Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.
KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT
Quyết định chọn làm huấn luyện viên Pilates là lời hồi đáp cuối cùng khi mình chọn theo lối sống tự do, đặc biệt là tự do về địa lý. Có điều, mình chưa biết gì về Pilates tới khi ngấp nghé 29 tuổi và phải tới năm nay khi đã 33 tuổi mình mới trở thành giáo viên có chứng chỉ quốc tế và hành nghề.
Tập podcast này chia sẻ lại quá trình mình tìm ra được lời giải này cho mong muốn một cuộc sống tự do. Thêm vào đó, nó chia sẻ về góc nhìn về nghề – nghề nào là đúng và phù hợp với bản thân. Trong số podcast mình sẽ chia sẻ 3 điểm chính:
- quá trình chuẩn bị để trở thành Pilates instructor;
- theo đuổi công việc này khiến mình được và mất những gì?; và
- những bài học rút ra khi chọn đổi nghề khi đã ngoài 30.
Số podcast này có đọc bài viết trên The Blue Expat blog. Đọc bài viết tại: Đổi nghề ở tuổi 30, vì sao chọn Pilates?
Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com
Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com
Đầu năm 2022 đánh dấu 2 cột mốc quan trọng với mình, một là chính thức trở thành người huấn luyện Pilates, với chứng chỉ danh giá được ghi nhận toàn thế giới và hai là bắt đầu đứng lớp dạy một cách chuyên nghiệp. Vậy là mình đang được sống đúng với những gì trong dòng giới thiệu ngắn trên trang là: “Vietnamese expat, Pilates instructor, podcaster, wandering soul”. Với những ai theo dõi The Blue Expat đã lâu chắc cũng từng nghe mình nhắc tới việc mình theo đuổi Pilates như một hướng công việc. Bài viết này sẽ chia sẻ về:
- quá trình chuẩn bị của mình tới hôm nay;
- theo đuổi công việc này khiến mình được và mất những gì?; và
- những bài học rút ra khi chọn đổi nghề khi đã ngoài 30.
Gần đây Pilates đã phổ biến hơn ở Việt Nam, ngay trên blog của mình cũng có bạn bình luận hay nhắn về hỏi nên hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn rõ hơn về nghề huấn luyện Pilates nói riêng và công việc giảng dạy fitness nói chung.
Ý định đổi nghề bắt đầu như thế nào?
Thời gian mới ổn định cuộc sống ở Đức, mình phải học tiếng và văn hóa nên không thể xin đi làm, thêm vào đó vì vợ chồng mình có mong muốn theo hướng digital nomad hoặc định cư ở một nước khác nên chồng mình cũng ép mình theo hướng công việc tự do về địa lý như anh ấy đang làm. Tới cuối năm 2017 thì cuộc sống của mình rơi vào bế tắc vì không tìm được một hướng công việc thực sự phù hợp. Sau gần một năm tìm hiểu và thử học nhiều nghề để trở thành digital nomad, trong đó có học viết code (web developer, app developer), làm freelance các job nhỏ từ viết bài, dịch, voice-over, mình buộc phải nghĩ tới một hướng công việc hoàn toàn khác phù hợp hơn.
Nghĩ lại thì thấy Pilates tới với mình thật đúng lúc. Trước đó mình có thói quen tập Yoga tại nhà, đặc biệt là sau tập phỏng vấn với chị Linh Ngân về yoga, mình bắt đầu thử tập theo trường phái Ashtranga trên Youtube. Đây là trường phái rất khó và dễ gặp tai nạn nếu không được hướng dẫn chi tiết. Do mình tập không đúng nên mình đã gặp một chấn thương ở hông mà thành tật nên tới giờ vẫn chưa hoàn toàn khỏi hẳn. Đó là lúc mình nghiên cứu và tìm ra bộ môn Pilates như lời giải cho vấn đề sức khỏe, và một bí mật khác:
Bảo hiểm ở Đức trả phí tập Pilates cho các mẹ bầu và hậu sinh để đảm bảo sức khỏe sinh sản!
Đây là manh mối lớn nhất khiến mình chuyển hướng công việc lúc ấy.
Cộng đồng người Việt ở Đức cũng không phải ai cũng biết và yêu cầu phúc lợi này, phần vì họ không biết tiếng để đi học, hai là cảm thấy không thoải mái, không tìm được cộng đồng phù hợp ở chốn phòng tập. Đó là lí do mình nghĩ, nếu cứ sống ở Đức, mình có thể dạy Pilates bằng tiếng Việt cho cộng đồng bên đây. Vừa giảm được rào cản ngôn ngữ ở môi trường mình đang sống, vừa là để quen được những người đồng hương. Sau là nghề này cho phép mình kiếm sống cả ở những nơi khác nữa. Với hai ý nghĩ giản đơn đó mà mình theo Pilates tới giờ đã 3 năm.
Đọc thêm/ Nghe podcast Bài học khi tập luyện với chấn thương
Quá trình chuẩn bị từ 2018 tới 2022
Nếu như bạn chọn đúng con đường của mình, bằng một cách nào đó, mọi việc sẽ diễn ra với bạn một cách suôn sẻ, không cưỡng cầu. Nếu ai đó phủ nhận, họ nói rằng con đường chông gai mới là con đường đúng đắn, mình nghĩ họ đang đánh đồng giữa nỗ lực và sự bướng bỉnh. Một con đường suôn sẻ không có nghĩa là bạn không cần cố gắng cũng được sắp xếp về đích an toàn. Những khó khăn vẫn ở đó nhưng bạn luôn tìm được nội lực bên trong để thu nhỏ những chướng ngại, dù con đường có gồ ghề thì chân bạn vẫn có đà để đi.
Hành trình với Pilates tới giờ của mình có thể khép lại trong hình sau:
Bước chân vào thế giới của Pilates instructor
Khi chọn theo nghề huấn luyện Pilates cũng là lúc mình mới bắt đầu như một người tập bình thường, mình muốn thử nghiệm hiệu quả của nó lên chính mình, hiểu được bài tập và kiểm chứng quyết định của mình liệu có đúng. Vì lẽ đó mình không lao đi tìm lớp đào tạo ngay mà tới phòng tập trước, tập cho chính sức khỏe của mình hẵng. Và tới cả bây giờ sau khi chứng kiến nhiều người học làm giáo viên dù chưa thử nhiều với Pilates, mình phải khẳng định rằng một người cần thật hiểu Pilates, phải là người tập đủ nhiều thì mới có thể dạy một cách chuẩn chỉnh.
Sau đợt căng thẳng cuối năm 2017 mà chính xác là mình đã rơi vào bệnh lý tinh thần, trầm cảm, với những cơn rối loạn lo âu, ảo giác. Mình đã chuyển về Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018, may mắn thay một người bạn giới thiệu cho mình biết về bạn Joy Pilates (hiện Joy là giáo viên Pilates của Line Pilates Sài Gòn), không chỉ cho thấy một hình mẫu giáo viên mình muốn trở thành, Joy cũng truyền cho mình một tình yêu lớn lao với nghề này. Khi đặt chân tới đảo Síp, việc tập luyện Pilates đã trở thành điều không thể thiếu trong sinh hoạt của mình và gắn bó với một studio đi kèm với một tiền bối từ 2018 tới giờ.
Sự suôn sẻ đầu tiên mình có trên con đường này là một nơi bé như đảo Síp cũng có một phòng tập ủy quyền, được phép tổ chức huấn luyện và đào tạo giáo viên Pilates của một trong bốn tổ chức danh tiếng trên Thế giới, được mệnh danh là Ivy League trong bộ môn Pilates về độ khó của những kỳ thi: STOTT Pilates.
Bài học lớn nhất mình nhận ra ở giai đoạn này là: “Một hình mẫu, có thể là tự vẽ ra hoặc một người đi trước là vô cùng quan trọng. Nó giúp mình rút ngắn thời gian vì sớm nắm được những bước cần đi, những thói quen cần có và một định lượng về thành công”.
Giai đoạn học và thi
Mình hạ quyết tâm tập Pilates chăm chỉ một năm rồi bắt đầu đi học, nhưng đời không như là mơ, mình cũng vướng vào cơm áo gạo tiền, các khóa học có phí từ 1000€. Tới cuối tháng 9 năm 2019 mình mới đăng ký (chưa đặt cọc) khóa đầu tiên diễn ra vào tháng 3 năm sau. Nhưng chuyện thì ai cũng biết là tháng 3/2020 là lúc Covid nổ ra trên khắp Thế Giới. Khóa học của mình bị hoãn hai lần Lockdown tới tháng 8/2020 mình mới chính thức trở thành người có học. Quá trình chờ đợi không quá dài với mình vì việc học giải phẫu cơ thể tạo cho mình một niềm vui mới.
Dù học xong khóa này, bạn hoàn toàn có thể đi thực tập, đứng lớp dạy để chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng Covid mà, các phòng gym là nơi đầu tiên bị đóng cửa nếu lượng người mắc tăng và cũng là nơi cuối cùng được cho phép mở lại. Có rất nhiều phòng tập bên mình đã phải bán tháo máy móc vì không duy trì nổi.
Tới tháng 8/2021 mình mới có cơ hội học khóa thứ 2 để được thi bằng tổng hợp: Matt và Reformer (tên máy tập trong bộ môn Pilates).
Vì không xếp được lịch với giáo viên để hoàn thành mục tiêu thi lấy bằng vào năm 2021, nên tới tận 31/1/2022 mình mới bước vào phòng thi thực hành và một tuần sau đó là lý thuyết.
23/2/2022, mình nhận được chứng chỉ giáo viên Pilates.
24/2/2022, tên mình được xuất hiện trên trang Tìm kiếm Giáo viên của STOTT Pilates
Những Được và Mất với nghề huấn luyện Pilates
Khác hẳn với những công việc mình từng trải qua trước đó, đây là một nghề đòi hỏi mình phải làm một số nhiệm vụ không phải là điểm mạnh và kinh nghiệm của mình:
1- Thể thao hay những bộ môn mang tính vận động sức khỏe.
Mình cũng là một người khó lên cơ nên người cứ nhẳng nhẳng không có dáng vẻ của một HLV thể hình.
2- Tiếp xúc và làm việc trực tiếp với con người
3- Dạy mà gần giống với chỉ huy hơn là dạy học. Phải nói và nói rất nhiều, liên tục, nhiều khi cần âm lượng lớn.
Mình cũng được hỏi rằng liệu có chắc chắn đây là nghề thực sự phù hợp với tính cách và khả năng của mình, liệu rằng mình có tránh được những căng thẳng khi bước qua những giới hạn của sự thoải mái hay không? Vào thời điểm bắt đầu mình không có câu trả lời nào khác ngoài việc phải tin tưởng vào lựa chọn để dấn thân rồi mới biết nó có phù hợp hay không. Với một vị trí công việc, nếu nó không có những thử thách để thúc mình nới rộng vòng an toàn của bản thân thì sẽ chẳng có những hưng phấn khi chinh phục được cột mốc mới. Một công việc an toàn cũng là công việc đưa chúng ta đi xuống dốc của sự phát triển bản thân, hay đưa ta vào góc tối của sự nhàm chán.
Những điều Được với mình khi lựa chọn nghề huấn luyện Pilates:
- Cơ hội rèn luyện sức khỏe của chính mình
Với một nghề về sức khỏe, việc rèn luyện là một phần của công việc, khiến mình có trách nhiệm hơn với cơ thể của mình cả sức khỏe lẫn hình thức. - Không giới hạn về tuổi tác, nền tảng kiến thức
Có nhiều người bắt đầu dạy Pilates khi đã ngoài 65 tuổi!
Ngoài dancer, diễn viên múa hay vận động viên thể thao ngừng thi đấu thì cũng có những người là dân văn phòng như mình chuyển hướng dạy Pilates. Miễn là bạn có khả năng và đủ tâm huyết thì đều có thể trở thành giáo viên. Với người muốn dạy hay tập Pilates cần chú ý rằng những giáo viên Pilates phải là những người không ngừng học tập để nâng cấp chính mình. Nâng cấp từ kiến thức về khoa học con người (cụ thể là giải phẫu cơ thể) tới các kỹ thuật, trường phái và các dụng cụ sử dụng ở bộ môn này. Đây cũng là điều khiến nhiều người không bỏ được nghề này khi đã theo nó vì bạn luôn có những tảng núi trước mắt để chinh phục, có những thử thách để không thấy công việc này nhàm chán. - Một môi trường làm việc phù hợp, trao cho bạn năng lượng tích cực
Việc làm việc trực tiếp với khách hàng cũng giúp mình bước ra khỏi vòng thoải mái của bản thân vì tính mình ngại nơi đông người, nhưng các nhóm học thường tối đa 13 người, cùng một mục đích và giờ học chỉ diễn ra tầm một giờ đồng hồ, nên là môi trường vừa đủ cho mình thấy thoải mái và phát triển.
Hơn nữa, khi thay đổi môi trường sống thường xuyên, cơ hội gặp gỡ và giao tiếp là điểm vô cùng quan trọng giúp bạn không thấy cô độc, hay căng thẳng vì bị tách biệt với xã hội. Khi cố gắng tìm công việc làm một mình, online mà lại sống ở một nơi mình không quen biết ai, mình nhận ra đây là một cách tổ chức làm việc không phù hợp với mình khi mà mình sẽ phải ngồi liên tục với máy tính nhiều giờ: không tốt cho sức khỏe; hai là, không có tiếp xúc với môi trường xung quanh, dù là người hướng nội nhưng nhu cầu cơ bản của con người vẫn là được giao tiếp và thuộc về xã hội, vì thế một không gian vừa vặn với một nhóm người vừa đủ là hợp lí hơn cả.
Cũng phải bổ sung là giới Pilates nói riêng và fitness nói chung tạo cho mình một cảm giác tích cực, đồng cảm và chia sẻ, nếu có cạnh tranh thì rất công bằng. - Cơ hội làm việc ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều nhóm khác nhau
Có khi bạn làm việc ở một studio, có lúc lại dạy ở các phòng tập trong resort, khách sạn.
Vì chỉ kết nối bằng Pilates nên bạn sẽ được gặp những khách hàng hoàn toàn khác nhau. Khách hàng của mình hiện tại có cả người về hưu lẫn những em tuổi teen. Có một đánh giá rằng những người tập Pilates thường là người giàu vì giá tập không hề rẻ. Tuy nhiên, mình nghĩ đây là kết luận chủ quan, có thể với các nước châu Á việc tập Pilates không rẻ vì chưa có nhiều giáo viên, máy móc phải nhập từ nước ngoài, nhưng với những nước mà Pilates khá phổ biến rồi thì giá thành cũng rất cạnh tranh. - Tự do về thời gian, chủ động về thu nhập
Có thể tóm gọn là bạn sẽ nhận lương theo lượng thời gian bạn làm việc. Nếu tìm ra một hướng đi để có thu nhập thụ động, bạn lại càng tự do hơn về số giờ đứng lớp.
Những điều Mất khi theo nghề huấn luyện Pilates:
Thực sự hiện tại mình chưa thấy bản thân mất gì quá nhiều với nghề này. Mặc dù do hoàn cảnh xô đẩy mà thời gian từ lúc quyết định tới lúc thực sự làm nghề với mình khá dài nhưng trong suốt 3 năm đó mình chưa nghi ngờ nghề này mà chỉ có đam mê hơn, mong muốn được làm việc càng lớn hơn mà thôi.
Điều mất lớn nhất có thể là chi phí học tập thực sự rất cao, mình nghĩ tương đương với một bằng Đại học, nhất là với bạn nào học xong rồi mới bắt đầu đi tìm việc, tìm khách hàng thì sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu để thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Thêm vào đó, giáo viên Pilates là nghề đòi hỏi phải học-cả-đời, học tới khi bạn muốn ngưng nghề thì thôi, bạn sẽ phải đầu tư vào kiến thức. Bởi vì nhiều chứng chỉ yêu cầu bạn phải tiếp tục học tập để duy trì bằng mỗi năm! Với chứng chỉ của mình, hàng năm mình phải được ghi nhận trong hệ thống đã học đủ số tín chỉ yêu cầu không thì bằng của mình sẽ không được xuất hiện trong danh sách giáo viên của họ, không được tự nhận là STOTT certified instructor nữa. Những tín chỉ này sẽ được thực hiện qua việc học các khóa học, workshop, hay bài thi nhỏ (có trả phí) để chứng minh năng lực.
Làm giáo viên Pilates có trở thành digital nomad được không?
Vì chọn phong cách sống tự do về địa lý nên đây là một điều không thể thiếu khi cân nhắc về nghề này với hai vợ chồng mình. Và cũng nhờ có Pilates, mình nhận ra không cứ phải làm những nghề liên quan tới số, công nghệ – digital thì mới tự do.
Khi tìm hiểu mình mới biết giáo viên Pilates có rất nhiều người làm việc theo cách “work and travel”, nghĩa là họ không cần cố định làm việc ở một phòng tập nào mà có thể tìm những hợp đồng ngắn hạn trên khắp thế giới để đi làm. Đó là lí do mình chọn theo học một chương trình uy tín được công nhận toàn cầu ngay từ đầu dù nó rất khó và tốn kém.
Trước khi có Covid, những trang tìm giáo viên Pilates thực sự rất sôi động, có nhiều job để bạn ứng tuyển. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại nghề giáo viên hình thể nói chung (bao gồm cả thể thao trong nhà, nhảy, v.v…) vẫn còn gặp nhiều trở ngại nên những cơ hội để đi du lịch và làm việc rất hiếm. Thay vào đó, nhiều người đã chuyển hướng giảng dạy theo hình thức online và dần quen với mô hình này hơn, thậm chí gặt hái thành công. Đó là một quy luật sống còn với các doanh nhân vừa và nhỏ trong thời đại số này mà Covid đã vô tình đẩy quá trình này nhanh hơn.
Hai bài học rút ra về đổi nghề khi không còn quá trẻ
1- Việc bạn ‘cho phép’ mình thử lớn hơn ‘độ tuổi cho phép’
Nhiều người sẽ nói rằng “tầm tuổi này rồi thì không nên đổi nghề”, nhưng mình nghĩ trừ những công việc đặc thù yêu cầu cụ thể về tuổi tác thì bạn luôn có cơ hội.
Khi cân nhắc về tính khả thi của nghề này, cũng có lúc mình suy nghĩ về tuổi tác, vì nó cản trở trong việc rèn luyện để là một giáo viên có hình thể đẹp trong mắt người khác. Nhưng có một câu chuyện thực sự truyền cảm hứng cho mình. Đó là lúc mình tìm được các forum để trao đổi xoay quanh lĩnh vực dạy Pilates, mình bắt gặp câu hỏi của một bà rằng “tôi giờ đã 65 tuổi rồi thì có theo được nghề này không?”. Một câu hỏi rất dũng cảm, mình tưởng tượng một người phụ nữ cao tuổi mò mẫm trên máy tính, tìm ra được forum này và dám đặt câu hỏi đó. Bên dưới là rất nhiều lời động viên cùng những phân tích hợp lý về những lí do bà nên theo nghề này. Những câu trả lời của họ chứng mình rằng: với Pilates, bạn không có tuổi hưu!
Bác Joseph Pilates dạy học tới khi ông mất ở tuổi 86 và nhiều truyền nhân đầu tiên của ông vẫn dạy khi đã ngoài 90. Khi đọc về phong trào về hưu sớm, mình không thấy được bản thân mình ở đó. Mình muốn tìm được công việc khiến mình không cần phải nghĩ tới việc nghỉ hưu nữa.
2- Công việc cũng là cuộc đời
Từ chối công việc mình muốn cũng là từ chối cơ hội sống cuộc sống mình mong muốn!
Mình đã từng trải qua thời gian làm việc mình không thích để trang trải cuộc sống và có kinh nghiệm để tới được những cơ hội tốt hơn. Mình không phủ nhận giá trị của giai đoạn đó cũng như sự cần thiết của nó trong cuộc đời đã dạy cho mình nhiều bài học về thời gian, tiền bạc và quý trọng cuộc sống.
Nhưng dù cố gắng tới đâu chúng ta cũng không thể rạch ròi giữa cuộc sống và công việc, không có cái gọi là work – life balance. Bạn gặp xung đột ở chỗ làm, thì việc bạn có một cuộc vui nhanh chóng sau đó là cân bằng hay là đang đè nén, phớt lờ căng thẳng từ chỗ làm? Nếu được chọn, mình chọn đau đáu với công việc, dù về nhà vẫn nghĩ tới nó và hạnh phúc vì được nghĩ về nó.
Nhìn lại chặng đường của bản thân với bài viết này mình thấy thật may mắn khi tìm được một nghề nghiệp khiến mình hạnh phúc. Trong quá trình thực tập, một người bạn của mình đã nói với mình sau buổi tập là “hôm nay nhìn bạn rất xinh, bạn tỏa sáng một cách kỳ lạ mà tôi không biết diễn tả như thế nào”. Mình đã từng nhìn thấy sự tỏa sáng này ơi những người miệt mài làm công việc của họ một cách thầm lặng và mình hiểu điều cô bạn đó nói (nhất là so sánh với phiên bản thường ngày của mình).
Việc đổi nghề khi không còn trẻ không hề đơn giản, chúng ta phải đối mặt với những nguồn thông tin nhiễu. Chúng có thể là sự tự ti bên trong, là đánh giá của xã hội, những chuẩn mực khác nhau về thành công, là thắc mắc từ những người xung quanh. May mắn của mình khi không gặp áp lực từ gia đình lên quyết định cá nhân, lại sống xa Việt Nam nên cũng tránh được những điều không đáng có. Nhưng kể cả nếu không có được những may mắn đó, mình sẽ vẫn chọn đi theo tiếng gọi bên trong. Mình theo hướng đi này một cách thuận tự nhiên và xuất phát từ tình yêu, nên trong suốt hành trình, tâm trí mình rất tập trung, dù không tránh được những nỗi sợ rằng mình chưa đủ, nhưng còn lại bên trong mình là những lời khẳng định.
Hy vọng bài viết này đã để lại những gợi ý, nguồn động viên cho những ai đang lưỡng lự về việc đổi nghề.
Tìm hiểu về STOTT Pilates bởi công ty Merrithew: https://www.merrithew.com/
Hường Nguyễn
Đọc xong bài viết thấy mình có thêm quyết tâm để đổi nghề dù mình đã 37 tuổi. Có niềm đam mê với các môn thể thao và yêu thích cái đẹp nhưng chưa suy nghĩ nghiêm túc bao giờ trở thành huấn luyện viên thể dục bao giờ cả. Mình ở Hà Nội, có thể chỉ giúp mình trung tâm đào tạo Pilates uy tín k bạn? Thanks!
Link Po
Cám ơn chị đã quan tâm ạ. Ở Hà Nội thì em biết có Zenith là trung tâm đào tạo cả Yoga và Pilates có tiếng và lâu nhất, chị thử tìm website/FB của họ xem nhé!
Ngọc Huyền
Chị ơi cho e hỏi nếu e có chứng chỉ pilates quốc tế, và bằng tiéng Đức B2 thì có thể xin việc tại Đức được ko ạ
Link Po
Câu hỏi này cũng khó nói lắm, chị nghĩ là mình phải thử mới biết được. Mà mục tiêu của c là học Pilates để dạy cho nhóm người Việt ở Đức đó, sao em không thử nghĩ đến phương án này nhỉ?
mai thị thủy
cho mình hỏi
ở đâu dạy làm huấn luyện viên pilates vậy bạn. Mình ở tphcm
Link Po
Thuỷ có thể tìm Line Pilates Vietnam nhé, tháng 1 tới họ tổ chức khoá học của Basi Pilates đó!
Lê Huyền Diệu
Em chào chị ạ, bà viết của chị thực sự đã giải đáp cho em rât nhiều thắc mắc. Em mới 17 tuổi, cơ hội tiếp cận Pilates mới là qua màn ảnh, nhưng vì bản thân có lợi thế về thể hình cũng như ngoại ngữ em đang suy nghĩ về kế hoạch đầu tư vào bản thân. Làm sao để đủ điều kiện trở thành giáo viên, thành nghề tay trái ạ. Theo gym hay yoga thì em đều thấy quá phổ biến ở VN rồi, hi vọng trong 3 năm tới em có thể tiến thêm chút gì đó với bộ môn này
Polene Nguyen
Pilates cũng dần phổ biến hơn ở Việt Nam rồi đó Diệu, khoá đào tạo chị theo họ cũng sắp mở lần đầu tiên ở Hà Nội. Nên nếu em tìm hiểu dần bây giờ là rất kịp thời! 17 tuổi mà đã có suy nghĩ đầu tư vào bản thân như vậy thì quá quá tốt! Chúc em thành công!
Quỳnh
Cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết này. Em đọc được bài viết khi đang trong độ tuổi 25, đang phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ công việc, gia đình đến cảm xúc cá nhân. Đây là độ tuổi mà e nghĩ đã hơi trễ để thay đổi định hướng nghề nghiệp từ việc bàn giấy ngành tài chính ổn định sang một ngành hoàn toàn mới như dạy pilates. Cuộc sống công sở của em khô khan và em có thể cảm nhận đc sự buồn chán qua nụ cười của em. Bài viết đã tiếp thêm cho em rất nhiều động lực để một lần suy nghĩ kĩ về con đường sự nghiệp sắp tới. Cảm ơn chị rất nhiều và mong sẽ có nhưng bài chia sẻ sau nữa ☺️
Polene Nguyen
Cám ơn Quỳnh đã chia sẻ suy nghĩ của em. Chúng mình đều có thể song song đi làm và học cũng như đi dạy Pilates part-time rồi khi nào dạy full-time được thì đổi cũng rất ổn nè. Sẽ vất vả một chút nhưng chị tin là em sẽ thấy vui hơn! Nhớ update chị nhé!
Phương Ninh
Mình có nhiều cảm xúc khi đọc bài của bạn. Mình theo dõi bạn cũng khá lâu rồi, từ ngày mình mới biết đến podcast thì The Blue Expat là một trong nhưng podcast đầu tiên mà mình nghe.
Mình 35 tuổi rồi, và mình đang có quyết định đổi nghề. Mình làm việc trong quân ngũ, riêng với ngành này thì có lẽ xuất ngũ là một việc rất nặng nề. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang một công việc nào đó khác ở thời điểm này đều có vẻ rất khó khăn đối với mình, về chuyên môn lẫn các yếu tố về điều kiện tài chính, sức khoẻ… Nhưng như bạn nói, từ bỏ cuộc sống của mình thì thật là vô nghĩa. Mình đang phấn đấu để được “shine my own way”. Mỗi ngày khi thức dậy đều mỉm cười nghĩ về công việc mình mong muốn. Nghĩ đến mà muốn bật khóc!
Polene Nguyen
Cám ơn Phương Ninh vì chia sẻ này. Po rất xúc động với chia sẻ của bạn! Mình may mắn là không bị rào cản về những yếu tố bên ngoài như là một công việc đặc thù. Thực ra ở lứa chúng mình Po thấy có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự, là họ cống hiến một thời gian tới khi nhận ra không hạnh phúc với công việc mình đang có, nhưng để thay đổi thì quá khó vì cần đánh đổi rất nhiều, có những người còn không biết mình muốn gì và đổi công việc thì là công việc gì nữa. Nhưng điểm tích cực lớn nhất từ bạn mà Po thấy là khát khao hạnh phúc, rất nhiều người sẽ buông xuôi và đổ tại là “nghề chọn mình” hay nói “nó là nghiệp rồi”. Mình đã phải đánh đổi nhiều thứ để theo được cuộc sống của hiện tại, nên mình hiểu một lời khuyên là cứ làm đi, thử thay đổi đi là sáo rỗng. Có điều mình nghĩ tuổi tác càng cao thì lại là lợi thế, nên dù bình thường không hay phân biệt tuổi tác, em vẫn đặt tên bài viết nhấn mạnh tuổi 30. Chúng ta cống hiến đủ lâu, rồi, sống một thời gian đủ dài với hạnh phúc không trọn vẹn rồi nên hoàn toàn có thể biết ơn công việc cũ vì đã đồng hành với mình một thời gian dài, cho mình tiền bạc, trải nghiệm, v.v… nên nếu bỏ đi cũng thấy đỡ có lỗi với bản thân là chưa thử hết sức bạn ha?