The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

Cảm giác thụt lùi – Phần 1: Thời gian "rảnh" có ý nghĩa

Kể từ cuối năm 2015, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ tôi sống khá tự do, được làm chủ mọi sinh hoạt và thời gian của mình. Nhìn dưới mắt một vận động viên chạy, có lẽ tôi đang ở giữa đường đua, không quá dồn sức và có thời gian ngắm nhìn những thứ xung quanh hơn. Điều to tát nhất tôi làm trong một năm đó là lập gia đình và giờ thì cũng ổn định hơn, không phải lo những thứ trời ơi như giấy tờ cư trú. Một năm đó trải qua vừa dài vừa nhanh, trên hết tôi gọi đó là khoảng thời gian “rảnh” có ý nghĩa.
Tôi thử học những thứ tôi chưa từng nghĩ mình có thể làm đó là học viết code, học làm website. Đúng là nhờ học mà tôi biết mình không hợp với công việc đó! Tôi hoàn toàn có thể học và viết code được nhưng để giữ chân tôi ngồi căng mắt với màn hình cả ngày trời thì không thể, tôi hoàn toàn không thấy mình trong bức tranh của một coder.
Tôi đi du lịch chậm. Cụ thể là tôi dành 1 tháng ở Thái Lan, chủ yếu là ở Chiang Mai và 20 ngày lang thang ở Myanmar. Nói qua một chút về 2 lựa chọn này. Trước khi đi du học tôi mới đi làm rồi sau đó chuẩn bị du học nên cũng mới chỉ thăm thú được một số thành phố ở Việt Nam. Tôi có thể tưởng tượng được nếu không đi du học, tôi đã lang thang ở Việt Nam và những nước châu Á không mất visa. Việc du lịch ngày càng phát triển và tốt nghiệp đại học giải phóng tôi khỏi những trách nhiệm và kèm cặp của gia đình chắc chắn sẽ là động lực để tôi thoả mãn đôi chân của mình. Sau 3 năm sống ở châu Âu và hoàn thành danh sách những nơi muốn đến trong thời gian du học của mình, điểm đến tiếp theo của tôi là những nước châu Á! Tôi nghĩ những nơi này không đắt đỏ nên sẽ không tốn kém. Chiang Mai gắn với kỷ niệm người Thái Lan đầu tiên tôi nói chuyện cùng. Lúc đó là lần đầu tôi đi làm tình nguyện viên, tôi làm cho Asian Indoor Games Việt Nam 2009 và phục vụ cho đoàn Olympic Thái Lan. Tôi có nói chuyện với một bác trong đoàn, người rất hiền lành và rất đời. Bác ngồi uống rượu một mình trong khi những thành viên khác đang ở trong phòng bàn xôn xao về những thứ họ mua sắm được trong ngày. Câu chuyện xoay quanh những thác nước và thiên nhiên ở Chiang Mai, nơi bác í sống. Câu chuyện loay hoay thế nào mà bác kể về gia đình bác, về người con trai bị mất trong tai nạn ô tô. Tôi vẫn nhớ bác kể về con trai, rồi tôi hỏi về người đó giờ làm gì, bác bảo “Nó chết rồi, một tai nạn xe hơi đã lấy nó đi”. Bác nói với một nụ cười mà tôi không thể định nghĩa được. Khi con người ta nhắc đến một người đã mất như thể người đó vẫn tồn tại, rồi kể về sự mất mát mà giọng nói không run lên, chỉ một tiếng thở dài khe khẽ, chắc họ đã phải đối mặt với nỗi đau đấy quá nhiều. Tôi nghĩ đó là lí do vì sao bác ngồi uống một mình, bác cũng nói bác uống mỗi ngày và chỉ uống một mình. Một khoảng lặng đến và in sâu hình ảnh của con người bình dị, sinh ra ở nơi có những thác nước và thiên nhiên tươi đẹp trong tôi. Sau này vì mê đọc những blog du lịch và có phần mê mẩn câu chuyện của những digital nomad mà tôi đọc về Chiang mai nhiều hơn, đây được mệnh danh là “Best Place for digital nomads” nên mong muốn được tới đây của năm 2009 lại càng lớn. Về Myanmar, nhờ có Aung San Suu Kyi, tôi mới tìm hiểu về đất nước này. Người bạn đồng hành của tôi cũng chưa từng nghe tới đất nước Burma này và bị tôi thuyết phục khi nói: ở đấy còn rất thô sơ tôi nghĩ nó giống Hà Nội của 20 năm trước (?! lúc đó tôi cũng chỉ dám áng chừng như vậy) và tôi muốn thăm để rồi 10 năm nữa quay lại xem họ phát triển như thế nào.
Tôi cũng thử đi làm tình nguyện viên sau khi đã nhiều năm rồi tôi không hứng thú với việc đó. Tôi tới Berlin và làm cho TOA conference trong 3 ngày. Phần vì tôi muốn hít hà chút không khí start-up vì tôi cũng muốn nhen nhóm làm gì đó của riêng mình, phần vì cũng có một chút ti toe đọc về công nghệ, phần nữa là muốn xem các bạn Đức làm event như thế nào. Đây là một kỷ niệm khá thú vị nhưng không giúp tôi học thêm nhiều thứ, tuy nhiên điều đó không thành vấn đề vì tôi tham gia với một tâm thế khá thoải mái, không hy vọng gì nhiều ngoài việc được nghe những người mà tôi chỉ biết qua sản phẩm của họ như Casper Ziggeo.
Trong vòng 1 năm, thay vì rải đơn xin việc, tôi tìm hiểu những công việc có thể làm độc lập, một kiểu self-employed hơn là freelancer vì muốn đi theo lối sống di chuyển và tự do. Tìm hiểu là một chuyện nhưng thử làm và dám làm lại là chuyện khác. Ý tưởng cuối cùng trụ lại và được thực hiện là podcast The Blue Expat. Tôi nhớ việc làm logo cũng khiến tôi đắn đo cả tuần lễ. Logo màu xanh hiện giờ tôi chỉ mất 20 phút vừa nghĩ ý tưởng và thực thi sau khi tôi chấp nhận xoá hết những file đã làm và bỏ hết những suy nghĩ lúc trước trong đầu. Tôi không biết về thiết kế nhưng hy vọng bạn đón nhận logo của tôi! Nếu ai đã biết đến TBE từ trước tháng 12/2016 sẽ biết web có giao diện khác, đó là giao diện đầu tiên và chúng tôi tự thiết kế. Tôi may mắn có người kề cận bên cạnh là web-developer chuyên làm về wordpress nhưng về thiết kế là do tôi nên web lúc đấy nhìn khá đơn giản, tôi hay gọi là trông ‘nông dân’. Sau đó tôi ghi âm số đầu tiên, tìm khách mời và liên lạc mời họ tham gia. Thành thật mà nói lắm lúc tôi cũng nản lắm! Mất công học và cũng phải chi cho nó khá nhiều, nhưng sự đón nhận không như tôi dự kiến. Có lẽ tôi sai và yếu về việc marketing và cũng chưa chăm lắm, đặc biệt là thời gian đầu tiên bị từ chối, không có khách mời, tôi nản vô cùng. Nhưng sau đó tôi thuyết phục mình đây là ‘trường học’ tiếp theo của tôi, là một chỗ ‘thực tập’, tôi cũng nhắc mình thường xuyên, nếu thứ mình cho đi có ích cho rất nhiều người thì hẵng mong được nhận lại. Làm podcast cũng dạy tôi phải nhạy bén hơn nhưng không được quá nhạy cảm. Biết chọn cái gần với sở thích của người nghe/xem hơn là sở thích khác thường của chính mình nhưng cũng đừng buồn khi có ai đó ‘nhỡ’ đăng trên fb một, hai câu nói của mình hay câu mình quote trên blog mà quên không share web của mình. Nhưng ngoài những chi phí và thời gian thì việc làm podcast cũng mang cho tôi lại nhiều thứ. Tôi đã thôi không hy vọng hão và những thứ đến với tôi cũng là những điều tôi chưa từng nghĩ tới.   
Khi nhìn lại tôi cho rằng mình có một cái kết đẹp đẽ cho thời gian độc thân của con “mèo hoang” trong con người tôi. Nhiều người nói tôi sống với tốc độ con rùa, tôi nghĩ phải có những lúc chậm lại mình mới có thời gian tiến nhanh được. Hiện giờ tôi đang bước gần tới đoạn phải tăng tốc, sự nghỉ ngơi là tốt, tôi có nhiều thời gian cho bản thân, học những điều mới lạ và khám phá những thứ có lẽ tôi đã không bao giờ động đến.
Tôi viết bài này khi xung quanh nhiều bạn bè tôi có cảm giác họ bị chững lại. Tôi nghĩ rằng cảm thấy mình thụt lùi với xã hội, cảm thấy mình dậm chân tại chỗ là cảm giác chung của nhiều người trẻ bây giờ, trong đó có tôi. song song đó là những bài chia sẻ về cuộc đời của JK Rowling và người chủ công thức gà rán KFC Colonel Sanders. Bạn không thấy được trong bài viết tôi nhắc đến cảm giác đó nhưng thực sự đó là suy nghĩ xâm chiếm đầu óc tôi nhiều nhất trong giai đoạn đó. Nhưng vì sao tôi tránh nói về suy nghĩ đấy trong bài này? Tôi sẽ chia sẻ nó trong phần sau của bài viết, mời bạn đón đọc phần tiếp theo trên mục Blog của The Blue Expat podcast nhé!

Bình luận

error: Content is protected !!