‘Người lớn bây giờ không còn dè bỉu đám trẻ rằng chúng sướng hơn cái thời của họ nữa mà ngược lại còn thương tụi trẻ không có được sự thoải mái và niềm vui mà thế hệ họ từng có. Từ việc ra đường phải cẩn thận vì nhiều người ra đường quên mang theo đạo đức, ra đường muốn ngáp là phải nhịn vì quên đeo khẩu trang phòng độc, tới việc liệu đứa trẻ kia ăn miếng thịt, miếng hoa quả, uống ngụm sữa có bị ảnh hưởng tới gen hay rồi có bệnh tật gì không.’
Tình hình nước nhiễm dầu ở một số khu vực ở Hà Nội không biết đã giải quyết chưa nhưng mình không còn thấy báo đăng nữa. Đáng ra mình phải viết post về phản ứng của mình với tin này ngay lúc đó, nhưng là mình vẫn … chậm tiêu như vậy nên đến giờ mới chia sẻ đôi dòng suy nghĩ về sự việc này.
Nói đến chuyện nước, mình không nghĩ chỉ bây giờ mới là vấn đề ở Hà Nội. Hà Nội cái thời 10 năm trước khi lượng người trong thành phố ít hơn nhiều đã có sự chênh lệch về chất lượng nguồn nước ở các khu vực rồi. Những khu vực nhạy cảm như gần khu nghĩa trang hay bệnh viện thì quá rõ, nhưng sau một lần người bạn mình sống ở bên Gia Lâm nói cho thì mình mới biết, cả những nơi đông đúc dân cư, nhà cao cửa rộng thì chất lượng một thứ cơ bản như nước sinh hoạt cũng không xứng tầm với ngôi nhà người dân sinh sống. Chuyện là người bạn thi thoảng ra nhà người cô ở ngay sau Nhà Hát Lớn để chơi vài hôm và phát hiện ra cứ khi nào tới đó ở thì mặt bớt mụn hẳn và về nhà thì thấy nước dùng có phần đục màu hơn nước trong trung tâm. Lúc đó mình cảm thấy may mắn lắm, và biết ơn vì được sinh ra ở khu vực chất lượng sống tốt, nước nôi sạch sẽ đề huề dù nhà cửa thì chỉ tàm tạm.
Âý thế mà năm 2015, sau 3 năm du học trở về mình mới ngỡ ngàng vì người nhà than thở chuyện nước nôi. Mới biết ở khu vực nhà mình bị cắt nước thường xuyên, chỉ tối muộn hoặc cuối tuần là có. Nhà nào để bơm tự động thì có khi cháy máy bơm, còn tối mà quên bơm nước thì hôm sau là dễ chẳng có để thổi cơm. Đến năm ngoái khi về Việt Nam, tình hình cũng không khá hơn. Mình đăng ký vào tập ở Elite để còn tắm rửa thoải mái. Mình cũng thắc mắc hỏi người nhà rằng tại sao chỉ trong vài trăm mét mà các văn phòng, phòng gym lại đề huề nước thậm chí còn bể jacuzzi trong nhà trong khi nhà dân thì cả ngày không có một giọt nước. Lời giải thích thỏa đáng hay không thì cũng là những thông tin chính trị có biết cũng chẳng giúp bể nước nhà mình đầy hơn.
Có người chê khu vực nhà mình sống giữa thủ đô mà không có nước. Lúc đấy mình chỉ nghĩ thôi thì có lúc mình sướng rồi, giờ chia lại cho các khu vực khác, lại biết tình hình nước sạch sẽ là vấn đề vĩ mô trong tương lai chứ chả chỉ riêng của nhà mình nên học tiết kiệm từ giờ là tốt. Ai rảnh giống mình thì cứ thử Google “Day Zero” mà xem.
À mà nói tới tiết kiệm, vì thiếu nước nên người lớn chả cho trẻ con nghịch nước nữa, thấy mấy đứa cháu mới lấy chậu nước ra nghịch ngợm một xíu đã bị la vì có khi chậu nước đó còn phải dùng để rửa bát, nghĩ mà tội trẻ con không được chơi như mình ngày xưa. Người lớn bây giờ không còn dè bỉu đám trẻ rằng chúng sướng hơn cái thời của họ nữa mà ngược lại còn thương tụi trẻ không có được sự thoải mái và niềm vui mà thế hệ họ từng có. Từ việc ra đường phải cẩn thận vì nhiều người ra đường quên mang theo đạo đức, ra đường muốn ngáp là phải nhịn vì quên đeo khẩu trang phòng độc, tới việc liệu đứa trẻ kia ăn miếng thịt, miếng hoa quả, uống ngụm sữa có bị ảnh hưởng tới gen hay rồi có bệnh tật gì không. Gì chứ cái việc phải nghi ngờ, lo lắng từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày có thể khiến tâm bệnh ảnh hưởng cả sức lực con người ta rồi.
Mình đọc báo thấy mấy đoạn phỏng vấn người dân sống ở khu vực nước nhiễm dầu, họ chia sẻ phải tranh thủ nước rửa rau để rửa bát, thấy mừng hơn là thương. Vì việc có ý thức tiết kiệm những nhu cầu thiết yếu đó sẽ tạo được kỹ năng sống còn mà mình nghĩ thế hệ tương lai sẽ rất cần.
Nói hơi dài rồi, điều cuối mình chỉ mong rằng sau bài học nước nhiễm bẩn này, nhiều người sẽ cảm thấy biết ơn và trân trọng những điều mình đang có, ở nhiều nơi trên thế giới nước còn được gọi là “liquid gold”, nên hãy giữ gìn nó!