The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Nghịch lý của lựa chọn nghề nghiệp

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Nghịch lý của lựa chọn nghề – giải nghĩa

Hai tác hại rõ rệt khi có quá nhiều lựa chọn

Cách đây 4 năm mình có xem một video về “A day in a life of a software engineer” và giờ nội dung “a day in a life of (…)” – một ngày của một nhân vật với phần trong (…) thường gắn với một vị trí công việc nào đó đang rất phổ biến, mỗi video có thể thu hút tới hơn 1 triệu view.

Việc chúng ta tò mò với cuộc sống hàng ngày, bình thường của một người khác khi họ làm công việc khác với mình gợi mình nhớ tới một thuyết có tên “Nghịch lý của sự lựa chọn” – The Paradox of Choice được đưa ra bởi Barry Schwartz, ông này cũng viết một cuốn sách cùng tên. Kết luận của nghịch lý này phải kể tới 2 hiệu ứng tiêu cực mà chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng để giải thích sự khó khăn khi chọn nghề nghiệp để theo đuổi.

Bất cứ những điều trong cuộc sống từ vật chất tới lối sống đều là vấn đề của sự lựa chọn. Nhờ sự phát triển của xã hội mà chúng ta gặp phải 2 hiệu ứng tiêu cực, một trong số đó là cảm giác tê liệt hơn là sự tự do khi chọn lựa.

One effect, paradoxically, is that it produces paralysis rather than liberation. With so many options to choose from, people find it very difficult to choose at all.

Dịch nghĩa:

Tất cả các sự lựa chọn này có hai tác dụng, hai hiệu ứng tiêu cực cho con người. Một hiệu ứng, nghịch lý thay, là nó tạo ra sự tê liệt, hơn là giải phóng. Với quá nhiều lựa chọn, cuối cùng người ta thấy quá khó để chọn.

Trích dẫn được lấy từ: The paradox of choice bởi Barry Schwartz trên Ted (2005)

Với sự phát triển của internet, công nghệ kéo theo việc mở rộng những ngành nghề và nghề nghiệp mới, ví dụ như: tiếp thị Mạng Xã hội (social media marketing) là một ngành xuất hiện trong vòng 20 năm trở lại đây.

Thêm vào đó, cách chúng ta làm việc cũng thay đổi đáng kể so với 20 năm trước đây, đồng nghĩa với việc khi lựa chọn công việc, chúng ta còn có thêm một yếu tố để cân nhắc: làm việc ở đâu? remote hay tại văn phòng?

Sự phát triển quá nhanh chóng trong một thời gian ngắn không cho chúng ta nhiều ví dụ về người đi trước và sự thành công của họ để dễ dàng hình dung mình sẽ như thế nào nếu lựa chọn hướng đi công việc này. Có lẽ trong vòng 10 năm tới, thế hệ đi sau có thể dễ dàng chọn những nghề mới của chúng ta ngày nay hơn khi họ có những nền tảng lẫn tấm gương đi trước để rút kinh nghiệm cho mình.

Sự hình dung về những điều có thể xảy ra làm giảm mức độ thoả mãn với quyết định ở hiện tại.

The second effect is that, even if we manage to overcome the paralysis and make a choice, we end up less satisfied with the result of the choice than we would be if we had fewer options to choose from. And what happens is, this imagined alternative induces you to regret the decision you made, and this regret subtracts from the satisfaction you get out of the decision you made, even if it was a good decision. The more options there are, the easier it is to regret anything at all that is disappointing about the option that you chose.

Dịch nghĩa:

Hiệu ứng thứ hai là thậm chí nếu chúng ta cố gắng khắc phục tình trạng tê liệt và lựa chọn, chúng ta sẽ không hài lòng với kết quả của sự lựa chọn hơn là nếu ta có ít lựa chọn hơn. Và có một vài lý do cho việc này. Và điều xảy ra là Sự lựa chọn tưởng tượng này khiến bạn rất tiếc quyết định bạn đã thực hiện, và sự hối tiếc này trừ vào sự hài lòng bạn có từ quyết định bạn đưa ra, dù nó là quyết định tốt. Có càng nhiều lựa chọn, càng dễ để hối tiếc khiến bạn thất vọng về lựa chọn của mình.

Sau khi đưa ra quyết định, rất dễ chúng ta sẽ tưởng tượng mình sẽ như thế nào nếu như đã chọn một hướng đi khác, việc này khiến chúng ta thêm phần lo lắng, thậm chí hối hận về quyết định mình đã đưa ra. Điều này làm giảm mức độ thoả mãn với quyết định mình đưa ra, ngay cả khi đó là một quyết định đúng. Càng có nhiều sự lựa chọn, chúng ta lại càng dễ cảm thấy hối tiếc.

Hiện tại rất khó để ai đó cảm nhận một “one true calling” về một nghề nghiệp, nghĩa là một tiếng gọi thôi thúc khiến chúng ta cảm nhận từ trong trực giác rằng đây chính là nghề dành cho mình, một công việc để chúng ta cảm thấy đam mê và tâm huyết với nó.

Chi phí cơ hội và Kỳ vọng cao

Chi phí cơ hội là những gì chúng ta có thể nhận được nếu như chúng ta đưa ra lựa chọn khác.

Opportunity costs subtract from the satisfaction that we get out of what we choose, even when what we choose is terrific.

Dịch nghĩa:

Chi phí cơ hội lấy đi phần nào sự thoả mãn khi nhận được những gì từ quyết định hiện tại, ngay cả khi lựa chọn đó thực sự tuyệt vời.

Một hoàn cảnh giống câu châm ngôn “Đứng núi này trông núi nọ”.

Sự kỳ vọng: nhiều lựa chọn cũng có nghĩa là có nhiều lựa chọn tốt.

Từ chỗ chỉ muốn một công việc ổn định chúng ta muốn một công việc nhiều thách thức, cơ hội, mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo, rồi chúng ta còn muốn có chỗ làm đẹp, đồng nghiệp tốt, lương cao, v.v…

Phần 2

Một vài gợi ý từ kinh nghiệm cá nhân

Thay đổi là điều duy nhất không đổi

Khi chấp nhận rằng thay đổi là tất yếu, chúng ta được giải phóng để ra quyết định nhanh hơn và dám thử sức.

Lời khuyên từ Career Coach – Laura Sheehan, phu nhân của một cán bộ Ngoại giao Mỹ tại Hà Nội. Cô này từng là luật sư và nghề nghiệp của cô ấy buộc phải thay đổi khi gia đình thay đổi địa điểm sinh sống, từ đó cô ấy lập ra công ty về chiến lược nghề nghiệp. Trích dẫn dưới đây được lấy từ bài thuyết trình tại Tedx Hanoi năm 2018.

Be open to and ready for change. In 1989, Charles Handy wrote a book called “The Age of Unreason.” And in it, he predicted that careers would be a portfolio of different jobs rather than one position that lasted for decades.

Dịch nghĩa:

Hãy mở lòng và sẵn sàng với những thay đổi. Vào năm 1989, Charles Handy viết cuốn sách “Thời đại của những điều phi lý”, trong đó ông dự đoán rằng nghề nghiệp sẽ là một danh mục các công việc khác nhau thay vì một vị trí kéo dài hàng thập kỷ.

Dự đoán về sự thay đổi nghề nghiệp trung bình ở mỗi người:

In 2007, the New York Times recognized that when it comes to careers, change is the only constant… At that time, they predicted that people would change jobs an average of three times. But by 2010, the number had jumped to seven. By 2015, the number had jumped to 10. And in March of this year, the US Bureau of Labor Statistics estimated 12 to 15 careers per person. 15 careers per person! That’s right, if you haven’t changed job not just once but a few times, you’re behind the times!

Dịch nghĩa:

Vào năm 2007, Tạp chí New York Times nhận ra khi nói tới sự nghiệp, thay đổi chính là hằng số duy nhất. Ở thời điểm đó, họ dự đoán mỗi người sẽ trung bình đổi việc tới 3 lần. Nhưng tới năm 2010, con số này đã lên tới 7. Và tới năm 2015, số lần thay đổi đã lên tới 10. Và vào tháng 3/2018, Cục thống kê lao động Hoa Kỳ dự tính mỗi người sẽ đổi nghề từ 12 tới 15 lần. Đúng vậy, nếu bạn chưa từng đổi việc một lần hay chỉ vài lần, bạn đang đi sau thời đại rồi đó!

Việc chấp nhận thay đổi là tất yếu khiến chúng ta có thêm sự thoải mái, cho phép bản thân rằng mình sẽ có thể thay đổi trong tương lại, trải nghiệm hiện tại không phải là gắn kết trọn đời. Như vậy chúng ta có thể rút ngắn thời gian ra quyết định và thả mình nhiều hơn vào trải nghiệm ở hiện tại.

Trích dẫn được lấy từ: Career change: the questions you need to ask yourself now, Laura Sheehan tại Tedx Hanoi (2018)

Sống trong hiện tại

Với hệ quả thứ 2 của nghịch lý lựa chọn nghề nghiệp: giảm sự thỏa mãn ở lựa chọn đã ra vì có thể tưởng tượng rằng mình có thể làm tốt hơn như thế, việc hối hận về quyết định của bản thân và Cân nhắc chi phí cơ hội khiến bạn nghĩ tới những điều đáng lẽ bạn có thể có được nếu chọn những phương án khác. Ông Barry Schwartz là một nhà tâm lý đã chỉ ra rằng, đây là vấn đề của việc sống trong hiện tại.

Vậy chúng ta nên thay đổi tư duy như thế nào trong trường hợp lựa chọn sự nghiệp?

Chúng ta sẽ chia hệ quả này làm 2 ý.

Đầu tiên là sự hối hận

Chúng ta không thể biết chắc chắn lựa chọn nào tốt hơn lựa chọn nào nếu chưa trải nghiệm chúng. Cho nên chỉ cần lắng nghe sự thôi thúc bên trong và nhìn quá trình của mình để đưa ra quyết định. Và quyết định ở hiện tại bao giờ cũng là thứ tốt nhất vì sự nghiệp là một con đường dài trong cuộc đời mỗi người.

Hai là, khi nhìn sự nghiệp là một con đường dài, sẽ thật vô lý khi so sánh sự nghiệp của mình với một người khác. Hai người ở cùng 1 vị trí, cùng một nơi làm việc hẳn đã trải qua hành trình khác nhau và có thể họ cũng không đi tiếp cùng nhau trong thời gian tới. Nên không thể so sánh bản thân mình với con đường sự nghiệp của một người khác.

Ý tiếp theo là về chi phí cơ hội

Nếu để tính chi phí này chúng ta phải nghĩ tới thành quả của những phương án khác, thì để đỡ bị tác dụng của nó ảnh hưởng, tốt nhất là mình đừng nghĩ tới nó nữa. Cái chi phí cơ hội này chỉ nên đưa ra cân nhắc trước khi đưa ra quyết định mà thôi.

Khi chọn công việc với mức lương khởi điểm thấp, vì mình biết trước được là làm ở văn phòng thì sẽ không quá bận, thời gian thì thoải mái, chỉ khi có chương trình đặc biệt mới phải làm ngoài giờ, còn không thì sau 5h chiều là mình rảnh và 2 ngày cuối tuần cũng vậy. Thế nên để lấp chỗ trống về tiền lương, mình làm thêm một số công việc khác như đi dạy gia sư vào buổi tối và đi dẫn cũng như là dịch thuật cho các sự kiện.

Nhiều người nghĩ rằng thu nhập của mình nằm ở tiền lương, nhưng may mắn là từ lúc còn trẻ mình đã thích làm nhiều việc nên sớm nhận ra rằng thu nhập nó có thể đến từ rất nhiều nguồn. Mình tự thiết kế cho bản thân một bước khởi đầu sự nghiệp của 1 cô sinh viên mới ra trường là tổng hợp của nhiều vị trí mà mình yêu thích, có vị trí cho mình tài chính, có vị trí cho mình một ‘chức danh’, một nghề nghiệp để khai báo giấy tờ, và một công việc làm với đam mê cùng lúc giúp mình mở rộng mối quan hệ.

Đừng chỉ nhìn những thứ mà mắt thấy và tay đếm được để đánh giá kết quả của một vị trí công việc. Bạn có thể tự tạo thêm giá trị cho mọi quyết định của mình. Nếu bạn mải nghĩ tới kết quả của những phương án bạn không chọn thì chi phí cơ hội ở đây được cộng thêm cả trải nghiệm trọn vẹn mà bạn có được với lựa chọn bây giờ.

Bí mật để sống hạnh phúc

Một lời khuyên để giảm lo lắng, sống hạnh phúc đó là hãy Hạ thấp sự kỳ vọng!

Tâm lý tiêu cực

Hệ quả cuối cùng mà Nghịch lý của sự lựa chọn của ông Schwartz nhắc tới là chúng ta dễ bị rơi vào tình trạng tâm lý tiêu cực. Nỗi thất vọng và tự trách bản thân là hệ quả của sự kỳ vọng, so sánh và chủ nghĩa hoàn hảo, những suy nghĩ tiêu cực xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn sau giai đoạn công nghiệp hóa. Nếu bạn cũng đang đi qua những điều này trong cuộc sống xoay quanh quyết định về công việc và đường hướng phát triển sự nghiệp. Có phải bạn muốn vẽ bức tranh cuộc đời mình bởi những mảnh ghép xấu xí?

Sự nghiệp là một phần trong bức tranh tổng thể của cuộc đời chúng ta, không thể phủ nhận nó quan trọng như thế nào tới chất lượng sống của mỗi người. Công việc còn quyết định thói quen hàng ngày của bạn, những đồng nghiệp và môi trường làm việc tạo nên cách ứng xử, cá tính và cách chúng ta phản ứng với những tình huống.

Nếu bạn đang thấy rối để lựa chọn một công việc, hãy thử gạt chúng sang một bên và nhận định về chính mình. Bạn muốn trở thành một người như thế nào, người đó có thói quen làm việc ra sao? hay tiếp xúc với những ai, hay đến đâu ngoài giờ làm, càng cụ thể càng tốt!

Điều khiến mình tự hào với lựa chọn sự nghiệp hiện tại là người dạy Pilates là khi nghĩ về những lựa chọn mình từng trải qua, mình không thể tưởng tượng bản thân ở trong một văn phòng nào đó với rất nhiều người, càng không thể tưởng tượng phải trang điểm, đi giày cao gót mỗi ngày, tất cả những gì mình trải qua trong các công việc từng làm giờ đây như một món ăn mà nghĩ đến thôi mình cũng không thể tiêu hóa nổi. Mình thích tạo sự thay đổi tích cực cho một ai đó một cách rõ ràng trong việc dạy Pilates chứ không muốn là một phần bé nhỏ có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào của một tập đoàn hay tổ chức lớn. Mình từng hối hận vì đi làm mà bỏ lỡ nhiều thời gian bên cạnh người thân, giờ thì mình biết việc leo cao trên một bậc thang về nghề chẳng quan trọng với mình bằng sự tự do để có thể có mặt ở những ký với gia đình.

Đọc thêm: Đổi nghề ở tuổi 30, vì sao mình chọn là Pilates instructor

Bình luận

có thể bạn muốn nghe

error: Content is protected !!