The Blue Expat

Pilates instructor, Podcaster, wandering soul

5 nỗi lo điển hình khi chuyển sang nước ngoài sinh sống

5 nỗi lo khi ra nước ngoài sinh sống the blue expat podcast

Nghe Podcast trên nền tảng bạn yêu thích

Khi đứng trước việc chuyển ra nước ngoài sinh sống hay du học hoặc đi làm, hẳn nhiên là không ai tránh khỏi những lo lắng và những nỗi lo này thậm chí có thể dẫn tới nỗi sợ có thể làm thay đổi quyết định của chúng ta về việc thay đổi nơi ở này. Trải qua 3 lần chuyển sang 1 nước khác: lần đầu là du học, sau là theo gia đình và giờ là chuyển vì lí do công việc cùng với việc chứng kiến những người bạn xung quanh, tôi rút ra được 5 nỗi lo sợ điển hình mà nhiều người đều trải qua khi quyết định ra nước ngoài sống.

1. Khả năng kiếm được việc làm

Đây là điều tôi lo nhất trước khi chuyển sang đảo Síp vào tháng 7 vừa rồi. Mối lo này chắc sẽ gần gũi với những người sang đoàn tụ với chồng hay vợ hơn. Nhiều người sang với người thân rồi gặp nhiều rào cản mà khó kiếm được việc làm hơn kỳ vọng mà sang đến nơi ở nhà lâu dễ bị chán nản, trầm cảm.
Chuyện kiếm việc ở châu Âu khá là khó cho người nhập cư tới từ nước thứ 3 như chúng mình. Chúng ta sẽ bị vấp phải rất nhiều những trở ngại: trước hết là giấy tờ, việc lo giấy tờ và thủ tục để có thể đi làm hợp pháp cũng ngốn của bạn 1 khoảng thời gian không ngắn trong khi các nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những người có sẵn giấy tờ để họ không phải mất thời gian lo cho bạn. Tuy nhiên cũng sẽ khác nếu bạn đã xin được việc từ trước khi sang tới nơi ở mới hoặc vị trí bạn làm nằm trong những ngày thuộc dạng thiếu nhân lực thì bạn sẽ được chào đón tốt hơn. Sau giấy tờ thì có thể là ngôn ngữ, kinh nghiệm, v.v…
Nếu như rào cản về ngôn ngữ là một trong những khó khăn tôi gặp phải khi mới tới Dresden thì việc tìm đến đảo Síp đã được tính toán kỹ hơn, đó là ở đây họ nói tiếng Anh và tôi có thể tìm việc nhanh hơn, không cần mất thời gian học tiếng bản địa và quả thực là có sự chuẩn bị từ trước mà chỉ sau 1 tuần sang tới nơi tôi đã có được việc làm.

Lời khuyên của TBE khi bạn gặp phải nỗi lo này đầu tiên là phải thật bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan vì thực sự nếu bạn đã cố rồi mà vẫn gặp khó khăn thì đây là khó khăn chung của nhiều người chứ không chỉ riêng bạn. Thứ 2 là trước khi sang đến nơi ở mới phải tìm hiểu xem ở đấy họ có ngành nào cần nhân lực cao ví dụ như đây là nơi phát triển về du lịch thì nên tìm việc trong ngành này, và cũng đừng tránh những ngành mà mình không biết, bạn có thể tìm cả những start up họ rất cần người dù họ không có khả năng trả cho bạn nhiều nhưng họ sẽ không quá kén chọn nhân lực.
Một điều nữa là nếu như ở mình có Vietnamworks thì ở các nước khác họ cũng có những kênh việc làm riêng mà bạn nên thử hỏi trên các nhóm trên Fb hoặc quora hoặc bạn bè để biết những kênh này.
Ban đầu thì chúng ta cũng không nên quá kén chọn là làm việc ở đâu, ngành gì vì có việc là tốt rồi, nhất là khi ở chỗ mới, nếu bạn không thể gắn bó với nơi đó lâu dài thì họ cũng có thể giúp bạn trong việc mở rộng mối quan hệ và cho bạn kiến thức thực tế về văn hoá, cách làm việc ở đất nước mới.

Thứ 3 là đừng ngại hỏi, rất có thể người hàng xóm hay bạn cùng nhà của bạn hay thậm chí bạn cùng nhà của bạn của bạn có quen ai đó đang cần người làm. Xác suất ta tìm được việc sẽ tăng lên nếu chúng mình biết mở rộng nguồn thông tin của mình. Hồi ở Đức, sau khi hoàn thành được B1 tiếng Đức theo mức độ yêu cầu khi làm giấy tờ, bất kỳ gặp được một người quen nào thậm chí là người thân trong gia đình của chồng tôi là người Đức, tôi cũng nói rằng mình đang tìm việc làm và xin họ lời khuyên, hỏi về công việc của họ, mẹo nhỏ là người Đức rất thích nói chuyện về công việc, đúng chất dân workaholic ấy, dù việc hỏi này chưa giúp được gì cho tôi cả nhưng ít nhất nó cho tôi cảm giác thoải mái vì mình đã thử.

2. Mang bao nhiêu tiền sang là đủ?

Không nói tới người sang nước ngoài với lí do đặc biệt như đầu tư, mua nhà hay mở tiệm, tôi hiểu có nhiều người sang nước ngoài lần đầu đặc biệt là các du học sinh sẽ rất lo lắng về số tiền cần chuẩn bị mang theo khi ra nước ngoài.
Nếu là du học sinh bạn cần mang tiền đủ cho ít nhất là 2 tháng đầu của bạn đề phòng nếu bạn bị một trục trặc nào đó ví dụ như nhận học bổng chậm. Nếu là người sang đi làm thì cũng cần để chuẩn bị cho cuộc sống trước khi lương của bạn đủ ổn và bạn quen với nhịp sinh hoạt và chi tiêu. Số tiền này phải bao gồm: tiền sinh hoạt, giấy tờ và tiền vé máy bay để đề phòng nhỡ có gì xảy ra bạn còn mua được vé quay về chứ.
Với tiền sinh hoạt bạn nên lên các trang fb của cộng đồng người Việt tại nơi đó, nói chung là google trước để biết cần chi tiêu mất bao nhiêu 1 tháng cho tiền ăn, tiền đi lại. Với tiền nhà nếu bạn thuê nhà được trước thì tốt vì bạn biết được phải mang tiền đặt cọc là bao nhiêu, tiền nhà, tiền điện nước, …nhiều người cho thuê nhà họ yêu cầu đóng 2 tháng tiền nhà ngay lúc đầu thì bạn mới được thuê giá rẻ chẳng hạn thì bạn cũng cần có đủ để phòng thân.
Tiền giấy tờ thì bao gồm phí làm thẻ cư trú, phí mua các loại tem, tiền bảo hiểm. Đây là các loại chi tiêu quan trọng và đầu tiên của bạn dù nó chỉ mất công có 1 lần nhưng cũng tốn một khoản kha khá. Trong số những chi tiêu loại này còn có tiền điện thoại, tiền lắp internet,… Mình nghĩ 2 tháng là còn hơi ít nhưng vì lúc mình sang mình cũng chỉ mang đến từng đó thôi mà cũng cố kéo dài được hơn 2 tháng nên cũng không dám đưa con số lớn hơn.

3. Rào cản ngôn ngữ

Bây giờ có rất nhiều chương trình học bằng tiếng Anh ở các nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Nhờ có những chương trình học này mà cánh cửa du học mở ra cho chúng ta nhiều hơn. Ngôn ngữ không chỉ là vấn đề cho du học sinh mà còn là vấn đề của những người như mình sang nước ngoài theo chồng hay mấy bạn self-employed thích sang nước ngoài sống như các bạn Đan Mạch, Đức hay người Anh mình gặp ở đây. Mà cũng chẳng đâu xa ngay ở Việt Nam giờ có nhiều bạn nước ngoài sang đi làm, đi học cũng phải học tiếng Việt để hoà nhập đó thôi.
Về khoản này thì mình rút ra kinh nghiệm là khi chúng ta đi làm giấy tờ cư trú ở nước ngoài, ở đó họ có những thông tin về lớp học tiếng bản địa cho người nhập cư. Hoặc nếu không thấy họ đăng lên bạn có thể hỏi, vì ở những nơi đó có người nói tiếng Anh với bạn và giúp bạn tìm lớp học tiếng của họ.
Nếu bạn đi học thì càng dễ, các trường Đại học thường có lớp dạy tiếng cho sinh viên nước ngoài với giá ưu đãi, còn nếu bạn sang nước ngoài đi làm bạn có thể đề cập mong muốn với công ty họ có thể giúp bạn. Hồi ở Ý mình từng đi học lớp học tiếng Ý ở nhà thờ, họ tổ chức miễn phí cho học sinh người nước ngoài tới học.
Chúng ta không nhất thiết phải nói trôi chảy tiếng bản xứ nhưng ít nhất cũng nên biết một chút sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong cuộc sống.

4. Nỗi sợ thất bại

Nỗi sợ này nó có 2 loại:
– Loại thứ nhất đó là sợ rằng bạn sang đến nơi và không thể trở thành ông nọ bà kia, không thể thành công. Nhiều người vẫn nghĩ sang nước ngoài là sẽ đổi đời. Khi mình về Việt Nam sau khi có anh người yêu và có thể sẽ cưới thì mọi người cảm thấy rất vui là mình sắp được đổi đời, cả gia đình mọi người đều được nhờ. Thật sự mình không biết đổi đời với mình nó như thế nào, chứ lúc đó mình thì đang tung tăng rất vui là sắp lấy được chồng thì được đặt 1 gánh nặng phải thành công, phải có cuộc sống gọi là sao?… trong mơ chăng.
– Loại thứ 2 là sợ rằng mình sang đến nơi và mọi việc không như mong muốn và bạn phải quay về và sẽ bị đánh giá là kẻ thất bại.

Với 2 nỗi sợ mà mình đã từng trải qua và được chứng kiến này mình muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với bạn.

Nỗi sợ thứ nhất: Không đạt được kỳ vọng

Đừng để cho ai quyết định cuộc sống của bạn, đừng để bị áp đặt bạn phải là ông nọ, phải là bà kia. Mỗi người sinh ra có một số phận khác nhau không phải ai sang nước ngoài cũng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mình từng đọc một bài trên báo của Việt Kiều Đức, bài báo nói rằng khi về phép nhiều Việt kiều phải gồng lên, cố tỏ ra rằng họ thành công và điều này thậm chí ngăn cản nhiều người về phép. Họ phải gồng lên vì cái nhìn của người ở nhà, trong khi ở nước ngoài dù thành công hay không, giàu có hay thế nào họ vẫn đang cố gắng và lao động vất vả từng ngày để phục vụ cho cuộc sống của họ.
Mình nghĩ là chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân và cũng đừng để người khác đặt kỳ vọng vào mình. Quan trọng là chúng ta cố gắng từng ngày và luôn là chính mình. Dù thế nào việc bạn sang nước ngoài, thử cuộc sống ở nơi khác đó cũng là một trải nghiệm cho chính bạn. Bạn nên cân nhắc nó theo cách như vậy, đó là trải nghiệm của bạn và bạn chọn cách bạn trải nghiệm nó ra sao.
Dù khó khăn thì nó là những gì cuộc sống mang đến cho bạn và cuộc sống không mang tới cho chúng ta những trải nghiệm giống nhau. Cách mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn đó và học được những bài học hoàn toàn khác nhau bởi vì cách chúng ta ứng xử với những tình huống còn phụ thuộc vào những trải nghiệm trước đó của từng người. Mình nghĩ đó là điều đẹp đẽ trong cuộc sống này, mỗi người như một cuốn sách và chúng ta có những câu chuyện hoàn toàn khác.

Nỗi sợ bị đánh giá là kẻ thất bại nên không dám quay trở về

Một vài người bạn sang Ý học cùng mình chọn bỏ ngang việc học và quay về chứ không ở lại học tới ngày lấy bằng. Có thể là vì kỳ vọng ban đầu của họ cao hơn thực tế. Bởi vì đó là lí do khiến mình cũng từng muốn bỏ.
Trước khi đi du học mình cũng có công việc ổn định, cuộc sống rất tốt và mấy tháng đầu sang du học mình cũng bị trục trặc về học bổng và có nhiều điều không như ý. Mình cũng đã tính hay chuyển đi nơi khác nhưng như vậy sẽ lại tốn thêm ít nhất nửa năm nữa. Lúc đấy mình mới nhớ lại mục đích ban đầu của việc du học này là gì và coi những khó khăn lúc đó là thử thách và cố đi hết đoạn đường còn lại.
Nếu trường hợp của bạn không giống mình, rằng bạn sang đến nơi và thấy việc đi học hay đi làm hay gì đó không phù hợp với dự định của bạn, không giống như kỳ vọng ban đầu của bạn và bạn muốn quay lại thì hãy tận dụng visa, đi du lịch, xem những thứ bạn muốn xem, cho dù thời gian ngắn nhưng bạn hãy trải nghiệm hết sức có thể trước khi quay về.
Mình nghĩ bạn chắc chắn trở về với tư thế ngẩng cao đầu. Vì có bao nhiêu người có thể làm như bạn? Trong số những người bạn của bạn mình- người về Việt Nam sau khi bỏ học giữa chừng ở Ý đã dám bước ra nước ngoài, đã dám bỏ lại tất cả và chuẩn bị rất nhiều thứ cho việc đi tới nơi hoàn toàn xa lạ. Nhiều người đi làm, kiếm tiền mà chưa biết bao giờ mới được đi châu Âu du lịch. Thì bạn đã làm được rồi, bạn thậm chí còn làm xong việc đó khi bạn còn trẻ, còn đẹp, trước khi bạn bước chân vào cuộc chinh chiến công ăn việc làm, gia đình này kia.
Thêm một điều nữa mình rất khâm phục ở những người dám quyết định như vậy vì họ hiểu rõ bản thân họ ra sao, họ muốn gì mới dám quyết định như vậy. Mình nghĩ để quyết định bỏ dở giữa chừng khi đã đặt chân ra nước ngoài rồi nó khó hơn là quyết định đi du học nữa kìa.

Một điều mình nhận ra đó là khi ta càng khắt khe với chính mình, càng quan tâm tới cái nhìn của người khác, ta lại càng do dự, sẽ càng bị thiếu sự minh mẫn khi đưa ra quyết định, chính vì thế khi cần phải quyết định điều gì đó mình càng nên thả lỏng.

5. Nỗi lo về cảm giác cô đơn và nỗi nhớ nhà

Với nỗi lo này thì mình chỉ có một lời khuyên duy nhất là: Thay đổi cách nghĩ!

Hãy nghĩ rằng Việc ra nước ngoài và nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè, nhớ đồ ăn là hiển nhiên, và thấy rằng mình đã có nhiều thứ để nhớ về để trân trọng.
Có một câu nói của Nhà văn Phan Việt mình tìm được vào tuổi 25: “Cô Đơn ơi, tên của mi có nghĩa là Nghị Lực” . Mình rất tâm đắc với bài viết và suy nghĩ này của nhà văn Phan Việt và nhờ nó mình thấy nỗi cô đơn nó không còn tiêu cực nữa.
Mình luôn nghĩ nỗi buồn và nhớ nhà là nên có. Vì nó mang cho chúng ta những cảm xúc đáng trân trọng, dù là cảm xúc buồn nhưng nó sẽ nhắc cho chúng ta trân trọng những thứ ta có.
Rồi tới nỗi sợ bị lỡ những ngày lễ tết, những dịp đặc biệt, fomo vì theo dõi những sự kiện trên facebook. Bạn thử nghĩ xem bạn ra nước ngoài, bạn được dự lễ tết của người ta và rất nhiều thứ khác mà bạn sẽ không có được nếu ở nhà. Vậy thì cứ tận hưởng những gì bạn được nhận để thấy cuộc sống của bạn nó thú vị, để những người, những thứ mà bạn nhớ ở Việt Nam sẽ thấy tự hào vì bạn nhớ đến họ nhưng bạn vẫn có thể tự lo và vui vẻ dù không có họ ở bên.
Thêm nữa là internet cũng giúp cho khoảng cách ngắn lại nên mình tin là rồi các bạn cũng sẽ tìm được cách để thấy vơi đi nỗi lo này thôi. Mình cũng làm một tập về hội chứng fomo này: Đừng bỏ rơi hạnh phúc hiện tại bằng hội chứng sợ bị bỏ lỡ FOMO

Đó là 5 nỗi lo điển hình mà tôi tổng hợp được qua trải nghiệm của bản thân và của những người bạn là expats. Vậy còn bạn thì sao? Bạn có thấy đồng cảm hoặc còn điều gì muốn bổ sung cho podcast lần này? Hãy cho tôi và các bạn nghe podcast khác biết chia sẻ của bạn qua phần comment phía dưới nhé!

Photo by Morre Christophe on Unsplash

Bình luận

error: Content is protected !!