The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tư duy Chuyên nghiệp và Nghiệp dư linh hoạt

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Lời giới thiệu “Tôi là một podcaster nghiệp dư” của mình đã gây nhiều tò mò vì ai chẳng biết mình bắt đầu với podcast lâu như thế nào và có nhiều kiến thức để chia sẻ bao nhiêu, có phải nói mình nghiệp dư như vậy là Po chưa thực sự tự tin?

Lí do của mình khác hoàn toàn với những phán đoán đó. Bởi vì mình không có sự so sánh, đánh giá thiên vị nào với hai khái niệm: Chuyên nghiệp và nghiệp dư. Thay vào đó mình dùng định nghĩa và cách hoạt động của hai trạng thái này để thiết kế công việc và sắp xếp cuộc sống, để thỏa mãn cái tính tham lam, việc gì cũng thích làm và thử sức của bản thân. Qua những chia sẻ ngày hôm nay bạn sẽ thấy rõ hơn lí do mình nhận là nghiệp dư với podcast nhưng lại nhận là mình chuyên nghiệp ở công việc khác mà mình chưa thực sự sẵn sàng, đó là Pilates instructor, cho dù mình mới chuyển nghề gần đây. Tóm gọn lại, việc hình thành tư duy chuyên nghiệp và nghiệp dư linh hoạt này cho phép mình có thêm sự tự do khi lựa chọn làm những điều mình muốn.

Nếu ở số Nghịch lý của sự lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta băn khoăn giữa một lựa chọn quyết định công việc và cuộc sống của mình, thì với tư duy áp dụng linh hoạt hai trạng thái Chuyên nghiệp và Nghiệp dư, bạn có thể cùng lúc thử sức với nhiều … nghề, sở thích, trau dồi thêm trải nghiệm sống cho mình mà không gặp quá nhiều khó khăn để sắp xếp thời gian.

Sự khác nhau giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư

Định nghĩa nghiệp dư và chuyên nghiệp

Từ amateur được định nghĩa rất hay trên Wikipedia như sau:

An amateur : lit. ’lover [of something]’) is generally considered a person who pursues an avocation independent from their source of income. Amateurs and their pursuits are also described as popular, informal, self-taught, user-generated, DIY, and hobbyist.

Có nghĩa là: Một người nghiệp dư là người “yêu thích một điều gì đó”. Họ là người theo đuổi một điều không nhất thiết liên quan tới nguồn thu nhập. Những người nghiệp dư và điều họ theo đuổi thì thường là không chính thống, tự học, tự làm là chính và có thể gọi là những sở thích cá nhân.

Bạn có thấy định nghĩa này gần giống điều chúng ta vẫn gọi là đam mê không? Một thứ dù không được trả tiền vẫn muốn làm. Một điều ta yêu thích và không cần động lực vẫn tự học, tự làm lấy.

Còn định nghĩa về chuyên nghiệp thì sao?

Một người được gọi là A professional – một chuyên gia, theo từ điển Oxford, được cho là đối lập với amateur là:

  • “doing something as a paid job rather than as a hobby” – Làm một việc gì đó như công việc được trả lương hơn là sở thích
  • “showing that somebody is well trained and has a lot of skill” – Một người được đào tạo bài bản và sở hữu nhiều kỹ năng, hơn thế, họ còn có trình độ học vấn cao về một chuyên môn cụ thể.

So sánh hai khái niệm

Hai khái niệm này được so sánh khá rõ trong cuốn sách The War of Arts như sau:

“ The difference between an amateur and a professional is in their habits. An amateur has amateur habits. A professional has professional habits. We can never free ourselves from habit. But we can replace bad habits with good ones.”

Steven Pressfield

Sự khác biệt giữa người nghiệp dư và chuyên nghiệp nằm ở thói quen của họ. Một người nghiệp dư có những thói quen nghiệp dư. Người chuyên nghiệp thì thói quen của họ cũng mang tính chuyên nghiệp. Bản chất của chúng ta gắn liền với thói quen, nhưng ta có thể thay thế thói quen xấu với thói quen tốt.

The amateur plays for fun.  The professional plays for keeps”. “The amateur plays part-time. The professional plays full-time”. “The amateur is a weekend warrior. The professional shows up seven days a week.”

Steven Pressfield

Người nghiệp dư thì chơi cho vui. Người chơi chuyên nghiệp chơi hết mình. Người nghiệp dư theo cuộc chơi bán thời gian. Người Chuyên nghiệp theo đuổi toàn thời gian. Người nghiệp dư là một chiến binh cuối tuần. Các chuyên gia ở đó mỗi ngày.

Tóm lại là, sự khác biệt giữa người nghiệp dư và chuyên nghiệp nằm ở sự cam kết và cách thức họ vận hành khi tham gia vào một bộ môn nào đó.

Tuy nhiên, xuất phát điểm của họ là như nhau! Đây là điều ít ai nhắc tới. Chúng ta nói nhiều tới mục tiêu, quá trình nhưng ít khi chỉ ra rằng dù bạn là dân nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì bạn cũng bắt đầu giống nhau. Một người nghiệp dư cũng có thể trở thành chuyên gia nếu họ đầu tư thêm thời gian, tính kỷ luật và bền bỉ với công việc. Không có nghĩa một người chơi nghiệp dư thì tác phong của họ không hề chuyên nghiệp, chỉ là cách họ tham gia cuộc chơi khác với cách người làm chuyên môn đã và đang làm mà thôi

Mình sẽ vẫn thể hiện tác phong và thái độ chuyên nghiệp ngay cả khi mình làm thứ mà mình nhận là đang làm theo hướng nghiệp dư như với podcast. Minh chứng là những khách mời hay người từng hợp tác với mình, thậm chí là các bạn học viên trong group làm podcast hay mentee của mình cũng đánh giá là Po luôn chuyên nghiệp trong những gì mình làm.

Từ sự giải nghĩa này ở trên, có thể liên hệ với luồng tư duy chuyên nghiệp và nghiệp dư mà mình đang nhắc tới để giải thích cho câu nói “Tôi là podcaster nghiệp dư” ở đầu bài như sau:

Việc tự nhận bản thân nghiệp dư của mình trong trường hợp này có nghĩa là:

  • Podcast KHÔNG là CÔNG VIỆC TOÀN THỜI GIAN: Nếu đã dùng hết số giờ cho phép để làm những nhiệm vụ cần thiết với podcast rồi thì mình mới nhận thêm thời gian làm guest trên podcast hoặc speaker/advisor cho sự kiện.
  • Podcast hiện tại KHÔNG là NGUỒN THU NHẬP CHÍNH của mình, đồng nghĩa với việc:
  • Mình sẽ làm podcast vì ĐAM MÊ và sẽ chấp nhận ngưng lại nếu ngọn lửa đó tắt.
  • Mình có công việc khác đang theo đuổi theo hướng chuyên nghiệp và đó là ưu tiên trước nhất.

Tại sao mình lại thiết lập luồng tư duy về nghiệp dư và chuyên nghiệp này?

  1. Dễ dàng Lên được thứ tự công việc ưu tiên và quản lý cách chúng ta thực hiện các nhiệm vụ
    Sau khi sắp thứ tự ưu tiên những việc cần theo đuổi như một người chuyên nghiệp, bạn sẽ dễ dàng sắp xếp kế hoạch, thời gian và tâm huyết cần dành cho những nhiệm vụ mỗi ngày của mình. Hơn thế, có rất nhiều trường hợp vì muốn làm các kế hoạch yêu thích mà chúng ta làm ảnh hưởng tới tiến độ, thói quen và cả năng lượng cho những kế hoạch cần có sự thực hiện bài bản và chuyên nghiệp. Vì vậy việc dán nhãn và nhóm các công việc cần chúng ta ở mức ‘chuyên nghiệp’ và ‘nghiệp dư’ sẽ dễ dàng quản trị được bản thân trong cuộc sống hơn.
  2. Một giải pháp tốt cho tâm lý đặc biệt là những lúc:

Cần đưa ra lựa chọn, những quyết định lớn trong cuộc đời

Mình đã nhắc tới Nghịch lý của sự lựa chọn – The Paradox of choice, mà ở đó nhắc tới việc có quá nhiều lựa chọn trong xã hội hiện tại khiến chúng ta lo âu và căng thẳng hơn khi đưa ra các quyết định từ lớn tới nhỏ. Đặc biệt là với công việc và sở thích cá nhân, nếu bắt phải chọn thứ này và không làm thứ khác sẽ khiến chúng ta khó xử và lo lắng về sự hối tiếc trong tương lai.

Khi chọn theo đuổi nhiều thứ nhưng với cách chuyên nghiệp và nghiệp dư, bạn cho phép mình có thêm lựa chọn, được thử sức để đưa ra các quyết định đúng đắn cho bản thân.

Giảm căng thẳng khi có những kỳ vọng thích đáng

Bằng việc gán cái mác nghiệp dư này, mình đồng thời sẽ không tự tấn công và xỉ vả bản thân khi không thể đạt được những tiêu chuẩn mà công việc yêu cầu.

Chúng ta bị những kiến thức về tính chuyên nghiệp và sức mạnh thói quen như để làm tốt việc gì hoặc nắm được một kỹ năng nào đó thì buộc phải làm bao nhiêu giờ, có lịch làm việc với thời gian cố định, dù chỉ 25 phút, v…v… tạo nên một sức ép vô hình lên bản thân. Nếu bạn cho phép mình chơi theo ‘hệ nghiệp dư’, bạn sẽ dám tặc lưỡi nếu nhỡ một lần không tham gia một hoạt động; nhỡ một ngày không ngồi vào đàn để tập, thậm chí cả 1 tuần nếu đang gấp rút hoàn thành deadline cho một thứ được dán nhãn ‘chuyên nghiệp’ trong kế hoạch.

Tư duy rằng mình có những công việc nghiệp dư giúp mình thực hiện hoạt động đó với tâm thế thoải mái, chấp nhận bản thân và cho phép mình phát triển nó theo cách mà cuộc sống mình vận hành.

  1. Sự chuyên nghiệp bị đánh đồng với tính chuyên nghiệp và các phong trào xây dựng thói quen để thành công mang tinh thần tiêu cực
    Một điều mình nhận ra ở cách chúng ta đang áp dụng những bài học từ các cuốn sách, bài viết về thành công đang tạo một sức ép lên người trẻ, khiến họ phải cố gắng để trở nên thành một phiên bản tốt ở tất cả những gì họ tham gia. Điều này không có gì xấu nhưng nó là con dao hai lưỡi. Việc đặt để tâm huyết và thời gian, tác phong vào từng công việc trong cuộc sống này là lựa chọn của bạn. Nếu là một người cầu toàn thì việc ôm đồm sự chuyên nghiệp vào mọi công việc hay trách nhiệm với cả người khác và bản thân sẽ khiến chúng ta khó có thể thoải mái, tận hưởng những trải nghiệp khi làm các hoạt động của mình, hơn hết chúng ta không thể duy trì lâu dài theo cách này.

4 Lợi ích lối tư duy này mang lại

Tư duy này cũng không có gì là mới cả, nếu từ nhỏ bạn đã được phụ huynh ra rả việc chính của con là việc học, việc a,b,c là phụ, không tham gia cũng không sao. Thì nó cũng là một kiểu nói nôm na của tư duy này, dù thế thì tư duy của phụ huynh đa phần là không mở lối cho những những việc phụ kia được nhen nhóm phát triển. Và đó là điểm tích cực đầu tiên khi bạn cho phép mình “nghiệp dư” ở một thứ nào đấy đó là bạn vẫn được phép làm thứ mình muốn dù nó không phải là cv quan trọng nhất.

Chấp nhận nghiệp dư nghĩa là bạn có thể bắt tay thực hiện trước cả khi bạn thực sự sẵn sàng. Với những ai có nhen nhóm làm podcast, mình cũng khuyên các bạn nên thử với những thứ bạn có sẵn trước, nếu sau một thời gian bạn nhận thấy mình sẽ đi dài lâu với nó và nghiêm túc hơn thì mới đầu tư thêm cả về thời gian lẫn tiền bạc. Ngược lại nếu bạn nhận thấy đây không phải là sân chơi của mình, thì có thể bước ra khỏi nó với tâm thế thoải mái. Có nhiều những Youtuber hay podcaster thành công và làm toàn thời gian với ngành này sau khi họ thực hiện nó như một nghề tay trái, làm sau khi trở về từ công việc 9-5 toàn thời gian của mình. Đừng dại dột đâm đầu vào một nghề khi mà bạn chưa biết được sác suất thành công.

Học cách đặt để năng lượng một cách hợp lý.

Khi bạn biết cái nào chính, cái nào phụ, bạn phải biết liệu mình đang thực hiện cái chính theo cách phụ và cái phụ theo cách chính. Nhiều khi những thứ ta chấp nhận làm amateur là thứ có sức hấp dẫn với ta hơn cả những thứ mà mình muốn thật chuyên nghiệp, thậm chí bạn sẽ dễ hiểu nhầm cái đó mới là đam mê đích thực. Dopamine nó tiết ra nhiều hơn khi bạn làm thứ gì mới và nhanh chóng có những thành quả nho nhỏ ban đầu. Ví dụ như khi lần đầu mình thu âm podcast, tự nhiên thấy mình rất giỏi, biết sử dụng phần mềm thu âm này kia, nhưng về lâu về dài thì cảm giác này cũng phai chột dần, phải hoàn thành được nhiều thứ hơn, những thành tích cũng phải lớn hơn thì mới có được cái thỏa mãn này. Nói ngoài lề một chút nhưng mình nghĩ Chính vì chạy theo cái cảm giác phấn khích ban đầu này mà tới khi nó không còn nữa, phải cố gắng nhiều hơn mới đạt được thành tích nên dễ nhiều bạn chất vấn cuối cùng đam mê của mình là gì? Quay trở lại câu chuyện của chúng ta hôm nay, sự

Trong xã hội yêu cầu chúng ta phải hiểu biết nhiều lĩnh vực, thuần thục nhiều kỹ năng thậm chí có thể phải làm hơn 1 công việc, thì mình nghĩ tư duy pro và amateur này sẽ giúp cho bạn có thể tung hứng giữa những công việc, học tập hay dự án của mình.

Đây là một tập podcast trong series #gócnhìn, nó phản ánh lối suy nghĩ rất cá nhân, KHÔNG hề chính thống. Qua series này mình muốn đưa những suy nghĩ có thể không cùng với số đông. Mục đích là để nói rằng, không có lựa chọn nào là duy nhất, không có kiến thức nào là trọn vẹn, cuộc sống là thứ đa sắc nhất mà mỗi con người được biết. Vì thế, giống như bài viết này, bạn sẽ thấy mình có thêm lựa chọn, chọn rằng mình nghiệp dư một chút cũng không sao, chọn rằng mình có thể làm nhiều thứ hơn một con đường chuyên nghiệp, chọn cách vận hành cuộc sống một cách đa dạng. Đó cũng là lí do khi xuất hiện công khai ở những nơi như các kênh podcast khác hay các sự kiện, mình không ngại nhận bản thân là người làm podcast nghiệp dư, để cho những bạn theo dõi mình thắc mắc vì sao mình lại nói vậy và giới thiệu với họ lối tư duy này. Mong rằng bạn sẽ tìm ra được giải pháp khi sắp xếp cuộc sống của mình nhờ những chia sẻ ngày hôm nay của Po nhé!

Bình luận

error: Content is protected !!