The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Hành trình tới Mysore Astangha Yoga cùng Linh Ngân

Hành trình trở thành người tốt hơn với Yoga cùng Linh Ngân the blue expat podcast

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Bùi Linh Ngân là một photographer trẻ đã từng khá thành công ở Hà Nội. Dù cô đang có một công việc ổn định và những chuyến du lịch hấp dẫn trên dải đất hình chữ S, mang lại cho cô những bức ảnh tuyệt đẹp nhiều người biết đến, cô lên đường du học theo mong muốn của mình từ khi còn đi học.
Sau 1,5 năm hoàn thành khoá Master ở Hà Lan, cô ở lại và làm việc cho hãng điện tử Phillips. 2,5 năm trở lại đây Linh Ngân bắt đầu tập Yoga qua youtube đơn giản như một cách tập thể dục cho người bận rộn có quá ít thời gian ra phòng gym. Nhưng rồi sau đó, khi tìm thấy bộ môn Ashtanga Yoga, cô trở nên đam mê Yoga và quyết tâm theo đuổi Yoga.
Cô từ bỏ sự thoải mái của việc tập tại nhà mà tìm tới các phòng tập để được đào tạo bài bản, chăm chỉ tập Yoga ngay cả khi công việc luôn phải di chuyển tới nhiều nước trên thế giới và còn nhiều câu chuyện khác nữa. Ngoài ra cô cũng chia sẻ câu chuyện được gặp gỡ và tham dự workshop của Yogi nổi tiếng Kino Macgregor: người truyền cảm hứng cho cô trong cả Yoga và cuộc sống.

Tôi biết đến Linh Ngân khi cô ấy còn đang làm việc tại Hà Nội tại một câu lạc bộ học nhảy Salsa. Trong mắt tôi cô ấy là một người rất dễ chịu và hiểu biết, dù sau này không có điều kiện gặp mặt vì cô ấy đã đi du học nhưng tôi vẫn theo dõi và trông chờ được xem những tấm ảnh của photographer Linh Ngân.
Khoảng 1 năm trở lại đây cô ấy khiến tôi bất ngờ vô cùng với những tấm hình chụp ‘Ngân does Yoga’ super siêu! Cũng phải nói lúc đó tôi cũng đang tập Yoga theo youtube và như một sở thích của bất cứ dân tập môn thể thao nào là xem ảnh hay hướng dẫn của những người tập môn thể thao đó.
Rồi đến gần đây, khi chị chia sẻ thư mời học của trường dạy Yoga tại Ấn Độ tôi quyết tâm phải mời cô ấy đến với TBE podcast và chia sẻ với mọi người câu chuyện tập yoga của cô ấy. Kết quả là sau cuộc trò chuyện với cô ấy tôi đã gom được kha khá những kiến thức thực tế về việc học Yoga mà hôm nay rất vui được chia sẻ với các bạn.

TBE: Chào chị Linh Ngân, rất vui hôm nay có chị đến với TBE podcast. Lời đầu tiên xin cảm ơn chị và chị có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Linh Ngân: Hi, chào Phượng rất vui được tới với The Blue Expat, chị sang Hà Lan được 6 năm rồi và sau khi học Master xong thì hiện tại chị đang làm Global Project Manager cho hãng điện tử Phillips.

TBE: Hôm nay em mời chị đến đây để chia sẻ về việc tập Yoga, chị có thể chia sẻ một chút rằng chị bắt đầu tập yoga từ khi nào và làm cách nào mà chị tìm đến với Yoga?

Linh Ngân: Chị tập Yoga được khoảng 2,5 năm. Trước Yoga chị đã thử nhiều bộ môn thể dục thể thao khác nhau như nhảy, chạy, tập gym. Cuối cùng chị chọn Yoga vì lí do rất đơn giản là bận quá và ra phòng gym mất nhiều thời gian nên là quyết định tự tập theo youtube vì mình không cần phải đi xa, mình chỉ việc ở nhà và một cái thảm Yoga là có thể tập được. Sau khi tập Yoga chị thấy nó mang lại nhiều lợi ích đặc biệt là sức khoẻ và tinh thần sảng khoái nên chị quyết định gắn bó lâu dài với Yoga. Và sau khi quyết định gắn bó thì chị quyết định phát triển lên practice (việc tập luyện) của mình nên chị đã ra studio để học.

TBE: Em biết đến Yoga trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, dù trước đó em biết đến Yoga nhưng lại nghĩ Yoga dành cho người lớn tuổi và để thiền. Em bắt đầu tìm đến Yoga như bài stretching (giãn cơ) sau khi tập work-out và những bài yoga for neck pain (yoga cho phần cổ bị đau) khi phải ngồi máy tính quá nhiều. Vậy vì sao chị biết đến và bắt đầu tập yoga?

Linh Ngân: chị cũng từng nghĩ giống em đấy, chị cũng từng bị có cái suy nghĩ là yoga là môn thể dục thư giãn bởi vì hồi xưa ở Việt Nam, Yoga thường bị đi kèm với môn thể dục dưỡng sinh cho các cụ già. Khi chị tập theo Youtube, lúc đầu chị cũng thử rất nhiều loại, có loại relax và rất chậm. Nhưng đến khi chị tìm đến một loại Yoga là một dạng power Yoga rất năng động và đòi hỏi cần phải dùng đến thể lực. Tập theo bài tập đó mồ hôi ra nhiều hơn cả khi tập gym hay chạy, nên sau khi tập xong chị cảm thấy rất sảng khoái và cảm thấy nó rất tốt cho các cơ bắp và thể lực của mình nên chị đã quyết định theo trường phái Yoga này.

TBE: Nói qua cho những người chưa hiểu hết về yoga, chị có thể nói qua có bao nhiêu trường phải yoga và trường phái chị đang theo đuổi tên là gì và nó như thế nào?

Linh Ngân: (cười) thật ra thì có rất nhiều trường phái. Trường phái chị đang theo đuổi có tên là Ashtanga. Điểm nổi bật của Ashtanga đó là phong cách tập Mysore*. Nó rất kỷ luật và truyền thống so với các dòng Yoga khác. Các dòng Yoga khác là những biến tướng rất nhiều của Yoga truyền thống của Ấn Độ. Chẳng hạn khi em tập em có nhạc và dụng cụ, thực ra đó là những cái thêm vào khi Yoga phát triển theo phương Tây. Và loại mà chị đang theo đuổi nó mang kỷ luật rất chặt, không nhạc, không dụng cụ và không tập đại trà tất cả mọi người trong cùng một lớp tập cùng một bài. Khi chị đến phòng tập mọi người sẽ bắt đầu theo từng mức độ của mình và giáo viên sẽ chỉnh cho từng người. Giống như một half private class (lớp nhóm chung nhưng có thầy hướng dẫn riêng), nó không như trong phòng gym mình thấy mọi người cùng tập cùng một bài. Điều đặc biệt chị thích với bài Ashtanga này là sự gần gũi giữa giáo viên và từng học sinh và giáo viên phải thực sự cần phải hiểu từng học viên của  mình như thế nào, có ai bị trấn thương hay không và người lớn tuổi thì cũng không thể ép người ta tập quá mạnh được.

TBE: Nghiã là trong vòng 2,5 năm chị tập Yoga thì có một thời gian chị tập theo youtube rồi mới tới phòng tập. Khi tập theo Youtube chị đã bắt đầu theo Ashtanga rồi hay là cả những trường phái khác nữa?

Linh Ngân: Không, lúc tập Youtube thì mỗi ngày chị tập theo một video khác nhau. Và đến một hôm chị tìm thấy một video có tên ‘Introduction to Ashtanga’ (nhập môn Ashtanga). Chị nghĩ Introduction thì chắc cũng dễ và tập xong thì hôm sau đau nhưng rất … thích! Và những video tiếp theo chị chỉ tập Ashtanga và khi tìm studio chị cũng chỉ tìm những nơi dạy Ashtanga. Và những Youtuber mà chị theo dõi sau khi tìm hiểu chị biết rằng họ đều bắt đầu từ Ashtanga cả. Ví dụ như Kino là một Ashtanga practitioner (người tập Ashtanga) rất nổi tiếng. Có nhiều người dạy họ nổi tiếng trong giới Ashtanga nhưng Kino là một người nổi tiếng trong cả giới Yoga, nói chung những ai tập Yoga thì sẽ đều biết qua Kino.

TBE: Em là người tập theo Youtube và có nhiều video em không thể theo được dù youtube thì tiện vì mình có thể tập bất cứ lúc nào. Chị có thể nói với chị thì tập theo youtube có những ưu nhược điểm gì?

Linh Ngân: Chị nghĩ Youtube là một kho kiến thức tuyệt vời và nó phù hợp là ai cũng có thể tiếp cần được và nó đưa cho em một khoảng không để biết được trường phái nào hợp với mình không chỉ là Yoga mà cả các môn thể thao khác. Nhưng chị nghĩ sau một thời gian nếu mình thích thì mình nên đầu tư hơn, ra phòng tập có giáo viên hoặc những studio có tiếng và lâu năm một chút. Vì khi em tập ở Studio nếu em tập sai em sẽ được chỉnh và có áp lực khi tập hơn để mình theo và đi đều hơn.

TBE: Nếu tập những động tác khó theo Youtube sẽ dễ bị chấn thương hơn, vậy có lẽ việc đến các studio thì sẽ tránh được chấn thương hơn

Linh Ngân: Chị cũng nghĩ thế! Và ở Youtube thì giáo viên giỏi rồi nên họ làm rất nhanh, và khi ra phòng tập họ sẽ hướng dẫn em cụ thể hơn, bài bản hơn và mình cũng đỡ sợ hơn. Một khi em không sợ nữa em sẽ khám phá được những động tác advance (nâng cao).

TBE: Em thấy ở Việt Nam có đợt mọi người truyền tay nhau thông tin về việc tập yoga thì bị vẹo cột sống cho dù tập theo giáo viên tại phòng tập và họ nói rằng Yoga không dành cho tất cả mọi người, chị nghĩ sao về điều đấy?

Linh Ngân: (cười) Thật ra chị cũng nghe mọi người truyền tai như vậy nhưng tất cả chỉ là truyền tai. Bên đây chị có đọc những bài báo người ta nói Yoga dùng để chữa vẹo sống lưng. Các therapist người ta cũng dùng Yoga để chỉnh dáng người. Bản thân chị cũng từng có dáng gù lưng do ở Việt Nam mình hay đi xe máy, rồi học nhiều, rồi ngồi máy tính khi đi làm nên dáng người lúc nào cũng gù gù. Nhưng sau khi tập Yoga một thời gian chị thấy khác hẳn, lưng thẳng hơn và không bị mỏi khi phải đứng thẳng một thời gian, cảm thấy tác phong của mình tốt hơn hẳn hồi xưa. Nên chị không tin tập Yoga làm vẹo sống lưng mà là do cách tập sai. Nên chị khuyên mọi người nên chọn giáo viên hoặc cơ sở có tiếng một chút. Vì ở những cơ sở đó giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn và người ta sẽ hiểu người ta nên ép mình ở mức độ nào. Những người có nhiều năm kinh nghiệm sẽ biết được mức độ của mình và không ép mình quá. Còn khi tập với những giáo viên không biết mình, họ ép mình quá thì phải tạo một khoảng cách với giáo viên và nói với họ đừng ép tôi quá, vì tập Yoga là để khoẻ, không phải là để có những chấn thương.

TBE: Em cũng đồng ý với điều đấy, em có một thắc mắc nữa là có nhiều người đến lớp rồi thấy những người tập cùng siêu quá hoặc tập mãi không vào được dáng, như vậy họ sẽ dễ nản chí và nghĩ rằng yoga không dành cho họ, giáo viên ép thì có thể từ chối nhưng nếu có người tự ép mình phải làm được nhưng lại không thể thì họ bỏ cuộc, chị nghĩ như thế nào về điều đấy?

Linh Ngân: Thật ra là suy nghĩ đấy chị nghĩ bất kể ai, bất cứ một môn thể thao nào mọi người có cùng một suy nghĩ như vậy. Họ đến với Yoga vì những tư thế yoga rất đẹp và chị cũng vậy thôi. Nhưng đến khi mình tập chị hiểu mỗi người có một khả năng khác nhau và nếu luôn luôn nhìn vào những cái khả năng của người khác làm được thì em sẽ không tập trung được sự phát triển ở bài tập của bản thân mình. Nhưng cũng rất khó để bảo mọi người đừng nhìn vào người khác vì phải tập 1 thời gian em mới nhận ra có những động tác em làm giỏi hơn người khác nhưng có những động tác người khác làm giỏi hơn em và em phải chấp nhận việc đấy. Và em phải nghĩ Yoga là cho bản thân mình. Cái Yoga chúng ta vẫn nhìn thấy là phần về thể xác thôi nhưng bản chất của nó còn là một spiritual journey (hành trình về tinh thần) nữa. Thế nên khi em nhìn những người tập lâu năm họ sẽ bắt đầu tìm hiểu về thiền, họ ăn chay vì nền tảng cơ bản nhất của Yoga là Ahimsa nghĩa là non-violence: đối xử tử tế với bản thân và tất cả những sinh vật xung quanh mình. Yoga hơi giống với đạo Phật. Khi tìm hiểu lâu ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn những nhu cầu thể xác khác như có những người tập một thế mà mất đến 5-7 năm nên nếu họ chỉ chăm chăm vào làm được điều đó họ sẽ quên hết những ý nghĩa tốt đẹp khác của Yoga là tập trung hơn, có nhiều năng lượng hơn và trở thành một con người tốt hơn.

Yoga không chỉ là những pose đẹp mà là spiritual journey của mỗi người

TBE: Em có nghe nói nhiều người nói rằng tập yoga thôi chưa đủ mà còn cần đọc sách nữa. Tập yoga không phải chỉ là thực hiện những tư thế rất đẹp của yoga mà còn là một hành trình tìm hiểu bản thân mình nữa. Em phải công nhận rằng với 2,5 năm biết đến và bắt đầu tập yoga thì chị thật là… siêu, hihi

Linh Ngân: (cười) cũng vì dòng chị theo tập nó cũng khá kỷ luật. Chị đã suy nghĩ rất nhiều để tập môn đó. Hiện giờ chị đã ăn chay, tập 6 buổi 1 tuần, từ 5:30 sáng chị tới phòng tập 2 tiếng rồi đi làm. Môn chị tập yêu cầu một kỷ luật kiểu ‘quân đội’ nên chị cũng tiến triển được nhanh. Giống như tất cả những môn thể thao khác, nếu tập nhiều chúng ta cũng phát triển nhanh thôi. Những thầy Yogi nổi tiếng họ cũng dành rất nhiều thời gian tập và tìm hiểu. Chị thích Yoga vì chị từng là một đứa con gái rất kém môn thể dục nhưng nhờ Yoga chị nhận ra không phải mình không có khả năng mà là sự đầu tư và tập luyện thì mình đều đạt được hết. Nó không chỉ giúp chị về mặt sức khoẻ mà cũng làm tăng sự tự tin về tinh thần rằng cái gì mình cũng đạt được hết nếu mình đầu tư thời gian và công sức.

TBE: Nếu giờ nhìn ảnh Yoga của chị sẽ không thể nghĩ được rằng chị từng là người yếu môn thể dục cả

Linh Ngân: Chính bản thân chị cũng không ngờ điều đấy. Nên chị rất vui và tự tin hơn rất nhiều, nó làm cho không chỉ ở việc tập Yoga mà nó còn lan toả ra những việc khác khiến mình cảm thấy mình là một con người tốt hơn.

TBE: Lúc chị nói về việc đầu tư em phải công nhận sự đầu tư của chị rất là lớn, chị từng tập Yoga ở nhiều nơi khác trên thế giới và sắp tới chị còn sang Ấn Độ, cái nôi của Yoga để tập nữa. Chị có thể chia sẻ về khoá học sắp tới ở Ấn Độ của chị và tại sao chị lại chọn đi ở thời điểm này? chị mong chờ điều gì ở khoá học đó?

Linh Ngân: Thực ra cũng vì công việc của chị tạo điều kiện, chị hay phải đi công tác khá lâu và mỗi nơi chị đi chị luôn tìm nơi dạy astanga để tập. Chị đã tập qua ở Thái Lan, Trung Quốc, Singapore và vài nước châu Âu. Những thầy giáo ở mỗi nơi chị đi qua đều có sự ảnh hưởng nhất định tới bài tập của chị khác nhau nhưng tất cả họ đều nói một điều là muốn cảm nhận được Yoga thì nên đến Ấn Độ vì đó là cái nôi của Yoga và khi em đến đấy em sẽ không chỉ tập Yoga mà còn là tìm hiểu văn hoá để hiểu vì sao Yoga lại như thế. Vì chưa đi nên chị chưa biết rõ, nhưng chị nghĩ rằng đã đến lúc chị phải đi vì ai cũng khuyên chị như vậy.

TBE: Khoá học này kéo dài bao lâu ạ?

Linh Ngân: Khoá học kéo dài một tháng và trường chị đi học là trường duy nhất dạy Ashtanga một cách bài bản và được công nhận trên Thế giới. Đây là nơi duy nhất đào tạo giáo viên Ashtanga ví dụ như Kino cũng học từ đó ra và hàng năm đều đến trường đó học.

Trường này rất khó xin vào và chị cũng apply rất nhiều lần mà không được.

Đến đấy sẽ học với thầy cháu của vua  Guruji**  là sư tổ của dòng Ashtanga, là người cha truyền con nối, là principal của dòng Ashtanga đó.

Chị cũng chưa biết sẽ học gì nhưng ai đi học xong cũng nói với chị rằng ‘It’s magic you know and you have to be there’ (Nó thật là kỳ diệu và bạn nên tới đó)

TBE: Em phải chúc mừng chị một lần nữa, với một ngôi trường duy nhất ở Ấn Độ về dòng Ashtanga thì hẳn phải rất khó để đăng ký.

Linh Ngân: cám ơn em.

TBE: Chị nhắc đến Kino Macgregor rất nhiều trong buổi trò chuyện này, chị có thể chia sẻ chị đã biết đến Kino như thế nào? Em còn được biết chị đã có dịp gặp Kino, chị có thể chia sẻ về sự gặp gỡ đó được không?

Linh Ngân: Kino là người truyền cảm hứng tinh thần hàng ngày cho chị. Mới đầu chị chưa biết đến Kino và theo Youtube thì mới biết đến và nghĩ cô ấy chỉ là một Youtuber rất là giỏi. Với cô ấy chị có cảm giác gần gũi hơn vì cô ấy rất đời thường, luôn nói đến bản thân mình như một người có nhiều khiếm khuyết như người thường. Cô ấy tạo cho mình cảm giác rất thân thuộc và khi cô ấy có khoá học ở Amsterdam chị phải đăng ký ngay. Cảm giác rất khó tả vì hàng ngày mình xem Kino và giờ cô ấy ở trước mặt mình với phong thái rất tuyệt vời. Kino rất nghiêm khắc và sẽ push em đến giới hạn chạm ngưỡng của mình, chỉ cần 5’ tập là Kino có thể nhìn thấy điểm mạnh và yếu của mình, chị đã học với nhiều giáo viên nổi tiếng nhưng chưa gặp ai như Kino. Có những động tác chị làm được trong 8 ngày học với Kino nhưng sau đó thì không làm được nữa. Đặc biệt là cuối khoá học Kino dành ra 5-10’ chia sẻ với từng học viên về điểm mạnh và yếu của mỗi người, không chỉ việc tập mà còn cả những khía cạnh tinh thần khác. Ngoài ra Kino cũng có một lời khuyên với chị là hãy đi Ấn Độ đi, vì thế mà chị quyết định nộp đơn xin học.

TBE: Về việc tập youtube, sẽ có rất nhiều video tiếng Anh để xem, nhưng với những người không biết tiếng Anh và muốn tập theo ở nhà thì video tiếng Việt rất ít, gần đây chỉ có video do Hồ Ngọc Hà hướng dẫn, vậy chị có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lập 1 youtube về Yoga bằng tiếng Việt cho mọi người không?

Linh Ngân: Thật ra trước giờ chị chưa thấy clip Yoga nào ở Việt Nam ngoài của Hồ Ngọc Hà. Chị cũng mới tập rất ngắn, chưa là gì so với những giáo viên chị đã học, vì không phải là mình tập như thế nào mà còn cần kinh nghiệm và khả năng truyền đạt kiến thức một cách an toàn cho người tập nữa. Chị cũng rất thích podcast của em và được truyền cảm hứng rất là nhiều chị nghĩ có lẽ trong tương lai chị có thể làm một cái blog hay 1 cái social media platform (kênh truyền thông xã hội) nào để chia sẻ với mọi người. Trước giờ chị cũng chưa từng nghĩ đến việc dạy, chị tập Yoga như một khoảng không chị dành cho bản thân mỗi ngày thôi và chị cũng rất yêu thích công việc của mình nữa.

TBE: Em nghĩ blog rất hay vì mọi người sẽ được chị chia sẻ và truyền cảm hứng

Linh Ngân: Chị nghĩ nếu mình yêu cái gì mình có thể chia sẻ với người khác.

TBE: Cảm ơn chị đã đến với TBE podcast. Chúc mừng năm mới chị!

Linh Ngân: Cảm ơn em rất nhiều và Blue expat, hi vọng có dịp được nói chuyện với mọi người một lần nữa. Chúc mừng năm mới!

*Phong cách tập Mysore trong yoga asana là một cách dạy yoga điển hình bởi người sáng lập ra dòng Ashtanga Yoga Ngài Sri K. Pattabhi Jois ở phía Nam thành phố Mysore, Ấn Độ. Khác với những cách dạy hiện đại thông thường, lớp học theo phong cách Mysore không được dạy theo cách đại trà mà là hướng dẫn 1 thầy với từng trò trong cả nhóm. Học viên tự tập theo khả năng của mình, giáo viên giúp đỡ từng cá nhân học viên bằng cách đưa ra chỉ dẫn và chỉnh tư thế.

**Sri K. Pattabhi Jois (Guruji): là người sáng lập ra dòng Yoga Ashtanga.

Bình luận

error: Content is protected !!