The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tìm thời gian và động lực cho các thói quen tốt

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Có rất nhiều việc chúng ta muốn làm mà vì lí do chưa sắp xếp được thời gian mà chúng ta chưa động tới. Nhưng ngay sau khi kiểm soát thời gian và nhìn ra các thời gian trống, chúng ta loay hoay không biết làm cái gì trước và thử làm thứ gì thì cũng không kéo dài được lâu. Vấn đề không chỉ nằm ở cách quản lý thời gian mà còn là cách chọn lọc các thói quen hay sở thích mới cho phù hợp và ở cách tạo động lực cho bản thân. Và đó là 2 nội dung chính trong số podcast này.

Bắt đầu với càng ít thói quen mới càng tốt

Cách chọn ra thói quen mới để bắt tay vào thiết lập:
Bước 1: Lập một danh sách những việc mà bạn vẫn muốn làm từ trước đến giờ mà không thể vì ‘không có thời gian’.

Bước 2: Nếu có những việc đã lâu rồi bạn vẫn trì hoãn thì hãy bỏ nó đi. Nếu thực sự yêu thích 1 thứ gì đó bạn sẽ có thể dành chút thời gian cho nó thay vì liên tục tìm ra cớ để không làm

Bước 3: Cân nhắc với lịch cố định để xem thói quen nào không ảnh hưởng quá nhiều tới công việc chính.

Bước 4: Có thói quen hay sở thích nào bạn có thể dễ dàng thực hiện hơn, ví dụ: bạn muốn đến phòng gym và ngay trong toà nhà bạn đang làm có phòng gym đang giảm giá thẻ thành viên.

Thay nhãn cho những việc bạn ‘muốn’ làm

Hãy thay đổi suy nghĩ của bạn về sở thích hay thói quen mới. Thay vì gọi nó là việc bạn MUỐN làm, hãy coi nó là việc bạn PHẢI làm, là THÓI QUEN của bạn.

Aristotle nói rằng  “Chúng ta là những gì chúng ta làm. Sự suất sắc không phải là một hành động, mà là một thói quen.”

We are what we repeatedly do. Excellence then, is not an act, but a habit.

Xác định thời gian, tần suất thực hiện

Bạn luôn có thể bắt đầu nhỏ thôi thì sẽ dễ để thực hiện nó đúng như mục tiêu thời gian đề ra hơn.

Thêm vào đó, hãy xác định lượng thời gian bạn muốn đầu tư vào thói quen mới này và tần suất bạn muốn làm nó là bao nhiêu lần trong tuần.

Lên kế hoạch thực hiện

Khi lên kế hoạch làm việc tuần, đừng quên lên lịch để thực hiện thói quen mới này. Hãy để thông báo trên Google Calendar để bạn không quên thực hiện nó.

Lồng ghép vào các chuỗi hoạt động bạn làm hàng ngày

Tạo các chuỗi hoạt động liên hoàn để có thêm động lực thực hiện (Photo from Thinkstock)

Chúng ta đã lập trình cho mình những chuỗi hoạt động trong ngày mà không để ý, ví dụ như các việc thường làm mỗi sáng thức dậy của bạn. Hãy tìm ra có những việc làm nào mà bạn thực hiện theo quán tính ngay sau khi hoàn thành một hành động và liệu trong số những chuỗi hoạt động đó, có chỗ nào phù hợp với thói quen mới này của bạn hay không?

Việc tạo các chuỗi hoạt động giúp bạn có đà để thực hiện các thói quen hơn cũng như  dễ dàng sắp xếp trong lịch làm việc của bạn hơn thay vì đặt vào những khung giờ không liên quan gì tới nó.

Tạo không gian tốt nhất để thực hiện thói quen mới hoặc chọn ra những địa điểm thuận tiện để tránh bệnh lười nổi lên khiến bạn không giữ được thói quen này.

5 second rule – Luật 5 giây

Khi bắt đầu xây dựng một thói quen mới, tâm trí chúng ta chưa bị một sự hối thúc thực hiện một cách rõ rệt, nên nó hay đưa ra những suy nghĩ ‘phá đám’ hay chúng ta vẫn gọi là “đắn đo”, lắm khi ngồi nghĩ lâu đến hết quỹ thời gian bạn dành mỗi lần cho việc thực hiện thói quen này. Đây còn gọi là bệnh Trì hoãn.

Để đánh bại bệnh trì hoãn này, chúng ta cần phải xử lý ngay từ những suy nghĩ đắn đo đầu tiên. Ngay khi bắt gặp bản thân đang nghĩ theo hướng này, hãy hít thở sâu và đếm ngược từ 5: 5,4,3,2,1 và bắt tay vào làm. Như thế bạn mới không để những dòng suy nghĩ này đi quá xa mang bạn ra khỏi quyết tâm thực hiện ban đầu.

Bạn có thể Google thêm về 5 second rule của Mel Robbins để tìm hiểu sâu hơn về quy luật này.

Có mục đích thực tế và Tập trung vào quá trình

Không chỉ ngay lúc đầu bắt tay vào làm chúng ta có những suy nghĩ phá đám đâu mà ngay cả trong quá trình thực hiện, khi mà chúng ta đã có “đà” để làm nó rồi. Những suy nghĩ này nổi lên khi chúng ta không đạt được kết quả ban đầu đề ra hoặc khi chúng ta so sánh với khả năng của những người đang làm điều tương tự.

Hãy luôn nhớ đặt cho mình mục tiêu mang tính đóng góp cho bản thân bạn, phù hợp với thực tế khả năng của bạn. Nhưng khi có được mục tiêu này rồi, hãy để nó sang 1 bên. Trong thời gian thiết lập thói quen, hãy để tâm và trân trọng Quá trình.

Sử dụng các công cụ

Các công cụ hay cách để tạo động lực tạo thói quen mới là rất nhiều và tuỳ thuộc tính cách của từng cá nhân, trong bài podcast này mình sẽ liệt kê 3 trong số đó:

Nói các câu khẳng định

Cách đây 2 năm có vụ lùm xùm khi Chi Pu tuyên bố “Từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ”. Chưa nói về tính thiết thực của câu nói này nhưng gần đây mình có xem một MV Chuyện Cám Tấm của Chi Pu và biết là cô ấy đã làm việc chăm chỉ và thực hiện các công việc của một ca sĩ như có bài hát, đi hát và ra MV đều đặn.

Nếu không tuyên bố như vậy trước đó chắc Chi Pu vẫn làm những gì cô ấy đã làm, nhưng chúng ta thì khác, nếu chúng ta không khẳng định bản thân và tuyên bố như thế, sẽ có lúc chúng ta nản và nghĩ “thôi không làm cũng chả sao”.

Thay vì nói rằng “tôi muốn giỏi tiếng Anh” thì hãy nói “tôi là người nói tiếng Anh”. Khoa học tâm lý cũng khẳng định rằng khi bạn chuyển cách nói từ bị động sang chủ động và dùng các động từ khẳng định thì nó cũng có tác động tới tâm trí của bạn, tạo động cơ cho bạn thực hiện điều mà bạn nói.

Chia sẻ công khai

Một cách khác để bạn không dám bỏ cuộc giữa chừng là chia sẻ với người thân để được nhắc nhỏ, hỏi han hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.

Các ứng dụng Habit tracker hoặc Bullet Journal

Bạn có thể tham khảo thêm những công cụ này trên mạng hoặc các cửa hàng tiện ích trên điện thoại để tìm ra ứng dụng hợp lý với nhu cầu của bản thân.

Tìm hiểu thêm Hiểu mình để quản lý thời gian hiệu quả

Bình luận

error: Content is protected !!