The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Tập luyện với chấn thương và những bài học

tập luyện với chấn thương pilates the blue expat bai hoc tu tap luyen voi chan thuong

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Có những khuyết điểm trên cơ thể khiến bạn gặp khó khăn trong tập luyện? Một chấn thương đã cũ hay tật trên cơ thể khiến bạn e ngại tập thể thao? Đừng vì những cản trở đó mà không tìm đến tập luyện. Tập thể dục không chỉ giúp bạn khắc phục những khuyết điểm trên cơ thể mà còn làm tăng hormone hạnh phúc ‘endorphine’, nó còn giúp chúng ta rèn luyện sức bền và học cách kết nối với cơ thể. 

Sau 6 tháng tập chăm chỉ kết hợp với trị liệu cho chấn thương cũ, nhìn nhận lại cả quá trình, mình nhận ra tập luyện với chấn thương còn dạy mình nhiều điều hơn không chỉ ở sức khoẻ thể chất mà còn cả sức khoẻ tinh thần nữa.

Điều khiến mình tự hào là mình đã tiếp tục tập luyện để khắc phục thay vì tránh né khi bị chấn thương này dù đi tập lúc này sẽ khó hơn, dễ bị đau hơn. Rõ ràng việc tập luyện với chấn thương sẽ không mang lại hiệu quả nhanh được như người bình thường nhưng mình không đặt mục tiêu ganh đua hay phải trở thành một hình mẫu nào đó, nên quá trình tập luyện đã trở thành hành trình của riêng mình, có thể nói những giờ tập và chính phòng tập đã trở thành 1 thánh địa nơi mình biết mình được là mình, là nơi tâm trí và cơ thể hài hoà với nhau trong mỗi giờ tập như khi tập thiền vậy. 
Bạn có thể tham khảo hành trình hơn cả tập luyện mà còn là về tâm linh của một người tập yoga chuyên nghiệp trong bài viết này: Trở thành phiên bản tốt hơn cùng Yoga

Hiểu rõ cơ thể hơn nhờ chấn thương

Khi gặp sự cản trở này, nhiều người sẽ dùng nó như một lí do để không tập thể thao giống như khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay đối mặt với một tổn thương về tinh thần chúng ta thường có khuynh hướng tránh né thay vì khắc phục và chữa lành. 

Khi phải tập luyện với chấn thương mình phải đủ tinh tế để lắng nghe cơ thể để biết cái nào mình làm được và cái nào không nên làm. Mình nhận ra trước giờ không làm điều này vì thế mà mình mới bị chấn thương. Không chỉ là khi tập luyện mà cả những di chuyển hàng ngày, cách ngồi làm việc với máy tính, cách mình đạp xem hay thậm chí cả tư thế nằm ngủ.  Mình tập trung hơn khi tập luyện, để cả thời gian ở phòng tập chỉ có mình và cơ thể này chứ ko có một dòng suy nghĩ nào khác. 
Từ việc ý thức được sự có mặt của chấn thương và lắng nghe cơ thể mình nhận ra những đau mỏi gây ra từ thói quen, từ cách mình thao tác. Mình học cách sống cùng nó, nâng niu nó, coi nó là một phần của mình có thể tóm gọn lại trong chữ ‘yêu’, đúng thế, mình học cách yêu lấy chấn thương này.

Khi mình nhìn chấn thương của mình với con mắt yêu thương, mình thậm chí thấy cần cảm ơn nó vì nó đã ở đó với mình suốt cả hành trình phục hồi và luôn nhắc nhở mình về những khuyết điểm và giới hạn của cơ thể và học được cách thực sự kết nối với cơ thể mình.

Từ chấn thương cơ thể tới các trạng thái cảm xúc

Rồi mình mang suy nghĩ này để đánh giá các trạng thái cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc vẫn bị gán mác tiêu cực như đau buồn, giận giữ hay cả sự ghen tị.
Chúng ta thường cố nén cơn giận, hay bị người khác xỉ vả khi ta nổi cáu hay buồn bực vì chuyện với họ là không đáng. Bởi vì họ cứ nghĩ những cảm xúc đó là tiêu cực. Không thể chối cãi là những thứ chúng ta cảm nhận được khi mang những cảm xúc này là rất tệ nhưng không có nghĩa rằng nó không mang ý nghĩa tích cực nào cho ta cả. Những chấn động cảm xúc là các tín hiệu cho ta thấy một là thông tin chúng ta đang tiếp nhận đi quá mức chịu đựng của ta; hai là chúng ta không miễn nhiễm với nguồn năng lượng tiêu cực bên ngoài đó; ba là bên trong chúng ta đã mang những cảm xúc tương tự rồi, và tới khi một tác nhân bên ngoài có khả năng kích hoạt nó thì chúng ta mới bộc phát ra bên ngoài.

Được truyền cảm hứng từ hành trình phục hồi

Đến giờ khi cơ thể mình có những cải thiện ở cả những nhóm cơ khác, mình rất vui vì những thành công nho nhỏ mỗi lần tới lớp tập, mình có thêm động lực để tập luyện, và không quên rằng động lực ban đầu mình có được lại chính là từ vết thương kia. Chính nó khiến mình đến phòng tập và tập chăm chỉ để khắc phục. Giờ mình còn mê Pilates, có thêm 1 đam mê mới, bắt đầu đặt ra những mục tiêu để phấn đấu. 

Khi chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống cũng vậy, những trắc trở không phải là những nút thắt gập ghềnh mà nó là lúc nút thắt của một chặng đường mới được gỡ ra nhưng chưa được kéo thẳng. Dù nhìn nó rối mù nhưng chắc chắn sẽ mang lại những điều mới mẻ và cần thiết cho quá trình trưởng thành, thậm chí còn mở ra cho chúng ta những hướng đi mới, những động lực phấn đấu trong cuộc sống. 

Học cách chấp nhận

Mình biết là vết thương này sẽ được cải thiện chứ không thể hết hẳn. Nó cũng có thể phục hồi nhưng rồi lại tái phát nếu mình không cẩn thận. Nghĩa là giờ mình học chấp nhận nó là một phần của mình. Một vết thương lòng cũng thế thôi, nó chỉ có thể trở thành một vết sẹo nếu chúng mình học cách chấp nhận nó. Với mình nó giống như khi chúng ta học cách tha thứ vậy, mình đã tìm hiểu rất nhiều và một bài học rút ra từ tất cả những lời khuyên đó là hãy học cách chấp nhận và tha thứ vì bản thân chúng ta thay vì người ta muốn học cách tha thứ.

Chúc mọi người khoẻ mạnh cả thể chất và tinh thần.

Bình luận

error: Content is protected !!