The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Chọn Gap year để tìm ra công việc mình thực sự muốn làm với cô bạn "khi chênh vênh người trẻ phải dấn thân" Trường Anh

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

“Khi còn trẻ, chúng ta có thể chênh vênh với những lựa chọn phía trước

Nhưng quan trọng nhất, khi chênh vênh người trẻ phải dấn thân.”

Bạn có thể đã đọc được câu này trên báo hay đọc blog của chính chủ nhân câu nói này, hoặc đây là lần đầu tiên bạn nghe tới điều này.

Đây là câu nói đưa tôi đến với buổi trò chuyện ngày hôm nay với chủ nhân câu nói ấy: Nguyễn Bảo Trường Anh, một cựu du học sinh Mỹ và là nhân vật nổi trội trong tổ chức VietAbroader, một tổ chức danh tiếng mà bất kỳ bạn trẻ nào muốn du học Mỹ cũng nên biết.

Tốt nghiệp hạng ưu tại Đại học Adelphi (New York, Mỹ) vào mùa hè 2016 với hai chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Mỹ thuật, Trường Anh đã từng thực tập tại Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực quản trị thương hiệu, khởi nghiệp và bảo hiểm.

Là một bạn trẻ năng nổ, Trường Anh gắn bó với VietAbroader từ khi còn là học sinh cấp 3 với tư cách là người tham dự, diễn giả rồi trở thành Đồng Trưởng Ban Kinh doanh và Nghề Nghiệp của tổ chức danh tiếng này.

Cô cũng là một thành viên chủ chốt trong Ban Tổ chức Hội thảo Du học 2011, Hội thảo Nghề nghiệp 2015 của VietAbroader, Trường Anh mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mình có đối với các bạn trẻ như mình. Hy vọng sẽ góp một phần nhỏ công sức trong các dự án giúp đỡ sinh viên Việt Nam tiếp cận với thông tin nghề nghiệp tin cậy và định hướng sự nghiệp cho bản thân mình.

Hiện tại Trường Anh còn cùng bạn của mình sáng lập ra ADX consulting để giúp đỡ các bạn trẻ có mong muốn dành học bổng du học Mỹ hay tìm internship, tư vấn cho các bạn sinh viên viết cover letter và bài luận.

Trong tập podcast này chúng tôi trao đổi về chủ đề ‘Gap year’: Một chủ đề không mới nhưng không hẳn là ai cũng từng nghe qua.

Qua buổi trò chuyện này tôi muốn nhấn mạnh rằng, Gap year là một bước khá cần thiết cho những bạn trẻ đang muốn tìm hiểu bản thân mình và muốn tìm ra định hướng phù hợp cho bản thân. Tuy nhiên nên cần có một kế hoạch cụ thể để tối ưu hiệu quả thời gian bạn bỏ ra cho thời gian này.

Cần nhấn mạnh rằng Gap year là một khoảng thời gian bạn dành cho bản thân, giúp bạn hiểu ra mình muốn gì và làm chủ được suy nghĩ và cuộc sống của mình. Sẽ có những điều bạn học được từ thời gian này mà không trường lớp nào dạy cho bạn. Bạn có thể có những trải nghiệm đáng nhớ của tuổi trẻ, mỗi người sử dụng gap year một cách khác nhau và những trải nghiệm là riêng biệt, không ai giống ai.

Tóm tắt bài phỏng vấn
1.Bạn định nghĩa “gap year” là gì? và nó kéo dài bao lâu? có phải nhất thiết là 12 tháng hay ko?

Định nghĩa về gap year của em đơn giản chỉ là nghỉ học và đi làm việc khác, đơn giản là một thời gian mình nghỉ giữa các kỳ học, hoặc khi đang đi làm mình có một thời gian nghỉ giữa các công việc khác nhau để làm những kế hoạch khác mà mình muốn.

Gap year có thể là 12 tháng cũng có thể lâu hơn hoặc ít hơn, tuỳ bản thân mình nghĩ và có kế hoạch rõ ràng mình sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó.

2. Và Trường Anh đã làm gì trong thời gian gap year đó?

Em ước là em gap year nhiều hơn vì em mới chỉ gap year đúng một lần thôi.

Động lực cũng rất đơn giản vì bạn bè xung quanh em gap year cũng khá nhiều.

Công bằng mà nói thì với những trường Đại học ở Mỹ việc gap year khá đơn giản về mặt thủ tục nếu mà thành tích học tập ổn thì cũng không ảnh hưởng đến học bổng và thủ tục. Chính vì vậy mà các bạn học ở Mỹ chọn gap year cũng nhiều hơn.

Bạn bè của em thường về Việt Nam, làm du lịch, đi thực tập hay thực hiện những dự án riêng, mục đích thứ nhất là làm hồ sơ của mình được mạnh hơn để xin việc ở Mỹ sau này.

Thứ 2 là để mình có một khoảng thời gian nghỉ ngơi và tìm hiểu xem bản thân mình muốn gì. Khoảng thời gian học Đại học như một thời gian nghỉ trước khi vào đời và kiếm công việc mình thật sự mong muốn. Chính vì vậy nếu không có gap year, không có thời gian làm những thứ mình thích thì sẽ không biết được mình phù hợp với công việc liên quan đến cái mình đang học hay không. 

Trong năm cuối học ở Mỹ, em xin học trao đổi (exchange program) 1 học kỳ ở Ý để học Mỹ thuật sơn dầu, in ấn, thiết kế. Nhưng sau 1 năm học ở Ý em chưa muốn quay lại Mỹ nên đã chọn gap year vào thời gian này. Em chỉ còn 1 học kỳ cuối cùng ở Mỹ thôi. Trong vòng thời gian đó em đi làm 2 công việc: 1 là cho một-hai công ty trong ngành bảo hiểm và làm với VietAbroader một lần nữa. Em làm đồng trưởng ban tổ chức về Hội thảo về Nghề nghiệp 2015 của VA.

Nhờ có gap year mà em loại bỏ được khá nhiều những nghề nghiệp mà em từng nghĩ mình làm hợp. 

Và một điều nữa là em quyết định sẽ về Việt Nam làm sau khi học xong ở Mỹ bởi vì em nhận ra sự năng động ở thị trường Việt Nam hợp với em hơn.

3.  Em có lên kế hoạch trước đó rõ ràng không mà có thể thực hiện và thử sức được nhiều thứ trong một thời gian ngắn như vậy?

Khi nhìn lại thì em không nghĩ em đã lên kế hoạch kỹ như vậy.

Về sự nghiệp thì không thể quyết định là về hay không về Việt Nam được mà còn có nhiều yếu tố khác. Với em thì còn là việc gia đình nữa và khi làm ở Mỹ em cũng thấy khá cô độc. Chuyện này có thể phù hợp với nhiều người nhưng không phải với em.

Gap year, về hay ở (sau khi du học ở Mỹ) không phải là nên hay không nên với nhiều người mà là có đúng với từng người không thôi.

Mới đầu em chỉ biết là cần phải về và vạch ra kế hoạch được vài ba tháng đầu tiên, có mục tiêu là làm ít nhất 2 công ty, đồng thời nhờ có những mối quan hệ tốt từ để tìm ra cơ hội phù hợp. Quan trọng là mình phải biết chia sẻ để được hỗ trợ.

4.  Khó khăn bạn gặp phải khi đưa ra quyết định chọn gap year vào thời điểm đó là gì? Gia đình, bạn bè của bạn nói gì? Họ có ủng hộ bạn không?

Em quyết định cũng quá nhanh và cũng vấp phải sự phản đối của gia đình.

Lí do của mọi người là ‘tốt nghiệp đúng hạn’. Nhưng với em thì việc này không làm gì cho sự nghiệp của mình hết. Việc đua tìm ra công việc rất cạnh tranh kể cả ở Mỹ hay Việt Nam. Khi mình tốt nghiệp mà kinh nghiệm không có thì cũng rất nguy hiểm. Vì thế em phải thuyết phục ba mẹ là mục đích cuối cùng vẫn là kiếm việc cho nên việc gap year này là vì điều đó, và cũng phải thử làm bởi vì làm việc ở Mỹ em đã thử rồi và không thấy hợp nên giờ phải thử ở Việt Nam nữa. Ngoài ra em cũng phải nói qua kế hoạch với ba mẹ và họ cũng yên tâm hơn.

Em nghĩ với những bạn gặp phải phản đối của gia đình về quyết định gap year của mình thì nên thẳng thắn chia sẻ trao đổi để bố mẹ chia sẻ được quyết định của mình và an tâm hơn. Có kế hoạch rõ ràng là sẽ ổn thôi.

Em cũng có bạn học ở Việt Nam và biết việc này khó nhưng không phải không làm được. Quan trọng là mình biết mình muốn làm gì để gap year cho thật sự hiệu quả.

Nhiều bạn đến năm cuối đại học mới đi thực tập, làm có 1 công ty thì xác suất tìm được công việc mình yêu thích đâu có cao.

5.  Em nghĩ như thế nào về trường hợp những bạn chọn gap year sau khi học xong cấp 3?

Em hoàn toàn đồng ý. Với mục đích để hiểu bản thân mình hơn thì gap year thời điểm nào cũng tốt và càng sớm càng tốt vì nó giảm đi xác suất mình quyết định sai.

Việc chọn nhầm ngành học cũng từ việc không hiểu rõ bản thân mình mà ra nên lại càng nên thử. Khi mình lớn thì việc thử đấy mình phải đánh đổi nhiều hơn mà.

6. Có 2 trường hợp thường xảy ra với những bạn chọn gap year khi học đại học. Một là sau gap year thì quay lại học thì không theo được. Hai là công việc tốt và lương cao khiến họ trọng công việc hơn và gạt qua việc sở hữu tấm bằng.

Em sợ rằng nếu em nói điều này ra ai cũng sẽ chọn gap year và bỏ học hết mất.

Bởi vì có trường hợp đi học thạc sỹ họ cũng không hỏi đến bằng tốt nghiệp đại học của mình. Có nhiều chương trình học cao học họ chỉ quan trọng những việc mình đã làm được và khả năng của mình thôi chứ không cần bằng cấp vì trường học cũng chỉ dạy về lý thuyết thôi mà.

Thực chất mà nói việc học thì điều chúng ta muốn cuối cùng cũng chỉ là để có công việc tốt sau này thôi. Mà nếu mình đã có việc tốt rồi, đã học tốt rồi thì đâu cần đi học nữa đâu.

Với Việt Nam thì bằng cấp còn quan trọng quá và còn tuỳ vào công việc mong muốn mà mỗi người có lựa chọn cho mình.

Phải xác định sự ưu tiên của mình là đi học để có bằng hay có công việc tốt. Nếu biết là việc mình muốn làm cần cái bằng thì phải cố có cái bằng còn nếu ngược lại thì lại khác.

Cho nên quan trọng cuối cùng vẫn là hiểu bản thân mình.

Với em khi đi làm rồi và quay lại đi học thì sẽ thấy những lý thuyết mình học và làm case study thì thấy trơn tru và dễ dàng hơn trong khi nhiều người gặp khó khăn với việc đó.

Với em thì việc bằng hay không không quan trọng lắm nhưng với nhiều bạn thì cái giá phải trả khi không có bằng cao hơn nên nên cố để có được nó.

7. Em có vẻ rất tự tin về quyết định của em và nó cũng cho em nhiều bài học. Tuy nhiên chị nghĩ với bất cứ quyết định nào cũng đều có chi phí cơ hội của nó. Vậy với em thì chi phí cơ hội của em là gì và có điều gì em thấy hối hận không?

Em cũng có nhiều chuyện không hài lòng về gia đình và việc chọn về Việt Nam em cũng phải đánh đổi khá nhiều. Việc ở lại Mỹ của em cũng khá thuận lợi, có công việc được bảo lãnh và người yêu cũng khá lâu dù yêu xa (5-6 năm) và tránh được những áp lực không vui phải đối mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên với em thì việc chọn về cũng do 50% là gia đình, có nhiều người cần em hơn.

Khi về Việt Nam thì em phải tìm việc, cũng nhờ có người quen giới thiệu, em phỏng vấn và làm đến bây giờ. Em yêu thích công việc của em, mọi người yêu quý và tôn trọng em, em cũng thích môi trường làm việc đó nữa.

 8. Em có thể nói rõ tại sao bạn trẻ nên chọn gap year và nên tránh điều gì để không gặp phải sai lầm

Điều này hơi khó! 😀

Em thì luôn tin là

“Hãy thử đi thì mới biết là mình KHÔNG phù hợp với cái gì”.

Về việc học đại học ở Việt Nam và đổi trường là quá khó khăn và ở 18 tuổi thì để chọn ra điều mình muốn làm là quá khó.

Em thích một câu là “Nên có 2 nghề, một nghề nuôi mình, một nghề là mình nuôi nó”.

8. Em nghĩ nên chuẩn bị những gì cho gap year?

Điều này cũng khó! :))

Vì nếu không biết mình muốn gì thì làm sao hỏi được mình sẽ làm gì và muốn gì.

Nhưng nên có những kế hoạch dự phòng và tìm ra tình huống xấu nhất là gì?

Nên ra những tình huống và tìm ra trong những tình huống đấy mình muốn gì nên cần phải làm những gì.

Nhưng sau 3,4 lần thử mà không tìm ra câu trả lời thì đó là lỗi ở mình.

9. Em có gợi ý về sách hay những nguồn tham khảo cho các bạn trẻ không?

Em cũng đã phải trải qua nhiều thứ trong những năm cấp 3 cũng như được học rất nhiều thứ nên em đã biết mình muốn gì rồi.

Em xem nhiều hơn là đọc. Em khuyên các bạn nên xem những nội dung mới lạ, ví dụ như TED cũng là kênh em xem rất nhiều, có nhiều nội dung rất mới lạ mà mình chưa từng nghe đến.

Nhờ một Ted talk mà em đã thắng được phần phỏng vấn xin việc trước đây ở Mỹ với câu hỏi bất hủ là “con gà và quả trứng thì cái gì có trước?”

Bạn có thể đọc được kinh nghiệm này của Trường Anh tại đây

và đường link video nói về câu chuyện quả trứng, con gà và con khủng long trong câu chuyện ngày hôm nay ở đây

10. Có ai đã nói rằng em quyết định gap year rồi tìm ra công việc của em là do may mắn hay không?

May mắn cũng rất quan trọng chứ, em cũng cần may mắn. Tuy nhiên đó là thứ mình không kiểm soát được. Như câu chuyện nếu mình đi làm và luôn luôn có mặt tại chỗ làm, đến một ngày có khách hàng gọi đến mà sếp không có mặt, chỉ mình ở đó thì điều đó có phải là may mắn hay không thì chưa biết, chỉ biết là mình luôn luôn có mặt.

Có cố gắng thì rồi sẽ được may mắn.

Biết thêm về Trường Anh qua blog của cô: https://mstruonganh.com/ 

Có nhu cầu tư vấn viết CV cho du học hay xin việc, tìm hiểu về ADX consulting qua ADX facebook page

Bình luận

error: Content is protected !!