The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Review sách Wabi Sabi Thương những điều không hoàn hảo

Review sách Wabi Sabi Thương những điều không hoàn hảo Beth Kempton The Blue Expat blog

Kết hợp giữa triết lý sống của Nhật Bản mang tên Wabi Sabi và các bài học trong quá trình trải nghiệm cuộc sống ở xứ sở hoa anh đào của một người tới từ nơi có nền văn hóa lâu đời không kém là Anh quốc, cuốn sách của Beth Kempton thực sự khác biệt với những cuốn self-help đã từng được xuất bản.

Tên nguyên tác: Wabi Sabi: Japanese Wisdom for a Perfectly Imperfect Life
Tác giả: Beth Kempton
Sách ra mắt vào cuối tháng 8 năm 2018

Nhận định chung về cuốn sách

Đây gần như là một cuốn sách về phong cách sống kết hợp với self-help hơn là dạng non-fiction diễn giải về một triết lý sống cũng như một loại hình nghệ thuật của người Nhật. Cảm nhận của mình khi nghe sách là liệu Wabi Sabi là trọng tâm để từ đó rút ra những bài học hay nó chỉ được dùng để chứng minh và làm sinh động thêm những luận điểm của tác giả và khiến cuốn sách của cô ấy nổi bật giữa vô số những cuốn sách self-help đã được xuất bản hay không? Về đánh giá này thì mình sẽ làm rõ hơn trong phần tiếp theo.

Trong khuôn khổ một cuốn sách khá lưu động, nhỏ nhắn như thế này và mang trong đó cả 1 triết lý sống nhiều thâm niên thì đã không đủ, lại thêm các trải nghiệm của tác giả và phần bài tập cho người đọc thì có vẻ Beth Kampton đã hơi có phần tham lam. Nhưng đây lại là một điểm cộng bởi nếu người đọc trẻ tuổi thì sẽ thấy dễ hiểu hơn, nếu thích thú thì có thể tìm hiểu hơn về triết lý này, còn không thì thực hiện những bài học rút ra và bài tập của cuốn sách cũng đã đủ hữu ích rồi.

Tuy nhiên, không có nghĩa là mình không đánh giá cao cuốn sách, nếu mình đọc nó năm 20 tuổi thì tốt hơn, thậm chí mình còn ước gì đây là một trong những cuốn self-help đầu tiên mình được đọc để bớt thất vọng về loại sách này.

Những điểm mình yêu thích về cuốn sách

Bố cục cuốn sách và trình bày của sách rất rõ ràng và dễ theo dõi. Có phần nói về triết lý, các bài học, đa phần là các trải nghiệm của cá nhân tác giả nên nghe thấy thích thú như với sách về du lịch vậy, sau đó là phần tóm tắt bài học rồi tới các bài tập để thực hành cuối chương. Các bài tập thực hành này khiến cuống sách thành dạng self-help rõ hơn, phù hợp những bạn có tính hành động thì khi đọc sách này sẽ tác dụng hơn.

Các chương sách nói về 1 góc của cuộc sống, mình ưng và sẽ recommend các bạn trẻ đọc nhất là Chương 7 về nghề nghiệp; Chương 3 về việc sống với thiên nhiên, có nói tới khái niệm forest bathing (kiểu sun bathing) và Chương 8. Đặc biệt bạn nên thử phần bài tập ở chương 8 nếu bạn là một multipotentialite.

Văn hóa Nhật Bản với các hình ảnh Á Đông như đền, nhà sư, cây tre tạo cho mình cảm giác gần gũi, dễ tưởng tượng và thấm thông điệp nhanh hơn, ví dụ khi nhắc đến hình ảnh gia đình Nhật Bản sẽ thấy liên kết hơn khi nghe kể một ông nào đó ở Mỹ có một quá khứ khắc nghiệt với bố mẹ mà vẫn phấn đấu vươn lên.

Ngoài ra tác giả cũng tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa nước Nhật ở việc lồng ghép các từ trong tiếng Nhật với từ gốc và phiên âm, cô ấy cũng có khả năng đọc khá tốt nên khi nghe sách nói sẽ thấy dễ chịu hơn (tất nhiên mình không biết tiếng Nhật).

Các bài học đưa ra không quá giáo điều, dễ hiểu và dựa trên những gì tác giả được trải nghiệm và chứng kiến nên không bị nặng về kiến thức quá. Beth Kempton muốn đưa cái ‘essence’ – cốt lõi và sự thông thái của Wabi Sabi khi đối chiếu với các mặt của cuộc sống để chúng ta sống nhẹ nhàng hơn.

Chính vì đã có sự trải nghiệm ở nước Nhật và tính tò mò, cùng một khả năng liên tưởng và quy chiếu tác giả thể hiện qua các sự việc trong sách, mình có thể trả lời câu hỏi ở đầu bài là cả 2. Nghĩa là cô ấy học được sự thông thái từ triết lý này nên mới viết thành sách và cũng vì trong cái tâm muốn tìm những điều có thể chứng minh các ý chính của mình mà cô ấy có thể kết nối các sự vật, sự việc và hình ảnh thành các bài học trong cuốn sách.

Vì người viết là người Anh – Phương Tây được trải nghiệm sự khác biệt rõ ràng ở Phương Đông, ta có thể thấy rõ sự thích thú và lạ lẫm tới độ nghiền ngẫm kỹ một thứ lặt vặt nào đó ở điểm đến. Mình đồng cảm và rất hiểu sự say mê của tác giả và khi mình là một đứa phương Đông được sang phương Tây, có một chút sự giao thoa và hiểu được cảm giác của nhau. Vì thế mà với mình cuốn sách này cũng có khả năng khơi gợi như một cuốn chuyện du lịch. Có một suy nghĩ mình rút ra khi gặp nhiều bạn người Âu Châu đã sống và làm việc ở các nước châu Á một thời gian đáng kể là khi chúng ta được đặt ở một môi trường hoàn toàn khác biệt tới mức hiểu và quen với môi trường đó thì chúng ta không còn là con người ban đầu nữa, giới Âu – Á trong biểu hiện và hành xử cũng bị mờ đi.

Câu yêu thích trong sách

You can see change happening right there. The bamboo is growing all the time, and is also sensitive to its dynamic environment. It’s firmly rooted but flexible. When the wind blows the bamboo doesn’t resist; it lets go and moves with it. And still the forest grows. Think of the buildings in this earthquake-prone country. The ones that survive the shaking are those that can move when the trembling begins.

Chương yêu thích

Chương 4: Acceptance and letting go, bài học yêu thích trong chương này: bài học từ bathhouse

Những lí do mình lựa chọn đọc cuốn sách

Nếu ai theo dõi TBE từ lâu chắc cũng biết mình có sự tò mò to lớn và cảm hứng từ những thứ liên quan đến nước Nhật, đến nỗi 2 series mình có trên podcast và blog là du học sinh ở Nhật và Lối sống tối giản đều có liên quan tới Nhật Bản cả. Vì vậy mà với dịch Covid nên kế hoạch đi thăm nước Nhật đã bị hoãn của mình chưa biết tới bao giờ mới thành hiện thực nên mình muốn đọc thứ gì thuộc về nó.

Cũng vì Covid không được du lịch nên mình cũng tìm đọc những cuốn sách nổi tiếng về văn hóa sống như năm ngoái mình có nghe sách nói The Little Book of Hygge: Danish Secrets to Happy Living và nghe một số podcast phỏng vấn tác giả Meil Wiking.

Lí do thứ 2, mình có tính hay đọc sách đan xen nên trong lúc đang muốn tìm một cuốn dạng dễ tiêu, dễ hiểu thì mình thấy cuốn này trên ứng dụng Scribd.

Thứ ba là vì cuốn sách có số review khá cao, trên ứng dụng mình đọc thì 4.5/5 dù sách mới có trên đó và Goodreads là 3.91 sao. Một điểm cộng là cuốn sách này rất đẹp, kiểu tao nhã, mình đã nghĩ nếu nghe xong mà thích thì sẽ mua sách in về để trưng trong nhà. Nên nếu bạn nào thích sưu tầm sách thì cuốn này cũng là một lựa chọn đó.

Lí do cuối cùng có lẽ cũng là 1 trong những lí do đầu tiên 😄 là tác giả, cũng chính là người dẫn chuyện (narrator) có một giọng nói rất dễ chịu và dể nghe. Nếu ai thích nghe để rèn tiếng Anh cũng có thể cân nhắc một cuốn sách khá đơn giản, dễ hiểu này.

Cuốn sách này theo mình sẽ phù hợp với

Những người có tính hành động nhưng vẫn có chút bay bổng, thích suy nghĩ, suy luận. Còn nếu không có tính hành động thì vẫn chỉ đọc cho biết sơ sơ về Wabi Sabi thôi, nếu bạn cần biết sâu về triết lý và văn hóa này của Nhật Bản thì mình sẽ không gợi ý cuốn này.

Những bạn không thích các thông điệp hơi … mạnh bạo trong các cuốn Self-help nặng tính phương Tây.

Những ai mới bắt đầu với dòng sách life-style và/hoặc self-help.

Những ai đang sưu tập sách về văn hóa sống như Hygge, Lagom, American Cozy, etc… vì cuốn Wabi Sabi này (bản tiếng Anh) rất đẹp.

Chấm điểm của mình: 3.9/5

Bạn có thể tìm nghe nguyên gốc tiếng Anh của sách này trên ứng dụng Scribd, nhớ dùng đường link dưới đây để được đọc sách miễn phí 2 tháng thay vì 30 ngày trial khi lập tài khoản mới nhé!
https://www.scribd.com/g/rwg2c

Hình đầu bài bởi Annie Spratt on Unsplash

Bình luận

error: Content is protected !!