The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

4 bí kíp để học ngoại ngữ hiệu quả

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Nếu bạn có những suy nghĩ tương tự như dưới đây:

  • Bạn muốn làm một việc nhưng ngoại ngữ là một rào cản
  • Bạn có nên bỏ cuộc vì học mãi mà không vào
  • Bạn quá lớn tuổi để học ngoại ngữ
  • Bạn không có thời gian để học
  • Bạn muốn học hơn 1 ngoại ngữ

hay chỉ là bạn đang học ngoại ngữ và muốn tìm các tips, các quan điểm cá nhân từ các bilingual, trilingual hay thậm chí polygrot: những người có thể biết hơn 1 ngoại ngữ để biết làm sao họ có thể làm được điều đó thì tập podcast này là dành cho bạn.

Mình gói gọn các kinh nghiệm khi mình bắt tay vào học tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Đức trong 4 bí kíp, hy vọng sẽ là những điều bạn có thể áp dụng cho bản thân.

Xác định rõ mục tiêu học ngôn ngữ mới

Khi xác định được mục đích học ngôn ngữ là gì, bạn sẽ tìm được hướng học tập phù hợp với yêu cầu của mục đích đó.

Nếu mục đích của bạn là du học ở Đức nhưng khoá học bạn muốn ghi danh được dạy bằng tiếng Anh thì bạn có thể thấy điểm đến của bạn tưởng là 1 nhưng mà 2. Trường hợp này bạn cần học tiếng Anh thật tốt để có thể không gặp khó khăn khi theo học và tiếng Đức sẽ là ngôn ngữ bạn có thể học dần khi sang tới nơi.
Nếu mục đích của bạn là biết thêm một ngoại ngữ, để có thể chém gió và nói chuyện với người nước ngoài, hay làm hướng dẫn viên du lịch thì việc chui vào các trung tâm ngoại ngữ có thể là tối sách. Bạn cần học giao tiếp thay vì ngập đầu với đống ngữ pháp và từ vựng chán ngắt, như thế sẽ khiến bạn mau chán và dễ bỏ. Có một điều nhiều người không nhận ra việc học ngôn ngữ là một công cụ cho mục đích của bản thân thay vào đó họ tưởng rằng nói trôi chảy ngoại ngữ đó mới là đích đến. Điều này sẽ khiến họ dễ tìm cách học sai, mau nản và cuối cùng không chỉ là bỏ học ngoại ngữ, họ bỏ cả ước mơ hay mục đích học ban đầu.
Có những bạn từng ghen tị vì mình biết ngoại ngữ mà có thể làm trong yếu tố nước ngoài còn họ thì ước làm công ty nước ngoài nhưng không thể học tiếng Anh. Suy nghĩ này vừa đúng vừa sai. Nếu bạn là người làm kỹ thuật, có thể mức tiếng Anh của bạn chỉ cần ở mức giao tiếp, nhà tuyển dụng cần bạn có chuyên môn và tính cách của bạn phù hợp với văn hoá nơi họ, còn lại khi vào làm bạn có thể học dần và phát triển lên. Mình đã từng gặp nhiều người không quá giỏi tiếng Anh hay đầu vào không phải là học ở nước ngoài về nhưng họ vẫn làm trong yếu tố nước ngoài, cái đặc biệt là họ biết điểm mạnh của mình và ngoại ngữ là công cụ mà công cụ này có thể mài sắc dần dần.

Học một ngoại ngữ một lúc

Việc biết hơn một ngoại ngữ đang dần trở thành một yêu cầu tất yếu trong thị trường tuyển dụng, khiến các bạn trẻ bị mang thêm áp lực học hành. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng mình đâm đầu học 2 thứ ngoại ngữ cùng một lúc.
Khả năng tiếp thu và thời gian học của chúng ta sẽ phải nhân đôi mà cái phần trăm chúng ta dành cho việc học ngoại ngữ từ trí lực tới sức khoẻ và thời gian thì không thể dễ dàng mà nhân đôi lên vậy được.
Trong bài phỏng vấn với Dương Linh, tác giả cuốn sách Nhật Bản đến và yêu, Linh nói cô ấy coi tiếng Nhật như một ‘anh người yêu’. Xin mượn phép so sánh này để nói rằng nếu chúng ta yêu 2 người cùng một lúc chắc chắn sẽ mệt đầu và phân tâm hơn yêu một người một lúc rồi, bạn có nghĩ vậy không?
Mình nhận ra tip học này khi so sánh giữa những lúc mình giao tiếp song ngữ: Anh – Đức và Đức – Ý. Với tiếng Anh mình đã học lâu và nhuần nhuyễn rồi mình không bị nhầm lẫn nữa. Nhưng với trường hợp thứ 2 vì cả hai thứ tiếng mình đều không thật giỏi và ôn luyện thường xuyên nên cứ râu ông nọ cắm cằm bà kia mà không nhận ra mình nói sai nếu nói nhanh ý chứ. Mặc dù các từ bị nói nhầm mình đều biết ở cả 2 thứ tiếng nhưng khi phản xạ nhanh thì cứ lôi hết cái mình nhớ nhất trong đầu ra thôi.
Kết luận là hãy học từng thứ tiếng một, hãy thử học chuyên tâm trong vòng 3 tháng trước khi nhảy sang học ngoại ngữ thứ 2, trong lúc đó cũng đừng quên trau dồi thêm cho ngoại ngữ thứ nhất, không là bạn sẽ quên hay nhầm lẫn như mình đó.

Tỉnh táo như người lớn nhưng tiếp thu như một đứa trẻ

Đừng nghĩ rằng chỉ khi còn trẻ bạn mới học được ngoại ngữ. Mình đã từng có bạn cùng lớp 72 tuổi khi mới sang học tiếng Ý đây. Cả những lớp học tiếng Đức của mình cũng có nhiều dân tị nạn, những người nhập cư đã ngoài 40 tuổi, chưa từng bao giờ học ngoại ngữ.
(Khi nhìn họ mình nhận thấy thật sự may mắn khi là người Việt Nam bởi tiếng Việt dùng bảng chữ cái latin! Chúng ta không phải học các chữ cái, thuộc mặt chữ và đã có cảm giác của việc nối chữ cái theo âm rồi.)
Mình đã tưởng tượng nếu là một đứa trẻ con, được sinh ra một lần nữa trên đất nước khác, bắt đầu bập bõm học những từ đầu tiên. Lắng nghe những cuộc trò chuyện và âm thanh ở xung quanh, để ngôn ngữ từ từ thấm vào mình, học một cách thụ động như một đứa trẻ, không máy móc, không đặt mục tiêu, kỳ vọng. Dần dần mình có thể nói thứ tiếng đó một cách tự nhiên, có thể có vốn từ vựng đáng gờm dù không bao giờ ôm sách vở hay vớ bừa một anh người yêu bản địa để luyện nói. Đó là cách mình học tiếng Ý. Với cách học này mình cảm thấy yêu ngôn ngữ này hơn, học thấy vào và hiệu quả hơn. Cũng từ đây mình hiểu sẽ chẳng có khái niệm năng khiếu nào cho việc học ngôn ngữ cả (có chăng là với ngôn ngữ lập trình :D)
Nhưng chúng ta là người lớn, chúng ta thông minh – siêu phàm hơn :)) chúng ta biết chọn lọc thứ để học, biết tìm các nguồn thông tin, biết viết và làm những điều sáng tạo để học sao cho vào. Giống như bạn đang đọc hay nghe podcast này để tìm các tips mới để học ngoại ngữ cho hiệu quả trong khi những đứa bé chỉ biết được cái mà người lớn dạy chúng thôi.

Ít nhất một quả cà chua một ngày – phương pháp pomodoro

Một quả cà chua trong phương pháp pomodoro có nghĩa là 25 phút làm việc tăng cường. Chỉ học trong vòng thời gian ngắn sẽ khiến bạn dễ tập trung hơn, học tập hiệu quả hơn. Hơn thế nếu bạn có thể xác định được rằng mình không thể dành dù chỉ một chút thời gian nhỏ nhoi này trong 24 giờ bạn có mỗi ngày để học ngoại ngữ thì có lẽ bạn nên xem lại các ưu tiên trong cuộc sống của mình. Trong khi xem xét, bạn có thể nhận ra hiện tại chưa phải là lúc để học ngoại ngữ, điều này cũng không có gì tệ cả 😀

Có nhiều bằng chứng nhận yêu cầu ghi rõ người nhận bằng đã hoàn thành một số lượng giờ học nhất định, tuỳ theo các loại kiến thức mà thời gian này là khác nhau, ví dụ như để đạt chỉ tiêu intermediate khi học ngoại ngữ, bạn cần chứng minh đã dự đủ 100 giờ học. Luật lệ này đảm bảo người học sẽ không nhảy cóc và tiếp thu đủ kiến thức của bộ môn nào đó. Yêu cầu này cho thấy chúng ta phải mất công học và dành thời gian thì mới đạt được những trình độ tương ứng của môn học đó.

Tuỳ vào mục đích bạn xác định cho việc học mà bạn có thể tới các lớp học và dành vài giờ của một số ngày trong tuần nếu bạn thấy việc sắp xếp thời gian mỗi ngày thật khó khăn và đặc biệt là không thể ép bản thân tự giác được.

Trong vòng 25 phút này hãy sáng tạo các nội dung bài học cho bản thân để tạo hứng thú học tập cho mình và đạt hiệu quả tối ưu cho thời gian mà bạn đã cố gắng sắp xếp này.

The Blue Expat đã gợi ý những cách học trong vòng 25 phút ở tập podcast ‘Học ngoại ngữ với 25 phút mỗi ngày’  bạn vào nghe để tham khảo nhé!

Bình luận

có thể bạn muốn nghe

error: Content is protected !!