“Học tiếng Anh chứ gì? xem nhiều phim vào, đã xem Friends chưa?”
“Hồi xưa chị chỉ nghe Westlife, mở lyric ra hát theo, tiện thể ngắm các anh đẹp trai, học càng vào.”
“Xem Youtube đi, có nhiều kênh làm phụ đề chuẩn lắm vừa nghe vừa xem phụ đề, chả mấy chốc mà fluent luôn.”
“Giờ học tiếng Anh có phải như ngày xưa đâu mà ôm sách Grammar với cả flashcards, ra mấy phố Tây mà bắt chuyện với chúng nó, quan trọng là nói, nói, nói và nói.”
Chắc hẳn bạn cũng từng nghe rất nhiều những lời khuyên tương tự như trên đây. Tuy nhiên bạn đã thử áp dụng và chưa thấy kết quả ngay hoặc bạn còn băn khoăn liệu cách cách học đó có phù hợp với mục đích học tiếng của mình? trong bài viết này mình sẽ liệt kê ưu nhược điểm của các tips học được chia sẻ phổ biến để bạn có thể chọn lựa những phương pháp cho mình.
Xem phim/TV shows với phụ đề tiếng Anh hoặc không phụ đề
Ưu điểm:
- Tạo hứng thú và cảm hứng học: Khi bạn yêu thích một bộ phim bạn sẽ yêu thích cả âm thanh của ngoại ngữ đó. Ví dụ như khi trào lưu phim Hàn lên ngôi có rất nhiều bạn có mong muốn học thứ tiếng này.
- Học được cách biểu đạt trong ngôn ngữ và khả năng sử dụng từ ngữ một cách tự nhiên giống người bản địa.
- Luyện nghe.
- Nghe được accent (giọng) và luyện phát âm.
- Học được các cụm từ, các slang (tiếng lóng), các idiom (thành ngữ/tục ngữ) thông dụng và các trường hợp có thể sử dụng.
- Phát triển vốn từ vựng.
- Tăng khả năng ghi nhớ những điều đã học được qua việc gắn với các hình ảnh và bối cảnh trong phim.
- Kết hợp học về văn hoá.
Nhược điểm:
- Không thật sự phù hợp với người mới bắt đầu.
- Cần có hiểu biết nhất định để xem phim không bị chán và học theo được.
- Khả năng học ngữ pháp: thấp.
- Không phù hợp với ngoại ngữ chính quy (academic language).
- Dễ mất tập trung vì bạn còn bận xem diễn viên và hiểu nội dung qua biểu đạt của diễn viên thay vì nghe và hiểu được hết.
- Không giúp bạn phát triển toàn diện 4 kỹ năng tiếng được nếu chỉ áp dụng biện pháp này.
- Có những điều chỉ có trong phim mà thôi, không phù hợp với thực tế, thử tưởng tượng người nước ngoài học tiếng Việt qua phim Việt Nam, bạn sẽ nói gì?
=> Kết luận
Học ngoại ngữ qua phim ảnh là một ‘phương pháp bổ sung’ rất hữu hiệu trong quá trình học tiếng. Để bắt đầu bạn có thể chọn một số TV shows có thời lượng ngắn, hoặc một bộ phim yêu thích xem nhiều lần có và không có phụ đề để lấy được hết các kiến thức mà (tập) phim đó mang lại.
Xem Youtube
Ưu điểm:
- Thời lượng ngắn nên có thể tập trung học và nghe hiểu tốt hơn so với cách đầu tiên. Các bộ phim và TV shows thường có thời lượng khá dài nên nhiều người khó có thể tập trung để kết hợp giữa giải trí và học đến hết bộ phim được, nhưng với các video trên Youtube thì bạn có thể chọn video với thời lượng không quá 15 phút sẽ dễ học theo hơn.
- Có thể điều chỉnh tốc độ nói để luyện nghe.
- Nội dung đa dạng. Dễ có cảm hứng học vì tìm nội dung theo sở thích.
- Học được cách biểu đạt trong ngôn ngữ và khả năng sử dụng từ ngữ một cách tự nhiên giống người bản địa.
- Luyện nghe.
- Nghe được accent (giọng) và luyện phát âm.
- Học được các cụm từ, các slang (tiếng lóng), các idiom (thành ngữ/tục ngữ) thông dụng và các trường hợp có thể sử dụng.
- Phát triển vốn từ vựng.
Nhược điểm:
- Chỉ phù hợp với người mới bắt đầu khi bạn chọn những kênh dạy tiếng cho người mới đầu với tốc độ chậm.
- Với trường hợp chỉ học theo các Vlogs: không phù hợp với tiếng Anh chính quy; bị quen với giọng và cách phát âm, dùng từ, cách biểu đạt của các Youtuber đó.
- Dễ sa đà vào xem giải trí, quên mất mục tiêu ban đầu là học tập.
- Không phù hợp với ngoại ngữ chính quy (academic language).
- Không học được nền tảng và các quy tắc trong môn ngoại ngữ đó.
- Không giúp bạn phát triển toàn diện 4 kỹ năng tiếng được nếu chỉ áp dụng biện pháp này.
=> Kết luận: Vẫn giống như cách xem phim và TV Shows, xem Youtube chỉ nên là 1 trong những phương pháp để luyện nghe và học từ vựng cho người đã có nền tảng rồi. Không khuyên dùng như là một phương pháp chính cho người muốn phát triển ngoại ngữ một cách toàn diện.
Nghe nhạc và hát theo
Ưu điểm:
- Tốt cho học thụ động.
- Học từ vựng.
- Dễ tiếp cận.
Nhược điểm:
- Các bài hát thường viết thành các câu ngắn, có tính ẩn dụ cao nên không hẳn có thể dùng hết các câu và cách sử dụng từ ngữ trong đó.
- Bài hát được viết từ dạng thơ thay vì văn xuôi và văn nói nên bạn không thể mang các cách thể hiện trong các bài hát ra để giao tiếp được.
- Nhiều bài hát và ca sĩ có khuynh hướng làm khác các từ ngữ đi từ phát âm tới cách nối từ để nhạc điệu hay hơn và bạn phải đủ tỉnh táo để không bị phát âm sai.
=> Kết luận: Nghe nhạc và hát theo lời bài hát giúp bạn đỡ ngại ngùng khi giao tiếp hơn so với việc không bao giờ mở miệng nói ngoại ngữ và cũng dần dần cải thiện phản xạ nghe.
Nghe podcast/radio/News/Audiobook
Ưu điểm:
- Khác với Youtube là dùng ngôn ngữ thông dụng, News và nhiều kênh podcast dùng ngôn ngữ chính quy.
- Học cách thuyết trình.
- Thiết lập được vốn từ vựng đa dạng với nhiều chủ đề.
- Tốt cho việc học thụ động và có thể học ở bất cứ đâu: có thể nghe khi đang làm những việc không yêu cầu đầu óc như rửa chén bát, đi siêu thị, ngồi tàu xe.
- Học được các đoạn hội thoại khi nghe các bài phỏng vấn.
- Đa dạng nội dung.
- Có nhiều giọng khác nhau để luyện nghe. Ví dụ: Anh – Anh, Anh – Mỹ, Anh – Ấn.
- Cải thiện khả năng phát âm.
Nhược điểm:
- Khó cho người mới bắt đầu.
- Các cách truyền đạt không thực sự phù hợp với cách giao tiếp hằng ngày.
=> Kết luận: Đây là một phương pháp giúp nâng cao khả năng ngoại ngữ từ việc luyện nghe đến phát triển vốn từ vựng và các ý khi diễn đạt theo chủ đề. Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể tìm các podcast thuộc các trung tâm ngoại ngữ uy tín hoặc các nhà xuất bản sách, họ sẽ có các series podcast để luyện nghe cho học viên, ví dụ như chương trình ‘Coffee break’ và podcast của Viện Goethe.
Đọc hay dịch sách
Ưu điểm:
- Học được nhiều kiến thức mới.
- Được đọc sách nguyên bản thay vì sách dịch còn nhiều hạn chế.
- Học thêm từ vựng, ngữ pháp, cách hành văn.
- Phát triển kỹ năng đọc hiểu và viết.
Nhược điểm:
- Tốn thời gian, dễ nản.
- Bạn có thể dịch hết một cuốn sách nhưng khi giao tiếp lại gặp khó khăn.
- Bị hạn chế bởi lối viết và giọng văn của tác giả.
=> Kết luận: Hãy bắt đầu từ những cuốn sách phù hợp với trình độ của bạn ở từng thời điểm để học. Nên nhớ cách này tốt nhất cho 2 kỹ năng viết và đọc nhưng nghe và nói thì lại thiếu hụt.
Bắt chuyện với người nước ngoài
Ưu điểm:
- Luyện nghe và phản xạ nói.
- Thực hành nhiều sẽ khiến bạn không bị sợ sệt khi rơi vào hoàn cảnh phải giao tiếp với người nước ngoài.
- Giúp bạn giao tiếp tự nhiên hơn.
- Học cách phát âm và cách dùng từ của người nước ngoài.
- Mở rộng vốn từ.
Nhược điểm:
- Không thể bắt chuyện và nói được lâu nếu khả năng nói của bạn còn hạn chế.
- Bị phụ thuộc vào đối tượng khác.
- Không phải lúc nào cũng có người chịu nói chuyện với mình. Dễ bị hiểu nhầm là lừa đảo, ve Tây, v.v…
- Dễ gặp phải những ‘tai nạn’ nho nhỏ không liên quan tới việc học ngoại ngữ.
=> Kết luận: Vì đây không phải là cách học có thể chủ động được do cần có một đối tượng khác nên dù rất tốt cũng không thể phụ thuộc vào cách học này để nâng cao khả năng ngoại ngữ của bạn được.
Mình có nghe được lời khuyên là dùng Tinder để tìm bạn để bắt chuyện, tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng dám nghe theo tip này. Bạn có thể tham gia các cộng đồng trên Facebook hoặc các ứng dụng như Tandem, babble hay Duolingo để tìm các nhóm và người bản ngữ để trao đổi và luyện giao tiếp nếu không tìm được ai ở quanh nơi bạn sống nhé!
Các tips này đều có điểm mạnh và yếu riêng. Chúng có hiệu quả không? chắc chắn rồi nhưng quan trọng là bạn phải tiếp cận chúng đúng cách và chuyên cần thì mới thấy được kết quả tốt nhanh chóng được. Kết luận của mình là cần có nền tảng ngoại ngữ từ đầu rồi áp dụng thêm các cách trên khi luyện 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết.
Ngoài ra còn có nhiều tips đã được chia sẻ khi học từng loại ngoại ngữ khác nhau (bạn có thể tham khảo thêm tại tập podcast học ngoại ngữ mỗi ngày như thế nào của The Blue Expat). Tuy nhiên chọn cách nào còn tuỳ thuộc mục đích học và trình độ của bạn ở từng thời điểm. Những tips này giúp cho việc học của bạn trở nên phong phú chứ không chỉ bó hẹp trong những cuốn sách học tiếng đơn điệu và những giờ học được thiết kế dành cho số đông. Quan trọng vẫn là tự mình chủ động học và hình thành thói quen học mỗi ngày. Tại sao phải hình thành thói quen này bạn có thể nghe trên tập podcast: 4 bí kíp học ngoại ngữ hiệu quả .