The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Lên kế hoạch để thành công hơn trong năm mới

Lên kế hoach để thành công hơn trong năm mới the blue expat podcast

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Tập podcast này là những kinh nghiệm của bản thân khi mình lập kế hoạch nói chung và khi mình lên kế hoạch cho năm 2019 nói riêng. Đây là những lưu ý nhỏ để bạn có thể lên kế hoạch một cách hợp lý và tăng khả năng để bạn về đích 2019 một cách thành công hơn. 

1- Lên mục tiêu cụ thể

Nếu không biết rõ điều thực sự muốn thì bạn khó có thể có được một kế hoạch hiệu quả được.

Chúng ta rất dễ đòi hỏi bản thân phải kiếm thật nhiều tiền, nhưng lại không rõ con số nhiều là bao nhiêu và số tiền đó để làm gì. Thậm chí sau nhiều năm mang theo suy nghĩ này và thiếu 1 tầm nhìn rõ ràng, chúng ta dễ dàng rơi vào cảnh hoang mang, không biết mục đích sống của mình là gì.

Tưởng tượng khi bạn có một mục tiêu cụ thể là có một chuyến đi du lịch Hàn Quốc vào năm tới. Giờ mục đích của bạn quá rõ ràng rồi, bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch cho chuyến đi, với kế hoạch đó bạn cần bao nhiêu tiền, xin nghỉ làm bao nhiêu ngày, đi vào thời gian nào. Như vậy sẽ dễ dàng để đạt được mục tiêu này hơn là một mục tiêu: ‘đi du lịch nước ngoài’ chung chung.
Hãy đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân để tìm ra những mục tiêu cụ thể này.

Ví dụ như Bạn muốn tập trung vào điều gì trong năm nay? Bạn muốn điều mới mẻ gì đến với mình trong năm tới? Bạn muốn cải thiện và đạt được điều gì trong những phần cụ thể trong cuộc sống: gia đình, sự nghiệp, các mối quan hệ, phát triển cá nhân và tiền bạc?

2- Đừng tham lam khi đặt mục tiêu

Chúng ta thường mắc một cái tật không tốt lắm đó là quá tham lam khi đặt mục tiêu.

Rõ ràng là chúng ta muốn đạt được nhiều thứ nhưng thời gian và sức lực của chúng ta là có hạn. Có rất nhiều thứ có thể xảy ra và được hoàn thành trong vòng 1 năm nhưng có nhiều cái đích cần nỗ lực trong thời gian dài, có thể là hơn 365 ngày mới có thể chạm tới được.

Khi lên kế hoạch thực hiện, các mục tiêu không chỉ cần cụ thể mà còn phải thực tế nữa.
Liệu điều bạn muốn có thực sự khả thi hay không? Lên kế hoạch cho 1 năm khác hoàn toàn với lên kế hoạch hàng ngày vì ta không thể kiểm soát được hết những gì có thể xảy ra. Vì thế không phải lúc nào chúng mình cũng giữ được kế hoạch từ đầu năm tới cuối năm mà còn phải chỉnh sửa cho phù hợp với những thay đổi.

Để đáp ứng được với những thay đổi và đảm bảo được hiệu quả của kế hoạch, chúng ta còn phải đánh giá trong năm để xem liệu kế hoạch ban đầu còn phù hợp hay không. Thêm nữa khi chúng ta ngồi lên kế hoạch vào thời điểm này, vì chưa thực sự bắt tay vào thực hiện nên có thể kế hoạch này chưa thực sự chính xác, vì thế trong năm chúng mình còn phải đánh giá kết quả khi thực hiện kế hoạch ban đầu và có những điều chỉnh trên kế hoạch cũ cho hợp lí với thực tế.

3- Chia nhỏ mục tiêu

Bạn sẽ cần một danh sách những hành động và nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng.

Hãy chia nhỏ những mục tiêu thành những phần nhỏ rồi lại chia những phần nhỏ này thành những nhiệm vụ cần được thực hiện, nói chung là chia thành nhiều phần nhỏ nhất có thể. Như mình có nhắc đến trong phần 1 rằng có nhiều thành công chỉ đạt được nếu ta nỗ lực thực hiện đều đặn những bước nhỏ nhất. Những phần nhỏ này hiển nhiên sẽ dễ thực hiện hơn, tạo cho bạn những sự say mê và động lực làm việc cho những mục tiêu.

Từ việc thực hiện các mục tiêu nhỏ cho mục tiêu lớn, bạn sẽ tạo cho mình thói quen cần có để hoàn thành mục tiêu lớn của mình. Chìa khoá ở đây là ‘create the momentum’ – tạo đà để dần chạm tới mục tiêu và lập thói quen thực hiện kế hoạch mà bản thân đề ra.

4- Kế hoạch đi kèm với khung thời gian và thời hạn hoàn thành cụ thể

Sau khi đặt những mục tiêu nhỏ và vai trò của chúng để chạm tới mục tiêu lớn và thời gian để thực hiện chúng là bao lâu, chúng ta nên lập bảng kế hoạch cụ thể của mục tiêu với dòng thời gian cụ thể. Có thể chia nhỏ theo quý rồi đến tháng và tuần.
Chúng mình có thể đặt những mục tiêu nhỏ vào những cột mốc thời gian trong năm và từ đó sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ theo ưu tiên và hạn hoàn thành để hoàn thành các cột mốc đó.

5- Luôn Đánh giá và xem xét lại kế hoạch

Đây là một bước quan trọng cả khi lập và thực hiện kế hoạch mà chúng ta rất hay bỏ qua.
Hãy dành chút thời gian đánh giá lại năm cũ để tìm được hướng giải quyết tốt hơn cho năm tới.

Trước tiên hãy thử nhìn lại những mục tiêu của năm cũ.

  • Điều bạn muốn đạt được nhưng không thể thực hiện là gì?
  • Lí do nào cản trở bạn thực hiện được mục tiêu đó?
  • Mục tiêu nào bạn đã thực hiện thành công?
  • Lí do nào thúc đẩy bạn hoàn thành nó?
  • Bạn đã thực hiện mục tiêu/kế hoạch đó như thế nào?

Sau khi đã có cái nhìn về cách bạn triển khai hành động cho các mong muốn của năm cũ và rút ra bài học cho mình để điều chỉnh vào kế hoạch thực hiện cho năm tới, mình tin chắc rằng bạn cũng sẽ nhận ra những điều thay đổi ở bản thân qua từng năm. Sau mỗi năm chúng ta cũng có những thay đổi, từ khách quan do ngoại cảnh đến chủ quan như thế giới quan của chúng ta, vì thế cần có thời gian nhìn nhận, đánh giá lại hoàn cảnh và nhu cầu của chúng ta, vì rất có thể mục tiêu của bạn năm trước không còn phù hợp với con người của bạn trong năm nay nữa.
Cho nên chúng ta cũng cần đánh giá lại về hoàn cảnh sống lẫn mục đích sống của chúng ta để đánh giá điều gì bạn cần phải thực hiện và loại bỏ những mong muốn không còn phù hợp nữa dù mình đã rất muốn đạt được trong những năm trước đây.

Bảng: Nhìn nhận và đánh giá để lập mục tiêu cho năm mới

Trong năm bạn cũng cần đánh giá lại quá trình mình thực hiện theo kế hoạch ở các cột mốc nhỏ như theo quý hoặc theo tháng. Bạn có thể dùng bài viết 10 câu hỏi đánh giá cuối tháng này để nhìn lại quá trình hoàn thành theo kế hoạch.

Một chú ý là khi lập các danh sách hàng động cho mục tiêu của mình, các bạn cũng nên lập ra 1 danh sách những điều dễ ảnh hưởng, những yếu tố tác động bên ngoài có thể là gì và mình nên ứng phó với nó như thế nào.

Có nhiều kế hoạch không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố bên ngoài mà là bởi chính chúng ta. Chúng mình dễ đưa ra hàng ngàn lí do để trì hoãn hoặc không thực hiện theo kế hoạch. Nếu mục tiêu này bạn đã đưa ra từ những năm trước thì lại càng dễ liệt kê ra những lí do lí chấu này. Hãy viết ra và nếu lần sau bạn có giải thích tương tự khi từ chối thực hiện kế hoạch thì bạn có thể phản bác ngay rằng ‘Này, đừng nói nhiều, tất cả chỉ là lí do lí chấu mà thôi.

Bạn có thể sẽ nói với mình ôi sao mà rắc rối, mệt đầu hay ngồi nghĩ cái này mệt lắm và bạn chẳng có động lực để làm nó vì cứ ngồi nghĩ là lại thấy mình kém cỏi, không làm được. Thứ nhất, việc lên kế hoạch cụ thể bây giờ sẽ tiết kiệm cho bạn thời gian để tư duy kế hoạch thực hiện nó trong năm vì khi năm mới tới bạn chỉ việc làm theo kế hoạch đã vạch sẵn, không cần đắn đo, suy nghĩ nhiều, đảm bảo bớt stress.

Thứ 2, nó sẽ đưa bạn đến gần hơn với thành công. Những năm trước vì không có kế hoạch thực tế và cụ thể nên bạn đã mất cả 1 hay vài năm mà vẫn chưa chạm được đến mục tiêu.

Khi có cái nhìn cụ thể thì bạn sẽ nhận ra có thể bạn đặt quá nhiều mục tiêu hoặc mục tiêu của bạn không đủ thực tế, quá khó để thực hiện trong 1 năm. Nên nhớ mọi thành công đều đến từ quá trình, đừng coi những hành động nhỏ, những thành công bé tí xíu không là gì, nó là cái đà là những nấc thang cho bạn chạm tới thành công cho nên có thể bạn chưa xây đủ 4 tầng nhà và lợp mái thì cũng tính xây được 2 tầng đi rồi năm sau mình làm nốt 2 tầng. Giục tốc bất đạt các cụ đã dạy rồi mà.

Bạn có thể sử dụng nhiều công cụ giúp bạn có thể hình dung rõ ràng hơn về kế hoạch thực hiện mục tiêu của bạn. Những công cụ này có thể là sổ tay kế hoạch (planner), bullet journal, vision board hay mind-map.

Việc chạm được đến cái đích mà chúng ta đề ra thực ra không khó bằng việc thực sự bắt tay vào làm từ những việc đầu tiên cho cái đích đó. Mình hy vọng những chia sẻ trong số podcast ngày hôm nay sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng và có thêm động lực để đưa bạn tới gần hơn với thành công trong năm tới.  

Chúc bạn một năm mới thành công hơn, thật nhiều sức khoẻ và niềm vui!

Bình luận

error: Content is protected !!