The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Giới thiệu về The Blue Expat podcast – Hello world

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Chào mừng bạn đến với số đầu tiên của The Blue Expat podcast!

Số 000 này là lời chào của tôi đến với các bạn cũng như là lời giới thiệu ngắn gọn về tôi, về podcast và những điều mà bạn sẽ nhận được trong mỗi số của podcast. Tôi là Link Po: chủ nhân của podcast này. Tôi đang vô cùng hào hứng với chặng đường sắp tới của podcast và hy vọng bạn cũng sẽ cùng tôi đi thật xa trên hành trình này.

Trước tiên, tôi muốn dành vài dòng để giải thích podcast là gì? Tại sao tôi lại muốn thực hiện podcast mà không phải là một phương tiện truyền tải thông điệp nào khác như Vlog hay blog.

Thuật ngữ Podcast là từ ghép của Pod trong ‘iPod’ với nghĩa ‘Portable on Demand’ và ‘cast’ trong ‘broadcast’. Năm 2005, hãng Apple đã đưa ra ứng dụng podcast thay vì để nó là một phần trong iTunes như trước đây, nhờ đó người dùng có thể nghe podcast và theo dõi cũng như lưu trữ dễ dàng hơn. Tuy nhiên sau đó hình thức truyền tải thông tin này trở nên phổ biến hơn, trở thành tên gọi của những chương trình với hình thức gần giống như radio. Người nghe không chỉ có thể nghe podcast qua các sản iOs mà dễ dàng tìm được những chương trình để nghe và tải mp3 file về thiết bị nghe của mình.

Có thể nói rằng tính chất của Podcast khá tương đồng như những chương trình radio. Nhưng thay vì là radio online: nghe trực tuyến, podcast tồn tại dưới dạng các file âm thanh (và cả hình ảnh) mà người dùng có thể tải về với những thiết bị rất gần gũi như máy nghe mp3, điện thoại di động hay máy tính. Người nghe có thể nghe chúng bất cứ khi nào tiện cho họ. Thêm vào đó những chương trình podcast đều rất đa dạng, có rất nhiều chủ đề để chọn nghe theo mức độ quan tâm của bạn, cho nên có thể gọi nó là chương trình radio theo mong muốn của bạn.

Bản thân tôi rất thích và nghe podcast trong 2 năm trở lại đây. Tôi có thể nghe nó ở bất cứ đâu và vào thời gian thuận tiện cho tôi, thường là trên đường đi bộ tới trường, khi ngồi tàu xe, với một đứa dễ say xe, không thể chúi đầu vào sách được những lúc đó thì podcast quả là một nguồn cung cấp thông tin, câu chuyện hay ho. Với tôi, podcast không chỉ là một cách cập nhật thông tin, học ngoại ngữ, mà còn là cách để thư giãn và giải trí.

Vì đã theo dõi podcast khá lâu, tôi cảm thấy bất ngờ khi hình thức rất phổ biến trên thế giới này lại quá mới lạ với những người bạn Việt Nam xung quanh tôi. Tôi đã cố tìm những chương trình podcast tiếng Việt nhưng con số của những chương trình đó chưa vượt qua một bàn tay, quá đối nghịch với số lượng người Việt sở hữu những chiếc iPhone thời thượng. Có một chút phí phạm ở đây! Tôi biết là Youtube đã là một phương tiện đưa rất nhiều Vlogger đến gần hơn với mọi người. Tôi cũng biết hình ảnh có sức truyền tải nhanh chóng nhất. Kèm theo sự phát triển của Livestream trong năm nay, dường như những phát triển đó của thời đại công nghệ và mạng xã hội đã hình thành cách tiếp cận thông tin của chúng ta qua những gì nhanh chóng, nhìn thấy được rõ ràng như ban ngày. Nhưng có phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian để ngồi xem những video clip? Có phải bạn có lúc kêu ca thật mất thời gian và muốn … cai Youtube?

Nhưng đúng là cai Youtube khó lắm tôi đã thử rồi và cũng không nên, vì bản chất của Youtube không có gì xấu xa để phải gạt nó sang một bên cả. Tuy nhiên tại sao tôi lại không xây dựng blog hay Youtube? Vì lí do đơn giản, tôi thích nói hơn là viết, thích tập trung vào nội dung hơn là hình ảnh, thích thử thách hơn là làm một con cá nhỏ trong đại dương nên tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện podcast này.

Từ ‘expat’ trong tên của podcast này có nghĩa là ‘người sống ở nơi mà họ không sinh ra’. Tôi là người Việt Nam và luôn luôn như thế, nhưng tôi lại sống xa Việt Nam. Nhờ có sự phát triển về kinh tế, phương tiện đi lại và khả năng tiếp cận thông tin mà số lượng người Việt ra nước ngoài với nhiều mục đích: đi học, đi làm, đi du lịch tăng lên chóng mặt. Tôi nhớ rằng đã từng mơ ước được ngồi máy bay, có dịp lên sân bay Nội Bài sẽ thấy vắng lắm những người đi bay mà phần lớn là người thân đi chia tay. Thế mà sau 2 năm tôi đi du học, Hà Nội đã có một sân bay Nội Bài to rộng và Việt Nam có hơn là chỉ 2 hãng máy bay nội địa như trước. Mỗi khi về Việt Nam tôi không tránh khỏi những câu chuyện so sánh giữa cuộc sống của tôi ở nước ngoài, những suy nghĩ là người ở Việt Nam hiểu hơi sai về cuộc sống của người Việt ta ở nước ngoài. Nhưng, nhìn lại, liệu tôi đã hiểu cuộc sống của người Việt ở nước ngoài là như thế nào? câu trả lời dĩ nhiên là không. Chính vì thế mà bản thân tôi muốn giao lưu và làm một cầu nối nho nhỏ với cộng đồng người Việt và sau đó là một người truyền tải thông tin.

Con đường mới bắt đầu, tôi mong chờ sẽ nhận được sự ủng hộ và đóng góp ý kiến của bạn.

Xin cám ơn bạn đã ghé qua The Blue Expat podcast, hy vọng bạn sẽ yêu thích podcast này.

Bình luận

có thể bạn muốn nghe

error: Content is protected !!