Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.
KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT
Làm một công việc mà bạn ghét dẫn đến nhiều hậu quả hơn ta tưởng. Ngoài việc ngày một trở nên chán chường khi tới chỗ làm hằng ngày, chán ghét công việc hiện tại có thể khiến bạn tăng cân, mắt trũng do chất lượng giấc ngủ kém hay thường xuyên mệt mỏi, tăng khả năng mắc những bệnh về tâm thần, và chất lượng cuộc sống của bạn sẽ giảm sút!
Vậy phải làm gì để tránh được những hậu quả này nếu bạn chưa thể nghỉ việc?
Tập podcast gợi ý một số cách để giúp bạn tập trung và vui vẻ hơn với hoàn cảnh hiện tại. Nếu kết hợp những lời khuyên này với khái niệm Job Craft trong cuốn sách về IKIGAI của Tim Tamashiro, bạn sẽ thấy việc có một công việc thoả mãn tất cả những mong muốn của mình không hẳn là một đích đến thực sự cần thiết, mà bạn hoàn toàn có thể làm chủ bằng cách thiết kế lại cuộc sống, bao gồm cộng gộp của công việc, thời gian rảnh, một hoạt động vì đam mê để có một cuộc sống mong muốn.
Đọc bài viết tại: https://theblueexpat.com/giai-phap-khi-ban-chan-viec-ma-chua-the-bo/
Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com
Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com
Tập podcast từng được đăng trên The Blue Expat 7/12/2018
Bạn Chán việc? bạn không muốn đi làm? bạn thích thứ sáu và sợ tối chủ nhật? mỗi sáng bạn phải chật vật mới kéo bản thân ra khỏi nhà vì bạn sợ điểm đến của bạn sau cánh cửa: chỗ làm! Sếp không thích bạn, đồng nghiệp không hợp tác và bạn muốn thay đổi họ? Không chỉ là tới chỗ làm mà công việc của bạn còn có hàng đính kèm là stress cả những khi ngoài giờ làm việc?
Bạn nghe ra rả hàng ngày ‘nếu chán, hãy nghỉ việc’, nhưng bạn KHÔNG THỂ!
Nếu bạn thấy chính mình trong những câu hỏi vừa rồi thì bạn đang nằm trong hoàn cảnh mà nhiều người cũng trải qua đó là có một công việc mà bạn không thích nhưng chưa thể bỏ vì nhiều lí do. Những lí do có thể nói đến cho giai đoạn không mấy vui này có thể là vì tài chính, không đi làm thì tiền đâu tiêu? hay mức lương của bạn hiện tại đang rất tốt nếu nhảy tới vị trí này ở công ty khác có thể bạn chỉ được 2/3 mức lương hiện tại, hoặc có thể vị trí hiện tại là 1 phần cho quá trình tiến thân trong sự nghiệp của bạn. Bạn có biết phải làm một công việc mà bạn ghét sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả. Một bài viết trên tạp chí Forbes đã nói rằng ngoài việc ngày một trở nên chán chường khi tới chỗ làm hằng ngày, chán ghét công việc hiện tại có thể khiến bạn về bề ngoài thì có thể bị tăng cân, mắt trũng do chất lượng giấc ngủ kém hay thường xuyên mệt mỏi; còn bên trong thì có thể là bệnh về tâm thần.
Nhưng nếu bạn không thể bỏ việc ngay lúc này thì phải làm sao đây??? Đừng vội tuyệt vọng bạn ơi, có rất nhiều người đang ở trong hoàn cảnh của bạn bây giờ.
Vậy có những cách gì để khiến hoàn cảnh của bạn bớt tệ hơn?
1. Nhìn thấy ánh sáng ở cuối con đường
Hãy nói với chính mình hàng ngày rằng, những gì bạn đang phải gánh chịu bây giờ chỉ là tạm thời mà thôi!
Hãy vẽ ra hình ảnh công việc mơ ước của bạn và bắt tay dần vào việc tới gần hơn với công việc đó. Hãy biến năng lượng tiêu cực từ công việc hiện tại thành sự thúc đẩy để bạn tìm bến đỗ mới tươi đẹp hơn. Hãy bắt tay vào tìm việc mới, chuẩn bị CV thật đẹp. Nếu lần cuối bạn làm cái CV của mình là 2 năm trước đây và trông nó bây giờ thật là ‘outdate’ thì hãy hô biến nó thật đẹp đẽ, hãy thật sẵn sàng thì may mắn sẽ đến.
Hãy tin rằng đây là một phần của kế hoạch đạt tới công việc mà bạn đang mong muốn. Nó là một bài học trong quá trình phát triển của bạn. Mình chấp nhận làm công việc hiện tại để nuôi đam mê chờ tới ngày có thể thực hiện được công việc mình mong muốn toàn thời gian. Sự khó chịu mà công việc hiện tại mang tới là động lực lớn để mình tới gần hơn với đam mê của mình, hãy thử tưởng tượng nếu công việc này thật dễ chịu, bạn sẽ dễ dàng nuông chiều bản thân, rơi vào trạng thái an toàn và không muốn bứt phá, để cho đam mê dần nguội và có bao nhiêu trong số đó đã chết?!
2. Tận hưởng thời gian ngoài giờ làm
Hãy đảm bảo rằng cuộc sống ngoài những lúc đi làm của bạn ở mức tuyệt nhất có thể.
Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại đang vắt kiệt nguồn sống của bạn, hãy nhớ nó chỉ là 1/3 cuộc đời của bạn, thậm chí ít hơn. 8 trên 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 40 hoặc 44 giờ (vì có nhiều văn phòng ở Việt Nam mình vẫn làm sáng thứ 7) trên tổng số 168 giờ mỗi tuần. Hãy cân bằng cuộc sống của bạn bằng những hoạt động thú vị mang lại sức sống cho cuộc đời bạn.
Tận dụng cuối tuần, ngày nghỉ, giờ nghỉ trưa thậm chí là những phút giải lao
Đừng làm việc mà quên nghỉ, cơ thể của bạn sẽ cảm ơn bạn nếu bạn đứng dậy đi lại ít nhất 5 phút mỗi tiếng ngồi dán mắt vào màn hình máy tính. Sau một buổi họp căng thẳng cả buổi sáng, đừng lao vào ngồi làm báo cáo ngay, hãy sắp xếp công việc một cách thông mình để vẫn có hiệu quả dù bạn cho mình 10 phút đi loanh quanh có thể là tưới cây trong văn phòng hay đứng ở ban công hít thở 1 chút.
Nếu giờ nghỉ trưa không đủ dài cho bạn có giấc ngủ văn phòng, thì hãy cho mình 5-10 phút thiền, tìm một góc an toàn và tải 1 ứng dụng thiền có hướng dẫn để cho mình 5 phút hướng vào bên trong.
Bạn sẽ mang về nhà ít stress hơn nếu có thể giảm chúng đi ngay khi ở chỗ làm, đồng nghĩa với việc giảm những ảnh hưởng tiêu cực từ công việc lên cuộc sống và những mối quan hệ thân thiết của bạn.
Trong khi không thể phản kháng lại sức ảnh hưởng tiêu cực mà công việc mang lại cho cuộc sống bên ngoài chỗ làm của bạn, hãy nhớ rằng bạn có một vũ khí khác là ‘count your blessing’. Thực hành Lòng Biết ơn nghe thật cao sang nhưng nó chỉ đơn giản là nghĩ tới những điều tốt đẹp bạn có. Ví dụ như bạn vẫn có người thân ở bên; bạn có một chiếc xe vẫn chạy tốt để đi lại; bạn có cơ thể khoẻ mạnh và lành lặn, v.v… Thực hành lòng biết ơn này, mình nhận ra mình phải cám ơn chính công việc mà mình đang làm hiện giờ vì nó đã đến với mình trong lúc mà mình cần nhất, vì mình nhận được lương đủ để trả cho chi tiêu của bản thân.
Trân trọng những điều đẹp đẽ đó để khuyến khích bản thân vượt qua những bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của bạn.
3. Học cách quý trọng bản thân
Hiểu đúng về khái niệm ‘quý trọng bản thân’ đã giúp mình giảm bớt căng thẳng trong công việc.
Quý trọng bản thân để không cho phép môi trường bên ngoài tác động vào cuộc sống riêng.
Quý trọng phẩm chất và tính cách của bản thân để nếu ta có thay đổi chúng thì là do lựa chọn của mình chứ không phải là do môi trường xung quanh tác động.
Tôn trọng bản thân không có nghĩa là không tôn trọng những cá thể khác. Tôn trọng những người xung quanh, đừng áp đặt họ phải làm như ý mình. Tránh tham lam, ôn đồn nhiều mối lo làm tăng những bức xúc của mình trong công việc chỉ vì người khác không làm theo cách mình cho là đúng.
Chúng ta không phải là kẻ dễ dãi và đủ trưởng thành để quyết định thay đổi bản thân là do mình chọn, không phải do người khác đúng không nào?
4. Phân tích lí do khiến bạn chán/ghét công việc một cách sáng suốt
Một trong những nỗi sợ khiến mình chưa dám bỏ việc ngay đó là sợ rằng mình quyết định quá nhanh và thiếu chín chắn. Những bạn trẻ ngày nay bỏ việc rất nhanh, 3 tháng là nhảy rồi, thực sự nó sẽ không giúp ích cho CV của bạn đâu, các nhà tuyển dụng sẽ có rất nhiều nghi vấn nếu thấy bạn không thể trụ ở một chỗ làm đủ lâu. Chưa kể 3 tháng làm việc ở một môi trường mới không đảm bảo bạn đã thu thập được kinh nghiệm tại vị trí đó! (ngoài kinh nghiệm tìm việc mới và nhảy)
Hãy cho cả bản thân và công việc thời gian làm quen, đừng bỏ cuộc quá sớm. Đừng bỏ việc để làm việc khác nếu không có kế hoạch cụ thể. Chỉ bỏ việc khi bạn đã sẵn sàng.
Dù chán ghét công việc này, cũng đừng vì thế mà không dồn tâm huyết vào thực hiện nó. Hãy nhớ rằng bạn là một phần hoạt động của cả công ty. Nếu chỉ trách móc và giữ thái độ tiêu cực, bạn không chỉ nhìn thấy những điều tệ hại mà công việc này mang lại cho bạn mà chính bạn cũng sẽ có poor performance, chất lượng công việc bạn mang lại sẽ kém hơn khả năng của bạn. Yên tâm rằng nó sẽ giúp ích cho việc xin nghỉ của bạn sau này. Hãy nghỉ việc mà vẫn nhận được sự tôn trọng.
5. Luôn luôn có thứ để học
Kể cả với công việc tệ nhất bạn vẫ có thứ để học, vẫn có thông tin cần biết và những kỹ năng để rèn luyện. Dù bạn sẽ sớm đổi việc thì cũng tận dụng thời gian ở nơi làm việc hiện tại và trau dồi bản thân để sẵn sàng cho những bước đường sắp tới.
Ngoài công việc bạn đang làm, hãy thử học cả những cái mới. Học không có nghĩa là mở sách ra và dùng bút nhớ gạch những kiến thức, nó có thể chỉ là học một bộ môn nghệ thuật, học đàn hát hay học môn về thể lực như …boxing. Những môn học này cũng là những thú vui khác vừa giúp giảm stress, vừa thấy cuộc đời thú vị, vừa mở rộng mối quan hệ, lại có thể trau dồi thêm kiến thức mới mà biết đâu có ngày bạn sẽ dùng đến.
6. Mở rộng mối quan hệ
Có nhiều người không dám bỏ công việc mà họ ghét vì không biết tìm đâu ra đồng nghiệp hợp cạ và tốt như ở chỗ làm đó. Các mối quan hệ hay chúng ta vẫn gọi là network là rất quan trọng vì thế hãy tận dụng cơ hội ở chỗ làm hiện tại để mở rộng network của mình đặc biệt nếu công việc hiện tại có 1 vị trí quan trọng trong việc thăng tiến nghề nghiệp của bạn.
7. Hãy nhìn vào những mặt tích cực
Câu nói rằng ‘nếu bạn muốn gắp lửa bỏ tay ai thì người bị thương trước tiên vẫn là bạn’ cũng đúng trong hoàn cảnh của bạn bây giờ. Khi bạn ghét công việc của bạn, ghét sếp, ghét ‘bà làm cùng’ thì chính bạn là người bị mang cảm xúc tiêu cực trước tiên. Những cảm xúc tiêu cực ấy chỉ khiến cho tầm nhìn của bạn bị hạn chế ở những điều không tốt. Mình tin là kể cả ở công việc tệ nhất cũng có 1 điều tốt. Có thể chỉ đơn giản là bạn có một chỗ ngồi tốt, bạn có máy tính riêng thay vì phải tự trang bị, luôn có một người dễ thương trong một tập thể dễ ghét, người ấy là ai? bạn đã tìm ra chưa?
Hãy tìm những đặc điểm tích cực của chỗ làm. Mình từng làm ở toà nhà không hẳn có view đẹp lắm nhưng từ đó mình có thể nhìn và đếm được mấy cái hồ, từ đó mình bắt đầu tìm hiểu xem mấy cái hồ đó là hồ gì, có chỗ chỉ là mấy cái ao thôi, lúc đấy mình chỉ nghĩ Hà Nội thật sướng vì có nhiều hồ như thế! Hãy chủ động vận dụng không gian làm việc để thay đổi thế giới bên trong của bạn.
Lời kết
Nếu ai đó bảo bạn làm việc vì tiền là sai, hãy nhìn tháp Maslow, gì thì cũng phải đảm bảo mức sống cơ bản của mình đã. Không phải ai cũng may mắn có được sự xa xỉ rằng muốn bỏ việc là bỏ ngay và ngồi nhà chờ việc mới.
Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ ví như công việc của bạn quá tồi tệ và bạn bị ảnh hưởng tới sức khoẻ và cuộc sống riêng. Nếu công việc đòi bạn phải làm quá nhiều giờ, không có thời gian nghỉ ngơi hoặc môi trường làm việc độc hại thì vẫn cần phải cân nhắc nhiều khi khó khăn mà bạn cần trải qua lúc này là khó khăn tài chính chứ không phải là thử sức chịu đựng một công việc tệ. Hãy hiểu rõ chính mình và tìm ra câu trả lời phù hợp.
Không chỉ có một mình bạn đang chật vật làm công việc mà bạn không thích, quan trọng chúng ta cần nhận thức rằng đó chỉ là tạm thời. Đừng để hoàn cảnh bây giờ làm hỏng toàn bộ cuộc sống của bạn, hãy khiến bản thân của bạn trong tương lai khi đứng ở vị trí của công việc tốt đẹp hơn nhìn lại và thấy tự hào vì cách bạn vưọt qua những thử thách trong cuộc sống.
Chúc bạn may mắn!
Nini
Dạ cảm ơn chị. Em cũng đang mệt mỏi áp lực với công việc nhưng em không hề ghét nó. Podcast của chị tạo ý tưởng giúp em qua cơn stress hiện tại. Mong được nghe những câu chuyện tích cực từ chị