Nếu ví cuộc đời với một con đường thì mình sẽ ví nó với con đường Off-road, địa hình hiểm trở nhưng mỗi lần vượt qua một đoạn địa hình khó, ta cảm thấy sảng khoái vô cùng. Mình đã ngừng an ủi bản thân khi trải qua những quãng đường gồ ghề đó bằng câu nói “Everything happens for a reason” – Mọi chuyện xảy ra đều có lí do của nó và thay vào đó mình hiểu mọi chuyện diễn ra là do mình/cho mình/vì mình. Kể cả đó là một chuyện bất lợi thì thử thách đó là bài toán để mình học được cách giải và có thêm bản lĩnh cho những bài toán khó hơn trong tương lai. Khó khăn là những điều không thể tránh trong cuộc đời và tập podcast này là chia sẻ của mình về những việc bạn có thể áp dụng trong các hoàn cảnh bất lợi để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và giúp bạn vượt qua nhanh chóng hơn.
Đừng đè nén cảm xúc của mình
Theo tiến sĩ John Duffy, nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên gia về làm cha mẹ đã nói rằng “Khi cố tránh cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể cảm thấy đó là một cách hiệu quả tức thì, nhưng thực tế ta chỉ đơn giản là trì hoãn những cảm xúc đó rồi một ngày chúng có thể leo thang và trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới khả năng một cơn lũ cảm xúc tiêu cực được trào ra trong tương lai”.
Lí do chúng ta sợ đối mặt với các cảm xúc tiêu cực, sợ rằng nghĩ về nó sẽ khiến tâm trí rối bời và lo âu, bế tắc là do thay vì để mình thực sự cảm thấy đau đớn, mất mát, buồn bã, tức giận, đang ẩn giấu bên trong, chúng ta đào lại quá khứ, chạy lại cuốn băng các sự kiện để các cảm xúc tiêu cực lại được chất chồng. Đây là điều mà các nhà tâm lý học lâm sàng có nói tới hay khi các bạn nghe giảng pháp hoặc các cuốn sách về self-help cũng nói tới nhiều.
Vậy thì như thế nào mới là cách đúng để cảm nhận cảm xúc của mình? Lời khuyên sau là một cách giúp bạn có cách tiếp cận chúng.
Viết lách
Bạn chẳng cần phải là một nhà văn hay người thường xuyên viết. Bạn cũng chẳng cần một cuốn sổ đẹp, có thể là vài trang giấy trắng từ cuốn vở cũ hay tờ giấy ăn ở quán nước nơi bạn đang ngồi, mình khuyên nên sử dụng giấy bút thay vì viết trên điện thoại vì rất dễ bị xao nhãng bởi các tin báo trên điện thoại.
Vì sao viết lại là một công cụ tốt để giải toả căng thẳng và lo âu?
Những lúc tâm trí của bạn không chứa đầy suy nghĩ, các dòng suy tưởng chạy với tốc độ chớp nhoáng và ta thường thậm chí nghĩ quá xa so với những gì xảy ra trong hiện tại thì viết lách sẽ giúp bạn sắp xếp lại các dòng suy nghĩ đấy. Hãy dốc hết các ấm ức và sầu não vào trang giấy, vừa là một cách giải toả, vừa là một cách nhìn lại xem mình liệu có đang nghĩ xa quá hay đi vào ngõ cụt không.
Đây còn là một phương thuốc được ‘kê đơn’ bởi nhiều bác sỹ tâm lý.
Thực ra nhiều người trong chúng ta đang vô tình làm viêc này khi đăng các dòng tâm trạng ‘so deep’ trên Facebook. Viết ra giấy không đòi hỏi bạn phải suy nghĩ nếu có ai đọc được và chọn lọc từ ngữ, vì thế khả năng để nó khiến bạn giải toả có thể cao hơn khi được nhận nhiều like trên Facebook đó!
Kể cả bạn nghĩ rằng việc này không có tác dụng, hãy vẫn cố thử, bạn sẽ bất ngờ với tác dụng không ngờ của nó.
Chia sẻ với người khác và tìm kiếm sự giúp đỡ
Cũng giống như việc viết ra, khi chia sẻ với người khác bạn cũng sẽ cảm thấy vơi bớt căng thẳng, hơn thế bạn còn cảm thấy được lắng nghe và nhận phản hồi từ người khác với góc nhìn khác.
Vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta tìm thấy ai đó để chia sẻ câu chuyện của mình. Nhiều khi gặp khó khăn chúng ta thường sợ phiền người khác hoặc mang cảm giác xấu hổ mà không dám tìm tới người khác để chia sẻ hay hỏi sự giúp đỡ. Hãy nhớ rằng những người thân hay bạn bè là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và vì sự quan trọng của họ, chúng ta không nên để họ đứng ngoài thời điểm quan trọng của mình được.
Trong trường hợp không thể tìm được người thân – quen để chia sẻ, bạn có thể tìm kiếm bác sỹ tâm lý, các nhóm hoặc cộng đồng hay sử dụng các apps như 7cups, là một ứng dụng bạn có thể chia sẻ với chuyên gia hoặc một người giấu mặt, như một kiểu tâm sự với người lạ, bạn có thể nói ra những suy nghĩ trong đầu mà không bị phán xét hay lo lắng là người thân sẽ biết chuyện.
Nói chuyện với người khác cũng là một dạng trị liệu và nó giúp ta biết rằng có những người khác đang ở đó vì bạn. Khi tâm sự với người khác, họ có thể sử dụng góc nhìn của họ để đánh giá tình hình giúp bạn. Có thể người đó cũng từng trải qua chuyện tương tự, như vậy họ sẽ mang cho bạn cả những lời khuyên.
Hãy đặt cái tôi xuống và tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài dù đơn giản đó chỉ là 1 đôi tai để lắng nghe và một cái đầu không đánh giá, đó đã là rất nhiều từ một người khác mà bạn được nhận rồi.
Tập trung vào self-care
Hãy dành thời gian cho bản thân, lắng nghe phản ứng của cơ thể với nỗi đau trong tâm thức.
Self-care có thể chỉ đơn giản là dậy sớm và đi tắm nước ấm. Làm gì đó cho chính mình thay vì ngồi yên trong bóng tối, hồi tưởng lại về những điều đã xảy ra, chồng chất thêm những dòng suy nghĩ tiêu cực.
Hãy chọn ra mỗi ngày một việc bạn muốn làm cho bản thân, hãy chọn hành động thay vì lẩn trốn, như vậy ít nhất sau mỗi ngày bạn cũng đã làm được điều gì đó tích cực.
Cách tiếp theo cũng là một cách self-care vô cùng hiệu quả.
Tập thể dục
Tập thể dục được kê đơn như một loại thuốc chống trầm cảm mà không hề có tác dụng phụ. Lí do là vì khi tập thể dục sẽ làm tăng endorphine gọi nôm na là hóc môn hạnh phúc trong não bộ, cải thiện tình trạng tâm lý, có khả năng như một cách để chống bệnh trầm cảm.
Học cách chấp nhận
Chúng ta thường hay thổi phồng vấn đề, có thể khó khăn hiện tại chỉ là sự bất tiện nhất thời ví dụ như các vấn đề về tiền bạc có thể tìm cách khắc phục nhưng chúng ta lại biến nó như một bi kịch cuộc đời và cảm thấy bản thân mình thật bất hạnh.
Khi chúng ta chấp nhận rằng đây là một vấn đề cần đối mặt, chúng ta sẽ có sự minh mẫn đễ xác định vấn đề của mình là gì, liệu khó khăn này có nằm trong tầm kiểm soát của mình hay không? Với những thứ ngoài tầm kiểm soát của ta hãy học cách từ bỏ. Để bắt đầu, hãy lập danh sách mọi thứ bạn không có quyền kiểm soát và cho phép bản thân ngừng lo lắng về chúng.
Khi ta để những cơn khủng hoảng này xoay chuyển cuộc đời và tư duy chúng ta quá lâu, chẳng mấy chốc ta bị kiệt sức, mắc các chứng lo âu hay trầm cảm. Ngược lại khi chúng ta nhìn nhận nó là các cơn khủng hoảng và tác dụng của chúng là để ta học cách vượt qua và hiểu hơn về bản thân mình, thì lúc đó ta đang làm chủ cuộc đời mình.
Học cách thấu hiểu
Không chỉ niềm vui mà cả nỗi đau là thứ khi chúng ta san sẻ, chúng ta thấy nó vơi đi. tại sao khi bạn ngồi nói chuyện với người có niềm đau tương tự, bạn sẽ thấy khó khăn hay đau đớn mà bạn đang trải qua nó đỡ to tát hơn bạn tưởng.
Bạn có thể tham gia các nhóm tình nguyện và các nhóm hỗ trợ cộng đồng người khó khăn. Khi bạn thấy bản thân mình có ích qua việc giúp đỡ người khác, lòng tự tôn trong bạn được cải thiện. Thêm vào đó khi là một người hiểu chuyện, bạn sẽ có cái nhìn khác và hướng thiện hơn khi đối diện với những khó khăn của bản thân.
Enjoy the ride <3