Có rất nhiều hoàn cảnh để nỗi sợ lên tiếng chi phối hành động của chúng ta. Khi ở trong các môi trường như công sở hay ở những nơi công cộng, các buổi hội thảo có nhiều người tham gia thì việc lên tiếng hay đưa ra ý kiến càng khó hơn, nhiều người thấy mình run rẩy hay thậm chí toát mồ hôi, họ cố gắng ngồi im lặng dù có câu trả lời hoặc ý tưởng muốn trình bày. Bản chất của nỗi sợ là giúp chúng ta tránh những tổn thương, nhưng tâm lý sợ hay ngại lên tiếng này phần lớn thời gian lại khiến chủ nhân bỏ lỡ nhiều cơ hội và nó chính là một sự cản trở chúng ta bước ra khỏi vỏ bọc an toàn.
Sau số Q&A đầu tiên trong đó câu hỏi của bạn gửi về là làm sao để tự tin nói lên quan điểm cá nhân, có một vài chuyện tình cờ xảy đến khiến mình nghĩ nhiều hơn về chủ đề này và không ngờ khi tìm kiếm nội dung này thì cũng có rất nhiều bài viết hay podcast nói về nó. Vậy là đây là một vấn đề tâm lý phổ biến, xứng đáng để được trao đổi thêm!
Nhìn vào nỗi sợ
Có rất nhiều hoàn cảnh để nỗi sợ tiềm ẩn này có dịp hoành hành, chi phối hành động và lời nói của chúng ta. Khi ở trong các môi trường như công sở hay ở những nơi công cộng, các buổi hội thảo có nhiều người tham gia thì việc lên tiếng hay đưa ra ý kiến có phần khó khăn hơn, nhiều người thấy mình run rẩy khi phải làm chuyện đó hay thậm chí cố gắng ngồi im lặng dù họ có câu trả lời hoặc ý tưởng nên được nêu lên.
Nhớ lại cái thời học sinh mình cũng rất nhiều lần “cầu khấn” trong đầu là thầy, cô giáo đừng gọi mình, hay có những khi ngồi hội thảo thấy trong đầu còn có những điều mông lung nhưng chẳng dám đặt câu hỏi cho giảng viên hay diễn giả. Sau này lớn hơn thì có những lúc không dám đối mặt với ai đó để thẳng thắn trao đổi ý kiến vì ngại tranh luận hay sợ bị đánh giá sai.
Khi soi xét từng hoàn cảnh thì có thể nhận ra nỗi sợ lên tiếng này mang nhiều diện mạo khác nhau. Nó có thể là sợ lên tiếng vì sợ bị đánh giá, sợ phải tranh luận, hay thậm chí là sợ bị ghét. Nó cũng có thể là hành động phát sinh từ thói quen giấu dốt, lo rằng người khác nghĩ mình kém cỏi. Nó cũng là một phần của tâm lý cầu toàn, muốn lời nói của mình phải được chải chuốt thật chính xác và đủ hấp dẫn hoặc đặc biệt thì mới nói ra trước đám đông. Và giống như bất kỳ một vấn đề tâm lý nào, nỗi sợ lên tiếng cũng có thể được hình thành từ ký ức thời ấu thơ hay từ giáo dục của gia đình và nhà trường.
Bản chất của nỗi sợ là giúp chúng ta tránh được làm những điều khiến chúng ta bị tổn thương như sợ lửa hay sợ độ cao, nhưng tâm lý sợ hay ngại lên tiếng này phần lớn thời gian lại khiến chủ nhân bỏ lỡ nhiều cơ hội và chính nó là một sự cản trở chúng ta bước ra khỏi vỏ bọc an toàn.
Khắc phục từ những hành động nhỏ
Mình từ từ khắc phục điều này từ việc chú tâm hơn trong các giờ học để biết và hiểu được nội dung, có thể câu hỏi hay trả lời mình đưa ra không chính xác, nhưng nếu nó không đi lệch với bài giảng hay hỏi lại điều giáo viên đã nói thì cũng rất tốt rồi. Mỗi lần mình trả lời sai, được sửa lại ngay trên lớp như vậy mình sẽ nhớ bài học lâu hơn, nhất là mỗi lần ôn bài trước kỳ thi mình có thể nhớ lại từng bài giảng dựa trên những tình huống đã diễn ra trên lớp. Mình làm điều này nhiều hơn khi học ở nước ngoài, khi giáo viên nhớ và có thiện cảm với một học sinh là mình, họ không nhớ mình là ai (vì tên khó nhớ mà) mà thay vào đó họ nhớ đấy là một “sinh viên nữ đến từ Việt Nam”.
Việc không lên tiếng/không đưa ý kiến dần trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày, vì thế mình phải chú ý hơn và khắc phục từ những hành động nhỏ nhất. Mình để ý hơn tới các phản ứng của mình từ việc trả lời thật thà với các nhân viên ở quán ăn mỗi lúc mình thấy đồ ăn/uống không đạt chất lượng như trong menu, rồi ngờ đâu lại được nhận đồ uống miễn phí! Mình học cách giao tiếp khéo léo hơn, ăn nói là sao để đối phương không bị … sôi máu :)) khi nghe sự thật.
Hẳn nhiên càng nhiều lần dám vượt qua nỗi sợ mình càng đẩy lùi nó xa hơn một chút. Dần dần thì nhận ra mình sẽ bỏ lỡ bao nhiêu nếu không lên tiếng vào lúc đó! Mình sẽ chẳng được người khác nhớ đến, sẽ chỉ được nhìn thấy thay vì nhận được sự chú ý và thậm chí khiến người khác biết tới, sự khác biệt giữa việc “to be looked at” và “to be seen”.
Và không thể không kể đến việc thực hiện podcast này, ngay cả sau khi làm tới 50 số rồi thì mỗi lần đăng một bài mới mình vẫn đầy lo lắng, mình hiểu khi vượt qua nó cũng là một lần vượt qua vòng an toàn của bản thân.
Vượt qua nỗi sợ
Vì là vấn đề tâm lý nên cách khắc phục có thể rất khác với từng cá nhân, dưới đây sẽ là một vài góc nhìn của mình về nỗi sợ này có thể giúp bạn chế ngự được nó:
- Vẽ lại những hình dung trong đầu
Hãy vẽ lại những hình dung được sinh ra từ nỗi sợ trong đầu bạn. Những giả định tiêu cực đó chỉ là 50% xác suất của kết quả thực tế mà thôi. Khi bước qua nỗi sợ, bạn thậm chí sẽ nhận được kết quả không ngờ! - Nỗi sợ là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bước khỏi vòng an toàn
Khi vượt qua Sự run rẩy và lo lắng, thậm chí toát mồ hôi mỗi lúc chúng ta lo sợ lên tiếng là lúc bạn đang vượt qua vòng an toàn của bản thân đó!
Việc đánh bại nỗi sợ bị đánh giá để lên tiếng cũng chứng minh rằng bạn có khả năng tự quyết, hành động của bạn là do bạn toàn quyền quyết định chứ không vì đám đông xung quanh, bạn có thấy mình thật ngầu không? - Rèn luyện “cơ bắp” phát ngôn và khả năng giao tiếp
Không ai bẩm sinh sinh ra đã có tiếng nói hay và khả năng giao tiếp tuyệt đỉnh, nếu vậy thì các khóa học hay cuốn sách dạy giao tiếp và thuyết trình đã tuyệt chủng từ lâu rồi. Đây là một kỹ năng mà chúng ta cần phải rèn luyện thường xuyên giống như một dạng cơ bắp vậy. - Nhìn vào quá trình thay vì kết quả trước mắt
Nếu hôm nay bạn nói sai hay bị “quê” một chút thì cũng chỉ là 1 bài học cho cả quá trình trưởng thành và phát triển của bạn. Đừng vì kết quả tiêu cực của một vài chuyện nho nhỏ mà để nỗi sợ chiếm hữu bạn nhé!
Cứ nói đi mà, đừng im lặng như thế!
Những nội dung được nhắc đến trong tập podcast:
Video đề cuốn sách Raise your voice của tác giả Kathy Khang
Tập podcast Ask the dumb question trên Brave, not perfect with Reshma Saujani
Ly Ly
Em vô cùng cảm ơn chị về postcard này cũng như những postcard mà chị đã đăng. Nó giúp đỡ rất nhiều và truyền thêm cho em động lực nữa.