The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Cách mình trở thành Morning Person – Dậy sớm khoẻ mạnh rồi sẽ thành công

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Sinh ra từ ngõ
Sinh ra từ ngõ

Po là người Việt đang sinh sống tại châu Âu, hiện đang làm giáo viên Pilates và podcaster. Po là một multipotentialite (người theo đuổi nhiều đam mê), sống tối giản và tự do về địa lý. Ở đây, Po chia sẻ về hành trình tìm tới những chân trời mới, việc sống ở nước ngoài, công việc, du lịch, học ngoại ngữ và sắp xếp cuộc sống. Từ tháng 1/2023, Podcast sẽ được đăng mỗi 2 tuần.
Kênh có tổng hợp các số minisode từ The Blue Expat podcast.

KẾT NỐI VỚI LINK PO
Website: https://theblueexpat.com/
Các hướng dẫn làm podcast: https://lampodcast.com/
The Blue Expat podcast: https://spoti.fi/3isLmkT

Cách mình trở thành Morning Person – Dậy sớm không mệt
byNhững câu chuyện độc thoại của Link Po

Vẫn nằm trong chủ đề Quản lý thời gian, số podcast là chia sẻ quá trình mình hình thành nếp sinh hoạt như một người có nhiều năng lượng, sự minh mẫn và khả năng tập trung vào buổi sáng. Nếp sinh hoạt trong Xã hội có phần bất công với những người thuộc nhóm Cú đêm, những ai tỉnh táo và dễ đạt trạng thái dòng chảy vào xế muộn trong ngày. Vậy làm sao để chúng ta điều chỉnh bản thân để vẫn làm việc hiệu quả khi mà thời gian không phù hợp với mức năng lượng của mình?

Mình là người làm việc tự do nên có sự tự chủ về giờ giấc, nhưng nhiều khi thấy người khác dậy sớm mà tràn trề năng lượng nhìn thật chăm chỉ và lành mạnh quá, mình cũng ghen tị chứ! Thế nên sau 40 ngày điều chỉnh và khá thành công để có được nếp sinh hoạt như một người dậy sớm, mình muốn bật mí cho những ai cũng đang ghen tị giống mình.

Mình còn nhận thấy là sẽ rất có lợi cho những ai không phải Morning Person nhưng cố gắng để có thể sống như vậy. Bởi vì mình vẫn có được những đặc tính của một cú đêm đó là sự minh mẫn vào buổi chiều, cho nên thời gian làm việc hiệu suất của mình gần như được nhân đôi.

Bài viết đầy đủ: https://theblueexpat.com/cach-minh-tro-thanh-morning-person/

Liên hệ và tìm hiểu những nội dung từ Link Po: https://theblueexpat.com

Hướng dẫn thực hiện một kênh podcast: https://lampodcast.com

Mặc dù không phải một Ong sớm hay Early bird nhưng gần đây mình đã rèn luyện để gần giống như một morning person – người có nhiều năng lượng vào buổi sáng. Điều này giúp mình có thể dậy sớm và nhân đôi thời gian tỉnh táo trong ngày. Đây thực sự là một thành công lớn với mình vì đã có nhiều lần thất bại khi cố gắng dậy sớm mà vẫn năng suất, nhất là khi mình làm việc tự do, không có những áp lực thời gian hay bị gò vào một giờ giấc quy củ.

Mình trước khi có sự chuyển đổi này

Mình là một người không ngủ dậy theo một giờ cố định trong nhiều năm. Có thời gian mình dậy sớm vì giờ đi làm, nhưng khi làm việc tự do thì nếp sinh hoạt thay đổi. Có những khi mình cố gắng dậy sớm để có thêm thời gian, tuy nhiên mình lại gặp phải tình trạng đờ đẫn, mệt mỏi, khó tập trung. Do đó, mình quyết định từ bỏ, không là một người dậy sớm nữa, bởi vì có dậy sớm thì cũng đâu có tỉnh táo hay làm được việc như một Morning Person.

Đặc tính của những người không thuộc nhóm Morning person không nằm ở việc họ dậy sớm hay muộn mà là sự tỉnh táo, khả năng tập trung và sáng tạo, thậm chí khả năng đưa ra quyết định cũng tốt hơn vào những thời điểm muộn hơn trong ngày, bất kể là hôm đó họ dậy muộn hay sớm.

Nếu mình dồn những việc khó nhất theo lời khuyên về hiệu suất: Eat the frog – một cách ẩn dụ để ám chỉ cho xử lý công việc quan trọng nhất ngay đầu ngày, thì rất dễ sẽ lê lết việc đó tới chiều vì đầu óc buổi sáng không đủ minh mẫn để giải quyết những chuyện quan trọng.

Trong số Hiểu mình để Quản lý thời gian hiệu quả, mình chia sẻ về tầm quan trọng của việc nhận diện mình thuộc nhóm nào (early bird / night owl) để quản lý năng lượng thay vì thời gian. Đó cũng là cách để mình sắp xếp công việc theo thời khoá biểu phù hợp. Hình ảnh dưới đây thể hiện rõ không có một thời gian biểu cố định gắn với thành công:

Nếp sinh hoạt hàng ngày của những nhà sáng tạo nổi tiếng (Nguồn: https://www.thisiscolossal.com/)

Nếu một người không nắm được bản chất của Quản lý thời gian là quản lý năng lượng, mà lại đâm đầu thực hiện theo cách Eat the frog kể trên, hoặc gò ép mình vào thời gian biểu của người khác, rất dễ sẽ rơi vào hoàn cảnh lê lết công việc cả một ngày rồi nghĩ rằng mình làm việc không hiệu quả. Đây cũng chính là mình thời gian đầu khi sống tự do, không có những nếp sinh hoạt cấu tạo bởi những lịch cố định của công việc hay người khác.

Tuy nhiên, xã hội có những nếp sinh hoạt cố định cho tất cả mọi người, chúng ta chẳng thể chọn giờ học đúng với lúc mình có khả năng tiếp thu cao nhất, hoặc công ty không cho phép đi làm theo giờ giấc linh hoạt. Chưa kể có một khẩu hiệu được rao rả rất nhiều là “dậy sớm để thành công”. Người dậy sớm có thể chưa thành công nhưng chắc chắn là người chăm chỉ! Điều này khiến những người có nếp sinh hoạt không thuộc vào số đông dễ bị đánh giá từ xung quanh hoặc chính bản thân họ ngộ nhận về mình là “lười”. Họ không nhận ra nguyên nhân là do cố ép làm việc theo một nếp sinh hoạt mà không có sự điều chỉnh để thích ứng. Thay vào đó, họ dễ dàng nghĩ rằng năng suất của mình kém.

Không có nghĩa là mình cổ xuý cho việc làm trái với số đông. Cố gò ép mình theo định kiến xã hội mà không có sự tự điều chỉnh và quan sát là sai, nhưng nếu không quản lý bản thân và cứ làm theo cảm giác của chính mình là tuỳ tiện.

Nhưng tới gần đây mình có được sự chuyển biến rõ rêt, để lần đầu tiên mình có thể nhận bản thân là một Morning Person khi năng lượng đầu ngày cao hơn rất nhiều so với mình trước đây.

Mình đã làm gì để thay đổi

Tất cả bắt đầu từ việc mình muốn tham gia một chương trình Retreat nhưng không được, nên mình nghĩ sẽ… tự làm một retreat tại nhà. Ý tưởng về thực hiện một đợt retreat tới từ lúc mình đọc cuốn sách Breaking the Habit of being yourself của Dr. Joe Dispenza. Đi kèm với cuốn sách này là một lộ trình thiền kéo dài ít nhất 4 tuần. Mỗi tuần bài thiền sẽ được tăng dần vì bổ sung thêm một phần.

Cụ thể, mình bắt đầu từ ngày 7/7:

  • Tuần đầu tiên bắt đầu với một bài thiền dài hơn 16 phút.
  • Tuần thứ 2 là 34 phút
  • Tuần thứ 3 thì 48 phút
  • và tới tuần cuối cùng là … 70 phút.

Trước đây mình cũng cố gắng để có thói quen này vào mỗi sáng, dù chỉ 10 phút thiền nhưng sau rất nhiều lần thử vẫn không có tác dụng. Chính vì thế mình rất bất ngờ vì có thể ngồi thiền 70 phút!

Mình bắt đầu hình thành một nghi thức buổi sáng – Morning routine sau vệ sinh cá nhân, uống một ly chanh mật ong, ngồi thiền, viết Nhật ký tầm 5 tới 10 phút. Cứ theo lộ trình này thì tới tuần cuối nghi thức này của mình sẽ dài khoảng 2 giờ đồng hồ.

Mình không có cách nào khác là phải dậy sớm hơn. Nhưng vì muốn tôn trọng cơ thể và người bên cạnh, mình không sử dụng báo thức.

Ấy vậy mà mình chuyển từ một người dậy cùng báo thức lúc 7 giờ 30’, năng lượng ít vào buổi sáng, thành một người dậy không nhờ báo thức lúc 6 giờ 30’ và gần một tuần nay là 5 giờ 30 phút. Đáng nói nhất là sau nghi thức buổi sáng mình rất tỉnh táo và thấy có nhiều năng lượng chứ không thấy mệt mỏi như trước kia.

Nghe Audiobook: Breaking the habit of being yourself của Dr. Joe Dispenza

Kết luận của mình sau một thời gian rèn dậy sớm và có kết quả tích cực

Nếu có một lí do, một điều gì đó khiến mình háo hức, mong chờ để thức dậy vì nó thì cơ thể sẽ đáp ứng để mình dậy sớm

Hồi trước, nhiều khi mình dậy sớm mà biết đầu mình nó lờ đờ, mình sẽ không dậy ngay mà sờ vào điện thoại hay đọc sách 20’ rồi mới ra khỏi giường. Nhưng giờ nếu tỉnh dậy là mình sẽ ra khỏi giường ngay và chuyển ngay tới một không gian khác.

Để tỉnh táo, phải dành thời gian cho bản thân

Có thể tạo một “nghi thức” để vun đắp năng lượng một cách từ từ trước khi bắt tay vào làm những công việc trong ngày. Với nghi thức này, bạn cũng nên dành thời gian nghiên cứu để thiết kế một Morning Routine phù hợp nhất. Có thể là Thiền, tập Thể dục, đi dạo, tắm nước lạnh, …

Tránh để những thông tin nhiễu, trạng thái của người khác xâm phạm thời gian thiêng liêng này của mình bằng cách Không dùng điện thoại, không mở email công việc. Mình luôn để điện thoại chế độ máy bay và ở phòng làm việc từ khi đi ngủ tới lúc xong nghi thức buổi sáng. Đó cũng là lí do mình phải dậy sớm để duy trì nghi thức này mà không bỏ lỡ công việc quan trọng. (Tất nhiên cũng có ngoại lệ)

Buổi tối rất quan trọng

Cơ thể ngoài 30 này không cho phép mình linh hoạt sau những đêm làm bài luận tới sáng như thời Đại học nữa. Thêm vào đó, nếu đi chơi về muộn hay dùng đồ có cồn, mình sẽ mất cả buổi sáng hôm sau để trở về trạng thái bình thường. Vì thế mình cũng đặt ra những quy tắc như không uống đồ nhiều đường hay có cồn sau 10 giờ tối nếu ra ngoài. Cũng rất may là đám bạn xung quanh mình cũng đang hướng tới lối sống lành mạnh. Chọn bạn cũng là yếu tố không kém quan trọng.

Ngủ sớm thực ra không quan trọng bằng ngủ đủ, nếu dựa vào việc phân bổ năng lượng. Và chất lượng giấc ngủ cũng là điều nên tìm hiểu (tới đây mình mới nhớ là có cuốn Why We Sleep mà chưa đọc, khi nào đọc mình sẽ review lại, còn giờ có em Kira đã chia sẻ rất kỹ trong bài viết này) Nếu trong ngày bạn phải ngồi nhiều thì nên tập thể dục để tối ngủ ngon hơn và nhanh buồn ngủ hơn nhé!

Niềm vui nhân đôi

Và còn hời hơn cho những ai không phải Morning Person nhưng cố gắng để có thể sống như một Morning person bởi vì mình vẫn có được những đặc tính của một cú đêm đó là khả năng tỉnh táo và sáng tạo vào buổi xế ngày, cùng lúc lại có năng lượng làm việc cả vào buổi sáng.

Có thể chính bài thiền là thứ thay đổi mình để trở thành phiên bản khác,

hoặc do thời điểm nên mình mới làm được điều mong muốn bấy lâu,

hoặc ngày mai mình sẽ lại trở thành người ngủ dài,

đó là những điều mình chưa biết và cũng không cân nhắc. Điều mình hạnh phúc nhất là chứng minh được cho bản thân: cơ thể sẽ thay đổi bằng một tâm trí có kiểm soát như câu nói của Joseph Pilates: “It’s the mind itself that shapes the body”.

Bình luận

error: Content is protected !!