện ra với ý nghĩa rất khác.

Bình luận

error: Content is protected !!