The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Vì sao chúng ta nên nói chuyện với người lạ?

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Ngày bé bố mẹ luôn dạy chúng ta là ”không được nói chuyện với người lạ” và rồi chúng ta lớn lên và mặc định trong đầu rằng ‘người lạ’ là người xấu. Nhưng khi lớn lên có những lúc chúng ta bất chợt chia sẻ một điều thầm kín mà thậm chí ta không muốn nói với người thân xung quanh với một người chỉ gặp có vài phút trong đời và cảm thấy thật nhẹ nhõm.
Rồi có những lúc chúng ta chỉ muốn tìm một người lạ, 1 người không biết gì về ta để có thể kể một câu chuyện. Trong một chuyến đi xa chúng ta tình cờ gặp một ai đó cùng trao đổi về sở thích di chuyển, hay có cuộc nói chuyện ngắn với người bản xứ và biết những điều không thể tìm thấy trên tripadviser, những cuộc nói chuyện với người lạ là một phần không thể thiếu và là những điểm nhấn khi nhớ lại kỷ niệm của những chuyến đi.

Trong số podcast này mình chia sẻ những điều thú vị khi chúng ta thử nói chuyện với người lạ và những kinh nghiệm giúp bạn dễ dàng bắt chuyện với người lạ hơn.

2 câu chuyện khi đi du lịch một mình của mình:

2 câu chuyện này là kinh nghiệm của mình và là động lực để mình chia sẻ và khuyến khích các bạn làm 1 điều mà chúng mình không hay làm đó là ‘Nói chuyện với người lạ’.
Câu chuyện về lần đầu ‘qua đêm’ ở nhà người lạ ngay đêm đầu tiên của chuyến du lịch một mình đầu tiên khi sang châu Âu của mình và một cuộc di chuyển 12 giờ liên tiếp khiến mình nhận ra mình sẽ không thể quên hết tiếng Ý – thứ tiếng mình học chủ yếu qua giao tiếp và thực hành, chỉ cần nhốt mình 1 ngày với người Ý thôi là hôm sau vẫn giao tiếp được lại.

Tấm hình chụp tại nhà của ‘người lạ’ mà mình đã qua đêm ở đêm đầu tiên ở Bỉ

Tại sao chúng ta sợ nói chuyện với người lạ?

Khi đi du lịch mình nhận ra rất nhiều bạn trẻ đặc biệt là các bạn người châu Á, hay thu mình lại, khi đi đường hay đặc biệt là trên tàu xe thì chỉ tập trung vào chiếc điện thoại đặc biệt là mấy bạn đi một mình.

Không thể phủ nhận công nghệ đã giúp chúng ta tiếp cận với người lạ dễ dàng hơn và chúng ta cũng không ngại ‘kết nối’ với họ. Tuy nhiên cùng lúc đó chúng ta cũng dùng những thiết bị đó để tránh kết nối với những người ngồi ngay cạnh và khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều điều thú vị mà cuộc sống ngoài thế giới ảo có thể mang lại.

Cũng có nhiều lí do để chúng ta ngại hay thậm chí sợ bắt chuyện với người lạ.
Ngày bé bố mẹ luôn dạy chúng ta là ”không được nói chuyện với người lạ” và rồi chúng ta lớn lên và mặc định trong đầu rằng ‘người lạ’ là người xấu. Khi ta lớn lên họ không cần dặn, chúng ta đã mang ý thức đó trong đầu rồi. Nhưng giờ Người lạ cũng chỉ là tên 1 bài thơ, rồi 1 bài hát và có thể là tên người đó mà bạn lưu trong danh bạ.

Tại sao đôi lúc chúng ta muốn có một người lạ ở bên để ‘tâm sự’?

Trong bài diễn văn trên Ted có tên là ‘why you should talk to strangers’, cô Kio Stark có nói rằng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người thường cảm thấy thoải mái hơn với người lạ để thành thật và cởi mở về bản thân họ hơn so với bạn bè và gia đình họ – rằng họ thường cảm thấy được người lạ hiểu hơn. Cô nêu ra 2 lí do cho phát hiện này, 1 là việc trao đổi với người lạ chẳng để lại hậu quả gì cả, ta tâm sự với người lạ xong rồi bước đi ngay. Sẽ dễ dàng để thật lòng với một người mà mình chỉ gặp có 1 lần đúng ko nào. Thứ 2 là đối với người thân thiết, khi mở lòng với họ trong đầu chúng ta đã có thành kiến rằng họ phải hiểu mình, chúng ta mong rằng họ hiểu để có thể đọc được suy nghĩ của chúng ta.

Vì sao chúng ta nên nói chuyện với người lạ?

– Có thêm những câu chuyện thú vị cho bản thân, đặc biệt là khi đi du lịch 1 mình thì đây là 1 cách rất tốt và với mình là 1 phần không thể thiếu để có thêm những kỷ niệm khó quên gắn với mỗi chuyến đi. Thậm chí những người lạ có thể sẽ tạo cho ta cảm hứng với thứ gì đó mới, có thể đơn giản chỉ là gợi ý về một quán ăn nên thử từ 1 người bản địa hay cả một câu chuyện to lớn nào đó.
– Một người từ 1 nền văn hoá khác chính là sứ giả của một thế giới hoàn toàn khác mà chúng ta được gặp, và chính ta cũng đóng vai trò là người quảng bá về đất nước và con người Việt Nam tới thế giới. Nhờ nói chuyện với nhiều người nước ngoài đặc biệt là người già mà mình có thể cho họ biết rằng Việt Nam giờ rất hiện đại và văn minh hơn chứ không phải là một đống tro tàn sau chiến tranh, thậm chí khi mới sang Ý mình mới biết rằng có nhiều người còn nghĩ nước chúng ta vẫn còn chia cắt Bắc Nam.
– Chúng ta cũng sẽ được giới thiệu những điều mới từ người lạ, có cơ hội nói chuyện với những người ở những nước khác và biết qua về nơi họ đến để 1 ngày nếu gặp người lạ khác đến từ cùng quốc gia đó, ta có thứ để bắt chuyện, hoặc khi đi thăm quốc gia của họ sau này ta cũng biết trước chút ít rồi.
– Học cách phá băng: break the ice: thuật ngữ trong tiếng Anh nói về việc chúng ta bắt đầu 1 câu chuyện. Phát triển kỹ năng giao tiếp vì khi bắt chuyện với người lạ chúng ta không biết họ là người như thế nào, chuyên môn của họ là gì và rất có thể chúng ta sẽ có dịp nói chuyện với những người ở những thế giới hoàn toàn khác với những mối quan hệ xã hội mà chúng ta có.
– Open-minded: trở nên cởi mở hơn. Sau nhiều năm Mình hiểu nghĩa của từ open-minded này không chỉ là mở rộng hiểu biết của chúng ta thêm theo bề ngang. Một người có thể biết nhiều thứ nhưng chưa chắc đã là người open-minded. Khi bạn thực sự cởi mở, bạn sẽ học cách không phán xét. Khi ta nói chuyện với một người lạ, chúng ta không phán xét câu chuyện của họ, khi ta tới một nền văn hoá khác, ta không mang cái tiêu chuẩn và đánh giá dựa trên nền tảng sẵn có, những hệ giá trị mà ta đã biết. Sau đó là học cách chấp nhận mà ở đây là chấp nhận sự khác biết, chấp nhận sự đa dạng.  

Làm sao để bắt chuyện với người lạ?

– Thử và thử và thử, không ai biết bạn sẽ gặp người như thế nào trên đường và ngày hôm đó là ngày may hay xui của bạn, tâm trạng bạn ra sao cũng là một yếu tố chính vì thế mà không có một công thức hay các bước cụ thể để có một cuộc hội thoại tuyệt vời với bất kỳ người lạ nào. Chính vì thế mà bạn cứ thử thôi rồi biết bạn sẽ dần quen với việc đó và hiểu bạn thích nói chuyện như thế nào.
– Tuy nhiên cũng có một vài lưu ý để cho khả năng bắt chuyện được với người lạ cao hơn trước tiên đó là ngôn ngữ cơ thể.  
– Và dù bạn thử rồi hay chưa, dù bạn đã có những mẩu chuyện đáng nhớ với người lạ nào đó thì cũng đừng bao giờ đặt nặng kết quả ra sao. Sẽ có những lúc chúng ta bị từ chối, đơn giản có thể chỉ vì người mà ta bắt chuyện đang có điều cần suy nghĩ hay tâm trạng họ không tốt, hoặc họ vẫn e ngại nói chuyện với người lạ.
– Nếu bắt chuyện xong rồi bạn nhận ra bạn thà ngồi một mình không nói chuyện nữa thì sao? Câu trả lời là nếu bạn đã có bản lĩnh bắt chuyện trước và hiểu rằng không có sự ràng buộc nào với 1 người lạ thì bạn cũng sẽ có bản lĩnh để nói xin lỗi và đi ra chỗ khác hoặc nói thẳng tôi không muốn nói về chủ đề này. Giả sử bạn chủ động bắt chuyện với người ngồi cạnh khi ngồi trên tàu nhưng rồi đi 1 đoạn bạn thấy câu chuyện đi theo hướng hơi có phần nhàm chán, bạn nghĩ thà ngủ một giấc còn hơn, thì cứ thẳng thắn nói là tôi buồn ngủ quá và nhắm mắt ngủ, thế thôi.

Tấm hình chụp với những người bạn mới lần đầu gặp khi thăm làng hoa Lavender ở Pháp

CHÚ Ý!!! 2 lưu ý quan trọng khi bạn muốn bắt chuyện với người lạ

  1. Hãy chỉ chủ động bắt chuyện với người lạ khi ở nơi công cộng và hãy chỉ ở nơi công cộng thôi.
  2. Tránh những chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, phải thật chú ý khi tranh cãi về những chủ đề này vì rất có thể dẫn tới xung đột quan niệm rồi dẫn tới cãi vã hay bị gây sự hành hung.

Đừng bỏ lỡ những kỷ niệm thú vị và bạo dạn bắt chuyện với người ở kế bên nhé! Chúc các bạn sẽ có những trải nghiệm lý thú, đừng quên chia sẻ ý kiến và câu chuyện của bạn với TBE trong phần bình luận ở dưới nha! Cheers.

Nghe bài diễn thuyết “Why you should talk to stranger” trên link này 

Bình luận

error: Content is protected !!